Giáng Sinh Và Mẫu Số Sự Chan Hòa Của Thỏa Lòng Và Vâng Phục

Share

Mùa Giáng Sinh nhắc lại cho chúng ta về sự thỏa lòng lạ lùng trong cuộc đời trên trần thế của những người đã kính yêu, tìm kiếm và vâng phục Đức Chúa Trời. Họ là Ma-ri, Giô-sép, vợ chồng Xa-cha-ri, những nhà thông thái và những người chăn chiên vv. Dù khác nhau rất nhiều về tuổi tác, địa vị, học thức, giai cấp và vai trò trong chương trình Chúa Giê-xu giáng sinh họ đều cùng có chung một mẫu số thuộc linh đến từ Chúa Giê-xu: “vâng phục vì yêu và tận hiến”

Mẫu số thuộc linh này sinh ra một mẫu số cho tâm hồn của những người như họ. Đó là một đời sống thỏa lòng với sự vui mừng trọn vẹn và không phai nhạt dù trong thuận cảnh, bình an và thịnh vượng hay trong nghịch cảnh và hoạn nạn. Cốt lõi của sự thỏa lòng này là sống với niềm tin rằng sự thỏa lòng và vâng phục Chúa là hai chất liệu thuộc linh không ngừng xúc tác với nhau, kích hoạt và vận hành lẫn nhau.

Tìm hiểu sâu xa về cốt lõi này, chúng ta cần làm hai điều: (1) Phân biện sự khác biệt sâu xa giữa sự thỏa lòng trong Chúa và việc đạt được những điều lòng người ước mơ và khao khát; (2) Nhìn biết hai bước khởi đầu khác nhau nhưng đều đạt đến mục đích như nhau là làm cho cốt lõi này vận hành sự tương tác, chan hòa lẫn nhau của sự vâng phục và sự thỏa lòng trong đời sống của vợ chồng Xa-cha-ri/Ê-li-sa-bết và vợ chồng Giô-sép/Ma-ri. Vợ chồng Xa-cha-ri/Ê-li-sa-bết lấy sự thỏa lòng làm động lực cho sự vâng phục kế tiếp trong khi vợ chồng vợ chồng Giô-sép/Ma-ri lấy sự vâng phục để đi đến sự thỏa lòng. 

1/ Phân Biện Về Sự Thỏa Lòng.

Sự thỏa lòng Chúa ban cho chúng ta là sự thỏa mãn và vui mừng trọn vẹn mà thời gian và hoàn cảnh biến đổi không thể làm phai nhạt hay mất đi.

Nó không dựa vào những gì đến từ bên ngoài như là tiền bạc, danh vọng, quyền thế, sự thành công trong đời sống vật chất hay trong đời sống đạo đức xã hội vv. Nó là sự bình an mà không phải của thế gian ban cho (Giăng 14:27). Nó là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết theo lý trí, cảm xúc hay đo lường của con người bất toàn, và nó đến từ Đức Chúa Trời (Phi-líp 4:7). Chữ bình an trong cả Tân Ước và Cựu Ước đều có chung ý nghĩa của tiếng 

Hê-bơ-rơ thời Cựu ước là “shalom,” nói đến tình trạng có đủ mọi nhu cầu, đặc biệt là mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

Trong khi đó những ước mơ và khao khát mà con người dù tốt hay xấu, đều do sự cộng hợp ít hay nhiều của lý trí, cảm xúc và sự hiểu biết bất toàn của con người. Cho nên mọi ước mơ và khao khát mà con người đạt được hôm nay đều sẽ mai một đi trong tương lai bởi thời gian và hoàn cảnh biến đổi mà con người không bao giờ đoán trước hay kiểm soát được.

Đó là chưa kể đến những cái giá phải trả cho việc đạt được những ước mơ và khao khát của con người.

Biết bao nhiêu bạn trẻ sống cho ước mơ trở thành những ca sĩ hay tài tử diễn xuất. Có bao nhiêu bạn sẽ thật sự thành công và nổi tiếng. Trong số đó có bao nhiêu người thật sự thỏa lòng và hạnh phúc? Khi mà tỷ lệ tan vỡ gia đình của giới nghệ sĩ luôn luôn là cao nhất và gấp nhiều lần những giới khác như là công nhân, công chức, điều hành hành chánh, giáo viên vv.

Người ta trầm trồ thán phục những người trong giới doanh nhân, hoạt động chính trị và trí thức về những kết quả, mục tiêu và địa vị lớn mà họ đã đạt được. Nhưng bạn có biết là họ thèm muốn những thời gian nghĩ ngơi thật sự, những giờ gần gũi với gia đình và những quan hệ thân mật mà cuộc sống của họ không có?

Nhiều người có “tôn giáo” và niềm tin, trong đó có cả Cơ đốc nhân, đã được đáp lời cầu nguyện. Họ được chữa lành bệnh, vượt qua cơn hoạn nạn hay khủng hoảng tài chánh, phục hồi lại được những mối quan hệ với người khác vv. Nhưng họ chỉ thỏa lòng trong một thời gian rồi sau đó họ vẫn tiếp tục khô cạn, chán nản và mất hy vọng. 

Với hai đặc tính trọn vẹn và không biến đổi trước thời gian và hoàn cảnh, sự thỏa lòng có những chiều kích sâu xa và rộng lớn về cảm xúc, lý trí và tâm linh và những chiều kích này luôn được Chúa đổi mới (2 Cô-rinh-tô 5:17). Do đó trong lúc sự thỏa lòng luôn luôn bao gồm việc đạt được tất cả những ước mơ và khao khát (Ma-thi-ơ 6:33) thì việc đạt được những điều ước mơ và khao khát mà tâm trí và cảm xúc của con người dấy lên không đủ làm nên sự thỏa lòng.

Chúa hứa và ban cho những người hết lòng tìm kiếm, kính sợ và vâng phục Chúa một đời sống thỏa lòng lạ lùng (Thi Thiên 16:11, 107:9; Châm Ngôn 19:23; Ê-sai 58:11; Phi-líp 4:19). Đó là sự thỏa lòng không dựa trên ngoại cảnh nhưng được sinh ra bởi sức sống của mối quan hệ mật thiết giữa con người với Chúa. Sức sống đó khiến cho sự thỏa lòng vẫn vận hành dù trong thuận cảnh, bình an và thịnh vượng hay trong nghịch cảnh và hoạn nạn.

2/ Khởi Đầu Từ Sự Thỏa Lòng: Vợ Chồng Xa-cha-ri & Ê-li-sa-bết (Lu-ca 2:5-25).

Hai vợ chồng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết là người công chính. Thiên sứ báo tin Chúa nhậm lời cầu nguyện của họ. Ê-li-sa-bết sẽ không còn hiếm muộn nửa nhưng sẽ có một con trai. Con trai này, Giăng Báp-tít, sẽ được đầy dẫy Thánh Linh từ trong bụng mẹ, nhảy mừng chào đón thai nhi Giê-xu (Lu-ca 2:39-44). Giăng Báp-tít sẽ “lấy tinh thần và quyền năng của Ê-li” để chuẩn bị dân tộc Do Thái sẵn sàng cho chức vụ công khai của Chúa Giê-xu (Lu-ca 1:5-17). Thật là một vinh dự và thỏa lòng lớn lạ cho hai vợ chồng Xa-cha-ri.

Tuy nhiên, nếu dừng lại tại một điểm thỏa lòng để rồi không đi tiếp đến điểm vâng phục kế tiếp trong dòng tác động dây chuyền này, đặc biệt khi điểm vâng phục kế tiếp đó đòi hỏi trả giá bằng sự thỏa lòng đã có trước đó, thì sự dừng lại đó vô hiệu hóa mọi sự thỏa lòng đã có trước. 

Trong thời Các Quan Xét, mỗi khi dân Y-sơ-ra-ên thỏa mãn với xứ Ca-na-an đượm sữa và mật ong và không tiếp tục vâng phục Chúa mà thờ lạy hình tượng thì họ bị các dân trong xứ này cai trị và bóc lột. Mọi thứ “sữa và mật ong” bị các dân ngoại tước đoạt.

Trong thời Công Vụ, An-na-nia và Sa-phi-ra vừa muốn sống trong hội thánh đầu tiên đầy dẫy sự hiện diện và quyền năng của Đức Thánh Linh vừa muốn nói dối Đức Thánh Linh, nên kết cuộc của họ là cái chết (Công Vụ 5:1-11).

Không dừng lại thì sự thỏa lòng sau sẽ tươi mới và lớn lạ hơn sự thỏa lòng đã có. Đây là điều xảy ra cho Xa-cha-ri sau khi ông vâng phục Chúa đặt tên cho con trai lúc nó được sinh ra là Giăng (1:12,57-65) bất chấp sự có thể phải mất đi mọi sự. 

Kinh Thánh luôn cho biết về dòng dõi của những người nữ được Chúa dùng làm tổ mẫu hay mẹ của những người quan trọng trong chương trình của Chúa như Ta-ma, Ru-tơ,… (Ma-thi-ơ 1:3,5) và đặc biệt là An-ne cũng là người hiếm muộn như Ê-li-sa-bết (1 Sa-mu-ên 2:21); nhưng Kinh Thánh không nói đến việc Ê-li-sa-bết sẽ sinh thêm con trai khác nên có thể nói khá chính xác là vợ chồng Xa-cha-ri chỉ có một con trai duy nhất là Giăng (Báp-tít).

Việc Xa-cha-ri không theo truyền thống của người Do Thái, không đặt tên con trai trưởng theo tên cha là Xa-cha-ri, có nghĩa là thánh chức thầy tế lễ cùng với những quyền lợi về đất đai và phần lương thực theo tiêu chuẩn của thầy tế lễ thời đó sẽ không được truyền lại cho Giăng (để Giăng sẽ không bị ràng buộc bởi chức vụ này mà có trọn sự tự do cho đời sống “tiên tri” công báo về sự đến của Chúa Cứu Thế). Đó là chưa kể nếu họ biết rằng Giăng sẽ chết sớm vì sứ mạng Chúa ban (Ma-thi-ơ 14:1-12) và dòng dõi của họ sẽ chấm dứt với cái chết đó!

Dù lý trí và cảm xúc của con người nói với vợ chồng Xa-cha-ri là vâng phục Chúa đặt tên cho con như vậy sẽ không chỉ xóa bỏ sự thỏa lòng trước đó mà còn cắt đứt mọi ước mơ của họ trong tương lai – vợ chồng ông vẫn vâng phục đặt tên đứa bé là Giăng.

Vợ chồng chúng ta có thể là một Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết của thế kỷ 21 không?

Nhưng trong luật tương tác dây chuyền giữa vâng phục và thỏa lòng của Chúa thì sự vâng phục này sinh ra sự thỏa lòng mới. Khi Áp-ra-ham vâng phục Chúa đem Y-sác dâng tế lễ trên núi Mô-ri-át thì chẳng những Chúa sắm sẵn chiên con thay cho Y-sác làm tế lễ, mà Ngài còn làm mới lại và làm lớn lạ hơn lời hứa về dòng dõi ông sẽ là nguồn phước cho mọi dân tộc, và đây là lời hứa mà Chúa chỉ vào chính Ngài mà thề (Sáng Thế Ký 15:1-18).

Vừa viết xong tên đặt cho con là Giăng thì Xa-cha-ri được đầy dẫy Đức Thánh Linh để nói tiên tri về những sự thỏa lòng lớn lạ hơn. Chúa cho ông có lời tiên tri rằng Chúa sẽ làm trọn lời hứa với dân Do Thái, Ngài ban cho họ (và nhân loại) một đấng cứu thế mà con của ông bà sẽ được vinh dự làm người đi trước mở đường cho đấng đó (Lu-ca 1:67-79).

Hai vợ chồng Xa-cha-ri đã sống với một tâm tình tiếp tục vâng phục sau khi đã được thỏa lòng để bởi đó mà họ được Chúa mở mắt cho thấy sự thỏa lòng mới lớn lạ hơn sự thỏa lòng đã có, và bởi đó họ sẽ có những động lực mới đầy sức sống để tiếp tục luôn luôn vâng phục và bởi đó mà tiếp tục luôn luôn được thỏa lòng. Bí quyết của họ là đừng để cho sự thỏa lòng Chúa ban trong hiện tại ngăn cản sự vâng phục Ngài trong tương lai.

3/ Khởi Đầu Từ Sự Vâng Phục: Vợ chồng Giô-sép/Ma-ri.

Trái ngược với hoàn cảnh của Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết, Ma-ri khởi đầu bằng sự vâng phục đến mức sẵn sàng chịu chết. Cô có thai không bởi ăn ở với hôn phu là Giô-sép. Cô có thai bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Đây là điều chưa hề xảy ra trước và sau đó trong Kinh Thánh và lịch sử loài người. Dưới con mắt của mọi người trong đó có cả Giô-sép thì Ma-ri đã phạm tội tà dâm. Trong thời đó hình phạt nhẹ nhất cho cô là bị Giô-sép từ hôn và nặng nhất là bị ném đá chết trước cửa nhà cha mẹ mình (Phục Truyền 22:20-21).

Nhưng Chúa sai thiên sứ báo mộng cho Giô-sép nhận biết được sự thật. Giô-sép rước Ma-ri về làm vợ với một tình yêu của một con người công chính (Ma-thi-ơ 1:11-25). Chúa cũng bày tỏ riêng cho mỗi người về đứa con trai mà họ phải đặt tên là Giê-xu sẽ được Chúa dùng làm Cứu Chúa đầy thẩm quyền và quyền năng (Lu-ca 1:30-33, Ma-thi-ơ 1:20-23). Những điều này lớn lạ này làm cho Ma-ri (và Giô-sép chắc chắn cũng đồng tâm tình) ca ngợi: 

Linh hồn tôi tôn ngợi Chúa,
47 Tâm linh tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời là Cứu Chúa tôi,
48 Vì Ngài đã đoái thương thân phận hèn mọn của tớ gái Ngài.
Nầy, từ nay về sau, mọi thế hệ sẽ khen tôi là người có phước;
49 Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi

— Lu-ca 1:46b-19a

Nhưng mọi điều lớn lạ Chúa làm cho Ma-ri và Giô-sép đều nằm trong sự kín nhiệm mà không một ai, ngoài vợ chồng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết, có thể nhận biết và hiểu được. Tất cả những điều lớn lạ khác xảy ra sau sự hoài thai của Ma-ri bởi Đức Thánh Linh đều vẫn là những điều họ không thể nói ra cho công chúng: 

  1. Thiên sứ báo tin lành cho những người chăn chiên (Lu-ca 2:8-19) và ngôi sao dẫn đường cho các nhà thông thái (Ma-thi-ơ 2:1-12) đến thăm hài nhi Giê-xu ở thành Bết-lê-hem.
  2. Thiên sứ báo hãy trốn đến Ai-cập để tránh Hê-rốt Đại Đế tìm giết hài nhi Giê-xu (Ma-thi-ơ 2:13-18).
  3. Thiên sứ báo hãy trở về và sống ở Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 2:19-23).

Giô-sép và Ma-ri không thể nào công bố tất cả những điều lớn lạ này cho mọi người (ngoại trừ Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết). Đức Chúa Trời dùng các tổ phụ, tiên tri và những người được Đức Chúa Trời xử dụng trước họ – từ Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Môi-se, Ê-li, Đa-vít, Ê-sai vv mà Kinh Thánh gọi là những anh hùng đức tin (Hê-bơ-rơ 11) – một 

cách công khai trước mặt mọi người. Ngài tỏ sự vinh hiển và quyền phép của Ngài trong đời sống và chức vụ của họ khiến họ được dân chúng và mọi người công chính tôn trọng, hỗ trợ và cộng tác vv. Ngay cả Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết cũng được chúc mừng và tôn trọng về phép lạ có con trong tuổi già và “tay Chúa ở cùng con trẻ ấy.” (Lu-ca 1:63-66).

Nhưng mọi vinh quang và quyền phép mà Chúa làm với Giô-sép và Ma-ri đều là những điều Chúa làm trong sự kín nhiệm và họ phải giữ kín nhiệm. Họ không nhận được sự tôn trọng, hỗ trợ và cộng tác vv… của bất cứ một ai. Ngay cả với riêng Ma-ri, sống lâu hơn Giô-sép và chứng kiến sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu, bà cũng không nhận được sự tôn trọng và vinh danh mà người mẹ phần xác của Chúa Cứu Thế Giê-xu đáng có trong thời của bà. Ngược lại, trong suốt cuộc đời của Giô-sép và Ma-ri, họ vẫn mang tiếng xấu là Giô-sép không phải là cha của đứa con trai đầu lòng của họ.

Giô-sép và Ma-ri đã sống như là những “anh hùng đức tin vô danh” đi từ hết vâng phục trong nghịch cảnh này đến vâng phục trong một nghịch cảnh khác trong suốt cuộc đời của gia đình họ. Họ không có được sự thỏa lòng theo cách Chúa đãi các anh hùng đức tin khác như là được công chúng tôn trọng và nhận biết về những đóng góp của họ cho Chúa.

Sự thỏa lòng của họ là hình ảnh tiền phong – dù không diễn tả trọn vẹn được – của sự thỏa lòng của Chúa Giê-xu khi Ngài dù phải bỏ ngôi vị Đức Chúa Trời Ngôi Hai đến thế gian để sống trong vòng nhân loại tội lỗi, giảng tin lành bằng lời “sống” và quyền phép nhưng kết thúc bằng cái chết trên thập giá nhục nhã không một chút vinh quang dưới con mắt của loài người (Phi-líp 2:6-8). 

Chúa Giê-xu có một sự hiệp một mật thiết với Đức Chúa Cha “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30) trong sự mầu nhiệm Ba Ngôi “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Giăng 10:38c). Dù là sống hoàn toàn là một con người nhưng trong tận cùng con người của Chúa Giê-xu, thức ăn của Ngài – trong một khía cạnh là một nguồn nuôi dưỡng và thỏa lòng – là làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha, và hoàn tất công việc của Ngài (Giăng 14:34). Ma-ri (và Giô-sép) có đồng một tâm tình với Đấng Christ (Phi-líp 2:5) khi tuyên xưng và sống với lời tuyên xưng “Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” (Lu-ca 1:38. Ma-thi-ơ 1:24-25).

Trong sự hiệp một mầu nhiệm này, sự vận hành của Ba Ngôi Cha-Con-Thánh Linh trong đó có sự vâng phục và phục vụ nhau của mỗi Ngôi chính là sự thỏa lòng. Không có sự khác biệt giữa vâng phục, phục vụ và thỏa lòng. Tất cả đều vận hành với một bản chất hiệp một với nhau và chan hòa vào lẫn nhau của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

KẾT

Mùa Giáng Sinh nhắc chúng ta có hai cách khởi đầu khác nhau cho một đời sống xây dựng sự vâng phục và thỏa lòng.

Cách thứ nhất – đơn giản và căn bản về lý thuyết nhưng thật ra cũng rất khó trong thực tế áp dụng – là đừng để cho sự thỏa lòng của một thời điểm trong bước đường sống theo Chúa cản trở sự vâng phục Ngài trong một thời điểm tương lai sau đó; nhưng hãy dùng những điều Chúa ban cho để làm tăng trưởng đời sống vâng phục Chúa. Những người được Chúa kể là anh hùng đức tin đã sống theo Chúa theo cách này.

Cách thứ hai – dĩ nhiên là khó hơn – là sống với sự nhận biết rằng sự thỏa lòng luôn hiện diện trong sự vâng phục và ngược lại sự vâng phục luôn hiện diện trong sự thỏa lòng.

Không có sự khác biệt giữa vâng phục, phục vụ và thỏa lòng. Tất cả đều vận hành với một bản chất hiệp một với nhau và chan hòa vào lẫn nhau của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đây là cách của những anh hùng đức tin vô danh như Ma-ri và Giô-sép. Mặc dù lúc đó họ chưa biết lẽ đạo Ba Ngôi nhưng đời sống theo Chúa của họ đã sẵn có bản chất này.

Chúa kêu gọi thì Ngài sẽ làm kết thúc điều Ngài kêu gọi (Phi-líp 1:6). Khi Chúa kêu gọi chúng ta sống theo Ngài, Chúa sẽ từng hồi từng lúc đặt chúng ta vào một trong hai cách vâng phục-thỏa lòng kể trên. Dù là trong cách nào, với tấm lòng tôn thờ Chúa, chúng ta có thể vâng phục và thỏa lòng, dĩ nhiên không phải bởi sức của con người chúng ta, nhưng bởi sức của Chúa: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.” (Phi-líp 4:13).

 

Nguyễn Trọng

*Ngoại trừ được nêu ra nguồn, tất cả Kinh Thánh dùng trong bài viết này đến từ Bản TTHĐ 2010.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan