Không Phải Nhu Cầu Nào Cũng Là Sự Kêu Gọi

Share

Tất cả chúng ta bị vây phủ bởi rất nhiều nhu cầu. Từ những người trong nhà và nơi làm việc cho đến các gia đình tị nạn từ khắp thế giới tạm cư tại đất nước của mình, từ những người mắc bệnh và khuyết tật cho đến những người gặp khó khăn về tài chính và nợ nần — ai cũng có nhu cầu riêng về thuộc linh, cảm xúc và thể chất. Các nhu cầu nghe có vẻ khác nhau nhưng mỗi lần kêu lên là một cơ hội tiềm năng để chúng ta đầu tư thời gian và công sức vào đó. Để có thể sống trung tín thay vì lao mình điên cuồng vào những điều nầy, chúng ta phải biết một lẽ thật đầy tính nghiêm túc đó là không phải nhu cầu nào cũng là sự kêu gọi.

Chúa Jêsus thấy được từng nhu cầu của mỗi người mà Ngài đã gặp, nhưng Chúa không hề đáp ứng tất cả nhu cầu của mọi người. Ngài làm theo ý muốn của Cha trên trời, Chúa biết khi nào nói đồng ý và khi nào nói không đồng ý, lúc nào làm việc và lúc nào nghỉ ngơi. Ngài không dành ba năm chức vụ ngắn ngủi để lao mình vào vòng xoáy điên cuồng; thay vì thế, Chúa đã làm theo ý muốn của Cha trên trời một cách trung tín bằng cách ở gần Cha, chỉ làm vui lòng Ngài mà thôi.

Có lẽ chúng ta nói là: “Nhưng đó là Chúa Jêsus. Ngài biết ý muốn của Cha trên trời”. Trong số rất nhiều nhu cầu, làm thế nào chúng ta phân biện được công việc phải làm với khả năng và hiểu biết có giới hạn? Làm thế nào chúng ta biết được khi nào nói đồng ý và khi nào nên từ chối? Làm sao chúng ta biết ai cần giúp đỡ, chiến dịch nào cần sự hỗ trợ — cái nào không cần chúng ta?

Chúng ta càng muốn có một cán cân đơn giản (hoặc thậm chí là phức tạp cũng được) để phân biện ý muốn của Đức Chúa Trời ở trong đời sống của mình, thì Chúa đã ban cho người nào ở trong Đấng Christ những điều còn tốt hơn thế nữa. Ngài đã chọn ở trong chúng ta thông qua Đức Thánh Linh. Chúa còn ban Lời của Ngài và hứa là chúng ta cũng sẽ có đồng một tâm trí như Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 2:16).

Khi chúng ta sống lệ thuộc vào Đấng Christ, chúng ta có thể học cách đáp ứng với những nhu cầu trung tín hơn, thay vì điên cuồng lao mình vào.

Khi chúng ta tìm cách phân biện lằn ranh mờ mịt giữa điều tốt, tốt hơn và tốt nhất, thì chúng ta nên cầu nguyện tra xét tấm lòng, những ưu tiên và hoàn cảnh cần sự tiếp trợ. Khi chúng ta sống lệ thuộc vào Đấng Christ, chúng ta có thể học cách đáp ứng với những nhu cầu trung tín hơn, thay vì điên cuồng lao mình vào.

Tấm lòng

Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng giàu đặc tánh, vì thế nên cần có toàn bộ thân thể của Đấng Christ (quá khứ, hiện tại và tương lai) để bày tỏ sự trọn vẹn của Ngài. Như vậy, mỗi người tin Chúa sẽ phản ánh một chút những đặc tánh đẹp đẽ của Đấng Christ. Có người tan vỡ tấm lòng trước tình trạng buôn bán mại dâm, có người muốn đấu tranh cho các thai nhi chưa ra đời. Có người tin Chúa dốc lòng đáp ứng nhu cầu thể chất trong khi những người khác thích rèn luyện tâm trí. Chúng ta càng hiểu rõ đường lối của Đức Chúa Trời đã nối kết mỗi người chúng ta và xác định điều gì thôi thúc tấm lòng của chúng ta phải hành động ở trong tinh thần luôn cầu nguyện, thì chúng ta càng ít chạy chọt vô ích để đáp ứng từng nhu cầu ngoài kia.

Có nhiều việc lành cần làm trong khả năng thuộc thể và thuộc linh của chúng ta; đừng cố gắng làm hết mọi việc.

Cần phải có ý thức cảnh giác và trau dồi sự khiêm nhường để biết nhường lại công việc phù hợp với từng chi thể trong thân thể của Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 12:4–111 Phi-e-rơ 4:10–11). Có nhiều việc lành cần làm trong khả năng thuộc thể và thuộc linh của chúng ta; đừng cố gắng làm hết mọi việc. Dù sẽ có lúc Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta từ bỏ sự thoải mái của mình một chút, nhưng chúng ta cũng nên an tâm biết rằng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn việc lành để chúng ta làm theo (Thi thiên 139:14–16Ê-phê-sô 2:10).

Khi chúng ta lượng giá để nhận biết Đức Chúa Trời có đang kêu gọi mình phục vụ một nhu cầu cụ thể nào đó hay không, thì chúng ta nên đặt câu hỏi đại loại như: Có ai trong thân thể của Đấng Christ tại đây sở hữu những ân tứ và tấm lòng mang lại sự gây dựng cho tôi không? Có nhu cầu nào làm đau lòng tôi chăng? Tôi cảm thấy được khoái lạc ở trong Đức Chúa Trời nhất khi làm việc gì?

Những ưu tiên

Chỉ có tấm lòng không thôi sẽ không đủ để quyết định cách chúng ta sử dụng thời gian. Ngay cả những người đã biểt tấm lòng và tính cách của mình cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Lời Chúa quyết định những ưu tiên của chúng ta, bắt đầu từ việc cam kết ở trong Chúa. Khi ở trong Ngài, chúng ta mới có thể kết quả và yêu thương người khác (Giăng 15:4,12).

Tiếp theo, chúng ta nên hoàn thành những cam kết cơ bản của mình ở trong những giới hạn mà Chúa đã bày sẵn cho chúng ta (Thi thiên 16:5–6). Thí dụ, các bạn còn là sinh viên thì nên ưu tiên việc học và lớp học của mình, ngay cả khi họ không hứng thú về các lớp ấy. Người đi làm nên ưu tiên công việc của mình, ngay cả khi tấm lòng của họ hướng về điều khác.

Trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống, những ưu tiên khác nhau có thể điều khiển ngày tháng của chúng ta. Cha mẹ có con cái còn nhỏ sẽ có những ưu tiên khác nhau để lo toan hơn là những tổ ấm chưa có con cái. Người nào mắc bệnh kinh niên hoặc là ai đó phải chăm sóc những người có nhu cầu đặc biệt sẽ có những ưu tiên khác nhau hơn là những người có nhiều thời gian rảnh rỗi trong lịch sinh hoạt của mình.

Nếu đáp ứng một nhu cầu đặc biệt nào đó khiến chúng ta không thể ở với những người cần được ưu tiên hơn, thì chúng ta cần phải suy xét cẩn thận trong sự cầu nguyện rằng: Tôi đang có những ưu tiên nào trong giai đoạn nầy của cuộc sống? Những nhu cầu trước mắt có làm tôi đánh mất những ưu tiên của mình, hay là chúng có thể tồn tại cùng những ưu tiên của tôi một cách có ý nghĩa không?

Những cơ hội tiềm năng

Ngoài tấm lòng và những ưu tiên ra, chúng ta cũng nên tìm hiểu những cơ hội sẵn có mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trong đời sống của mình. Là người tin Chúa, chúng ta biết Đức Chúa Trời đặt những ngôi sao trên bầu trời và cho phép chúng ta ở trong hoàn cảnh sống của mình. Chẳng có chi tiết nào trong đời là ở ngoài tầm tể trị của Đức Chúa Trời cả. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời thường ở ngay trước mặt của chúng ta.

Nếu chúng ta thắc mắc nhu cầu nào mới là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì chúng ta cũng nên làm tốt phần quan sát của mình. Hãy thử hỏi là: Những người Chúa đặt để trong đời sống của mình đang ra sao? Có những nguồn lực, sự kết nối, hoặc sự khôn ngoan nào mà Chúa đã ban cho mình trong giai đoạn nầy chăng? Có nhu cầu hoặc chiến dịch nào là gánh nặng trong lòng mình chăng?

Nếu chúng ta thắc mắc nhu cầu nào mới là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì chúng ta cũng nên làm tốt phần quan sát của mình.

Khi chúng ta tìm kiếm những nhu cầu bao la như đại dương ở xung quanh, chúng ta phải giữ chắc góc nhìn của mình vào Đấng vô hạn có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Khi chúng ta nhớ đến quyền phép vô hạn và sự giàu có của Ngài, thì chúng ta được tự do hơn để sống trung tín thay vì lao mình cách điên cuồng vào mọi thứ. Khi chúng ta nhận biết bản chất vô hạn của Ngài, chúng ta càng có thể đáp ứng những nhu cầu mà vẫn biết mình có giới hạn.

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan