Từ Lỗ Tai Đến Tâm Trí Đến Tấm Lòng – Cách Nghe Bài Giảng

Share

Không lâu trước khi vào Đại Học tôi có đọc quyển sách nhỏ loại “kinh điển” của Mortimer Adler Cách Đọc Sách. Tựa đề nghe có vẻ kỳ lạ. Làm sao một người có thể đọc sách trừ khi người đó đã biết cách đọc? Và nếu người ta đã biết cách đọc, tại sao họ phải đọc cuốn này làm gì?

Cách Đọc Sách trở thành một trong những cuốn sách quan trọng nhất mà tôi từng đọc. Một cách nhanh chóng Alder thuyết phục tôi là tôi đã không biết cách đọc sách. Tôi đã không biết cách hỏi những câu hỏi đúng trong khi đọc, cách phân tích những lập luận chính của cuốn sách, hay cách đánh dấu những chỗ tôi cần sao chép lại để sau này sẽ dùng đến.

Tôi ngờ rằng hầu hết mọi người không biết cách lắng nghe một bài giảng cũng như vậy. Tôi nói điều này không như là một thầy giảng, nhưng như là một người lắng nghe. Trong 35 năm qua tôi đã nghe hơn 3000 bài giảng. Thờ phượng trong các hội thánh theo sự dạy dỗ Kinh Thánh trong suốt đời, hầu hết những bài giảng đó giúp ích thuộc linh cho tôi. Dù vậy tôi tự hỏi có bao nhiêu trong chúng giúp tôi đến mức chúng phải đạt đến. Thẳng thắn mà nói, tôi sợ rằng có quá nhiều bài giảng đã lọt qua lỗ tai của tôi mà không ghi khắc vào trong tâm trí tôi hay đến vào lòng của tôi.

Vậy thì cách nghe bài giảng cho đúng là gì? Với một linh hồn được sẵn sàng, một tâm trí tỉnh thức, một cuốn Kinh Thánh mở ra, một tấm lòng đón nhận, và một cuộc đời sẵn sàng đi vào hành động.

Điều trước hết là linh hồn được chuẩn bị. Hầu hết những người đi nhà thờ cho rằng bài giảng bắt đầu khi mục sư mở miệng vào Chúa Nhật. Tuy nhiên, lắng nghe bài giảng thật sự bắt đầu vào tuần trước đó. Nó khởi sự khi chúng ta cầu nguyện cho mục sư, kêu cầu Chúa ban phước trên thời gian mục sư nghiên cứu Kinh Thánh trong khi chuẩn bị. Thêm vào đó, để giúp người giảng luận, sự cầu nguyện của chúng ta giúp dựng nên trong chúng ta một cảm quan mong đợi mục vụ của Lời Chúa. Đây là một trong những lý do mà khi đến giờ giảng luận, hội chúng nhận lấy điều mà họ cầu nguyện cho. 

Linh hồn cần sự chuẩn bị đặc biệt vào đêm trước buổi thờ phượng. Vào tối thứ bảy tư tưởng của chúng ta cần bắt đầu hướng đến ngày của Chúa. Nếu được, chúng ta nên đọc qua khúc Kinh Thánh được sắp đặt cho giảng luận. Chúng ta cũng cần chắc chắn là ngủ đủ giấc. Sau đó vào buổi sáng những sự cầu nguyện của chúng ta nên được hướng đến sự thờ phượng, và đặc biệt là sự giảng luận Lời Chúa.

Nếu thân thể được nghĩ ngơi tốt và linh hồn được chuẩn bị tốt, tâm trí sẽ tĩnh thức. Sự giảng luận tốt lôi cuốn tâm trí. Chẳng phải là bởi sự đổi mới của tâm trí chúng ta mà Đức Chúa Trời làm những việc biến đổi đời sống của chúng ta (xem Rô-ma 12:2). Thế nên khi lắng nghe một bài giảng, tâm trí chúng ta cần trọn vẹn bắt vào nó. Sự chú tâm đòi hỏi tính tự khép mình vào kỷ luật. Tâm trí của chúng ta có khuynh hướng đi lang thang khi chúng ta thờ phượng; đôi khi chúng ta mơ màng. Nhưng lắng nghe bài giảng là một phần của sự thờ phượng mà chúng ta dâng lên Chúa. Đó là một cơ hội chủ yếu để nghe tiếng Ngài. Chúng ta không nên xúc phạm sự uy nghiêm của Ngài bằng việc nhìn xem những người chung quanh, nghĩ ngợi về tuần tới, hay chào đón những điều trong hàng ngàn ý tưởng đang tràn ngập trong tâm trí của chúng ta. Đức Chúa Trời đang phán và chúng ta phải lắng nghe.

Để đạt đến mức đó, nhiều Cơ đốc nhân thấy là thật hữu ích khi lắng nghe bài giảng với một cây bút chì trong tay. Dù việc ghi chú không được đòi hỏi, nó là một cách tuyệt vời để giữ tập chú trong khi nghe giảng luận. Nó cũng là một trợ cụ giá trị cho ký ức. Hành động viết điều gì đó xuống giúp gắn chặt nó vào tâm trí của chúng ta. Sau đó là sự thuận lợi thêm vào do ghi chú cho tham khảo trong tương lai. Chúng ta nhận thêm ích lợi đến từ bài giảng khi chúng ta đọc lại, cầu nguyện, và nói chuyện về bài giảng của chúng ta với một vài người khác sau đó.

[bs-quote quote=”họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.” style=”style-20″ align=”left” author_job=” Công Vụ 17:11 (BTTHĐ 2010)”][/bs-quote]

Chỗ thuận tiện nhất để ghi chú là ngay trong cuốn Kinh Thánh của chúng ta, mà nó phải luôn luôn được mở ra trong khi nghe giảng. Có những người đi thờ phượng đôi khi giả vờ là họ biết rành Kinh Thánh đến nổi họ không cần nhìn vào phân đoạn đang được giảng. Nhưng đây là điều khờ dại. Cho dù chúng ta đã thuộc lòng, luôn luôn có những điều mới mà chúng ta có thể học bằng cách nhìn vào kinh văn trên trang giấy. Chúng ta được ích lợi nhất từ bài giảng luận khi Kinh Thánh của chúng ta mở ra, không bị đóng lại. Đó là lý do tại sao thật là khích lệ cho người giảng giải kinh khi nghe tiếng lật trang xào xạc khi cả hội chúng đang cùng giở trang kinh thánh đến phân đoạn đó.

Một lý do khác giữ Kinh Thánh mở ra: chúng ta cần biết chắc là mục sư giảng theo Kinh Thánh. Kinh Thánh nói, về những tín hữu thành Bê-rê khi Phao-lô gặp họ trong chuyến truyền giáo thứ hai, “họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.” (Công Vụ 17:11, BTTHĐ 2010). Người ta có thể tưởng là người Bê-rê bị phê bình về việc dám xem xét sự dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô. Nhưng ngược lại, họ được khen ngợi về sự cam kết của họ xét nghiệm mọi điều dạy dỗ có phù hợp với Kinh Thánh.

Lắng nghe một bài giảng luận – thật sự lắng nghe – đòi hỏi nhiều hơn chỉ là tâm trí của chúng ta. Đó đòi hỏi một tấm lòng tiếp nhận ảnh hưởng của Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Một số điều quan trọng xảy ra khi chúng ta nghe một bài giảng luận tốt: Chúa phán với chúng ta. Qua chức vụ bên trong của Đức Thánh Linh của Ngài, Ngài dùng Lời Ngài để làm bình lặng sự sợ hãi của chúng ta, an ủi sự đau khổ của chúng ta, khuấy động lương tâm của chúng ta, làm lộ ra tội lỗi của chúng ta, công bố ân sủng của Chúa, và tái đảm bảo chúng ta trong đức tin. Nhưng tất cả những điều này là những vấn đề của tấm lòng, không chỉ là của tâm trí, cho nên lắng nghe một bài giảng luận không bao giờ có thể chỉ là một hoạt động tri thức. Chúng ta cần nhận lãnh lẽ thật kinh thánh trong tấm lòng của chúng ta, để cho Chúa nói để ảnh hưởng trên những gì chúng ta yêu quý, khao khát và ca ngợi.

[bs-quote quote=”làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ” style=”style-19″ align=”right” author_job=”Gia-cơ 1:22″][/bs-quote]

Điều sau cùng để nói về lắng nghe các bài giảng luận là chúng ta phải tích cực đặt những gì chúng ta học biết vào sự thực hành. Sự giảng dạy tốt luôn luôn ứng dụng Kinh Thánh vào cuộc sống mỗi ngày. Nó bảo chúng ta những lời hứa để tin cậy, tội lỗi gì phải tránh, những mỹ đức thiên thượng cần ca ngợi, những điều tốt hãy vun trồng, những mục tiêu theo đuổi, và những việc làm tốt cần thực hiện. Luôn luôn có những điều Chúa muốn chúng ta làm để đáp ứng với sự giảng dạy Lời Ngài. Chúng ta được kêu gọi là “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ” (Gia-cơ 1:22). Và nếu chúng ta không làm theo lời, chúng ta không phải là người nghe, và bài giảng bị uổng phí cho chúng ta.

Quý vị có biết cách lắng nghe một bài giảng luận? Lắng nghe – thật sự lắng nghe – là có một linh hồn được chuẩn bị, một tâm trí tỉnh thức, một Kinh Thánh được mở ra, và một tấm lòng tiếp nhận. Nhưng cách tốt nhất để nói rằng chúng ta đang lắng nghe là cách chúng ta sống. Đời sống chúng ta phải lập lại những bài giảng mà chúng ta nghe. Như sứ đồ Phao-lô viết cho những người lắng nghe lời giảng của ông, “2 Chính anh em là thư giới thiệu của chúng tôi, được viết trong lòng chúng tôi, được mọi người biết và đọc. 3 Thật rõ ràng anh em là bức thư của Đấng Christ, được viết bởi chức vụ của chúng tôi, không phải viết bằng mực mà bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống; không phải viết trên những bảng đá mà trên những bảng lòng của con người.” (2 Cô-rinh-tô 3:2-3).

 

Ánh Dương

(Lược dịch theo: reformation21.org)

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan