2. Bám Lấy Đức Chúa Trời
Linh hồn tôi đeo theo Chúa; tay hữu Chúa nâng đỡ tôi
– Thi thiên 63:8
Thần học Cơ Đốc dạy tín lý về sự nhân từ có trước, có nghĩa là trước khi con người có thể tìm thấy Đức Chúa Trời, chính mình Ngài đã tìm kiếm họ. Trước khi một con người tội lỗi có được một suy nghĩ đúng đắn về Đức Chúa Trời, công việc của sự khai sáng phải được thực hiện trong lòng người đó. Dẫu nó chưa hoàn tất, thì nó cũng là một công việc thật sự, và là nguyên nhân sâu xa của sự khao khát, tìm kiếm và cầu xin đến sau.
Chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời vì, và chỉ vì, trước đó Ngài đã đặt trong lòng chúng ta một sự thúc giục mạnh mẽ đưa chúng ta đến chỗ phải tìm kiếm Ngài. Chúa phán, “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” (Giăng 6:44), và cũng chính bởi sự lôi kéo từ trước này, Đức Chúa Trời đã cất đi khỏi chúng ta mọi dấu tích về món nợ chúng ta đang mang để Ngài có thể đến với chính chúng ta. Sự thôi thúc tìm cầu Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ chính Đức Chúa Trời, nhưng phần việc còn lại của sự thúc giục đó chính là: Chúng ta phải đeo theo Ngài. Trọn thời gian chúng ta tìm kiếm Ngài, chúng ta đã ở trong tay Ngài rồi: “Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi.”
Giữa sự “nâng đỡ” thánh và sự “đeo đuổi” của con người không có gì mâu thuẫn nhau cả. Tất cả đều thuộc về Đức Chúa Trời, cũng như Von Hugel đã dạy, Đức Chúa Trời luôn luôn ở phía trước. Tuy nhiên trong thực tế (tức là khi công việc Đức Chúa Trời đã làm trong quá khứ gặp sự đáp ứng của con người trong hiện tại), con người phải tìm cầu Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta, chúng ta phải có một sự hồi đáp tích cực nếu muốn sự lôi kéo bí mật này của Đức Chúa Trời đưa chúng ta đến những kinh nghiệm cá nhân với Ngài. Những lời lẽ ấm áp của cảm nhận riêng tư được thể hiện trong Thi thiên 42:1, 2: “Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa, như con nai cái thèm khát khe nước, linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống; tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?” Đây là lời kêu gọi sâu thẳm trong đáy lòng, và một tấm lòng khao khát, khao khát thật sự sẽ thấu hiểu nó.
Giáo điều cứu rỗi bởi đức tin, một chân lý Thánh Kinh, một sự giải thoát khỏi luật pháp và sự tự nỗ lực vô bổ, trong thời đại của chúng ta đã bị nhiều người diễn dịch theo cách chia cắt con người khỏi sự nhận biết Đức Chúa Trời. Tiến trình cải đạo đã được thực hiện cách máy móc và không có chút sinh khí nào cả. Ngày nay đức tin có thể bị thử thách mà không có một tác động nào đến đời sống đạo đức, không một chút tác động nào đến cái tôi A-đam. Đấng Christ có thể được “tiếp nhận” mà không có bất cứ một tình yêu đặc biệt nào dành riêng cho Ngài trong tâm hồn của người tiếp nhận. Người đó được “cứu”, nhưng họ không có một chút khao khát nào nơi Đức Chúa Trời cả. Trên thực tế, người đó được dạy phải thỏa lòng và thỏa lòng với những hiểu biết ít ỏi về Đức Chúa Trời.
Các khoa học gia đương đại đã đánh mất Đức Chúa Trời ngay trong chính những kỳ quan mà Ngài tạo dựng nên; Cơ Đốc nhân chúng ta đang thực sự gặp nguy hiểm khi đánh mất Đức Chúa Trời ngay trong chính những điều kỳ diệu của Lời Ngài. Hầu như chúng ta đã quên rằng Đức Chúa Trời là Thần (Đấng tạo dựng nên con người theo hình Ngài), và vì thế, Ngài có thể được đam mê, theo đuổi, tìm kiếm như bất kỳ một con người nào có thể được như vậy. Bằng nhân cách chúng ta mới có thể tìm hiểu nhân cách của người khác được, nhưng hiểu biết hoàn toàn cá tính, nhân cách một con người chỉ sau một lần gặp mặt là điều phi thực tế. Chỉ sau một quá trình tìm hiểu lâu dài trong tình yêu và mối quan hệ thân thiết thì những khả năng hiểu biết nhau mới có được.
Tất cả các mối quan hệ xã hội giữa con loài người với nhau là một lời hồi đáp giữa cá tính người này với cá tính người khác, từ những cái xa lạ nhất đến sự thông công thân mật nhất mà linh hồn con người có thể đạt được. Cho đến tận bây giờ, cũng như chính bản chất thật của nó, Cơ Đốc giáo về cốt lõi là sự hồi đáp của những cá tính thọ tạo với Cá Tính Sáng Tạo, Đức Chúa Trời. “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).
Đức Chúa Trời là một Thân Vị, và sâu thẳm trong bản chất phi thường của Ngài, Ngài suy nghĩ, mong muốn, thích thú, cảm nhận, yêu thương, ao ước, và đau khổ giống như bất cứ một con người nào. Để cho chúng ta được biết Ngài, Ngài phải chịu lụy dưới một cá tính của chúng ta (Đức Chúa Jêsus đã đến trần gian trong thân xác và cá tính của một con người). Ngài tương giao với chúng ta qua tâm trí, ý chí và cảm xúc của chúng ta. Sự trao đổi hỗ tương của một tình yêu bất diệt, không hề dời đổi cùng những tư tưởng giữa Đức Chúa Trời và linh hồn những con người đã được cứu chính là trái tim đang đập cách sung mãn của tín ngưỡng Tân Ước.
Sự tương giao giữa Đức Chúa Trời và linh hồn con người được chúng ta cảm nhận một cách riêng tư có ý thức. Nó mang tính cá nhân. Vì thế nó không đến từ thể xác của những người tin nhưng được biết bởi các cá thể, rồi đến thân thể của các cá thể tạo ra nó. Nó hoàn toàn có sự tham gia của ý thức con người: Nó không nằm dưới ngưỡng ý thức mà không có sự nhận biết của linh hồn (giống như lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh); nhưng nó đến trong ý thức cho nên con người có thể nhận biết nó cũng giống như nhận thức mọi việc khác.
Bạn và tôi rất nhỏ bé (tội lỗi chúng ta đã giới hạn chúng ta) nhưng Đức Chúa Trời là vĩ đại vô cùng. Được tạo dựng theo hình Ngài, do đó ngay bên trong chúng ta đã có khả năng nhìn biết Ngài. Trong tội lỗi, chúng ta thiếu đi sức mạnh đó. Giây phút Thánh Linh làm chúng ta sống lại qua sự tái sanh, trọn vẹn bản thể chúng ta cảm nhận được mối quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời và đưa chúng ta đến sự nhận thức trong niềm vui và phước hạnh. Đó chính là sự tái sanh thiên thượng, mà không có nó, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy nước Đức Chúa Trời. Nó không phải là điểm kết thúc, mà chỉ là điểm khởi đầu, vì bấy giờ sẽ bắt đầu thời điểm cho sự khao khát vinh hiển, sự khám phá hạnh phúc của tấm lòng trong sự giàu có vô song của Thượng Đế. Đó chính là nơi chúng ta bắt đầu, và tôi cũng nói rằng, đó chính là nơi chúng ta đã dừng lại, chưa một ai khám phá ra hết, vì sự sâu nhiệm và huyền diệu của Đức Chúa Trời Ba Ngôi không hề có một giới hạn, hay một điểm kết thúc nào cả.
Ngài là đại dương không bờ bến, ai có thể đo lường?
Sự vĩnh cửu thuộc về Ngài, Thượng Đế của chúng con.
Đã được gặp Chúa và tiếp tục tìm cầu Ngài là một nghịch lý của linh hồn trong tình yêu, sự thật đó bị khinh rẻ bởi những người cuồng tín quá dễ thỏa mãn, nhưng lại được chứng thực bởi kinh nghiệm trong hạnh phước mà những đứa con với tấm lòng khao khát nóng cháy đã trải qua. Thánh Bernard đã mô tả nghịch lý này trong một bài thơ tứ tuyệt mà chắc chắn bất kỳ linh hồn nào khao khát cũng sẽ thấu hiểu ngay:
Chúng con nếm trải Ngài! Ôi! Ngài là Bánh Hằng Sống,
Và khao khát được dự tiệc với Ngài dẫu rằng:
Chúng con uống nước từ nơi Ngài, Nguồn Nước Sống
Song linh hồn chúng con vẫn khao khát, khao khát, khao khát Ngài đổ đầy luôn luôn.
Tìm hiểu cặn kẽ những thánh nhân trong quá khứ, bạn sẽ sớm cảm nhận sức nóng của sự khao khát Đức Chúa Trời nơi họ. Họ than khóc với Ngài, họ cầu nguyện, tranh đấu gay gắt và tìm kiếm Ngài ngày và đêm, tháng này sang năm nọ; và khi họ đã gặp Ngài, đó là những giây phút ngọt ngào nhất của cả một quá trình tìm kiếm lâu dài, trung kiên và khổ hạnh. Môi-se đã dùng một sự kiện, đó là ông biết Đức Chúa Trời qua “sự tranh luận” để biết Ngài nhiều hơn. “Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài”; và từ chỗ đó, ông tiến đến một đề nghị táo bạo, “Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!” Đức Chúa Trời rất hài lòng trước sự nóng cháy, khao khát này; ngày hôm sau Ngài đã gọi Môi-se lên núi, và ở đó, Đức Chúa Trời đã đáp lại lời cầu xin của ông, khi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đi qua trước mắt ông.
Đời sống của Đa-vít là một cơn lũ của sự khao khát thuộc linh; những bài thánh thi của ông chứa đựng tiếng khóc nức nở của một người tìm kiếm và tiếng thét vui mừng của một người đã tìm gặp điều mình mong muốn, khao khát. Phao-lô đã thừa nhận động cơ chính cho đời sống của ông là một sự khao khát Đấng Christ đến độ nóng cháy, hực lên như lửa thiêng. “Cho đến nỗi tôi được biết Ngài” chính là mục đích của lòng ông, và cũng vì điều này ông đã tận hiến tất cả mọi thứ. “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ” (Phi-líp 3:8).
Sự ngợi khen rất ngọt ngào, đi đôi với sự tìm kiếm Đức Chúa Trời, Đấng mà khi con người tìm kiếm trong sự ngợi khen, họ biết rằng họ đã gặp Ngài. “Tôi đã thấy dấu Ngài, và tôi sẽ tìm cầu Ngài”, những lời đó đã được bậc cha ông chúng ta thốt lên cách đây một thế hệ, nhưng bài hát đó không còn được hát trong các Hội thánh lớn nữa. Thật là một bi kịch khi chúng ta, trong thời điểm tăm tối này, đã để cho các giáo viên của chúng ta thực hiện sự tìm kiếm thay cho mình. Mọi thứ được thực hiện xoay quanh một hành động ban đầu, “tiếp nhận” Đấng Christ (tình cờ là một khái niệm không tồn tại trong Kinh Thánh) và sau đó chúng ta không nài xin thêm bất cứ khải tượng nào từ nơi Đức Chúa Trời cho chính linh hồn mình. Chúng ta đã mắc bẫy trong cái vòng luẩn quẩn của lôgic giả mạo rằng chúng ta đã gặp Chúa và không cần phải tìm kiếm Ngài nữa. Điều này bày ra trước mắt chúng ta như một lời cuối cùng cho tính chính thống, và người ta đã cho là đúng khi nói rằng không một Cơ Đốc nhân nào được sự dạy dỗ của Kinh Thánh lại tin nơi những điều khác hơn. Vì thế, mọi chứng cớ về sự thờ phượng, tìm kiếm, ca hát trong Hội thánh về chủ đề này đã bị gạt sang một bên. Thần học tấm lòng dựa trên kinh nghiệm của một đạo binh lớn những vị thánh nổi tiếng là sự không chấp nhận cách giải thích Kinh Thánh thiển cận và tự mãn vốn đã có vẻ rất lạ lùng đối với Augustine, Rutherford hay Brainerd.
Ngay trong cơn giá lạnh này vẫn có một số người, tôi rất vui khi được nói đến, không thỏa lòng với cái lôgic nông cạn đó. Họ chấp nhận sức mạnh của sự tranh luận, và rồi quay đi tìm kiếm một nơi yên tĩnh, riêng tư mà cầu nguyện trong nước mắt, “Chúa ôi! Xin bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho con.” Họ muốn được nếm, muốn được rờ chạm đến bằng tấm lòng, muốn được thấy bằng con mắt thuộc linh điều diệu kỳ nơi Đức Chúa Trời.
Tôi cố ý thúc đẩy sự khao khát Đức Chúa Trời phi thường này. Chính vì thiếu nó mà chúng ta bị đưa đến tình trạng thuộc linh thấp kém trong hiện tại. Tính cứng nhắc, vụng về trong đời sống thuộc linh của chúng ta là hậu quả của sự thiếu sự khao khát thánh. Tính tự mãn là một kẻ thù đáng sợ của mọi sự tăng trưởng thuộc linh. Cần phải có một khao khát mãnh liệt, nếu không thì sẽ chẳng có sự hiện diện của Đấng Christ trong dân sự Ngài. Ngài đang chờ đợi chúng ta khao khát, khao khát Ngài ngày và đêm, khao khát trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Điều đáng buồn là đối với quá nhiều người trong số chúng ta, Chúa đã chờ đợi, chờ đợi từ lâu lắm rồi, thật lâu lắm rồi, song không có kết quả gì.
Mỗi thời đại đều có những đặc điểm riêng của nó. Ngay hiện tại, chúng ta đang sống trong thời đại của sự phức tạp tôn giáo. Tính đơn giản trong Đấng Christ lại hiếm khi được tìm thấy trong vòng chúng ta. Thay vào đó là các chương trình, các phương thức, các tổ chức, và cả một thế giới các hoạt động đầy căng thẳng chiếm hết mọi thời gian và sự tập trung, song không bao giờ có thể thỏa mãn được sự khao khát của lòng. Sự nông cạn của kinh nghiệm thuộc linh, sự rỗng tuếch trong sự thờ phượng của chúng ta và sự bắt chước thế giới chung quanh cách mù quáng đã đánh dấu các phương cách “bóng lộn” mà chúng ta sử dụng, tất cả đều cho thấy rằng: chúng ta, trong thời đại này, chỉ biết Đức Chúa Trời một cách “nửa vời”, và hiếm khi thấu triệt sự bình an thật của Ngài.
Nếu chúng ta muốn tìm thấy Đức Chúa Trời giữa vòng vây của những tôn giáo khác, trước hết, chúng ta phải quyết định, phải khao khát tìm thấy Ngài, rồi sau đó thực hiện theo một phương cách đơn giản. Lúc nào cũng vậy, Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho những “người thơ ngây” và che giấu chính mình Ngài trước những con người thông thái. Chúng ta cần phải đơn giản hóa bước tiến đến gần Đức Chúa Trời. Chúng ta phải lược bỏ hết những yếu tố chúng ta cho là cần thiết (và rồi sẽ thấy rằng chỉ có một số ít các yếu tố là thật sự cần thiết). Chúng ta phải loại bỏ mọi nỗ lực để được cảm động, và hãy đến với sự vô tư của con trẻ. Nếu chúng ta làm như vậy, chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ sớm đáp lời.
Khi tôn giáo đã chấm dứt lời cuối cùng của mình, chúng ta không cần gì khác hơn là chính Đức Chúa Trời. Thói quen xấu trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài cách hiệu quả đã ngăn chúng ta tìm thấy Ngài. Từ “và” đó chứa đựng nỗi thống khổ của chúng ta. Nếu chúng ta bỏ chữ và đi, chúng ta sẽ sớm gặp mặt Đức Chúa Trời, và trong Ngài, chúng ta sẽ thấy cái mà chúng ta đã mất cả một đời để khao khát và tìm kiếm.
Chúng ta không phải lo sợ rằng khi tìm kiếm Đức Chúa Trời, chúng ta phải thu hẹp đời sống mình và giới hạn những cảm xúc của tấm lòng đang rộng mở của chúng ta. Trái lại, chúng ta có thể tiếp nhận Chúa làm tất cả cho đời sống mình, để tập trung thờ phượng, hiến dâng nhiều điều cho một Đấng mà thôi.
Tác giả của một tác phẩm kinh điển, Áng mây vô tri (The Cloud of Unknowing), đã dạy chúng ta cách làm việc này. “Hãy dâng lòng bạn lên cho Đức Chúa Trời với một tình yêu sôi nổi, khiêm cung; và hướng về Ngài, không phải lợi ích từ Ngài. Và đừng miễn cưỡng suy nghĩ, hãy hướng lòng về nơi Đức Chúa Trời. Đừng làm theo trí khôn, hay lý trí của bạn, hãy để chính Ngài vận hành. Đây là công việc của linh hồn, một việc làm Đức Chúa Trời hài lòng nhất.”
Một lần nữa, ông đề nghị rằng khi cầu nguyện, chúng ta phải bỏ qua mọi thứ, ngay cả thần học của mình. “Vì như vậy đã đủ rồi, một mục đích hướng về Đức Chúa Trời, không vì bất kỳ lý do nào khác, chỉ vì Ngài mà thôi.” Bên dưới tất cả những suy tưởng của tác giả này là nền tảng rộng lớn của chân lý Tân Ước, vì ông nói “chính Ngài” tức là “Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta, mua chuộc chúng ta, và cũng là Đấng đã kêu gọi chúng ta.” Tựu trung lại, những điều ông viết hướng về sự đơn giản: Nếu chúng ta có một tôn giáo “nằm trọn và gói gọn trong một từ, phù hợp với công việc của Đức Thánh Linh và chúng ta nên nắm bắt, từ đó chính là ‘ĐỨC CHÚA TRỜI’ hoặc là ‘TÌNH YÊU THƯƠNG.’”
Khi Chúa phân chia xứ Ca-na-an cho các chi phái Y-sơ-ra-ên, chi phái Lê-vi không được nhận phần đất nào cả. Đức Chúa Trời chỉ phán với họ một điều đơn giản: “Ta là phần của ngươi, và là cơ nghiệp của ngươi”, và chính bởi những lời này, chi phái Lê-vi trở nên giàu có hơn mọi chi phái anh em, giàu có hơn mọi ông vua và các tiểu vương đã từng sống trên đất. Và có một nguyên tắc thuộc linh ở đây, một nguyên tắc đúng với mọi cá nhân là con cái cũng như là tôi tớ Đức Chúa Trời Chí Cao.
Một người coi Đức Chúa Trời là kho báu của mình, người đó sẽ có tất cả trong Ngài. Nhiều kho báu thông thường khác sẽ bị người đó từ chối, hay nếu người đó được có chúng (các kho báu – nghĩa đen), niềm vui đem đến từ những kho báu đó cũng chẳng là gì cả; chúng không cần thiết, không tồn tại trong niềm hạnh phúc của người ấy. Hay nếu người đó phải mất chúng đi, từng cái một (giống ông Gióp), người đó sẽ không cảm thấy mất mát gì cả, vì đã có Cội Nguồn của mọi sự trên đời, một Đấng của mọi sự thỏa lòng, mọi niềm vui, mọi phước hạnh. Cho dù có mất mát điều gì đi nữa, đối với người đó, cũng như là chẳng mất gì cả, vì bấy giờ người ấy đã có tất cả trong một Đấng, Đấng đó là Nguồn Sống tràn tuôn cho đến muôn đời, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi.
Lạy Chúa, con đã nếm trải sự ngọt ngào nơi Ngài, nó vừa làm con thỏa lòng, vừa làm con khao khát hơn nữa. Con biết mình cần nhiều ân điển Ngài hơn nữa. Con thật xấu hổ vì cớ thiếu sự khao khát. Ôi Chúa, Đức Chúa Trời Ba Ngôi, con muốn có Ngài; con muốn được ngập tràn sự khao khát; con khao khát được Ngài khiến cho lòng con khao khát hơn nữa. Hãy bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho con, con xin Ngài, để con được thật sự biết Ngài. Bởi sự nhân từ, hãy bắt đầu công việc của tình yêu ngay trong lòng con. Hãy phán với hồn con, “Hãy đứng dậy, con yêu của ta, và đến đây.” Rồi hãy ban cho con ân điển để con đứng lên và bước theo Ngài mà ra khỏi nơi đất thấp đầy mù sương này, nơi mà con đã từng lang thang vô hướng từ lâu. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, A-men.
Tác giả: A. W. Tozer