Tôi đã nghe một điệp khúc được lặp đi lặp lại liên tục trong những câu chuyện được chia sẻ bởi các giáo sĩ tại các sứ mạng truyền giáo của họ, rằng: “Từ thời tuổi trẻ cha mẹ/ông bà/Mục sư/giáo viên trường Chúa Nhật của tôi đã dạy tôi về sứ mạng và các giáo sĩ.” Dường như có một mối tương quan đáng chú ý giữa những đứa trẻ nhận được sự giáo dục về sứ mạng và những đứa trẻ sau này sẽ cam kết chính mình vào sứ mạng truyền giáo. Hãy cùng nhìn vào một vài bước mà chúng ta có thể thực hiện trong Hội Thánh và trong gia đình mình để ảnh hưởng đến thế hệ giáo sĩ kế tiếp.
“Một trong những trách nhiệm chúng ta đảm nhận trong việc môn đồ hóa các con trẻ hướng tới sứ mạng đó là giúp chúng sống một đời sống sứ mạng tại chính nơi chúng đang ở.” – Matthew Hirt.
LÀM SÁNG TỎ CHO CON TRẺ VỀ NHỮNG TIỂU SỬ TRUYỀN GIÁO
Trên kệ của tôi đặt một tuyển tập với tựa đề mộc mạc “The Book of Missionary Heroes” (Quyển sách về những Anh hùng Giáo sĩ) của Basil Mathews, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922. Cuốn sách này đã được viết để đọc lớn tiếng cho trẻ em nghe và rồi, sau đó, sẽ được đọc bởi chính lũ trẻ khi chúng học cách đọc. Quyển sách chứa đựng những tiểu sử ngắn về các giáo sĩ từ Sứ đồ Phao-lô cho đến Archibald Forder, một nhà truyền giáo đã làm việc giữa vòng những người thuộc bộ tộc Bedouin vào đầu Thế kỉ 20. Xuyên suốt chặng đường, đứa trẻ sẽ được giới thiệu về những nhân vật như Raymond Lull, David Livingstone, Mary Slessor, và Henry Martyn. Mặc dù Matthews có xu hướng vinh danh các giáo sĩ này và khiến họ trở nên trổi hơn cả thực tế, nhưng ông đã chia sẻ những câu chuyện của họ theo cách mà những đứa trẻ có thể hiểu được.
Dù chúng ta không nên nâng những người giáo sĩ lên một địa vị Cơ Đốc Nhân siêu đẳng, nhưng chúng ta cũng không thể hạ thấp những gì họ làm được. Tất cả các Cơ Đốc nhân đều được gọi để thực hiện môn đệ hóa, nhưng sự kêu gọi để rời khỏi đồng bào của mình, quê hương của mình, và ngôn ngữ của mình để công bố Phúc Âm xuyên văn hóa thì lại khác. Sự kêu gọi đến với sứ mạng truyền giáo nên được tán dương và khích lệ. Vì lý do này, chúng ta nên làm sáng tỏ cho các con trẻ về các tiểu sử truyền giáo ngay từ tuổi thơ ấu cho đến suốt những năm tháng niên thiếu của chúng.
Việc bày tỏ về các tiểu sử truyền giáo còn có thể tạo nên những cơ hội để thảo luận về việc tại sao sứ mạng lại cần thiết. Vì sao Adoniram và Ann Judson đã rời bỏ nơi ở của mình để đến sống tại Burma? Điều gì đã thúc đẩy C. T. Studd từ bỏ sự nghiệp là một ngôi sao điền kinh của mình? Nếu Lottie Moon thực sự đã là một người phụ nữ được giáo dục tốt nhất ở miền Nam Hoa Kỳ, vì sao bà lại đến Trung Quốc? Những câu hỏi này có thể dẫn tới những cuộc trò chuyện về việc tại sao mỗi một người đều cần được nghe về Phúc Âm – Lẽ Thật rằng chúng ta đều là những tội nhân cần một Đấng Cứu Chuộc. Việc chia sẻ những câu chuyện về các giáo sĩ trên khắp thế giới ngày hôm nay và trong quá khứ tạo ra một cơ hội để chia sẻ Phúc Âm với các con của bạn hoặc những đứa trẻ trong chính mục vụ thiếu nhi của bạn. Trên thực tế, câu chuyện về một người giáo sĩ có thể là cách mà Đức Chúa Trời mời gọi một đứa trẻ đến với sự cứu chuộc.
Đối với trẻ nhỏ, cuốn The Book of Missionary Heroes (Quyển sách về những Anh hùng Giáo sĩ) có thể là một lựa chọn tốt, hoặc cũng có những cuốn sách thiếu nhi riêng lẻ về các giáo sĩ như Amy Carmichael, Hudson Taylor, Adoniram và Ann Judson. Những đứa trẻ lớn hơn có thể được lợi ích từ loạt tuyển tập riêng lẻ của The Christian Heroes (Những Người Hùng Cơ Đốc) trong khi đó những thanh thiếu niên và người trưởng thành có cơ hội để đào sâu hơn với cuốn 10 Who Changed the World (10 Nhân Vật Đã Thay Đổi Thế Giới) của Danny Akin hoặc cuốn From Jerusalem to Irian Jaya (Từ Jerusalem đến Irian Jaya). Tổ chức Women’s Missionary Union (Hiệp Hội Sứ Mạng Của Phụ Nữ) vẫn tiếp tục công bố chương trình giảng dạy về sứ mạng chất lượng dành cho trẻ em.
HÃY GIÚP CÁC CON TRẺ SUY NGHĨ MANG TÍNH SỨ MẠNG
Quả thật, sự bày tỏ về sứ mạng cùng sự chỉ dẫn là cần thiết đối với vấn đề môn đệ hóa nhưng những điều đó không cấu thành nên toàn bộ việc môn đệ hóa. Các bậc cha mẹ và những người lãnh đạo mục vụ có thể bắt đầu giúp đỡ các con trẻ suy nghĩ một cách thiết thực về vai trò của chúng trong sứ mạng. Vợ của tôi, Heather, đã dạy một nhóm gồm những cô bé cậu bé 3, 4 tuổi về sứ mạng vào mỗi tối Thứ Tư. Cô ấy đã dạy tất cả bọn trẻ câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 28:19 trong bản dịch Simplified Version. Một bé gái trong lớp học đó biết rằng cô trông trẻ của mình không đi Nhà thờ, vì vậy cô bé đã hỏi mẹ mình rằng liệu cô có thể đem trang tô màu của mình đến nhà trẻ vào ngày hôm sau để chia sẻ câu gốc với cô giáo và mời cô đến Nhà thờ hay không. Người giáo viên đó đã do dự khi nhận lời mời từ người mẹ, nhưng thật khó để từ chối lời mời của một cô bé 3 tuổi. Lời mời và sự giải thích mà đứa bé gái đã đưa ra không hề tinh vi hoặc phức tạp, nhưng nó đã có hiệu quả bởi vì người giáo viên ấy đã xuất hiện tại Nhà thờ vào tuần sau đó.
Trẻ em có những cơ hội mà các bậc cha mẹ và các lãnh đạo mục vụ không có được. Chúng có những mối quan hệ trong trường học của mình. Chúng biết mọi người qua những nhóm cộng đồng và thể thao. Trẻ em ở các lứa tuổi đều có những mạng lưới liên lạc riêng. Nếu một người trưởng thành không thể bước vào thế giới đó, thì thật là một thách thức rất khó để kết nối một cách có ý nghĩa. Một phương pháp tốt hơn đó là huấn luyện các con trẻ trong các gia đình và các hội thánh của chính mình để nhìn thấy được những cơ hội truyền giáo xung quanh chúng. Đây không phải là điều mà chúng ta sẽ làm trong cánh đồng truyền giáo sao? Chúng ta huấn luyện và trang bị những tín hữu quốc nội để tương tác với những mạng lưới của chính họ và để tận dụng những sự kết nối tự nhiên mà họ có được tại nhà, tại nơi làm việc, và trong đời sống thường nhật. Một trong những trách nhiệm chúng ta đảm nhận trong việc huấn luyện các con trẻ hướng tới sứ mạng đó là giúp chúng sống một đời sống sứ mạng tại chính nơi chúng đang ở.
HÃY BAO HÀM CÁC CON TRẺ VÀO NHỮNG CHUYẾN ĐI TRUYỀN GIÁO CỦA BẠN
Một trong những điều tồi tệ nhất chúng ta có thể nói với các con trẻ khi chúng ta huấn luyện chúng đó là, “Con có thể làm điều đó khi con lớn hơn.” Có rất ít những việc mà tôi sẽ từ chối để cho một đứa trẻ làm trong Hội Thánh. Có thể một người cha/mẹ hoặc một người lớn cần phải giúp chúng, nhưng chắc chắn là chúng ta có thể cho lũ trẻ dự phần vào trong mọi khía cạnh của Hội Thánh. Nếu chúng ta muốn chúng trưởng thành và phục vụ như những giáo sĩ tương lai, dù là trong việc mở Hội Thánh ở những trung tâm đô thị hay là rao giảng Phúc Âm giữa vòng những nhóm dân chưa được chạm đến, thì chúng ta nên bao gồm cả chúng vào những chuyến đi truyền giáo của chúng ta ngày nay.
Đơn giản bao giờ cũng tốt hơn. Bất kể chuyến đi truyền giáo mà bạn hoặc Hội Thánh của bạn đã đang thực hiện, hãy đem những đứa trẻ đi cùng với mình. Một trong những cách huấn luyện hiệu quả nhất được thực hiện chỉ qua việc đem ai đó đi cùng bạn. Mác nhắc chúng ta nhớ lại trong Phúc Âm của mình rằng Chúa Giê-xu, “đã lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo” (Mác 3:14). Đầu tiên và trước hết, Chúa Giê-xu đã kêu gọi các sứ đồ để ở cùng Ngài. Các Sứ đồ đã học rất nhiều chỉ bằng việc ở cùng Chúa Giê-xu. Khi chúng ta huấn luyện con trẻ hướng tới sứ mạng, chúng ta cần phải đem chúng đi cùng với chúng ta khi chúng ta đi thăm viếng, khi chúng ta tương tác với cộng đồng trong dịp “cho kẹo trong ngày con nít hóa trang làm ma đi xin kẹo” (Tại Mỹ có ngày Halloween là ngày con nít hóa trang làm ma đi gõ cửa nhà trong khu xóm để xin kẹo. Nhiều hội thánh dùng những cơ hội trong ngày này để tiếp cận làm chứng trong nhiều cách khác nhau), hoặc khi chúng ta mời các gia đình đến với Trường Thánh Kinh Mùa Hè. Khi chúng ta sống đời sống sứ mạng, nguyện chúng ta sẽ lựa chọn để bao hàm các con trẻ của mình vào trong những gì chúng ta đang làm thay vì bỏ chúng ở nhà.
Mai Hồng Ân
(Lược dịch theo: thecgcs.org)