Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 24

Share

24HÃY ĐỂ CHÚA JESUS VÀ PHAO-LÔ HƯỚNG DẪN BẠN CẦU NGUYỆN

 

Nếu Chúa Jêsus quan tâm đến thế giới chúng ta ngày nay thì đó cũng là mối quan tâm Ngài đã có khi còn ở trên đất này và đó phải là thu hoạch mùa gặt. Chúa Jêsus đã nhận ra rằng lúc đó các môn đồ Ngài chưa có khải tượng về mùa gặt; họ thường quan tâm đến chính mình nhiều hơn là những người chưa được cứu. Vì vậy, họ đã không thấy được những người mình gặp theo cái nhìn của Đấng Christ.

Chúa Jêsus đã nhìn con người theo bản chất của họ và Ngài yêu họ. Tình yêu của Ngài là tình yêu tiếp cận bày tỏ sứ mạng cứu chuộc toàn vẹn của Ngài cho cả trái đất này. Được cảm động bởi nhu cầu của những người bị thương tổn, Chúa Jêsus đã đến với họ. Hãy nhìn vào gương Chúa và cách Ngài muốn tình yêu của bạn đến với người khác.

Khi nhìn thấy bà gia Phi-e-rơ đang đau ốm nằm trên giường, đã đến gần, rờ tay bà và chữa lành cho bà. Khi người bị bệnh phong đến sấp mình nơi chân Chúa Jêsus, Ngài giơ tay ra, chạm đến anh. Khi hai người mù đến cầu xin ơn thương xót, Chúa Jêsus đã chãm đến mắt họ, khiến họ có thể nhìn thấy được. Ngài rờ đến tai và lưỡi của người câm điếc thì người ấy bắt đầu nghe và nói được. “Ngài đi lên và đụng vào quan tài” của con trai một bà góa và phục hồi sự sống cho cậu. Chúa Jêsus rờ tai của người đầy tớ thầy tế lễ cả và chữa lành cho sau khi Phi-e-rơ đã dùng gươm chém đứt tai ấy.

Qua các ví dụ khác, chúng ta biết rằng những gì Chúa Jêsus cần làm là phán bảo, tức thì sự chữa lành và sự sống đã được ban cho. Nhưng Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài bằng cách giơ tay ra và rờ đến. Khi bồng con trẻ trên tay, Ngài đang bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời, là tình yêu mà Đức Thánh Linh muốn lưu truyền qua đời sống chúng ta đến với mọi người khác (Gi 7:38).

Chính Chúa Jêsus cũng không sử dụng quyền lực Đức Chúa Trời ban để đạt mục đích cá nhân. Khi người Sa-ma-ri khước từ việc tiếp đón Ngài vào lòng của họ, Gia-cơ và Giăng đã bị xúc phạm và muốn gọi lửa từ trời giáng xuống để đáp trả (Lu 9:54). Chúa Jêsus đã xem các người Sa-ma-ri này là những người rất yêu dấu của Cha Ngài thuộc số những kẻ có tội mà Ngài sẽ chịu chết cho họ. Ngài xem họ như mùa gặt mà Ngài đã đến để thu hoạch.

Chúa Jêsus muốn bạn có khải tượng về mùa gặt

Các thợ cắt tóc và cạo râu rất am hiểu về tóc. Khi nhìn người khác, đầu tiên họ để ý đến tóc của người ấy. Các nha sĩ rất hiểu về răng. Lúc nhìn một người thì họ tập trung chú ý đến răng của người ấy. Cơ-đốc nhân cần am hiểu về con người, nhu cầu và mùa gặt như Chúa Jêsus đã am hiểu. Khi một thanh niên đến gần Ngài, Ngài yêu mến anh và thấy được tiềm năng lớn lao của cuộc đời anh nếu anh thật muốn theo Ngài. Nhìn một người đánh cá, Ngài nhận ra rằng ông có thể trở thành một tay lưới linh hồn. Một phụ nữ đầy tội lỗi đã được Ngài thấy như một người con thanh sạch của Đức Chúa Trời khi tội lỗi của bà được tha thứ.

Các môn đồ của Chúa Jêsus đã thấy mùa gặt trong tương lai mà không nhận ra con người chính là mùa gặt. Chúa không đồng ý: Ngài phán rằng mùa gặt là lúc này đây. Mùa gặt luôn sẵn sàng khi chúng ta thấy được điều đó. Chúa Jêsus đã chỉ vào các người Sa-ma-ri đang bước đến với môn đồ và phán: “Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng đã vàng sẵn sàng cho mùa gặt” (Gi 4:35). Đây chỉ là một trong các cánh đồng mùa gặt trên đất mà thôi! Chúa Jêsus đang cố nài: “Hãy nhìn con người giống như mùa gặt! Hãy trở nên có ý thức về mùa gặt. Hãy tập trung vào tiềm năng của mùa gặt thuộc linh cho mọi dân tộc trên đất”.

Chúa Jêsus đã phán 3 điều với chúng ta về mùa gặt:

Hãy nắm bắt khải tượng con người như là mùa gặt. Đang khi sống mỗi ngày, hãy bước đi với con mắt rộng mở. Hãy nhìn xem con người và nhu cầu của họ. Hãy xem họ là mùa gặt.

Chúa Jêsus đã chỉ cho các môn đồ những người Sa-ma-ri mà họ không quen biết. Họ không biết tên hoặc bất cứ điều gì về các người này. Nhưng Chúa đã phán: “Hãy nhìn xem! Họ chính là một phần của mùa gặt ấy”.

Khi bạn thấy những người cần đến Chúa Jêsus, hãy xem như họ có thể ở trong Đấng Christ, như họ có ý nghĩa cho sự nghiệp của Đấng Christ. Hãy xem họ là những người mà Đấng Christ yêu mến đến nỗi Ngài sẵn lòng chết thay cho họ. Vậy, hãy yêu thương họ và cầu nguyện cho họ (Gi 4:35).

Hãy cầu nguyện cho mùa gặt. Hãy cầu nguyện cho mỗi người bạn nhìn thấy, gặp gỡ hay có bất kỳ quan hệ nào. Hãy cầu nguyện cho những ai phục vụ bạn trong kinh doanh, trong cuộc sống hằng ngày hoặc khi đi lại đó đây. Hãy cầu nguyện cho những đứa trẻ đang chơi, cho những người lái xe đang tạm dừng đèn đỏ bên cạnh bạn, cho những ai đứng bên bạn trong hàng người đang chờ trả tiền.

Mùa gặt ngay trước mắt còn nhắc bạn về mùa gặt vượt quá tầm mình của mình. Một món đồ sản xuất ở nước ngoài mà bạn đã mua hoặc đang dùng nhắc bạn cầu nguyện cho người dân ở miền đất ấy. Một bức điện báo cáo sự xung đột ở nước khác, một tấm ảnh về một đứa trẻ đang chết đói, một mẫu tin từ bất kỳ nơi nào trên thế giới là một lời kêu gọi cầu nguyện cho các người đó và cho nhu cầu của họ. Hãy có ý thức về mùa gặt.

Hãy là một Cơ-đốc nhân toàn cầu. Hãy có một khải tượng toàn cầu. Hãy là một người cầu thay cho cả thế giới. Hãy để tình yêu của bạn trải rộng ra như tình yêu của Đức Chúa Trời. Ngài yêu thế gian. Liệu ngày nay, bạn có yêu thương thế giới này vì Đức Chúa Trời không? Hãy để cho Đức Thánh Linh tuôn đổ tình yêu của Đức Chúa Trời qua bạn đang khi cầu nguyện cho mọi người. Đừng chỉ lập lại: “Cầu Chúa ban phước cho toàn thế giới” và nghĩ rằng trách nhiệm cầu nguyện của bạn cho thế giới đã làm xong cho ngày ấy. Hãy yêu thương những con người, các dân tộc và các quốc gia.

Ngay cả lời cầu nguyện có vài từ như: “Xin Chúa ban phước cho Ấn Độ, cho Braxin hay xin Chúa ban phước cho Trung Hoa, cho nước Nga, cho Ai Cập” có thể không những có giá trị mà còn là lời cầu nguyện đầy năng quyền khi được thốt lên từ tấm lòng mong mỏi biểu lộ tình yêu của Đấng Christ.

Hãy cầu nguyện để nhiều người khác nắm bắt được khải tượng mùa gặt này. “Đức Chúa Trời đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội…Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn. Ngài bèn phán cùng môn đò rằng: Mùa gặt thì thật trúng. Song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (Mat 9:35-38).

Chúa Jêsus đã không bảo các môn đồ nhìn vào mùa gặt và trở nên bận rộn dù bạn nghĩ rằng Ngài đã làm như vậy. Ngài đã bảo họ cầu nguyện. Trong vài tháng sau Lễ Ngũ Tuần, thu hoạch mùa gặt sẽ là công việc trọn thời gian được giao cho các sứ đồ. Nhưng trước khi thu hoạch đến là sự sửa soạn bằng cầu nguyện.

Chúa Jêsus biết rõ khi môn đồ Ngài cầu nguyện, khải tượng về mùa gặt sẽ nung đốt linh hồn họ và họ sẽ được thúc đẩy bởi lòng thương xót đểm làm một điều nào đó. Hiếm có ai mang gánh nặng cầu nguyện và khải tượng thật sự về mùa gặt mà lại không tham gia theo nhiều cách khác nhau khi Đức Chúa Trời mở các cánh cửa. Khải tượng thật dẫn đến sự cầu thay thật, làm sâu đậm tình yêu và mối quan tâm đến một người hoặc một nơi và thúc đẩy chúng ta khao khát giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể như dâng hiến, ra đi, phục vụ. Nhưng mối nguy hiểm là chúng ta quá bận rộn với công việc đến nỗi cầu nguyện không đủ.

Lời đòi hỏi duy nhất mà Chúa Jêsus yêu cầu Hội thánh Ngài là cầu nguyện cho mùa gặt. Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời khi 99 con chiên đang ở trong chuồng, nhưng chừng nào 1 con vẫn còn ở bên ngoài thì đừng yên nghỉ cho đến ki tìm được nó và đem về chuồng cách bình an. Hãy thu hành chức vụ nơi bạn đang ở nhưng đừng bao giớ quên những người chưa biết Chúa.

“Ngài phán: Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến” (Mác 1:38). Vậy, Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê và các miền xung quanh, từ làng này đến làng nọ, luôn truyền giảng cho mọi người. “Ta còn có các chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; Ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng Ta” (Gi 10:16).

Khi bạn thấy thế giới qua cái nhìn của Chúa Jêsus thì lời cầu nguyện cho mùa gặt sẽ là một trong các ưu tiên chính cho sự cầu thay của bạn.

Phao-lô cũng kêu gọi bạn trợ giúp bằng lời cầu nguyện

Trong thư tín gửi các Hội thánh mình đã lập hay các nơi chỉ nghe nói đến như Hội thánh tại Rô-ma và Cô-lô-se, Phao-lô đã luôn xin họ cầu thay. Ông đã nhiều lần nhắc lại, lời lẽ tuy khác nhau, song sứ điệp vẫn là một: “Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu thay mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn” (IICô 1:11).

Phao-lô mong ước rằng mỗi Cơ-đốc nhân sẽ cầu nguyện cho chức vụ của ông. Càng có nhiều Cơ-đốc nhân cầu nguyện và chất lượng càng cao thì sẽ càng có nhiều người được phước, vui mừng và ngợi khen Đức Chúa Trời khi các lời cầu nguyện của họ được nhậm.

Phao-lô chưa từng gặp các tín hữu tại Rô-ma khi viết thư cho họ, song viết Đức Chúa Trời làm chứng rằng: “Tôi nhắc đến anh em không thôi mỗi khi tôi cầu nguyện” (Rô 1:9-10). Ông nài xin: “Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và nhờ sự yêu thương sinh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời” (15:30). Gửi cho những người Cô-rinh-tô, ông viết rằng ông luôn cảm tạ Đức Chúa Trời vì họ và đang cầu nguyện cho sự trọn lành của họ (I Cô 1:4, IICô 13:9). Ông yêu cầu họ giúp bằng lời cầu thay của họ (IICô 1:11).

Ông viết cho Hội thánh Ê-phê-sô rằng: từ khi nghe về đức tin của họ, ông chưa hề ngừng tạ ơn Đức Chúa Trời vì họ và nhắc đến họ không thôi trong các lời cầu nguyện của mình (Êph 1:15-16). Ông nhờ họ cầu nguyện cho mình (6:19-20) và nêu một số đề nghị cụ thể. Gửi cho Hội thánh Phi-líp, ông viết rằng: mỗi khi nhớ đến họ, ông đều cảm tạ Đức Chúa Trời (1:3-4) và ông phụ thuộc vào sự cầu nguyện của họ (1:19). Gửi cho Hội thánh Cô-lô-se chưa hề gặp trước đó, ông viết rằng: từ ngày nghe biết về họ, ông không hề ngưng cầu nguyện cho họ (1:19) và ông đã vật lộn trong lời cầu nguyện cho họ và cho các người ở Lao-đi-xê (2:1). Ông cũng xin họ cầu thay cho mình nữa (4:3).

Khi viết thư cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca về việc ông cầu nguyện cho họ, Phao-lô đã dùng các từ ngữ như hằng (luôn luôn), thường (không thôi) (ITê 1:2-3), không thôi (liên tục) (IITê 1:11). Trong cả hai thư tín này, ông đề nghị họ trợ giúp bằng sự cầu nguyện (ITê 5:25, IITê 3:1). Ông viết cho Ti-mô-thê: “Cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ con không thôi trong khi cầu nguyện” (IITi 1:3) và dạy Ti-mô-thê cách cầu nguyện như thế nào (Iti 3:1-3, 8). Trong thư gửi cho Phi-lê-môn, Phao-lô viết rằng: ông ghi nhớ Phi-lê-môn trong khi cầu nguyện (c.4,6) và đang phụ thuộc vào những lời cầu nguyện của Phi-lê-môn (c.22)

Phao-lô là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của mọi thời đại. Vậy, bí quyết của phước hạnh Đức Chúa Trời tuôn đổ trên chức vụ ông là gì? Đó là lời cầu nguyện của các con cái Đức Chúa Trời. Đối với Phao-lô thì sự cầu thay này tuyệt đối thiết yếu. Ông biết rằng con đường duy nhất để mở mang Hội thánh thời Tân ước về phần mình là nhờ kiêng ăn cầu nguyện, và nhờ lời cầu thay của các bạn đồng lao Cơ-đốc làm phu phí công tác của ông.

Không có con đường nào khác dẫn đến mùa gặt. Nếu Phao-lô đến thăm Hội thánh chúng ta ngày nay, tôi biết chắc ông sẽ nói rằng: Hãy cầu nguyện cho mùa gặt. Hãy cầu xin những con gặt. Hãy cầu nguyện cho các tân tín hữu. Nhờ lời cầu nguyện của mình, bạn có thể tham dự vào mùa gặt của cả thế giới.

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan