Góc Nhìn Đúng Đắn Về Ngày Sa-Bát – Mác 2:23-28

Share

Những câu Kinh Thánh này đặt ra trước mắt chúng ta một cảnh tượng phi thường về chức vụ trên đất của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta thấy Chúa Jêsus và các môn đồ của Ngài đi qua đồng lúa mì nhằm ngày Sa-bát. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng đang đi đường, môn đồ Ngài bứt bông lúa mì. Ngay lập tức, chúng ta thấy người Pha-ri-si buộc tội họ ở trước mặt Chúa, cứ như họ đã vi phạm một tội trọng vậy. “Sao môn đồ thầy làm điều không nên làm trong ngày Sa-bát?” Họ đã nhận được một câu trả lời khôn ngoan vô cùng mà tất cả mọi người phải nghiên cứu cho kỹ, tức là người nào muốn hiểu đề tài tuân thủ ngày Sa-bát.

Những chuyện vặt vãnh trở nên rất quan trọng

Từ các câu Kinh Thánh này, chúng ta thấy những chuyện vặt vãnh trở nên rất quan trọng đối với những kẻ theo đuổi bề ngoài của tôn giáo.

Người Pha-ri-si chỉ là những kẻ theo đuổi bề ngoài. Họ dường như chỉ nghĩ đến bề ngoài – vỏ trấu, vỏ sò và hành vi tôn giáo. Họ thậm chí còn thêm vào vẻ ngoài bằng ý riêng của họ. Sự tin kính của họ được tạo thành từ sự rửa sạch, kiêng ăn, ăn mặc cầu kỳ và thờ phượng bằng ý chí, trong khi sự ăn năn, đức tin và sự thánh khiết lại bị phớt lờ.

Người Pha-ri-si có lẽ sẽ không tìm thấy lỗi lầm nào cả nếu các môn đồ phạm tội chống lại luật pháp. Họ sẽ nhắm mắt làm ngơ trước tội tham lam, bội ước, tham nhũng, quá độ bởi vì chính họ đang có khuynh hướng vi phạm những tội lỗi này. Nhưng ngay sau khi họ nhìn thấy một vi phạm của người khác về cách người đó tuân giữ ngày Sa-bát, thì họ đã lên tiếng phản đối kịch liệt và moi móc tội lỗi. Chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo chính mình rơi vào sai lầm của người Pha-ri-si.

Trên đời này không bao giờ thiếu các giáo sư đi đứng giống như họ. Có hàng ngàn người ngày hôm nay quan tâm đến hình thức bên ngoài của tôn giáo hơn là các giáo lý cối lõi của tôn giáo. Họ chuyên tâm tuân giữ ngày của các thánh đồ, quay về hướng đông đọc bài tín điều, cúi lạy danh Chúa Jêsus hơn là ăn năn, hoặc tin cậy, hoặc sống biệt riêng khỏi thế gian. Chúng ta phải luôn tỉnh thức để chống trả tinh thần này. Không có sự yên ủi, sự thỏa mãn, cũng như sự cứu rỗi nào trong đó đâu.

Tâm trí của chúng ta phải giữ vững nguyên tắc này: linh hồn của một người đang ở trong tình trạng tồi tệ khi người đó bắt đầu xem nghi thức và lễ nghi do con người tạo ra là những điều quan trọng vượt trội và tôn cao chính họ hơn cả công tác rao giảng Phúc Âm. Đó là triệu chứng của căn bệnh thuộc linh. Có sự gian ác ở trong đó. Đây thường là nguồn lực của một lương tâm có sự bất an. Các bước đầu tiên của sự bội đạo từ đạo Tin lành cho đến Công giáo La Mã thường theo hướng này. Bởi vậy nên sứ đồ Phao-lô nói với tín hữu tại Ga-la-ti rằng: Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư! Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em (Ga-la-ti 4:10-11).

 Kiến thức Kinh Thánh quý báu

Chúa của chúng ta đáp lại lời buộc tội của người Pha-ri-si bằng cách chỉ ra một câu chuyện trong Kinh Thánh. Ngài nhắc nhở kẻ thù về hành động của Đa-vít khi gặp khó khăn, ông và những người đi theo đói bụng“Các ngươi chưa đọc đến sự vua Đa-vít làm . . . hay sao?” Họ không thể phủ nhận rằng trước giả của Thi thiên, cũng là người đẹp lòng Đức Chúa Trời, không thể nào là gương xấu được. Thật ra, họ biết ông đã không từ bỏ điều răn của Đức Chúa Trời trong suốt cuộc đời mình, ngoại trừ trường hợp của U-ri người Hê-tít (1 Các vua 15:5).

Tuy nhiên, Đa-vít đã làm gì? Khi cơn đói cồn cào, ông đã vào nhà của Đức Chúa Trời và ăn bánh bày ra, lại cũng cho những người đi theo ăn nữa, dầu bánh ấy chỉ những thầy tế lễ mới được phép ăn thôi.

Như vậy, ông đã cho thấy một số yêu cầu ở trong luật pháp Đức Chúa Trời có thể được cân nhắc trong trường hợp cần thiết. Khi Chúa chỉ ra một tấm gương ở trong Kinh Thánh ra trước mặt kẻ thù của Ngài, họ không biết phải đáp lại thế nào. Gươm của Đức Thánh Linh là một vũ khí mà họ không thể nào chống cự lại. Họ phải nín lặng và bị xấu hổ.

Cách xử sự của Chúa chúng ta trong trường hợp này phải là khuôn mẫu cho tất cả dân sự của Ngài. Lý do chính của chúng ta cho niềm tin và đời sống của chúng ta phải luôn là: “Kinh Thánh viết rằng”. Kinh Thánh nói gì về điều này? Chúng ta nên cố gắng đứng về phía Lời Chúa trong hết thảy các cuộc tranh cãi. Chúng ta nên tìm cách đưa ra câu trả lời theo Kinh Thánh về hành vi của mình trong tất cả vấn đề tranh chấp. Chúng ta nên cho kẻ thù của mình thấy Kinh Thánh là quy tắc ứng xử của chúng ta. Chúng ta phải luôn có một bản văn thuần túy làm cơ sở chắc chắn nhất cho lập luận của chúng ta. Sống trong thế giới này, chúng ta phải mong đợi ý kiến của mình sẽ bị tấn công nếu chúng ta phục vụ Đấng Christ, chúng ta có thể biết chắc rằng không gì có thể làm cho kẻ thù im lặng bằng một trích dẫn từ Kinh Thánh.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng nếu muốn sử dụng Kinh Thánh như Chúa chúng ta đã làm, chúng ta phải biết rõ Kinh Thánh và làm quen với nội dung của Kinh Thánh. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh cách siêng năng, khiêm nhường, kiên trì và luôn cầu nguyện, bằng không chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được các bản văn Kinh Thánh giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn đâu. Để sử dụng gươm của Đức Thánh Linh cách hiệu quả, chúng ta phải quen thuộc và thường xuyên cầm gươm trong tay. Không có con đường lộng lẫy nào dẫn đến sự hiểu biết Kinh Thánh đâu. Điều này không xảy ra với con người bằng trực giác. Kinh Thánh phải được nghiên cứu, suy gẫm, cầu nguyện, tìm kiếm và không để nằm trên kệ hoặc thỉnh thoảng mở ra. Chính những sinh viên của Kinh Thánh và chỉ có họ là những người sẽ tìm thấy nó một vũ khí sẵn sàng cầm trên tay trong ngày chiến trận.

Nguyên tắc thực sự để giải quyết vấn đề ngày Sa-bát

Chúng ta thấy có một nguyên tắc thực sự để giải quyết tất cả thắc mắc về việc tuân thủ ngày Sa-bát. Chúa phán rằng: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người”.

Câu Kinh Thánh này là một cái mỏ chứa đầy sự khôn ngoan sâu sắc. Chúng ta cần phải chú ý cho kỹ và hơn thế nữa vì câu Kinh Thánh này không được ghi lại trong bất kỳ sách Phúc Âm nào ngoài Phúc Âm Mác. Hãy xem câu Kinh Thánh này nói gì.

“Vì loài người mà lập ngày Sa-bát”. Đức Chúa Trời đã lập ngày này cho A-đam trong vườn Ê-đen và làm mới lại cho dân Y-sơ-ra-ên ở trên núi Si-nai. Ngày Sa-bát được lập ra cho cả nhân loại – không chỉ cho người Do Thái, mà còn cho cả dòng dõi của A-đam.

Ngày Sa-bát được lập ra vì ích lợi và niềm vui của loài người. Vì ích lợi của thân thể con người, ích lợi cho tâm trí con người và ích lợi cho tâm hồn con người. Ngày Sa-bát vừa là ích lợi vừa là phước hạnh và không phải là gánh nặng cho con người. Đây là ý định ban đầu.

“Chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người”. Tuân giữ ngày của Đức Chúa Trời không bao giờ là sự ép buộc đến mức gây tổn thương cho sức khỏe của con người hoặc cản trở nhu cầu cần thiết của con người. Mạng lịnh biệt riêng ngày nghỉ đặng làm ngày thánh không có ý làm tổn hại thân thể của con người hoặc cản trở hành động thương xót đối với đồng loại của mình. Đây là điểm nhấn mà người Pha-ri-si đã quên mất hoặc bị chôn vùi bên dưới các lời truyền khẩu của họ.

Không gì trong số hết thảy những điều kể trên đảm bảo sự khẳng định hấp tấp của một số người cho rằng Chúa đã loại bỏ điều răn thứ tư. Trái lại, Chúa phán rõ ràng ngày Sa-bát là một đặc ân và sự ban cho của Ngài, chỉ quy định giới hạn cần thiết phải tuân thủ ngày Sa-bát mà thôi. Chúa cho thấy các việc làm cần thiết và thương xót có thể được thực hiện vào ngày Sa-bát, nhưng Chúa không phán lời nào để biện minh cho quan niệm Cơ Đốc nhân không cần phải nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.

Chúng ta phải sốt sắng trong việc tuân giữ ngày Sa-bát. Có rất ít nguy cơ xảy ra khi ngày này bị tuân giữ quá nghiêm ngặt trong thời đại hiện nay. Có rất nhiều nguy cơ xảy ra khi ngày này bị xúc phạm và hoàn toàn bị lãng quên. Chúng ta hãy quả quyết thật chắc chắn về việc tuân giữ trọn vẹn ngày Sa-bát. Chúng ta có thể yên tâm rằng sự thịnh vượng của đất nước và sự phát triển cá nhân trong ân điển được ràng buộc cách mật thiết với việc tuân giữ ngày Sa-bát.[1]

Chú thích:
[1] Câu đúc kết của phân đoạn Kinh Thánh được giải thích cách rõ rệt. Dường như ý nghĩa thực sự là Chúa tuyên bố Ngài có quyền bỏ qua các lời truyền khẩu và luật lệ do con người đặt ra về ngày Sa-bát mà người Pha-ri-si đã làm quá lên về ngày nghỉ. Đối với Con người đã đến thế gian không phải để tiêu diệt mà để cứu rỗi, Chúa khẳng định Ngài có quyền giải phóng ngày Sa-bát khỏi những quan niệm sai lầm và mê tín dị đoan mà các ra-bi gây cản trở và đầu độc ngày này, Ngài khôi phục lại ý nghĩa và cách sử dụng ngày đó. Chúa tuyên bố rằng ngày Sa-bát là của Ngài – tức là chính tạo nên và ban phát ý định, kể từ lúc Chúa ban ngày này lần đầu tiên trong vườn Ê-đen và tại núi Si-nai – rồi tuyên bố Ngài quyết bênh vực và làm sạch ngày của Ngài khỏi sự áp đặt của người Do Thái, ban ngày này cho các môn đồ của Ngài để ban phước, yên ủi và mang lại ích lợi, theo đúng ý định ban đầu. Theo Chú giải của Meyer (1631) nói rằng: “Chắc hẳn Đấng Christ, là khuôn mẫu hoàn hảo về giáo lý trong tất cả mọi sự, đã không vi phạm hoặc miệt mài trong việc chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời. Vậy, chúng ta cần phải biết rằng tất cả lời lẽ của Ngài trong phân đoạn này không hề có ý gì khác ngoài việc muốn thuyết phục người Pha-ri-si về sự mù lòa và thiếu hiểu biết của họ khi tuân giữ ngày Sa-bát theo điều răn, mà thật ra điều răn này không đòi hỏi phải tuân giữ cách nghiêm ngặt như họ tưởng”.

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan