Chốn An Toàn Để Tội Nhân Thay Đổi – Sáu Dấu Hiệu Của Việc Cư Xử Theo Phúc Âm

Share

Những tội lỗi giấu kín sẽ hủy hoại Cơ Đốc nhân vì chúng vẫn còn bị che giấu. Thông thường, Cơ Đốc nhân rất thích ở trong sự tối tăm, giấu mình trong mặc cảm của tội lỗi mà họ không muốn nói ra vì quá xấu hổ. Thật khó để trừ bỏ tội lỗi nếu không xưng nó ra. Điều nầy có nghĩa là một môi trường Cơ Đốc phải có sự thành thật và sự xưng tội cùng nhau. Không có nan đề nào cho thấy điều nầy rõ ràng bằng cuộc chiến chống lại phim ảnh đồi trụy và thói trụy lạc.

Đối với tôi, yếu tố quan trọng để tạo ra một môi trường cổ vũ cho việc làm có chủ đích, có sự giải trình, và những thói quen xưng tội lành mạnh là sự có mặt và cư xử của một mục sư hoặc cố vấn thật khôn ngoan. Người lãnh đạo biết cách cư xử theo Phúc âm là một công cụ rất mạnh mẽ của ân điển để giúp đỡ Cơ Đốc nhân chống lại sự tuyệt vọng thường xảy ra trong cuộc chiến nầy. Vậy thì, cư xử theo Phúc âm có nghĩa là gì?

“Tạo ra một môi trường Cơ Đốc phải có sự thành thật và sự xưng tội cùng nhau”.

Nói về Phúc âm, ý tôi là tin lành, mà chúng ta là tội nhân đã được Đức Chúa Trời đón nhận nhờ công tác mà Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta. Ngài đã sống một cuộc đời mà chúng ta không thể sống như Ngài được. Chúa đã chịu một cái chết mà chúng ta không thể làm như Ngài được. Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết, đắc thắng tội lỗi và sự chết. Ngoài Chúa Jêsus ra, thì không còn hy vọng nào khác nữa. Ở trong Chúa Jêsus, chúng ta có hy vọng sống.

Nói về cách cư xử, ý tôi là lối sống trong thực tại và cách đối xử với người khác, vì người đó biết mình là ai nên có thái độ đúng đắn, nó uốn nắn và tô điểm cho mọi việc người đó làm. Đó là bộ dạng của chúng ta. Đó là cách chúng ta tạo ấn tượng với người khác. Ý tôi nói về cách cư xử. Cư xử theo Phúc âm là yếu tố quan trọng để tạo ra môi trường lành mạnh nhằm để xử lý bất kỳ tội lỗi nào, mà đặc biệt là vấn đề tính dục.

Sáu khía cạnh để bày tỏ Phúc âm

Cư xử theo Phúc âm có liên quan đến việc một người biết cách bày tỏ thái độ hơn là làm theo những hành động có thứ tự nào đó, thật khó để xác định điều nầy. Tuy nhiên, tôi thấy trong Cô-lô-se 3:1-17 là chỗ tốt nhất để hiểu được điều nầy. Dưới đây là sáu khía cạnh để cư xử theo Phúc âm được rút ra từ phân đoạn Kinh Thánh nầy.

Đầu tiên, cư xử theo Phúc âm bắt đầu bằng việc làm cho tâm trí của bạn hướng về Đấng Christ (Cô-lô-se 3:1). Hãy định hướng suy nghĩ của chúng ta. Hãy định hướng cảm xúc của chúng ta. Hãy để Đấng Christ chi phối cuộc đời chúng ta, Ngài là sự sống của chúng ta. Ngài là mặt trời; mọi thứ trong cuộc đời chúng ta sẽ có quỹ đạo ở chung quanh Ngài.

Thứ hai, cư xử theo Phúc âm có nghĩa là mặc lấy người mới (Cô-lô-se 3:9-10). Có một sự đối lập giữa người cũ (A-đam), là kẻ đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, và Người mới (Jêsus), là ảnh tượng hoàn chỉnh, đã tin cậy và vâng lời, Đức Chúa Trời. Cư xử theo Phúc âm có nghĩa là “mặc lấy” Người mới — tức là “mặc lấy” Chúa Jêsus. Đó là một minh họa rất hay cho ý nầy: chúng ta phải mặc lấy Chúa Jêsus, giống như mặc áo choàng vậy. Có những thói quen xuất phát từ cách cư xử nầy. Người cũ có những thói quen cũ, người mới có những thói quen mới. Có những thói quen xuất phát và phù hợp với A-đam tội lỗi, có những thói quen xuất phát và phù hợp với Đấng Christ. Chúng ta không thể làm được điều nầy nếu chúng ta không mặc lấy người mới.

Thứ ba, cư xử theo Phúc âm có nghĩa là chúng ta biết mình được Chúa yêu ở trong Phúc âm. “Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài…” (Cô-lô-se 3:12). Có những đặc điểm và phẩm chất mà chúng ta mặc lấy và làm theo bởi vì chúng ta là người thánh và rất yêu dấu của Đức Chúa Trời. Chính Ngài định nghĩa chúng ta là ai. “Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay” (1 Cô-rinh-tô 15:10). Ân điển của Ngài làm cho chúng ta được như ngày nay. Cư xử theo Phúc âm có nghĩa là tình yêu và ân điển của Chúa định nghĩa chúng ta là ai, và chính chúng ta biết rõ điều đó tận sâu trong xương cốt của mình.

Thứ tư, cư xử theo Phúc âm có nghĩa là chúng ta bị chi phối bởi sự bình an của Đấng Christ (Cô-lô-se 3:15). Chúng ta có sự chắc chắn, ổn định, vững vàng, không lay chuyển. Chúng ta không bị dao động theo chiều gió. Khi bão đời ập tới, chúng ta đứng vững trên hòn đá. Có một sự ổn định và yên ninh đến từ việc biết rằng chúng ta được Chúa yêu, được chọn bởi ân điển, được định hướng bởi Đấng Christ, được mặc lấy Người mới.

Thứ năm, cư xử theo Phúc âm có nghĩa là Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng chúng ta và chúng ta dư dật sự khôn ngoan (Cô-lô-se 3:16) — chứ không chỉ có đọc Kinh Thánh, mà Lời Chúa phải ở đầy và đủ và có kết quả trong đời sống chúng ta nữa. Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, nên sẽ có một cảm nhận là “người nầy đã ở cùng Đức Chúa Trời”. Cư xử theo Phúc âm nghĩa là chúng ta có sự khôn ngoan để áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống thật kết quả.

Cuối cùng, cư xử theo Phúc âm có nghĩa là hết thảy việc làm của chúng ta đều được thực hiện trong danh của Chúa Jêsus (Cô-lô-se 3:17). Việc làm của chúng ta mang danh Chúa. Chúng làm chứng về Ngài, chỉ về Ngài và thu hút sự chú ý về Ngài.

“Cư xử theo Phúc âm nhắm đến việc tạo ra môi trường nghịch lý giàu ân điển an toàn cho tội nhân, chứ không phải cho tội lỗi”.

Làm thế nào cư xử theo Phúc âm giúp ích cho sự ăn năn thật và chống trả tội lỗi, đặc biệt là tội lỗi liên quan đến tình dục? Một người chăn bầy hoặc một người cố vấn có thói cư xử theo Phúc âm tức là tạo ra môi trường để giúp người khác thừa nhận tội lỗi của họ, thành thật về những nan đề của họ, vượt qua ác cảm tự nhiên khi họ bộc lộ sự xấu hổ của mình. Nói cách khác, cư xử theo Phúc âm nhắm đến việc tạo ra môi trường nghịch lý an toàn cho tội nhân, chứ không phải cho tội lỗi. Họ được đón nhận; tội lỗi của họ thì không. Có hai yếu tố quan trọng trong cách cư xử theo Phúc âm sẽ giúp tạo ra một môi trường như thế: hết mực thương xót và chống trả đến cùng.

Hết mực thương xót

Hết mực thương xót nghĩa là một người cố vấn nhắm đến việc tiết giảm tình cảnh bằng cách nương vào mớ hỗn độn. Người nào thất bại trong tội lỗi liên quan đến tình dục đều ở trong sự xấu hổ, sợ phải bộc lộ, lo lắng sẽ tái diễn trong tương lai, và tuyệt vọng không biết có thay đổi được không. Họ nghĩ: “Nếu mình thừa nhận việc đã làm hoặc thấy hoặc tưởng đến, thì người ta sẽ kinh tởm mà không dám lại gần mình nữa”. Những cảm nhận ấy sẽ đè nát khao khát muốn sống thật với nan đề của một người Cơ Đốc. Hết mực thương xót trong cách cư xử Phúc âm là xoa dịu tội nhân đang bị tan vỡ, lo lắng và sợ hãi.

Hết mực thương xót nương vào mớ hỗn độn. Mục tiêu là để nói rằng Đức Chúa Trời ở cùng họ thông qua người cố vấn đang ở với họ. Sự ổn định và dịu hiền nầy không phải là khắc kỷ; chúng ta phải cảm nhận thật sâu sắc tình trạng của đối tượng mà mình đang giúp đỡ. Nhưng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, cảm xúc vẫn ở trong tầm kiểm soát của chúng ta, hầu cho chúng ta sẵn sàng và hết mực hiểu thấu tội lỗi của họ. Tội nhân cần biết rằng chúng ta không hề ngạc nhiên về tình trạng của họ, cho dù họ thừa nhận điều gì đi nữa. Họ cần cảm nhận được rằng chúng ta (và Đức Chúa Trời) đang ở với họ và hết lòng vì ích lợi của họ.

Hết mực thương xót đang nói rằng chúng ta không có ác cảm đối với tội lỗi của họ. Cho dù có tối tăm cỡ nào, thì ân điển của Chúa Jêsus sẽ vươn ra bấy nhiêu. Chắc chắn sẽ có hậu quả của tội lỗi (đặt biệt là những tội lỗi cũng bị coi là phạm pháp). Nhưng hết mực thương xót đang nói rằng: cho dù hậu quả có như thế nào, Chúa Jêsus là thật, Ngài sẽ ở cùng khi chúng ta đem bóng tối ra ánh sáng.

Nếu Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta

Lòng thương xót tìm cách thể hiện những lẽ thật sâu xa của Phúc âm để phản ánh các phân đoạn Kinh Thánh như Rô-ma 8:31-39. Phân đoạn nầy nói lên tinh thần thương xót hết mực cũng giống như các chỗ khác trong Kinh Thánh.

Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta (Rô-ma 8:31)? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? (8:32) Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy (8:33). Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta (8:34). Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ — có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? (8:35). Tình yêu đắc thắng của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta thắng hơn mọi trở ngại để nhận được sự tốt lành sau cùng (8:37). Sự chết, sự sống, thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, bề sâu, hoặc một vật nào — chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta (8:38–39).

Đó là cách Đức Chúa Trời hành động vì lợi ích của chúng ta, đây cũng là những gì các mục sư và cố vấn truyền đạt lại cho tín hữu của mình. Khi chúng ta lo lắng, lòng nhiệt thành và nỗi sợ hãi gia tăng, thì lòng thương xót hết mực đâm rễ từ Rô-ma 8 tạo ra một cảm nhận bình an từ Thánh Linh thật sâu lắng trong lòng. Rô-ma 8 thêm lên cho chúng ta sự ổn định và lòng thương xót, còn lòng thương xót hết mực tạo ra một môi trường an toàn cho tội nhân.

Chống trả đến cùng

Nhưng có một khía cạnh khác khi nói về môi trường lành mạnh. Tiếp nhận tội nhân đang tan vỡ đòi hỏi phải có thái độ thù địch với tội lỗi của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn làm điều tốt cho người khác, chúng ta sẽ căm ghét và muốn trừ bỏ những thứ đang hủy hoại họ. Vì thế mà chúng ta cần phải vừa có lòng thương xót hết mực vừa có sự chống trả đến cùng. Thái độ chống trả đến cùng phải được kiểm soát, nhưng đó là thái độ kiên nhẫn và không từ bỏ việc phơi bày và trừ bỏ tội lỗi. Không có thái độ chống trả đến cùng đối với tội lỗi, chúng ta sẽ do dự trong việc thách thức người khác đeo đuổi sự thánh khiết. Sự yên ủi có thể trở thành sự nuông chiều. Nhưng một người tâm vấn khôn ngoan và trung tín sẽ truyền đạt rõ ràng về tính nghiêm trọng của tội lỗi.

Kinh Thánh không hề tối giản những lời lẽ khi đề cập về hậu quả của sự miệt mài trong tội lỗi. “Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết [đời đời]” (Rô-ma 8:13). Người nào làm công việc của xác thịt sẽ không được hưởng nước Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:19-21; 1 Cô-rinh-tô 6:9-10). Kinh Thánh sử dụng từ ngữ bạo lực và mạnh mẽ để mô tả thái độ của chúng ta đối với việc trừ bỏ tội lỗi: hãy làm chết (Cô-lô-se 3:5-6; Rô-ma 8:13); hãy móc mà quăng (Ma-thi-ơ 5:29); hãy chặt mà liệng (Ma-thi-ơ 5:30); hãy tránh sự dâm dục (1 Cô-rinh-tô 6:18; 2 Ti-mô-thê 2:22). Đây là những lời lẽ bạo lực và mạnh mẽ để nhắc chúng ta nhớ rằng: chúng ta không thể cứ miệt mài trong tội lỗi, bởi vì Đức Thánh Linh không bao giờ dung thứ cho tội lỗi.

“Cư xử theo Phúc âm muốn truyền đạt cả hai điều, đó là Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta và tội lỗi của chúng ta không được chào đón nồng hậu”.

Cư xử theo Phúc âm muốn truyền đạt cả hai điều, đó là Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta và tội lỗi của chúng ta không được chào đón nồng hậu. Ai cũng có thể tiếp cận chúng ta hoặc Đức Chúa Trời trong tình trạng hiện tại của họ. Nhưng chúng ta cam kết sẽ không để người đó ở yên trong tình trạng của mình như vậy mãi. Cho nên, bằng thái độ và lời lẽ, chúng ta nói rằng: “Tôi sẽ giúp bạn; Tôi sẽ nương theo điều bạn kể; Tôi sẽ không ngạc nhiên trước những gì bạn vừa thú nhận. Tôi yêu bạn, tôi ở cùng bạn, tôi sẽ giúp bạn bởi vì Đức Chúa Trời yêu bạn, Ngài ở cùng bạn và Ngài sẽ giúp bạn. Tôi cũng sẽ không bao giờ để bạn miệt mài trong tội lỗi đâu. Tôi sẽ nói với bạn là hãy giết chết nó, chặt mà liệng đi, tránh xa nó”.

Cư xử theo Phúc âm nói với một tội nhân, đang mắc tội về tình dục hoặc là vấn đề nào đi nữa, rằng: “Tôi yêu bạn, tôi sẽ giúp bạn, tôi ở cùng bạn. Bây giờ, hãy giết chết tội lỗi”.

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan