Đừng Lo Lắng Và Hãy Sống Vui – Chương 7

Share

Chương 7

TRẦM CẢM LÀ MỘT DOANH VỤ LỚN


Chứng trầm cảm có lẽ là một sự kiện của đời sống, nhưng đó không phải là ý định nguyên thủy của Chúa. Kinh Thánh chép ở Sáng thế ký 1:26 “Loài người được tạo nên theo hình thể và giống như Chúa”. Thú thật tôi không thể tưởng tượng ra nỗi một Đức Chúa Cha ngồi trên ngai trong tình trạng ngày khỏe, ngày mệt rồi phải vốc thuốc vào mồm suốt cõi đời đời như thế.

Sứ đồ Phao-lô đã hướng dẫn hội thánh ban sơ ở 1 Cô-rinh-tô 2:16 là phải có tâm trí của Chúa Cứu Thế, nhưng tôi không thể tìm đâu ra ý tưởng và tâm trí của Ngài trong đời này là nơi đầy lầm lạc và hoảng loạn. Vậy nên, nếu Chúa không hề vướng mắc chút trầm cảm và con người được người tạo ra vốn không mang chút trầm cảm nào ngay từ ban đầu, thế thì chỉ có một lý lẽ để kết luận rằng nó phải đến từ một nguồn ngoại lai nào đó. Một điều chắc chắn là chứng trầm cảm và rối loạn tinh thần không thể đến từ Chúa.

Vì Chúa không ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát và sợ hãi, nhưng ban cho chúng ta quyền năng, yêu thương và biết tự chủ.

— 2 Ti-mô-thê 1:7

Vài năm trước, tôi dự một buổi nhóm mà một mục sư bạn tôi đang phục vụ. Đến cuối buổi nhóm ông kêu gọi những ai đang bị ức chế tinh thần hoặc trầm cảm hãy bước lên để cầu nguyện. Trong ý nghĩ, tôi đoán chừng chỉ vài người sẽ đáp ứng, vì chủ yếu đây là hội thánh gồm những tín hữu lâu năm. Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là mọi người trong phòng nhóm, từ hàng trên hàng dưới đều đứng lên để tìm kiếm ơn giải cứu của Chúa.

Nhiều doanh nhân chuyên nghiệp trong nước không muốn giải quyết dứt khoát vấn đề trầm cảm, đơn giản chỉ vì đây là món lợi béo bở trong doanh vụ của họ. Chứng trầm cảm trong xứ sở này đã lớn thành một kỹ nghệ bạc triệu đô-la, và thuốc chống trầm cảm được bán ra đã gia tăng kỷ lục hàng năm.

Người ta biết rằng nhiều loại thuốc này thực ra không thể chữa bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Rủi thay, nhiều loại chỉ có tác dụng cầm chừng trên bệnh nhân từ một đến hai tháng cho đến khi tái khám để kê toa tiếp.

Gần đây, tôi xem một chương trình tin tức trên truyền hình và một bác sĩ thú y đang được phỏng vấn. Ông giải thích rằng thú nuôi trong nhà, gồm chó, mèo và chim hoàng yến, hiện nay đang tự nhiễm và mắc phải chứng trầm cảm cách nghiêm trọng.

Tôi không thấy trở ngại gì để tin rằng con người có khả năng trút đổ những ảnh hưởng của chứng trầm cảm trên người khác, gồm cả những con thú nhỏ nuôi trong nhà, nhưng việc gì xảy ra tiếp theo thì nằm ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Chuyên viên thu hình trong chương trình Doctor Do Little’s trên đây chỉ nhằm giới thiệu một loại thuốc chống trầm cảm mới dành cho thú vật hiện đang có mặt trên thị trường, có khả năng giải sầu cho những ‘người bạn có lông’ của loài người.

Giá như quý con dân Chúa đều được tự động miễn nhiễm các chứng rối loạn thần kinh và trầm cảm thì tuyệt biết bao! Nhưng sự thật là một bức tranh hoàn toàn khác hẳn. Đại đa số tín hữu, tôi đang nói về những người đã tái sanh và hết lòng yêu mến Chúa, đã bị mắc phải chứng rối loạn tâm thần lưỡng cực (manic depression). Mặc khác, cũng có nhiều Cơ-đốc nhân an nhiên khi thuận buồn xuôi mái, nhưng khi sóng gió nổi lên thì hoảng loạn đến tận cùng.

Vua Đa-vít đã từng nếm kinh nghiệm đau thương này trong những năm đầu khiến ông phải một thời điêu đứng, thậm chí lún sâu vào cái hố trầm cảm như bao người ngày nay. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách xử lý tình huống và cách phân biện theo đường lối Chúa của ông, thì chúng ta cũng có thể xoay chuyển điều dữ thành điều lành, hung thành kiết, và học được vài nguyên tắc kỳ vĩ trên suốt chặng đường gian nguy ấy. Hãy đối diện với nghịch cảnh, nếu một nguyên tắc tin kính có tác dụng với Đa-vít, thì nguyên tắc ấy cũng tác dụng đối với chúng ta.

Khi Đa-vít và những người theo chàng về đến thành Xiếc-lác. Chúng hủy phá thành Xiếc-lác và phóng hỏa đốt thành. Chúng bắt đàn bà và mọi người trong thành từ nhỏ đến lớn làm tù binh, không giết một ai. Chúng dẫn họ đi theo và lên đường. Đa-vít và những người theo chàng về đến nơi, thấy thành cháy rụi, còn vợ và con trai, con gái thì bị bắt đi, Đa-vít và binh sĩ theo mình oà lên khóc cho đến khi họ không còn sức khóc nữa. Ngay cả hai bà vợ của Đa-vít, A-hi-nô-am người Gít-rê-ên, và A-bi-ga-in, vợ goá của Na-banh, cũng bị bắt đi. Đa-vít lâm vào tình cảnh rất nguy kịch, vì tất cả các binh sĩ đều cay đắng khi nghĩ đến con trai, con gái mình nên bàn chuyện ném đá chàng. Nhưng Đa-vít lấy lại can đảm nhờ Chúa là Đức Chúa Trời mình.

— 1 Sa-mu-ên 30: 1-6

Những chiến sĩ của Đa-vít trở về mong mỏi thành quách và gia đình bình yên, và họ nóng lòng đoàn tụ bên vợ con trong mái ấm gia đình, nhưng điều ấy đã không xảy ra. Thành quách tan hoang, cháy rụi ra bình địa, còn vợ con đều bị bắt làm tù binh.

Kinh nghiệm này chẳng khác nào gặp một ngày đen đủi nơi làm việc hoặc nhìn thấy vốn liếng đầu tư của quý vị phút chốc tiêu tan vì thị trường chứng khoán sụp đổ. Chúng ta đang nói đến tận cùng của sự tra tấn tinh thần. Nói theo nghĩa đen, những người này đã bị phá sản chỉ qua một đêm, nhà cửa cháy rụi, của cải bị quân thù cướp sạch. Rồi, trên hết, quân A-ma-léc trói vợ, dẫn con cái của họ đem đi làm nô lệ, còn đâu những ngày tháng an nhàn?

Trong câu 4 nói rằng Đa-vít cùng sáu trăm binh sĩ, sau khi trở về chứng kiến cảnh hoang tàn, đã bật khóc cho đến khi không còn khóc nỗi. Ắt hẳn đây phải là tình huống hãi hùng tệ hại nhất đối với từng người trong số những chiến sĩ trung kiên của Đa-vít. Họ quá bàng hoàng và suy sụp khi về đến nhà đến nỗi đã xấp mặt vào đám tro tàn của căn nhà cháy mà khóc lóc thảm thiết.

Có lẽ trong trí họ tràn ngập những ý tưởng tiêu cực mà mình có thể tưởng tượng ra. Họ biết rõ những gì dân A-ma-léc có thể làm. Vào thời Kinh Thánh, những kẻ chủ chiến này được các dân tộc khác xem là một kẻ thù tàn bạo, bởi vì họ là những tên lính thô bỉ và vô liêm sỉ nhất vào thời ấy. Đối với những con người hiếu chiến này thì không hề có quy chế ngoại giao cũng chẳng có luật đạo đức dành cho tù binh, và điều chắc chắn là họ luôn luôn chơi bẩn.

Đa-vít và binh sĩ của mình đều biết rõ ý định của kẻ thù sẽ làm đối với vợ con mình. Dân A-ma-léc đã hủy phá thành Xiếc-lác, và người Y-sơ-ra-ên đều biết rằng người thân yêu của họ bị cầm tù chỉ để bị lạm dụng, sách nhiễu, rồi sau đó hoặc sẽ bị giết hoặc sẽ bị bắt làm nô lệ.

Trong đời lính, những chiến sĩ Y-sơ-ra-ên này chưa bao giờ thất trận. Ý tưởng bại trận dưới trướng Đa-vít, người được xức dầu, chưa từng một lần đến trong tâm trí họ, nhưng giờ đây cả sáu trăm người trở thành kẻ chiến bại đứng trong tro tàn của Xiếc-lác một thời.

Trong những ngày tháng và những trận chiến đã qua, họ luôn tự hào về sự tự vệ và bảo vệ được gia đình thân yêu nhưng ngày nay, gió đã xoay chiều, triều thay con nước, vì kẻ thù hèn hạ này không giống như những kẻ thù mà họ đương đầu trước đây. Bọn phỉ tặc này đã lẻn vào từ cửa sau và giở trò bẩn thỉu trong khi Đa- vít và các tay dũng sĩ của mình ra khỏi thành. Thậm chí Đa-vít không có đến một cơ hội để nhìn thấy kẻ thù mặt đối mặt, hoặc tuốt gươm ra chống lại, bởi vì con người A-ma-léc này đã đến với một mục đích duy nhất, đó là cướp bóc, giết chóc và tàn diệt.

Chẳng mấy khó cho bất kỳ Cơ-đốc nhân nào để suy ra những kẻ thù A-ma-léc này mang cái linh gì. Chúng vốn là con cái của ma quỷ nên ‘cha nào con nấy’ thế thôi. Kinh thánh nói, “Chúa Giê-su hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi”. Vâng! Thử đoán xem? Ma quỷ cũng không thay đổi; ngày nay, thời nay nó vẫn lưu manh, xảo quyệt y như thời Đa-vít vậy.

Ma quỷ thường đánh lén khi quý vị khinh xuất nhất. Bản chất nó vẫn là cướp bóc, giết chóc và tàn diệt. Từ đời này qua đời kia, cũng vẫn là tấn tuồng cũ rích ấy; sự khác biệt duy nhất ấy là giờ đây trên sân khấu chúng trình diễn bằng những nạn nhân mới. Nói thẳng ra, ma quỷ là kẻ giết người hằng loạt không hơn không kém và nó chẳng kiêng nể ai. Nó chẳng đoái hoài sự sống và tài sản của ai; bất kể thánh đồ hay tội nhân.

Tôi xin bảo đảm rằng một ngày nào đó nó sẽ lần mò đến và tìm cách hủy diệt gia trang của quý vị. Có thể nó đặt chân sẵn nơi ngưỡng cửa và chờ thời cơ lẻn vào, nhưng vấn đề quyết định chính là quý vị. Quý vị sẽ làm gì khi ma quỷ tiến vào lãnh thổ của quý vị? Đa-vít đã làm gì khi đương đầu với tình cảm của ông?

Thoạt tiên Đa-vít đã phản ứng như bất kỳ một con người bình thường nào. Ông cũng ngã lòng thất chí như chúng ta khi đối diện cùng tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Con người tuyệt vời này từng một thời vang tiếng về thành tích hạ thủ tên khổng lồ và trở thành dũng sĩ vô địch của Y-sơ-ra-ên, giờ đây đang chùng xuống trong đống tro tàn. Đa-vít chịu tác động bởi xúc cảm, và niềm vui của Chúa bình thường nở rộ trên gương mặt đã biến mất, bởi vì ông đã đi từ đức tin vào sợ hãi và trầm cảm.

Giống như nhiều người trong chúng ta ngày nay, Đa-vít bị cuốn hút vào trạng thái nhất thời và bị ảnh hưởng bởi lũ phỉ tặc. Ông đã ngồi xuống để mà khóc than rên siết. Sự khác biệt giữa Đa-vít và binh sĩ của ông chính là chỗ ông đã thực hiện một quyết định dứt khoát. Ông đã trỗi dậy và tiến lên, trong khi những người kia ở yên đấy và vùi nỗi buồn của mình trong đám tro tàn.

Cần phải hiểu rằng xúc động không phải là tội. Bị thương tổn và khóc lóc trong một tình huống như Đa-vít đã trải qua cũng không phải là điều đáng trách, nhưng quý vị không bao giờ muốn thay đổi tình cảnh của mình và dành lại sự đắc thắng trong khi mình vẫn còn có thể thực hiện một quyết định kịp thời, đó mới chính là tội.

Đã đến một thời điểm mà tất cả chúng ta đều phải tiến lên, và đó đúng là điều mà Đa-vít đã thực hiện. Kinh thánh, bản dịch Kinh James, nói rằng Đa-vít đã động viên chính mình trong ơn Chúa. Xin lưu ý, Kinh Thánh không nói là Chúa động viên, khích lệ ông, cũng không nói là các tướng lãnh hay binh sĩ vây quanh động viên khích lệ và cổ vũ ông, Kinh Thánh nói, “Đa-vít lấy lại can đảm nhờ Chúa mình”.

Tuy nhiên, Đa-vít đang ở dưới một áp lực vô cùng lớn về thể chất lẫn tinh thần. Nhuệ khí trong doanh trại đã xuống thấp tới mức chưa từng thấy, và những thuộc hạ trung tành của ông cho đến thời điểm này đang trong tình trạng muốn dấy loạn. Ông có thể nghe họ rỉ tai bàn tán và mưu tính kế hoạch tạo phản khi họ nghĩ đến chuyện hạ sát ông.

Nói theo nghĩa đen, Đa-vít đã tự đem mình ra khỏi đống tro tàn, để cho đám thuộc hạ cứ ngồi đấy mà than thân trách phận, ông đứng lên nói những lời đem lại sức mạnh cho chính bản thân. Trong cuộc đời Đa-vít hành động khích lệ bản thân đúng lúc là điều chưa từng xảy ra bao giờ. Đây cũng không phải là một trong những phản ứng ‘đột xuất’ tự nhiên có được trong cảnh tuyệt vọng. Đa-vít trải qua nhiều năm làm cậu bé chăn cừu, xây dựng bản thân bằng những điều thuộc về Chúa như ông đã hát các Thánh Thi và Linh khúc trong khi chăn đàn cừu của cha mình.

Nói Lời Chúa cho gia đình và bản thân mình cách đều đặn mỗi ngày là một cách đầu tư luôn luôn đem lại lợi ích vô kể. Nếu không bỏ tiền ký thác vào trương mục ngân hàng thì quý vị không thể rút tiền khi cần.

Đa-vít hiểu rõ nguyên tắc này và ông đã gieo ‘Hạt Giống Lời Chúa’ vào trong đời sống tâm linh của mình qua chuỗi năm tháng dài, và giờ đây khi kẻ thù tấn công bất ngờ. Cú đòn thứ nhất đã đánh hạ ông, nhưng chẳng mấy chốc ông đã đứng dậy sẵn sàng dành lại lợi thế bằng cách rút ra những khoản đầu tư trong cuộc đời mình.

Tôi rất quen với thủ tục ngân hàng. Càng đầu tư hay bỏ tiền vào thì ngân hàng càng để cho quý bị dễ dàng rút. Đây là một nguyên tắc hết sức đơn giản giống hệt như cách của Chúa vậy.

Chúa Giê-su phán trong Ma-thi-ơ 12:34-35, “Vì lòng dạ có đầy tràn mới tràn ra môi miệng. Người lành do thiện tâm tích luỹ, làm lành. Người ác do ác tâm tích lũy, làm ác.”

Có nhiều Cơ-đốc nhân xem ra có một mối liên hệ tuyệt vời với Chúa khi mọi sự đều ổn thỏa. Họ đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh, thậm chí cầu nguyện, tĩnh nguyện đều đặn, nhưng khi có vài xáo trộn tiêu cực, không lường trước ập đến làm đảo lộn cuộc sống thoải mái của họ thì họ liền gạt Chúa qua một bên và lập tức bắt tay với cảm xúc của mình. Phải! Đa-vít đã không nhận được câu giải đáp từ Chúa khi ông vùi đầu trong tro tàn tuyệt vọng, quý vị cũng sẽ như vậy.

Nhiều người đã trách Chúa bỏ rơi họ trong lúc ngặt nghèo, nhưng Ngài không bao giờ thế. Trong sách Hê-bơ-rơ 15:3 nói rằng Ngài sẽ không bao giờ xa lìa và bỏ quên chúng ta. Nói cho đúng thì chính chúng ta mới là kẻ đã quên, đã bỏ Chúa. Ngay khi kẻ thù tấn công, chính chúng ta đã bỏ Chúa, đặt Ngài vào ghế ‘dự bị’ và tự lo liệu cho mình mà không cần đến Ngài.

Rồi khi sự việc không êm, chính những con người này lại kêu gào Chúa trong tuyệt vọng, “Lạy Chúa, Ngài đang ở đâu?. Tại sao Ngài bỏ con, và các phép lạ Ngài hứa thực hiện ở đâu?” Quý vị đoán xem Chúa sẽ trả lời ra sao? “Ta không bao giờ bỏ con, lúc nào Ta cũng có mặt ở đây. Ta vẫn ngồi ở ghế ‘dự bị’, chờ con trở lại với Ta để Ta có thể ban cho con một lời giải cứu.”

Trong 1 Sa-mu-ên 30:8, “Đa-vít cầu hỏi ý Chúa: “Con có nên đuổi theo bọn cướp này không? Con có rượt kịp chúng không?” Ngài đáp: “Hãy đuổi theo chúng. Thế nào con cũng rượt kịp chúng và giải thoát các tù binh.”

Xin lưu ý chuỗi biến cố xảy ra tròn ngày hôm ấy. Đa-vít đã ngã lòng và tuyệt vọng về sự tàn diệt của quân thù. Ông bị ảnh hưởng bởi bạn hữu làm cho ủ rũ, đó là một hành vi bình thường, và rồi kiệt quệ về thể chất vì buồn rầu và than khóc. Cuối cùng ông tự trỗi dậy, hành động và gạt bỏ sự than thân trách phận sang một bên để có thể động viên chính mình. Sau cùng, ông cầu hỏi ý Chúa và Chúa đã ban cho lời giải cứu.

Đa-vít đánh giết chúng từ rạng đông đến chiều ngày hôm sau. Không một tên nào thoát, ngoại trừ bốn trăm thanh niên cưỡi lạc đà chạy trốn. Đa-vít giải cứu tất cả những người bị quân A-ma-léc bắt đi, kể cả hai bà vợ của mình. Họ không mất một ai, từ người nhỏ đến người lớn, từ con trai đến con gái. Đa-vít cũng thu hồi được chiến lợi phẩm và tất cả những gì bị cướp.

— 1 Sa-mu-ên 30:17-20

Đây há không phải là một câu chuyện kỳ diệu sao? Lúc nào Chúa cũng có sẵn một chương trình giải cứu, Ngài luôn luôn giải cứu. Ngài đã giải cứu Đa-vít và hiện đang giải cứu quý vị, nhưng phải hiểu rằng để nhận được phép lạ, ơn phước và sự giải cứu, Đa-vít phải kinh nghiệm qua một quá trình.

Giết Gô-li-át là phép lạ năm ngoái, nhờ vào sự vâng lời và đức tin của năm ngoái, còn Xiếc-lác là trận chiến của hôm nay và cần phải có bước đức tin và hành động vâng phục của hôm nay.
Khi bước khỏi đám thuộc hạ của mình tại Xiếc-lác, lòng Đa-vít tràn ngập Thánh Linh của Chúa, vì thế ông có thể khích lệ chính mình, tuy nhiên điều này không giúp ông dành lại gia đình và những gì đã mất.

Đa-vít phải là người làm theo Lời Chúa như chúng ta ngày nay. Những tín hữu tái sanh không cần phải làm tôi cho ma quỷ để phải chịu đày ải bởi áp lực hay trầm cảm. Đa-vít đã khám phá ra rằng nhờ lấy lại thái độ và tinh thần đúng đắn mà ông đã mở ra cánh cửa để nghe được tiếng phán và sự chỉ dẫn của Chúa.

Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hoá bởi sự đổi mới của tâm trí, để thử cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

— Rô-ma 12:2

Chiến thắng chung cuộc của Đa-vít không đến bởi chỉ nghe Lời Chúa mà thôi, nhưng nhờ thực hành Lời Chúa. Ông đã nghe, vâng lời, và tiếp nhận phép lạ của Ngài.

Có nhiều tín hữu khắp nơi đang theo đuổi một phép lạ hoặc một sự giải cứu trong cuộc đời mình. Một số cảm thấy mình đã vượt quá lằn ranh để quay trở lại và đi đến kết luận rằng Chúa đã xếp nhu cầu cá biệt của họ vào cái giỏ ‘quá khó’ của Ngài.

Để tôi chia sẻ với quý vị một sự dạy dỗ mà tôi đã nhận được gần đây khi đang phục vụ tại Phi-lip-pin.

Trong Mác chương 5 viết về một người có nhiều nan đề hơn cả con gà tây vào dịp lễ tạ ơn. Dân làng gọi anh ta là ‘Binh Đoàn’ bởi vì anh bị ít nhất là cả ngàn con quỷ ám vào. Chừng ấy thôi cũng đủ ngao ngán, nhưng Kinh Thánh còn cho biết, người điên này không những chỉ rạch mình mà còn sống chung với người chết trong nghĩa trang thành phố.

Người dân Ga-đa-ren trung bình ắt phải kết luận rằng người này quả là vô phương, cần bị loại khỏi cộng động xã hội. Vấn đề duy nhất là mỗi lần nhân viên công lực đến cưỡng chế và bắt giam thì anh ta sẽ bức xiềng và trốn thoát vào hang núi.

Binh Đoàn quả là con người vô vọng. Chúng ta biết thế vì lối sống của anh ta. Kinh Thánh ghi lại rằng ông tự dùng dao rạch vào thân thể mình, ngày đêm dân chúng trong thành thường nghe anh rên siết trong khổ ải.

Nếu từng có ai là người không thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, thì người ấy phải là Binh Đoàn. Thế rồi một phép lạ đã xảy ra vì Chúa Giê-su, Sự Sáng của thế giới đã viếng thăm thành phố. Dĩ nhiên Phúc âm cho chúng ta ngày nay là Chúa Giê-su luôn luôn hiện diện trong phường phố.
Mác chương 5 câu 2 không nói là Chúa Giê-su đến tìm con người đau khổ tuyệt vọng này. Nhưng nói là người đến tìm Chúa, “Một người bị tà linh ám từ nghĩa địa chạy ra đón khi Ngài vừa bước ra khỏi thuyền.”

Binh Đoàn người bị quỷ ám, kẻ khốn cùng nhất trong xứ, kẻ tự rạch mình, đã tự mình rời chốn tha ma đến cùng Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói rằng anh ta đã chờ sẵn trên bãi biển khi Chúa bước ra khỏi thuyền. Có lẽ Binh Đoàn là con người khốn khổ, vô vọng nhất trên mặt đất vào thời ấy, nhưng anh ta vẫn còn chút gì bên trong để kéo mình đến với Chúa và được giải thoát.

Tôi từng nghe nhiều người nói như thế này, “Anh chàng ấy hết thuốc chữa” hoặc, “Quả là một tình huống vô vọng”. Xin thưa cùng quý vị, nếu còn sống, còn thở và có Chúa Giê-su thì vẫn còn hy vọng.
Những nghiên cứu ở Mỹ cho thấy rằng những người lớn tuổi bị mắc chứng trầm cảm thường không sản sinh đủ tế bào bạch cầu để chống lại sự viêm nhiễm và hậu quả là chết trước kỳ hạn. Lời Chúa đem lại hy vọng, và Chúa Giê-su là Đấng làm phép lạ, hôm qua hôm nay và cho đến đời đời vẫn y nguyên.

Đức Chúa Trời là nơi trú ẩn và sức lực của chúng ta. Ngài sẵn sàng giúp đỡ lúc gian truân.

— Thi Thiên 46:1

Thần của Chúa ngự trên Ta vì Ngài đã xức dầu trên Ta để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích, cho kẻ mù được sáng mắt, cho người áp bức được giải thoát, và công bố kỷ nguyên thi ân của Chúa.

— Lu-ca 4:18-19

Có một điều tôi biết, chẳng có một quỷ nào trong địa ngục có thể ngăn chặn sự xức dầu hay quyền năng của Chúa Giê-su giải thoát và phóng thích con người khi họ đến với Ngài bằng đức tin.

 

Chuyển ngữ: THIÊN HỰU

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan