Không Thể Bỏ Đi Lẽ Thật Vì Cớ Yêu Thương

Share

Điều gì mất đi khi lẽ thật chỉ là tương đối?

Ý tưởng cơ bản nhất của lẽ thật là sự tương ứng với thực tế. Nếu tôi nói bên ngoài trời đang mưa, bạn có thể ra ngoài và xem những gì tôi nói có tương ứng với những gì là thật không.  Bạn phải thấy là Trời đang mưa hoặc không mưa. Đó là ý tưởng về lẽ thật.

Lẽ thật không phải những gì bạn nghĩ là đúng hoặc muốn là đúng, mà là những gì thực sự hiện hữu – một cách khách quan – đúng. Lẽ thật là một cái gì đó đứng bên ngoài chúng ta.  

Đức Chúa Trời là chân lý — Ngài là nguồn gốc của tất cả lẽ thật. Điều này có nghĩa rằng lẽ thật là siêu việt. Lẽ thật không đến từ chúng ta, không phải do chúng ta tạo ra hoặc xác định, mà là đến với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta nói Kinh thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời đã khải thị về Ngài và khải thị những lẽ thật về Ngài mà ngoài cách này ra không một ai có thể biết được về Ngài.

Đây là một ý tưởng cấp tiến.

Lẽ thật không phải là thứ do chúng ta tạo ra.  Nó là thứ mà chúng ta khám phá ra. 

Lẽ thật không phải là những gì chúng ta chọn để tin là sự thật, cũng không phải là do được xác định bởi 51% tổng số phiếu bầu chọn là sự thật, cũng không phải những gì các hệ tư tưởng coi là sự thật.  

Lẽ thật điều hoặc tương ứng hoặc không tương ứngvới thực tế. Nó không phải là một trò chơi phỏng đoán hay một nghệ thuật chủ quan nào đó.

Đây là lý do tại sao những người bỏ qua việc giải quyết một điều nào đó là đúng hay không đúng và nói những điều như: “Tất cả những gì quan trọng là bạn chân thành,” bỏ lỡ một điểm rất quan trọng: Bạn có thể sai một cách chân thành.

Tôi có thể chân thành tin rằng khi tôi với tay tới tủ thuốc lúc ba giờ sáng với cơn đau đầu rằng tôi đang uống Tylenol, nhưng nếu tôi thực sự đang dùng xy-a-nua (một loại thuốc độc cực mạnh giết người), thì sự chân thành của tôi sẽ không cứu tôi khỏi những gì tôi đã uống và được tiêu hóa.  Nếu tôi nhỏ axit carbolic vào mắt thay vì dung dịch kính áp tròng, dù tôi có thành tâm nghĩ rằng nó an toàn đến đâu, tôi vẫn sẽ bị mù.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Adolph Hitler chân thành tin rằng việc tàn sát sáu triệu người Do Thái là chính đáng – ông ta đã thực sự sai lầm.

Chân thành là quan trọng, nhưng nó không thể là tất cả vấn đề, bởi vì chỉ dựa vào lòng chân thành mà thôi thì chúng ta vẫn không có quan hệ thật với hiện thực. Đây là lý do tại sao nói những điều như “Chà, đó là lẽ thật của bạn và tôi có lẽ thật của tôi” hoặc “Điều gì đúng với bạn là đúng với bạn, điều gì đúng với tôi cũng đúng với tôi” hoặc “Không có cái gọi là lẽ thật – sự thật là bất cứ điều gì bạn muốn nó trở thành ”(như thể sự thật thậm chí không tồn tại bên ngoài quan điểm cá nhân) không phải là sự cẩn thận trong suy nghĩ của chúng ta.

Như đã đề cập, ý tưởng về sự thật là sự tương ứng giữa ý tưởng hoặc nhận thức của chúng ta và thực tế. Điều gì là sự thật thì điều đó thực sự là như vậy. Nếu bạn tin rằng loại sự thật khách quan đó không tồn tại hoặc nếu nó không thành vấn đề thì bạn có một số thách thức nghiêm trọng cần phải vượt qua. Ngay cả một người hoài nghi đáng chú ý như Sigmund Freud cũng phải thừa nhận rằng,

“[Nếu] đó thực sự là vấn đề không cần phân biệt với những gì chúng ta tin tưởng, thì chúng ta cũng có thể xây những cây cầu bằng bìa giấy cứng mà tin rằng cũng vững chắc như là xây bằng đá, hoặc tiêm một phần mười gam chất mọc-phin (làm giảm đau cực mạnh và nhanh) vào một bệnh nhân thay vì chỉ tiêm một phần trăm gam, hoặc dùng hơi lựu đạn cay như một chất gây nghiện thay vì dùng chất ê-te. “

Lẽ thật là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến lẽ thật dễ bị bỏ rơi trong thời đại của chúng ta là vì một thứ khác cũng quan trọng: tình yêu. Điều đó có vẻ lạ lùng, nhưng bởi vì chúng ta không hiểu sự tác động qua lại của lẽ thật và tình yêu, chúng ta đang nhân danh tình yêu mà bỏ đi lẽ thật.

Đây là cách mà sức sống động của chúng tương tác với nhau: Tình yêu mà chúng ta muốn thể hiện không thể tách rời khỏi lẽ thật mà chúng ta muốn nắm vững. Bạn không thể có tình yêu nếu không có lẽ thật, cũng như bạn không thể có lẽ thật nếu không có tình yêu.

Không có sự áp dụng nào của tình yêu (nếu đó là tình yêu thực sự) có thể đánh đổi được lẽ thật. Nếu bạn cảm thấy tình yêu đang kêu gọi bạn từ bỏ hoặc nhắm mắt làm ngơ trước lẽ thật, thì bạn đang hiểu sai về cách áp dụng và cách thể hiện tình yêu thích hợp.

Tuy nhiên, đó chính xác là bệnh dịch của thời đại chúng ta.  Nhân danh tình yêu, chúng ta đang hy sinh và thỏa hiệp lẽ thật.

Chính vấn đề này đã được sứ đồ Giăng đề cập trong bức thư thứ hai được ghi lại cho chúng ta trong Tân Ước. Một số người đang sử dụng mạng lệnh hãy yêu thương để loại bỏ lẽ thật, loại bỏ bất kỳ ý thức nào về điều đúng hay sai, loại bỏ bất kỳ ý thức nào về tín lý hoặc thẩm quyền.

Nhân danh tình yêu, họ từ bỏ những cam kết vững chắc với sự thật. Về cơ bản, John đã trả lời như sấm: “Không — tình yêu dựa trên lẽ thật! Khi bạn ly dị lẽ thật khỏi tình yêu, bạn không có tình yêu, bạn có lối sống trở nên vô đạo đức và suy nghĩ bị biến chất để trở thành tà giáo. “

Đây là điều con người sai lầm về ân sủng — để có được ân sủng đúng đắn, nó không chỉ là về ân sủng. Khi chúng ta nghĩ về ân sủng, chúng ta nghĩ về tình yêu và sự tha thứ và chấp nhận.  Và chúng ta nên làm như thế vì chúng là những gì mà ân sủng nắm lấy. Nhưng ân sủng không chỉ là về ân sủng; nó luôn là một phần của một “gói” và gói đó là ân sủng và lẽ thật. Ân sủng và lẽ thật luôn đi đôi với nhau.

Chúng gắn bó và đan quyện vào nhau một cách chặt chẽ. Bạn lấy lẽ thật ra khỏi thì bạn không còn ân sủng nữa.  Trong tình trạng đó bạn sẽ có một ý tưởng “rẻ tiền” về ân sủng, chỉ nặng cảm xúc, thiếu sức sống và năng lực – mà nó đòi hỏi bạn phải chấp bất cứ một ai và xác định bất cứ những gì mọi người làm.

Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy điều đó trong Kinh thánh, dù là ít hay nhiều trong cuộc đời và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Không ai yêu thương hoặc ban ân điển hơn Chúa Giê-su. Không ai dễ chấp nhận hơn Chúa Giê-xu. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy Chúa Giê-su từng khẳng định một lối sống đi ngược lại lẽ thật.

Hay như Giăng cũng đã viết, “[Chúa Giê-xu] đã đến… đầy ân điển và lẽ thật” (Giăng 1:14). Như Henry Cloud đã viết, ân sủng là chấp nhận mối quan hệ. Lẽ thật là những gì có thật; nó mô tả mọi thứ thực sự như thế nào. Lẽ thật mà không có ân sủng chỉ là sự phán xét, nhưng ân điển mà không có lẽ thật chỉ là sự lừa dối. Hay như John Stott đã từng nói:

“Tình yêu của chúng ta mềm yếu nếu nó không được củng cố bởi lẽ thật, và lẽ thật của chúng ta sẽ khô cứng đi nếu nó không được làm mềm mại bởi tình yêu.”

 

Nguyễn Trọng

(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan