Thay Đổi Là Tốt

Share

Sự thay đổi mà Chúa đẩy chúng ta hướng tới thường là không dễ dàng, nhưng nó vẫn luôn tốt lành và mang lại kết quả. Thường thì chúng ta kháng cự lại sự thay đổi bởi vì nó ảnh hưởng đến lối sống an nhàn của chúng ta. Chắc chắn chúng ta là những sinh vật có thói quen. Một khi các thói quen này được hình thành, thì việc điều chỉnh nó sẽ gây khó chịu. Nhưng để hiệu quả hơn trong việc xây dựng vương quốc.

Chúa, chúng ta phải mở ra với sự thay đổi. Nếu chúng ta được nuôi dưỡng trong một gia đình tin kính, thì những sự thực hành đức tin, những phương pháp và những truyền thống của chúng ta được hình thành từ ban đầu và ăn sâu trong chúng ta. Không phải tất cả truyền thống đều là sai, nhưng khi người ta chỉ đáp ứng từ truyền thống, chứ không phải từ tấm lòng thì những sự bày tỏ đức tin trở thành những thủ tục tôn giáo, không có sự sống. Thật ra, những thông lệ như thế có thể trở thành một đồn lũy tôn giáo. Một người có vẻ sùng đạo nhưng cũng có thể là người chỉ có hình thức tin kính bề ngoài, cố nắm chặt những gì Chúa đã làm ở quá khứ nhưng đồng thời chống lại những gì Chúa đang làm ở hiện tại.

Những người Pha-ri-si và các lãnh đạo tôn giáo khác trong thời Chúa Giê-su đã bày tỏ hành vi kiểu này. Họ khoe khoang mình là con cái của Áp-ra-ham, con cái của giao ước và là môn đồ của Môi-se. Họ giữ chặt những gì Chúa đã làm, nhưng chống cự lại Con của Đức Chúa Trời, Đấng đang ngự giữa vòng họ. Họ sốt sắng về những truyền thống thờ phượng của họ, nên họ phản đối khi Chúa Giê-su đến, thách thức tất cả lĩnh vực nào mà họ cảm thấy an nhàn và ổn định. Chúa Giê-su nói rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ không vừa với cái khuôn của họ…mà họ đã giam Ngài trong đó. Họ đã chống lại sự thay đổi và cố bám giữ những truyền thống của họ. Người mà chỉ sùng đạo thôi sẽ nuôi dưỡng thái độ trịch thượng- “Chúa sẽ chỉ vận hành qua giáo hội chúng tôi và chỉ trong khuôn khổ của chúng tôi mà thôi” – hậu quả là nó dẫn tới sự thành kiến, và cuối cùng là sự thù ghét và sự phản bội nếu không ăn năn.

Đây chính là điều đã xảy ra vào thời của Chúa Giê-su và cũng đã xảy ra suốt dòng lịch sử của hội thánh. Để thay đổi và chuyển dịch từ cấp độ đức tin và vinh hiển này đến cấp độ tiếp theo, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ chỗ an nhàn và đeo đuổi con đường mà Thánh Linh dẫn dắt chúng ta. Con đường này thường sẽ dẫn chúng ta qua kinh nghiệm đồng vắng, tại đó Chúa sẽ khiến cho sự sống mới tuôn tràn.

Cách thức này thấy rõ trong cuộc đời của Giăng Báp-tít. 

Cha ông là thầy tế lễ – xưa kia là thầy thượng tế. Con đường nghề nghiệp của Giăng là sẽ trở thành thầy tế lễ như cha ông. Ông phải đi học tại Giê-ru-sa-lem và học để trở thành một thầy tế lễ dưới sự dạy dỗ của một giáo sư nổi tiếng là Ga-ma-li-ên. Nhưng một ngày kia Thánh Linh của Chúa bắt đầu gọi Giăng vào đồng vắng. Giăng càng cầu nguyện, thì sự thôi thúc trong ông để đi tới đồng vắng càng mạnh. 

Tôi chắc chắn một sự xung đột dấy lên trong ông và có thể ông đã có những suy nghĩ như thế này: Tất cả những người bạn mà mình cùng lớn lên đều đi học “Trường Kinh Thánh.” Họ sẽ có bằng cấp và được công nhận là các nhà lãnh đạo. Họ sẽ được thụ phong và có khả năng được giảng dạy trong mỗi nhà hội trong nước. Họ sẽ nghĩ gì về mình đây ta? Mình sẽ làm thành ơn gọi của mình thế nào nếu mình không đi học “Trường Kinh Thánh” đây? 

Mình biết là mình có sự kêu gọi trong cuộc đời mình. Cha mình bảo là có một thiên sứ loan báo về việc mình sinh ra và bảo ông rằng mình sẽ là một người hầu việc Chúa. Nhưng nếu mình đi vào đồng vắng, thì sẽ không ai biết tên tuổi mình là ai. Mình sẽ không bao giờ được mời để giảng dạy. Tuy nhiên, với tiếng gọi cháy bỏng để bước vào đồng vắng, Giăng đã gạt những câu hỏi đang tấn công tâm trí của ông qua một bên và quyết định đi theo Thánh Linh bước vào đồng vắng. Chúng ta đọc về ông, “Con trẻ lớn lên, tâm linh càng mạnh mẽ, sống trong đồng hoang cho đến ngày xuất hiện trước dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 1:80).

Thật lý thú khi thấy Giăng bắt đầu sự huấn luyện trong sa mạc từ lúc nhỏ và để nhiều năm chuẩn bị cho chức vụ chỉ kéo dài sáu tháng. Nhưng Chúa Giê-su đã nói ông là tiên tri vĩ đại nhất mà một người nữ từng sinh ra. 

Kinh Thánh không nói về quãng thời gian, số lần ông vào đồng vắng và hoàn cảnh nào làm cho ông kiệt sức. Lu-ca 3:2 chỉ nói, “An-ne và Cai-pha, làm trưởng tế, có lời Đức Chúa Trời phán bảo Giăng, con trai Xa-cha-ri, trong đồng hoang.” 

Thật lý thú khi thấy trong lúc An-ne và Cai-phe đang phục vụ trong một hệ thống tôn giáo lộn xộn, thì một cái bình mới đang được hình thành ngay tại nơi hoang mạc và khô cằn. Đây là nơi rượu mới sẽ được khải thị. Chúa đã chuẩn bị Giăng Báp-tít trong đồng vắng, không phải trong “Trường Kinh Thánh” lẫy lừng tên tuổi nào đó vào thời của ông! Nhiều đám đông rất lớn từ khắp miền Giu-đe cho tới Giê-ru-sa-em đã tới để nghe Giăng giảng về Lời Chúa trong đồng vắng. Một sự vận hành tươi mới của Thánh Linh sắp sửa phát nổ – rượu mới đang được khai phóng, nhưng ở đồng vắng, chứ không phải trong các ngôi giáo đường. 

Những người nào chán ngán với thái độ giả hình và với các truyền thống tôn giáo đã tìm đến chỗ Giăng Báp-tít ở với tấm lòng sẵn sàng để được thay đổi nhằm chuẩn bị cho sự hiện ra của Con Đức Chúa Trời. 

Sau biến cố này một thời gian ngắn, Chúa Giê-su đến để chịu Giăng làm báp-tem tại sông Giô-đanh. Dù Giăng cảm thấy không xứng đáng để làm báp-tem cho Ngài, nhưng Chúa Giê-su vẫn cương quyết. Thật cần thiết cho chức vụ của Chúa Giê-su là phải đến từ những gì Thánh Linh đang làm vào thời điểm đó trên đất. Sau đó Chúa Giê-su được đầy dẫy Thánh Linh và lập tức được dẫn vào đồng vắng.

Kinh Thánh nói rất rõ rằng khi Chúa Giê-su được đưa vào đồng vắng, Chúa Giê-su được đầy dẫy Thánh Linh, nhưng sau bốn mươi ngày chịu thử thách và cám dỗ, Ngài từ đồng vắng trở về trong quyền năng của Thánh Linh. Bấy giờ Ngài đã được trang bị cho chức vụ mà Ngài đến trên đất để thực hiện. Chỉ sau vài tháng chức vụ của Giăng Báp-tít, một điều tươi mới khác đã tuôn ra từ đồng vắng – chức vụ của Chúa Giê-su.

 

(Nguồn: vietchristian.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan