Đừng Lo Lắng Và Hãy Sống Vui – Chương 8

Share

Chương 8
GIẬN MÀ KHÔNG PHẠM TỘI

 

Gia-cốp và Ra-chên là đôi tình nhân trẻ đang yêu nhau say đắm. Từng ngày một trong suốt bảy năm qua, chàng trai chung thủy này đã làm việc cật lực quên cả mệt nhọc cho ông cậu La-ban để trả sính lễ và cưới cho bằng được cô nàng diễm lệ mà mình sủng ái.

Chỉ vài hôm nữa thôi mà kết thúc bảy năm lao nhọc, bầu không khí của trang trại càng tưng bừng náo nhiệt. Theo truyền thống, như bao nhiêu thiếu nữ bình thường khác, Ra-chên hẳn đang xe xua xiêm áo cho những ngày lễ nghi và yến tiệc gần kề. Nhưng niềm hoan lạc của nàng phút chốc đã đổi ra giận hương, thất vọng và bực tức.

Thay vì được trang hoàng trong bộ váy cưới và bước xuống hành lang để gặp người mình yêu, Ra-chên lại bị đưa về phòng và chịu sự canh phòng của cha, trong khi cô chị lặng lẽ tiến tới đánh cắp tình yêu của đời nàng.

Hãy tin tôi đi, Ra-chên đứng ngồi không yên, đầu óc miên man với những ý nghĩ lúc ẩn lúc hiện, “Phải, mọi sự tốt lành đến với những ai chờ đợi.” Tâm trí của cô gái này hoàn toàn rối bời. Tôi cho rằng cách hay để diễn tả toàn bộ cảnh trạng này bằng cụm từ ‘cảm xúc lẫn lộn’.

Cảm xúc cay đắng đối với cha vì mưu đồ quỉ quái của ông tràn ngập con người của nàng. Thương tổn và giận dữ lần lượt xâm chiếm tâm tư của nàng đối với người chị mà mình vốn tin tưởng từ thời thơ ấu.

Bất cứ một thiếu nữ bình thường nào lâm vào tình huống của Ra-chên hẳn cũng trăn trở thâu đêm, chịu đựng nỗi dằn vặt khôn tả khi hình dung cảnh tượng đang diễn ra giữa vị hôn phu yêu dấu cùng cô chị mình. Sáng hôm sau, khi bước ra khỏi lều, những hạt giống của sự đau buồn, thù ghét và đắng cay đã được gieo ra mà không ý thức rằng chúng đã chiếm cứ đồn lũy trong cuộc đời, tâm trí và và thân thể của nàng.

Trong xã hội hiện đại của chúng ta đang sống ngày nay, một thiếu nữ lâm vào hoàn cảnh tương tự của Ra-chên chắc hẳn phải tìm mọi cách cuốn gói đi thật xa để khỏi chứng kiến cảnh đau lòng ấy, nhưng khổ nỗi vào cái thời xa xưa ấy việc bỏ nhà đi xa không phải là một lựa chọn khả dĩ. Ra-chên buộc phải ở lại để nhìn chị mình sinh con đẻ cái cho Gia-cốp.

Sáng thế ký 29: 31, 30: 1, Chúa thấy Lê-a bị ghét, bèn ban cho nàng sinh sản còn Ra-chên phải son sẻ. Lê-a thụ thai sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Ru-bên, vì bà nói: “Chúa thấy nỗi đau khổ của tôi; bây giờ chồng tôi sẽ yêu tôi.” Lê-a thụ thai nữa, sanh con trai thứ nhì, đặt tên là Si-mê-ôn, vì bà nói: “Chúa đã nghe rằng tôi bị ghét bỏ nên ban nó cho tôi.” Lê-a thụ thai lần thứ ba, sinh con trai và đặt tên là Lê-vi vì bà nói: “Bây giờ chồng tôi sẽ khắng khít với tôi, vì tôi sinh được ba con trai cho người!” Lần thứ tư, Lê-a thụ thai sanh con trai và đặt tên là Giu-đa, vì bà nói: “Bây giờ, tôi ca ngợi Chúa!” Sau đó nàng thôi sanh nở một thời gian. Ra-chên thấy mình son sẻ, bèn ganh tức với chị, lại trách móc Gia-cốp: “Anh phải cho tôi có con! Bằng không tôi sẽ chết!”

Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có công tâm mà không đồng ý rằng Ra-chên có ‘lý do chính đáng’ để nổi giận và tổn thương về sự thất bại toàn bộ này, và hậu quả mà nàng phải chịu quả là hết sức bất công chỉ vì cái tội duy nhất của nàng là thứ nữ.

Sue, nhà tôi luôn luôn bảo người ta, “Vấn đề không phải là bạn ăn gì, nhưng điều gì đang gặm nhấm bạn hầu gây ra sự tổn hại.” Cay đắng, cùng với hầu hết những thân nhân ruột thịt đáng ghét của nó, đều được ma quỷ vẽ ra để giết quí vị từ bên trong ra bên ngoài.

Thật dễ cảm thông với Gia-cốp và Ra-chên về sự trớ trêu mà họ phải gặp. Vâng, quả là gian nan, và không ai đáng phải chịu loại sách nhiễu ấy. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới thực tại và bên ngoài kia có một con quỷ thật, định giở trò lại hại chúng ta về thể xác, tinh thần và tâm linh. Có một tin vui là Cơ-đốc nhân, nhờ quyền năng Thánh Linh, chúng ta vẫn có khả năng đắc thắng và đắc thắng có thừa.

Ra-chên đã để cơn giận mở cửa mời sự cay đắng đâm rễ trong lòng nàng. Đêm này qua đêm nọ, trăn trở trên giường nghĩ ngợi về cái nan đề. Những tư tưởng tiêu cực và cảm giác thù hận đối với những kẻ đã làm tổn thương nàng giống như cơn nghiện khó chừa. Nàng không còn kiềm chế nổi, giờ đây chúng đã cai trị và chiếm hữu nàng.

Tôi không có bằng cấp về canh nông, nhưng đủ để hiểu những nguyên tắc căn bản của việc trồng trọt. Trước tiên tôi gieo hạt, nếu bỏ đúng chỗ trong môi trường thích nghi hạt giống sẽ đâm rễ. Rồi dưới điều kiện chăm sóc chu đáo, một cây sẽ mọc lên, đến đúng mùa sẽ cho trái theo loại.

Đừng để bị lừa dối, Đức Chúa Trời không chịu khinh thường đâu. Vì ai gieo điều gì thì gặt điều đó. Người nào theo tính xác thịt mình mà gieo thì sẽ do tính xác thịt mà gặt lấy sự hủy hoại. Còn người nào theo Thánh Linh mà gieo thì sẽ từ Thánh Linh gặt sự sống vĩnh phúc.

— Ga-la-ti 6:7-8

Thảo nào Kinh Thánh dạy rằng chúng ta sẽ gặt những gì mình gieo và khi gieo hạt giống cay đắng, chúng ta cũng sẽ chờ mà gặt những trái đắng đâu đó trên đường đời của mình.

Phải! thực ra Ra-chên không gieo những hạt giống, bèn là cha và chị của nàng. Nhưng Ra-chên có quyền lựa chọn, hoặc là để cho hạt giống ấy cứ nằm trong lòng hoặc là nhổ bật gốc và ném nó ra khỏi cuộc đời mình.

Vài năm trước, tôi và Sue tậu một căn nhà mới từ một tay kinh doanh địa ốc, ông này đã trồng mười cây cọ dừa trong vườn của ngôi nhà. Lúc ấy tôi không để ý lắm đến giống cây ông ta chọn trồng, nhưng theo tôi thì chúng không đến nỗi gây hại cấp thời cho nên cứ để mặc cho chúng lớn. Để tôi nói cho quí vị hay, mấy cái cây này chẳng biết kiêng nể ai. Một khi bộ rễ đã vững vàng thì đừng hòng ngăn chặn chúng phát triển. Chúng chẳng đếm xỉa gì đến ý muốn của tôi, cũng không cần biết đến nhu cầu của những cây khác. Chúng cứ hút nhựa sống của cây khác, chưa kể là lớn đến mức không thể kiềm nổi và sinh ra vô số trái vô dụng chỉ gây phiền phức.

Trong những năm đầu, tôi tưởng có thể kiểm soát được tình hình, nhưng thời gian trôi qua, cây cũng lớn dần. Đến lúc chúng cao và rậm, bông trái ê-hề thì chính là lúc tôi ê-chề nhận ra hoặc là phải chuyển nhà hoặc là phải dời cây, cho chúng vé một chiều đi vào bãi rác. Bán nhà đi nơi khác thật ra cũng dễ thôi, nhưng tôi không muốn để mấy cái cây xấu xí kia quyết định tương lai của mình.

Biết mình không đủ sức đốn cây nên tôi gọi dàn cưa xích chuyên nghiệp với thiết bị đặc biệt đến. Nhưng tay thợ này đã bứng rễ mang đi tất, chúng không còn làm cho tôi phiền hà nữa, nhưng quí vị thử đoán xem? Đắt quá. Tôi muốn nói là mình phải trả quá đắt!

Mọi việc xong xuôi, tôi ngồi lại và suy nghĩ, “Thiệt là lố bịch! Lẽ ra mình đã có thể nhổ phức mấy cây con từ đầu mà chẳng tốn bao nhiêu công sức, nhưng vì thiếu suy lường mà phải tiêu hao biết bao tâm não và tài chính lên đến hàng ngàn đô-la.

Sau việc này, chúng ta không biết gì thêm về Ra-chên, ngoài việc nàng giữ chặt lấy Gia-cốp và tiếp tục ghét bỏ, khinh dễ chị mình. Kinh Thánh cũng tiết lộ rằng trong những năm đầu cay đắng, nàng Ra-chên bị son sẻ, thế rồi sau một thời gian và nhờ sự can thiệp của Chúa mà sau cùng nàng đã mang thai và sinh cho Gia-cốp hai con trai.

Sáng thế ký 29:31, Chúa thấy Lê-a bị ghét, bèn ban cho nàng sanh sản còn Ra-chên phải son sẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà câu này nói về sự căm ghét của Ra-chên đối với chị đồng thời đề cập đến tình trạng son sẻ của nàng. Sự cay đắng và thù hận sẽ làm cho cơ quan sinh sản của quí vị trở nên khô cằn và thiểu năng.

Một cô nọ, sau khi đọc xong cuốn ‘Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh’ của tôi, đã gọi và nói với tôi rằng vị bác sĩ khám bệnh cho cô bảo rằng cô mắc phải một căn bệnh gan trầm trọng. Bác sĩ cho biết nguyên nhân của căn bệnh là hậu quả trực tiếp của những cơn giận bộc phát thường xuyên và điều ấy đã đầu độc hệ thống cơ thể cô qua nhiều năm.

Trong cuộc đối thoại, mỗi khi đề cập đến chồng con thì cô này cứ liên tục nói những câu đại loại như, “Mỗi lần ổng bước vào nhà là làm cho tôi sôi máu” và, “Đêm qua tôi điên tiết lên vì những việc vụn vặt nhất.”

Nhiều năm qua, phần lớn chúng ta đã ít nghĩ đến nguồn gốc của những câu nói bóng bẩy này. Chúng ta xem đó chỉ là những câu vô nghĩa thỉnh thoảng chêm vào lời nói để diễn những cảm xúc bộc phát ngay lúc ấy. Tuy nhiên, cùng lúc, một người bình thường không biết đâu là mối manh của điều mà mình thực sự muốn nói.

Rất nhiều thành ngữ đã hình thành từ những chân lý tuyệt vời từ Kinh Thánh và y-học do Chúa ban cho con người. Điều đáng buồn ấy là các cụ tổ của chúng ta đã dời đi và đến một thế hệ nào đó cốt lõi của những chân lý vàng ngọc này đã biến mất, chẳng còn gì lưu lại cho chúng ta ngoài những vỏ sò trống rỗng từ nguyên thủy.

Trong những năm mục vụ, tôi đã khải đạo cho hàng trăm cặp vợ chồng gặp khó khăn trong mối liên hệ hôn nhân. Nhiều bà vợ thường nói, “Thưa mục sư Greg, ông chồng tôi rất nhạy giận và hay nổi cáu vì những chuyện vụn vặt.” Quí ông chồng ngượng nghịu ấy gần như lúc nào cũng chống chế bằng cách trưng dẫn Ê-phê-sô 4:26 chép như vầy, “Anh chị em tức giận, nhưng đừng phạm tội”. Tôi được nghe mấy ông chồng hăng máu này nói rằng nếu Chúa lấy làm tốt để nổi giận thì họ nổi giận cũng tốt thôi.

Sau một hồi suy nghĩ tôi chợt nhớ rằng Ê-phê-sô 4:26 hẳn là câu Kinh Thánh duy nhất mà quí ông biết đến, vậy nên tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này. Điều đầu tiên tôi khám phá là có nhiều từ trong nguyên văn Hi-lạp và Hi-bá trong Kinh Thánh được dịch là ‘nổi giận’, ‘tức giận’ hay ‘trong cơn giận’.

Từ được dùng nhiều nhất miêu tả cơn giận của Chúa hàm ý là Ngài chỉ ‘lắc đầu và khịt mũi tỏ vẻ không vui lòng’. Nếu quí vị có gia đình và con cái ở vào tuổi thiếu niên thì hẳn có kinh nghiệm này và đồng ý với cách biểu lộ cảm xúc của Chúa. Phải thừa nhận tôi đã phải khịt mũi và lắc đầu qua suốt những năm tháng nuôi dạy con. Những phản ứng này khác xa với giận dữ tam bành đến nỗi mất tự chủ như một số người thường mắc phải.

Khi Chúa Giê-xu đến bên ngôi mộ của La-xa-rơ, Ngài nghe người ta xì xào với nhau, “ông ta đã làm cho người mù được sáng, lại không thể làm cho người này khỏi chết sao?”

Đức Giê-xu lại xúc động, bước đến trước mộ. Đây là một cái hang có tảng đá lớn chận trước cửa.

— Giăng 11:38

Từ xúc động ở đây trong Hi-văn là ’embrimaomai’ có nghĩa là ‘khịt mũi tỏ vẻ giận’. Trong tình huống này, Chúa Giê-xu không mất bình tĩnh. Ngài không nổi cơn tam bành và nói, “Được, nếu mấy ông có thái độ ấy thì tự kêu La-xa-rơ sống lại đi.” Không! Chúa Giê-xu cảm thấy giận vì sự vô tín của họ. Hãy đối diện với câu này, Chúa Giê-su đã sống trên đất như một con người, và theo Hê-bê-rơ 4:15, “…Ngài đã chịu cám dỗ đủ mọi mặt cũng như chúng ta song không hề phạm tội.”

Đứng bên ngoài ngôi mộ, Chúa Giê-su đang giận nhưng Ngài không phạm tội. Đối với Ngài đó là công việc thường lệ. Ngài luôn luôn lo việc Cha và ngay cho đến lúc này Ngài vẫn không để cho hoàn cảnh và cảm xúc cá nhân lấn lướt mục đích của Đức Chúa Trời và tương lai của La-xa-rơ.

Trong Thi Thiên 37:1 nói, “Chớ phiền lòng”. Cụm từ này trong nguyên văn Hi-bá có nghĩa là, ‘đừng hâm nóng cơn giận’ hay ‘đừng mồi lửa bằng cơn giận’. Người Do thái trong thời Cựu ước đã dùng câu này như một phần từ vựng hằng ngày của họ, họ hiểu đích xác câu ấy hàm ý gì.

Trong tiếng anh câu này thường được dịch là, ‘đừng làm vỡ mạch máu’ hoặc ‘đừng nổi nóng dưới cổ áo’. Tiếng việt chúng ta có câu ‘đừng châm dầu vào lửa’ hoặc xin đừng ‘đỏ ngựa tía tai’-LND). 

Cách đây không lâu, sau khi thấy một gã đang nổi cáu, chỉ trong một khoảnh khắc mất tự chế, gương mặt anh ta đổi màu như củ cải đỏ, và các gân máu nơi cổ và trên trán nhô ra như sắp sửa nổ tung. Lúc ấy tôi mới hiểu ra ý nghĩa mới mẻ của cụm từ trên. Một thời gian sau trong lúc thăm người bạn là một bác sĩ, tôi hỏi ông, “Tại sao mặt người ta lại đỏ lên trong cơn giận cực độ?. Ông giải thích rằng ở môi bên cuống họng, ngay chỗ cổ áo, chúng ta có các tuyến hạch chủ yếu nằm yên ở đấy và chỉ hoạt động khi động mạch chủ bơm máu vào. Ngay lập tức, não liền truyền một thông điệp hướng dẫn các tuyến hạch ấy bảo, “thức dậy mau, đã đến lúc làm việc rồi” liền khi ấy chúng đi vào hoạt động, sản sinh ra những độc tố làm tổn hại đến sức khỏe chúng ta. Ông bác sĩ ấy hỏi, “Theo ông thì cái câu ‘đừng nổi nóng dưới cổ áo’ đến từ đâu?” Sau khi rời văn phòng của ông tôi lặng lẽ thưa cùng Chúa. “Nếu đây quả là vấn đề sức khỏe và sự lành mạnh của con, tại sao Ngài không mặc khải chân lý này cho con qua lời Ngài?” Ngài đáp lại nhưng không phải là câu tôi đang tìm kiếm. Chúa phán với tôi, “Tại sao con không đọc Lời Ta?” Rô-ma 3: 13-14, “Cổ họng chúng nó như huyệt mả mở toang, lưỡi chúng nó lừa dối. Dưới môi chúng chứa nọc rắn độc; miệng chúng nó đầy quyền rủa và cay đắng.”

Sự mặc khải này không có gì là mới đối với sứ đồ Phao-lô. Ông đã phục vụ nhiều năm với tư cách là một thành viên Biệt Phái trẻ tuổi ngồi dưới chân học giả Ga-ma-li-ên nghiên cứu Cựu ước Kinh. Ông biết vua Đa-vít đã nói về chính điều này. Thi Thiên 10:7, “Miệng nó đầy những nguyền rủa, lừa gạt và đe doạ. Dưới lưỡi nó là hiểm độc và gian ác.” Thật không khó để hình dung huyệt mả là một nơi thối rữa, làm ô nhiễm xác thịt. Nói trắng ra, câu này bảo rằng khi chúng ta tức giận và bắt đầu sử dụng miệng lưỡi để sách nhiễu, rủa sả, thật ra chúng ta đang làm hại mình một cách đáng sợ. Chẳng hề có ai dám nghĩ tới việc nốc nguyên một cốc đầy nọc độc chiết ra từ những con rắn lục. Nếu thấy ai đó làm như thế hẳn chúng ta nghĩ rằng người ấy đúng là kẻ ‘điên rồ cuồng loạn’. 

Vâng, xin nhìn lại vấn đề dưới quan điểm của Chúa. Quý vị thử nghĩ Chúa sẽ nghĩ làm sao khi thấy chúng ta giận đỏ mặt tía tai và bắt đầu bơm các nọc độc từ các tuyến hạch vào thẳng trong miệng của mình? Không dám phạm thượng nhưng tôi đoán chắc rằng Ngài sẽ lắc đầu lia lịa và thậm chí khịt mũi chút xíu khi nhìn thấy cảnh tượng trớ trêu của loài người và Ngài sẽ nói câu đại loại như, “Ôi, Ta ơi! Đến bao giờ cái lũ này mới chịu hiểu ra?”. Khi ‘mất bình tĩnh’ và ‘nổi giận bừng bừng’, chúng ta tạo ra những độc tố hủy diệt hàng loạt. Những hóa chất độc hại này không những chỉ chảy vào mao quản của mặt làm cho nóng bừng lên như chúng ta thường thấy, mà chúng còn len lỏi xuống miệng và bên dưới lưỡi, ở đó chúng hòa vào trong nước miếng của chúng ta. Chỉ trong vài giây, thứ tồn đọng này được nuốt xuống rồi đi vào bao tử, thế rồi sáng hôm sau thức dậy, quý vị chất vấn Chúa tại sao lại để ma quỷ hành hại mình bằng cơn nhức đầu và nôn mửa dữ dội. Rất có thể đó là lúc Chúa lại lắc đầu. Thế giới Tây phương rất quan ngại và lên tiếng về việc vận chuyển và đổ phế thải độc hại, nhất là nếu đổ vào sân vườn sau nhà riêng của chúng ta. Tôi có thể đảm bảo rằng nếu chính phủ thông qua đạo luật cho phép đổ phế liệu độc hại của nước mình sang nước láng giềng thì cả nhân loại ắt sẽ la làng cho mà xem. Giới truyền thanh, truyền hình và báo chí trong cả nước sẽ thi nhau tường thuật thâu đêm suốt sáng về sự kiện này. Cư dân của cộng đồng địa phương, gồm cả chính gia đình quý vị sẽ nhập cuộc đấu tranh buộc nghị viện phải có biện pháp di dời những hóa chất giết người này gấp rút trước khi chúng có thể gây ra những hậu quả tai hại vĩnh viễn và không thể đảo ngược đối với dân cư và môi trường. Đối với một vấn đề như trên, hầu hết chúng ta thường nói toạc ra mọi ý nghĩ của mình, tuy nhiên khi cái thân thể quý báu của mình bị nhiễm chất độc chết người sinh ra do hậu quả trực tiếp của cơn giận không kiềm chế thì phần lớn chúng ta lại không suy nghĩ lại chút nào. Châm ngôn 30: 33, “Vì ép sữa làm ra bơ, bóp mũi ra máu, chọc giận sinh ra cãi lộn.”

Trong Xuất hành 15: 26, Chúa truyền dạy con dân Y-sơ-ra-ên phải vâng theo mạng lệnh và qui luật của Ngài. Mạng lệnh là luật pháp của Chúa, nếu ai bất tuân hoặc vi phạm, người ấy ắt sẽ bị xã hội trừng trị, chẳng hạn như bị ném ra khỏi thành và ném đá. Tuy nhiên, quy luật là một ‘Điều lệ Thiết yếu’, Kinh Thánh ghi lại rất nhiều những qui luật này hầu đem lại ích lợi cho chúng ta. Ngày nay, nếu vi phạm pháp luật, cánh tay sức mạnh của công lý sẽ thực thi một hình phạt tương ứng. Nhưng nếu vi phạm qui luật của Chúa thì chúng ta tự trừng phạt chính mình.

Tôi xin chia sẻ cùng quí vị một qui luật tuyệt vời từ sách Ê-phê-sô 4:26, “Anh chị em giận, nhưng đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn.”

Tôi nhận một cuộc gọi xuyên tiểu bang từ một thiếu nữ khẩn khoản xin cầu nguyện chữa lành. Sáng hôm sau cô ấy thức dậy với những vết máu vẫy đầy trên bao gối và ga giường cùng với những vết cào xước trên tay và cổ do chính cô gây ra. Tôi hỏi thử đêm qua trong nhà có cãi nhau hay không thì cô xác nhận mối nghi hoặc của tôi. Người mẹ trẻ này quả đang thực sự lâm vào cảnh xáo trộn tình cảm. Thái độ của cô không những chỉ làm tôi dậy cơn ngứa ngáy mà làm cho da trở nên mẫn cảm đến nỗi cô gái mê man suốt đêm mà không hề hay biết.

Tôi nói, “Xin cho tôi diễn tả việc gì đang xảy ra nhé. Có phải cô đã giận quá mức và chồng cô đã giận dữ hơn. Cô đã quát tháo và anh ta la lớn hơn. Cô ném đồ đạc vì anh ta lăng mạ cô. Cô dậm chân dậm cẳng trong phòng ngủ, dập cửa sau khi vào phòng và sau đó lên giường và quay mặt về hướng đông, rồi anh ta cũng lên giường quay về hướng tây, tạo nên một Grand Canyon thu nhỏ ở giữa.” Dám chắc rằng phần lớn những cặp vợ chồng cưới nhau đang đọc cuốn sách này đều đã trải qua kinh nghiệm này trong quá khứ, cho nên hẳn quí vị hiểu tôi đang nói gì rồi.

Cuối cùng thì cô ta kiệt sức chìm vào trong giấc ngủ, nhưng những cảm xúc của cô thì vẫn thức và rong chơi suốt đêm. Trong khi cô ta ngủ thì những cảm xúc cứ hoành hành tác yêu tác quái, gây thiệt hại cho cô gấp ba lần. Không những chỉ mất điềm đạm, mà còn mất cả tư cách của mình qua diễn tiến xảy ra. Điều chót nhưng không út, cô đã đánh mất quyền tự chủ trên những cảm xúc, cấp giấy phép cho chúng sản xuất và đưa những hóa chất, hóc-môn và nội tiết tố độc hại giết người vào bất cứ chỗ nào trong cơ thể của cô ta đến mức tối đa.

Hãy nguôi cơn giận và từ bỏ thạnh nộ. Chớ phiền lòng – điều ấy làm hại mà thôi.

— Thi-thiên 37-8

Trên mặt đất này, thân thể chúng ta là nhà máy sản xuất phức tạp và tinh vi nhất, hoạt động hai mươi bốn giờ mỗi ngày, hút và đẩy những loại hóa chất, hóc-môn và nội tiết tố vào hệ thống mà chung cuộc hoặc sẽ chữa lành hoặc sẽ hủy hoại thân thể và trí não chúng ta.

Thiếu nữ trên đây đang phải gánh chịu một ‘phức cảm’ thái quá. Trong chỉ một thời gian ngắn, cơ thể của nàng đã thiểu năng và trí óc hầu như ngưng trệ. Cô đã chịu vô số thống khổ, tổn thương, khước từ, cay đắng và buồn bực, cũng như bộc lộ cơn giận dữ, thạnh nộ hòa lẫn với vô số cố chấp, không tha thứ. Thảo nào da cô bị ngứa ngáy và cô đã gãi suốt đêm. Thiếu nữ này đã trở thành nạn nhân của chính mình, và giờ đây rất có thể hàng tá hóa chất độc hại cùng lúc đang chạy khắp huyết quản của cô.

Sự giận dữ không phải do bẩm sinh. Đó là một sự đáp ứng phải tập tành, và phát triển có phương pháp qua nhiều năm. Thật ra, một số người hành động giận dữ hơn thực sự cần thiết. Nói cách đơn giản, họ đang biểu lộ một hành động mang tính đe dọa không hơn không kém. Trong quá khứ người ta đã bắt gặp ai đó hành xử theo cách ấy thế rồi học lấy và áp dụng cho chính mình trong tương lai.

Người ta nói, “Không thể tự giúp mình, tôi luôn luôn mất tự chế.” Vâng, nếu quí vị mất tự chế, theo cảm nhận thông thường có thể nói rằng quí vị hẳn phải có tự chế từ lúc nào đó trong đời mình để rồi đánh mất nó tại một chỗ đầu tiên.

Chớ làm bạn với người nóng tính, đừng kết giao với kẻ hay giận dữ; e rằng con học theo đường lối nó và linh hồn mình bị mắc bẫy chăng.

— Châm ngôn 22: 24-25

Sau khi đọc câu này, ta có thể kết luận rằng nóng giận là tính hay lây và là một thái độ của ma quỷ. Nếu chúng ta đàn đúm thường xuyên với đám cướp giật, chẳng chóng thì chầy chúng ta sẽ nhúng tay vào những hoạt động bất lương và rất có thể hứng chịu cùng hậu quả vì chúng làm từ trước đến nay. Nếu làm bạn với những người nóng tính xấu, chúng ta sẽ tự động học theo cách của họ, bắt đầu hành động như họ và rốt cuộc, sau khi đã quen thói, chúng ta sẽ tốt nghiệp nghệ thuật sách nhiễu và việc nỗi cơn tam bành được kể là trình độ đẳng cấp để truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

Cái gì mà thế hệ này dung chấp, thế hệ tiếp theo sẽ chấp nhận.

Chớ bị lừa dối: “Bạn bè xấu làm hư tánh nết tốt”.

— 1 Cô-rinh-tô 15:33

Chung qui, trẻ con thường là sản phẩm của môi trường quanh chúng, và chúng học qua những tấm gương. Phần lớn những bài học này nằm trong phạm vi gia đình và được dạy trực tiếp từ cha mẹ. Chúng ta gọi là ‘bắt chước như khỉ’ (monkey see, monkey do). Hay như Kinh Thánh nói trong Châm Ngôn 22: 6, “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng không đi lạc”.

Nhiều người chịu những tác hại của sự giận dữ, tuy nhiên họ là người rất tích cực. Họ không bao giờ tự bộc phát cơn giận, bèn là người tiếp nhận cơn giận của người khác. Điều này tương tự như người chưa từng ngậm một điếu thuốc trên môi mà lại phải mắc chứng ung thư phổi. Trong cơn hoảng sợ, họ đến bác sĩ để tìm câu trả lời và bác sĩ bảo họ là người ‘hút thuốc thụ động’. Một số lớn trẻ em trong đất nước chúng ta đang lớn lên trong một môi trường bạo động, giận dữ, và được xem là những kẻ thụ động tiếp nhận sự giận dữ.

Tôi rất thích chính phủ về việc quy định những khu vực ‘không thuốc lá’ trên toàn quốc. Tôi có thể hít thở dễ dàng trên máy bay và ăn uống thoải mái hơn trong bầu không khí nhà hàng. Là Cơ-đốc nhân, có lẽ chúng ta nên quan tâm và bày tỏ trách nhiệm trong việc phát triển một phạm vi ‘không giận dữ’ để bảo vệ và an ủi người khác, trong đó có con em mình.

Hỡi những người làm cha, đừng chọc tức con cái mình nhưng hãy dưỡng dục theo kỷ luật và giáo huấn của Chúa.

— Ê-phê-sô 6:4

Khi nói điều này cho các bậc làm cha vào thời ấy hẳn sứ đồ Phao-lô đã nhìn ra vấn đề trong lãnh vực này. Chữ ‘chọc tức’ trong Hi-văn là ‘parogizo’ chỉ được dùng duy nhất một lần trong Tân Ước, có nghĩa là ‘đến gần bên cạnh để làm cho nổi giận’ và ‘khiêu khích cơn thạnh nộ’.

Trong Cô-lô-se 3:21 sứ đồ Phao-lô lại nói với quí ông vào thời ấy, “Hỡi các người cha, đừng chọc giận con cái mình, kẻo chúng nản lòng.” Lần này, chữ ‘chọc giận’ có một ý nghĩa lớn hơn. Phao-lô đang hướng dẫn quí vị làm cha đừng ‘kích thích’ trẻ con nổi giận, vì điều ấy sẽ đem lại một hậu quả chung cuộc rất tiêu cực mà vị sứ đồ ám chỉ là ‘sự ngã lòng’ hay ‘nản chí’. Ngày nay, chỉ có người mù vùi đầu trong cát mới không nhìn thấy phần lớn đám trẻ đang ngã lòng thất chí và sống vất vưỡng không hy vọng, không mục đích.

Xin kết thúc này bằng hai câu Châm Ngôn sẽ đem lại phước hạnh cho quí độc giả nào giữ lấy và quyết định chấp nhận như những nguyên tắc của đời sống mình.

Châm Ngôn 11:17, “Người nhân từ làm lợi cho linh hồn mình; kẻ độc ác làm hại cho thân thể nó.”

Châm Ngôn 15:1, “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận; còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.”

 

Chuyển ngữ: THIÊN HỰU

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan