Ba Điều Kích Hoạt Các Tín Hữu Hướng Nội

Share

Mặc cho có những tưởng tượng phổ thông và sai lạc, những người sống hướng nội không phải là những người sợ giao tiếp xã hội hay trốn tránh chỗ công cộng. Nhiều người thích có những cuộc nói chuyện xây dựng và những cuộc họp mặt. Điều cần biết là những sinh hoạt như vậy đòi hỏi bỏ ra năng lực và bởi đó mà người hướng nội cần có sự bình lặng để phục hồi năng lực.

Điều khác biệt giữa người hướng nội và hướng ngoại là năng lực vận hành. Có người hút lấy năng lực từ sự giao tiếp (hướng ngoại) trong khi những người khác “sạc” năng lực từ sự thanh lặng (hướng nội). Cả hai đều có thể tận hưởng phong cách của nhau, nhưng cả hai đều cần trở lại chỗ thoải mái của mình để phục hồi.

Dưới đây là vài điều mà buổi nhóm của hội thánh có thể làm cho những người hướng nội khó chịu.

1. Những Cuộc Nói Chuyện Qua Loa

Nói lên điều này không phải là để chỉ trích nhưng để nhận biết những thách thức trong sự truyền thông mà các hội thánh đang phải đối diện.

Hãy suy xét về những sinh hoạt thông công vào một buổi sáng Chúa Nhật. Bạn đến nơi, gặp và chào người tiếp tân ở cửa vào nhà thờ. Sự chào hỏi ở đây làm thoải mái và vui vẻ ngay lúc đó nhưng nó không đi xa hơn mức đó. Vào bên trong nhà thờ, trong lúc đang vội tìm chỗ ngồi, bạn phải xã giao qua loa với nhiều người về những mẫu chuyện xã giao về thời tiết, tin hàng đầu trong tuần, sự kiện thể thao sắp đến v.v. Dĩ nhiên là như vậy thì không thể đi đến những trao đổi sâu xa hơn vì giờ thờ phượng sắp bắt đầu rồi.

Thế rồi trong khoảng giữa giờ nhóm bạn được kêu gọi hãy chào thăm những người ngồi xung quanh. Vậy là bạn phải đứng lên rồi nói chuyện chút chút với họ. Sau buổi nhóm, giờ thông công cũng là cả một quãng thời gian để nói chuyện, cũng qua loa, với những người khác.

Xin đừng hiểu lầm tôi. Truyền thông là điều quan trọng và những cuộc nói chuyện nho nhỏ không làm nên truyền thông. Những cuộc nói chuyện nho nhỏ như vậy làm cạn đi năng lực của người hướng nội. Họ có khuynh hướng thích những cuộc đối thoại có ý tưởng sâu xa nhưng thực tế là trong giờ nhóm lại chẳng có bao nhiêu thời giờ! Thay vào đó là quá nhiều những câu chuyện xã giao. Đối với họ, điều này cứ như là một thứ “tra tấn” khó chịu.

Trong lúc người hướng nội không cần phải được có người tiếp chuyện, có những cách mà các hội thánh có thể giúp những mẫu chuyện trao đổi nối kết hơn với người hướng nội (và cho cả người hướng ngoại nữa – không ai có thể thích thú với những cuộc nói chuyện hời hợt bề ngoài).

Hãy chắc rằng bạn không lầm lẫn đối thoại là thông công. Trao đổi lời nói không có nghĩa là đang kinh nghiệm bầu không khí thông công. Đừng lập nên những người tiếp tân là những “người máy chào hỏi” khiến họ trở nên những bức tường ngăn cản người khác đến với hội thánh. Nên có một lối vào nhà thờ cho những người muốn vào một cách thầm lặng. Khi cho người ta có sự chọn lựa không phải vướng vào những cuộc nói chuyện ngắn ngủi, bạn đang nâng cấp những sự trao đổi tâm tình trong giờ thông công trước và sau buổi nhóm.

Nếu bạn là Mục sư, sao không gợi ý một đề tài nói chuyện? Nếu bạn vừa giảng về câu chuyện của người Sa-ma-ri nhân lành, sao không gợi ý, “Trong lúc ra ngoài thông công, thử trao đổi với người khác về kinh nghiệm của mình được giúp đỡ tử tế.” Như vậy, bạn đang mở ra một cơ hội cho những tín hữu đang uống trà thông công có một đề tài nói chuyện sâu xa hơn.

2. Cảm Hứng “Nhân Tạo”

Nhiều hội thánh tin lành có cách thờ phượng riêng. Họ khởi đầu theo cách thúc đẩy người dự nhóm được cảm hứng và dự phần với buổi thờ phượng. Bắt đầu là một hay hai bài ca ngợi mạnh mẽ rồi đến một bài chậm và êm, và sau đó là một bài chuyển tiếp cho hội thánh dọn lòng vào sứ điệp của Mục sư.

Trong suốt giờ hát những bài mạnh mẽ, người hướng dẫn luôn luôn có những cách kích

hoạt, kêu gọi vỗ tay, hô to “Hãy mạnh mẽ lên!” Những việc này không có gì sai. Nhiều người hướng ngoại được cách cảm hứng này bốc lên – nhưng cần nhớ là không có nhiều người hướng nội cảm nhận được để đáp ứng.

Với những người hướng dẫn thờ phượng trên bục, thật là tốt khi khích lệ và bày tỏ một cảm quan tuôn đổ ra của hội chúng. Khi hội chúng thật có như vậy thì những việc này thật ích lợi. Nhưng vấn đề là có một số người dùng những cách có tính cưỡng chế ra cảm quan đó. Điều này khiến những người hướng nội có cảm giác là họ đang sai trật gì đó

khi họ không nhảy múa, vỗ tay theo như người hướng dẫn kêu la. Nếu điều này cứ xảy ra vào mỗi buổi thờ phượng thì những buổi thờ phượng mang đến một sự sợ hãi cho những người hướng nội.

Có vài cách để giúp những người hướng nội được phấn khởi mà không làm họ “kiệt sức.” Cần hiểu là sự phấn khởi đến trong những dạng khác nhau. Với nhiều người hướng nội, sự tập trung là một dấu hiệu của lòng nóng cháy. Hãy học biết cách kéo mọi người trong phòng nhóm đến bước bày tỏ cảm xúc của họ một cách hữu hiệu, nhưng đừng đòi hỏi cách bày tỏ của mọi người phải như nhau. Cũng đừng cho rằng ai đó thiếu sự biểu lộ phấn khởi tức là họ không thưởng thức và hòa lòng thờ phượng.

Nên thỉnh thoảng thay đổi cách thờ phượng. Thay vì luôn luôn khởi đầu với những bài hát mạnh mẽ và kích động, hãy bắt đầu với một điều gì đó thanh lặng. Chọn vài bài hát có tính suy niệm và dẫn đến sự phục hồi. Phá vỡ tính đơn điệu có thể là điều tốt cho mọi người!

3. Lời Cầu Nguyện Hay Kêu Gọi Đáp Ứng Bất Thường

Có bao giờ bạn bị bất ngờ mời cầu nguyện trong buổi nhóm. Thành thật mà nói, những đáp ứng rối loạn của hầu hết mọi người trong trường hợp này không liên hệ gi đến bản tính hướng nội hay hướng ngoại. Ai cũng có vấn đề phát biểu khó khăn trong chỗ công cộng. Nhưng có những cách đặc biệt làm khó khăn cho những người hướng nội.

Kêu gọi đáp ứng là một thí dụ điển hình. Khi sứ điệp mạnh mẽ và hàm chứa một sự kêu gọi đáp ứng, chúng ta có một thời gian để tín hữu có thể bước lên và cầu nguyện. Đây có thể là

một giờ mạnh mẽ, nhưng thường thì đó là một thách thức cho người hướng nội. Không phải là vì họ không muốn bước lên; nhưng là vì sẽ có ai đó tự bước lên và tự ý cầu nguyện cho họ. Đây là lúc khó khăn cho họ. Với họ việc này giống như là một sự can thiệp.

Một số hội thánh áp dụng cách chia hội chúng thành những nhóm nhỏ cầu nguyện, hay mời người được cảm động đứng lên để hội thánh cầu nguyện cho. Hai cách này rất tốt để đem đến sự hiệp nguyện toàn hội thánh. Nhưng chỉ dựa vào hai cách này thôi có thể tạo ra sự lo ngại trong những người hướng nội.

Quý vị không muốn gò ép kêu gọi, nhưng quý vị có thể giúp dựng nên những đáp ứng. Quý vị có thể sắp đặt một bên này của hội thánh là chỗ để bước lên và tự cầu nguyện, và một bên kia để tín hữu bước lên và có người đến cầu nguyện cho họ. Hay có thể sắp đặt một vài người phục vụ cầu nguyện để cho tín hữu đến với họ và được họ cầu nguyện cho.

Hãy cố gắng làm sao để hội chúng thoải mái và tự nhiên đáp ứng với lời kêu gọi bước lên cầu nguyện. Nếu có mời người góp phần cầu nguyện, hãy sắp xếp trước chu đáo. Nếu chia ra những nhóm nhỏ cầu nguyện, hãy báo trước vào đầu giờ thờ phượng. Biết trước việc gì sắp xảy ra sẽ giúp những người hướng nội chuẩn bị tinh thần của họ.

Chú ý: Đừng làm cho toàn thể buổi nhóm chỉ là phục vụ cho người hướng nội. Ở đây không phải là nuông chìu họ. Trong thực tế, một vài mục vụ quan trọng và rất cần thiết của hội thánh có làm cho những người hướng nội bất an. Không ai đòi hỏi chúng ta bỏ đi cách thờ phượng chỉ vì họ. Hãy suy nghĩ cách làm sao cho buổi thờ phượng hay buổi nhóm thu hút cả những người hướng nội lẫn hướng ngoại. Sự thật là buổi nhóm thường diễn tiến theo cách mà những người lãnh đạo ưa thích. Hãy học nghĩ đến buổi thờ phượng từ góc độ của những người khác.

 

Ánh Dương – Viết theo “Introvert: Three Things That Make Them Crazy”, e.church 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan