Kinh Thánh Là Tội Ác Duy Nhất Của Ông. William Tyndale (1494–1536)

Share

Stephen Vaughan là một thương gia người Anh được Thomas Cromwell, cố vấn của nhà vua, giao nhiệm vụ tìm William Tyndale và thông báo với ông rằng Vua Henry VIII muốn ông trở về Anh và không cần phải lẩn trốn trên lục địa nữa.  Vaughan gửi một lá thư cho Cromwell vào ngày 19 tháng 6 năm 1531, trong đó Vaughan đã viết về Tyndale bằng mấy lời đơn giản như sau: “Tôi thấy ông luôn hát một nốt nhạc” (David Daniell, William Tyndale: Tiểu sử, trang 217). Một nốt nhạc đó là: Vua nước Anh có chịu công nhận Kinh Thánh bằng tiếng địa phương cho tất cả người Anh cách chính thức hay không? Nếu không, Tyndale sẽ không đến. Nếu vậy, Tyndale sẽ tự nộp mình cho nhà vua và không bao giờ viết một quyển sách nào nữa.

Đây là đam mê thôi thúc cuộc đời ông – nhìn thấy Kinh thánh được dịch từ tiếng Hy Lạp và tiếng Hy Bá Lai sang tiếng Anh phổ thông cho mọi người ở Anh đọc.

Trả giá bao nhiêu cũng được

Vua Henry VIII đã nổi giận với Tyndale vì đã tin tưởng và quảng bá sự dạy dỗ Cải Chánh của Martin Luther. Đặc biệt, ông đã nổi giận vì quyển sách của Tyndale Đáp lời ngài Thomas More. Thomas More là Quan Chưởng ấn đã giúp Vua Henry VIII viết bài bác bỏ Luther được gọi là Bênh vực Bảy nghi thức. Ông More là người Công giáo La Mã cực đoan và chống Cải Chánh triệt để, chống Luther và chống Tyndale. Vì vậy, ông More đã chỉ trích Tyndale kịch liệt.

Nhưng bất chấp sự phẫn nộ của tòa án tối cao đối với Tyndale, thì sứ điệp của nhà vua gửi cho Tyndale, được Vaughan mang theo, là lòng thương xót: “Sự uy nghiêm của nhà vua . . . hướng về sự thương xót, động lòng và trắc ẩn” (William Tyndale, trang 216). Tyndale, 37 tuổi, đã rơi nước mắt trước lời đề nghị khoan dung này. Ông đã bị lưu đày khỏi quê hương trong bảy năm. Nhưng sau đó, ông lại cất lên “nốt nhạc” của mình: Nhà vua có công nhận Kinh thánh được dịch từ nguyên ngữ sang tiếng Anh hay không?

Nhà vua đã từ chối. Còn Tyndale không trở về quê hương của mình nữa. Thay vào đó, nếu nhà vua và Giáo hội Công Giáo La Mã không phát Kinh thánh tiếng Anh cho người dân đọc, thì Tyndale sẽ làm, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của mình đi nữa – điều mà ông đã làm năm năm sau đó.

Một đứa chăn bò sẽ biết Kinh Thánh

Vào năm 1522, khi được 28 tuổi, ông đang làm gia sư tại nhà của John Walsh ở Gloucestershire, Anh, dành phần lớn thời gian để nghiên cứu Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp của Erasmus đã được xuất bản sáu năm trước.

Chúng ta nên dừng lại ở đây và làm rõ một điều đó là thật kỳ diệu khi có Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp ở trong lịch sử. David Daniell mô tả tầm quan trọng của sự kiện này:

Đây là lần đầu tiên Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp được xuất bản. Không hề thổi phồng gì cả khi nói rằng quyển sách ấy đã khiến cả châu Âu phải tỉnh thức. Luther đã dịch quyển sách sang tiếng Đức rất nổi tiếng vào năm 1522. Trong vài năm đã xuất hiện nhiều bản dịch từ tiếng Hy Lạp sang hầu hết các phương ngữ tại châu Âu. Chúng là nền móng thực sự cho cuộc cải chánh nổi tiếng. (Tyndale, Tuyển tập Bài viết, trang ix)

Mỗi ngày, William Tyndale nhìn thấy chân lý Cải Chánh rõ ràng hơn trong Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp với tư cách là một linh mục Công giáo chính quy. Càng ngày ông càng bị nghi ngờ trong chính ngôi nhà Công giáo của John Walsh. Những người đàn ông đến dự bữa tối, còn Tyndale thảo luận về những điều ông thấy trong Tân Ước. John Foxe nói với chúng ta rằng một ngày nọ, có một học giả Công giáo nói với Tyndale vào bữa tối bằng thái độ rất tức tối rằng: “Thà không có luật pháp của Đức Chúa Trời còn hơn là không có luật lệ của giáo hoàng”.

Tyndale đã đáp lại bằng mấy lời nổi tiếng của mình rằng: “Tôi thách thức Giáo hoàng và tất cả các luật lệ của ông ta . . . Nếu Đức Chúa Trời cho tôi sống chừng nào, thì tôi sẽ khiến một đứa cầm cày hiểu biết Kinh Thánh nhiều hơn ông chừng nấy” (William Tyndale, trang 79).

Nốt nhạc duy nhất chạm đỉnh điểm

Bốn năm sau, Tyndale hoàn thành bản dịch tiếng Anh của Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp ở Worms, Đức và bắt đầu đem Kinh Thánh vào nước Anh cách bí mật qua những kiện vải. Ông đã lớn lên ở Gloucestershire, một nơi sản xuất vải, và có lẽ chúng ta đã hiểu rõ sự thần hựu của tất cả mọi chuyện. Đến tháng 10 năm 1526, quyển Kinh Thánh đã bị Giám mục Tunstall ở Luân Đôn tẩy chay, nhưng số lượng đã xuất bản ít nhất là ba nghìn quyển. Sách đã đến tay mọi người. Trong tám năm tiếp theo, năm ấn bản cũng đã được xuất bản cách bí mật.

Vào năm 1534, Tyndale đã xuất bản một bản Tân Ước hiệu đính, sau khi học tiếng Hy Bá Lai trong thời gian chờ đợi, có lẽ ở Đức, ông đã hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Một nhà tiểu sử tên là David Daniell gọi quyển Tân Ước năm 1534 là “tác phẩm để đời của ông” (William Tyndale, trang 316). Nếu Tyndale “chỉ cất một nốt nhạc”, thì đây là đỉnh điểm trong bài hát về cuộc đời của ông – bản Tân Ước đã được hoàn chỉnh và hiệu đính bằng tiếng Anh.

Truyền bá Phúc Âm

Cái điều đã thúc đẩy Tyndale hát “một nốt nhạc” trong đời mình đó là sự quả quyết về việc mọi người đều bị nô lệ cho tội lỗi, mù lòa, hư mất, bị rủa sả và bất lực, còn Đức Chúa Trời đã hành động qua Đấng Christ để làm sự cứu rỗi nhờ ân điển bởi đức tin. Đây là điều đã được giấu kín trong Kinh Thánh tiếng La-tinh và hệ thống đền tội và công đức của Giáo hội. Kinh Thánh phải được dịch ra vì ích lợi của Phúc Âm tự do và sự sống.

Chỉ có một hy vọng duy nhất để chúng ta thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi và sự đoán phạt đời đời, Tyndale nói rằng: “Tạo vật không thể tự tháo gỡ xiềng xích, ngoại trừ huyết của Đấng Christ mà thôi” (Tuyển tập Bài viết, trang 40).

Bởi ân điển . . . mà chúng ta bị dứt khỏi dòng dõi của A-đam là nền móng của mọi điều ác và được sáp nhập sic vào trong Đấng Christ là cội rễ của mọi điều lành. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta, là kẻ được Ngài tuyển chọn, từ trước khi sáng thế và biệt riêng chúng ta để nhìn biết Con Ngài và Phúc Âm thiêng liêng của Ngài; khi Phúc Âm được rao giảng, [sứ điệp] ấy đã chạm vào tấm lòng và ban cho chúng ta ân điển để tin Chúa, ban Thánh Linh của Đấng Christ ngự vào lòng của chúng ta; chúng ta biết Chúa là Cha giàu lòng nhân từ, thuận phục và yêu mến luật pháp ở trong lòng và khao khát làm theo điều răn và đau buồn khi có sự vi phạm. (Tuyển tập Bài viết, trang 37)

Đây là câu trả lời cho việc William Tyndale đã hoàn thành công tác chuyển ngữ Tân Ước và viết ra các sách khiến cả nước Anh nóng cháy với niềm tin Cải Chánh. Ông đã làm việc rất siêng năng, giống như một nghệ sĩ lành nghề, trong công tác dịch thuật đầy hấp dẫn, ông vô cùng say mê các giáo lý vĩ đại của Phúc Âm về ân điển tối thượng.

Con người bị hư mất, đã chết về tâm linh, bị định tội. Đức Chúa Trời là tối thượng; Đấng Christ là tất cả. Chỉ có đức tin. Đối với Tyndale, bản dịch Kinh Thánh và lẽ thật Kinh Thánh là hai điều không thể tách rời, cuối cùng chính lẽ thật – đặc biệt là chân lý về sự xưng công bình chỉ bởi đức tin – đã châm ngòi cho cả nước Anh bùng cháy trong ngọn lửa Cải Chánh đến nổi người chuyển ngữ Kinh Thánh phải lãnh án tử hình.

Bị thiêu sống vì Kinh Thánh

Ngày nay, chúng ta không thể hiểu nổi vì sao Giáo hội Công giáo La Mã đã phản đối công tác chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Anh cách dữ dội đến thế. Tyndale đã trốn khỏi Luân Đôn đến lục địa châu Âu vào năm 1524, ông chứng kiến một làn sóng đàn áp gia tăng và cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy thanh niên bị thiêu sống, họ là đã được cải đạo sau khi đọc bản dịch và sách vở của ông.

Người bạn thân nhất của ông là John Frith 28 tuổi đã bị bắt ở Luân Đôn, bị Thomas More xét xử và bị thiêu sống vào ngày 4 tháng 7 năm 1531. Richard Bayfield chỉ huy các tàu đưa sách của Tyndale đến nước Anh. Ông đã bị phản bội và bị bắt, còn More đã viết vào ngày 4 tháng 12 năm 1531 rằng Bayfield “một linh mục và kẻ bội đạo [đã] bị thiêu sống ở Smythfelde là đáng lắm” (Brian Moynahan, Sách bán chạy nhất của Đức Chúa Trời, trang 260).

Ba tuần sau, John Tewkesbury cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông đã được cải đạo sau khi đọc Chuyện ngụ ngôn về Ma-môn quỷ quyệt của Tyndale, một tài liệu bênh vực sự xưng công bình chỉ bằng đức tin. Ông bị đánh đòn ở trong vườn của More và trán của ông bị xiết chặt bằng những sợi dây thừng nhỏ cho đến khi máu chảy ra từ hai con mắt. Sau đó, ông bị đưa lên Tháp cao, bị hành hạ cho đến khi bị què. Cuối cùng, họ đã thiêu sống ông. More “vui mừng vì nạn nhân của ông đang ở trong địa ngục, là nơi Tyndale ‘cũng sẽ ở đó khi cả bọn gặp nhau’” (Sách bán chạy nhất của Đức Chúa Trời, trang 261).

Bốn tháng sau, James Bainham cũng bị thiêu trong ngọn lửa vào tháng 4 năm 1532. Ông đã đứng lên trong lễ mi-xa tại Nhà thờ St. Augustine ở Luân Đôn giơ lên quyển Tân Ước của Tyndale và nài xin mọi người thà chết còn hơn từ chối lời của Đức Chúa Trời. Đó là cách để ký lệnh tử hình cho chính mình.

Ngoài ra, còn có Thomas Bilney, Thomas Dusgate, John Bent, Thomas Harding, Andrew Hewet, Elizabeth Barton và nhiều người khác nữa, tất cả đều bị thiêu sống vì đã chia sẻ quan điểm của William Tyndale về Kinh Thánh và niềm tin Cải Chánh.

Tyndale di cư

William Tyndale đã trả giá như thế nào trong cảnh thù địch như thế này để tiếp tục trung thành với công tác chuyển ngữ Kinh Thánh và trở thành tác giả viết về niềm tin Cải Chánh?

Ông đã trốn khỏi quê hương vào năm 1524 và bị thiêu sống vào năm 1536. Ông cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về mười hai năm chạy trốn ở Đức và Hà Lan bằng vài mô tả hiếm hoi về mình từ lá thư của Stephen Vaughan vào năm 1531. Ông đề cập đến

. . . nỗi đau của tôi . . . sự nghèo đói của tôi . . . sự lưu đày của tôi khỏi quê hương của mình, không được gặp bạn bè . . . sự đói khát của tôi, sự lạnh lẽo của tôi, sự nguy hiểm tính mạng rình rập tôi ở khắp nơi và cuối cùng là . . . vô số cuộc chiến khó khăn và gay gắt khác mà tôi phải chịu đựng. (William Tyndale, trang 213)

Tất cả đau khổ chạm đến đỉnh điểm vào ngày 21 tháng 5 năm 1535, trong lúc Tyndale chuyển ngữ Cựu Ước. Chúng ta có thể cảm nhận được phần nào sự xấu xa đã xảy ra qua mấy lời của Daniell nói rằng: “Sự ác ý, sự thương hại, sự xấu xa và sự dối trá sắp phá hủy mọi thứ. Những điều gian ác này đã xảy ra tại Anh [ở Antwerp], một kiểu không mời cũng đến, dưới hình thức một người Anh nghiêm khắc tên là Henry Philips” (William Tyndale, trang 361). Philips đã giành được sự tin tưởng của Tyndale trong vài tháng rồi phản bội ông với chính quyền, họ bắt nhốt ông ở trong Lâu đài Vilvorde, cách Brussels sáu dặm về phía Bắc. Tyndale ở lại đó đến mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời mình.

Giá phải trả cho sự truyền bá Phúc Âm

Phán quyết dành cho Tyndale đã được niêm phong vào tháng 8 năm 1536. Ông chính thức bị kết tội là một kẻ dị giáo và bị truất khỏi khỏi chức linh mục. Sau đó, vào đầu tháng 10 (theo truyền thống là ngày 6 tháng 10), ông bị trói vào cọc, bị kẻ hành quyết bóp cổ, sau đó bị thiêu sống. Foxe nói mấy lời cuối cùng của ông là: “Chúa ơi, hãy mở mắt Vua của nước Anh!” Ông đã 42 tuổi, không hề kết hôn và không được chôn cất.

Mấy lời cuối cùng của ông mà ông đã nói với chúng ta được thể hiện thật rõ ràng qua cuộc đời và những bài viết của ông. Đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời để hoàn thành công tác truyền bá Phúc Âm cứu rỗi của Ngài thường phải trả giá. Tôi sẽ để ông tự nói bằng lời lẽ của mình trong quyển sách Sự vâng lời của một Cơ Đốc nhân:

Nếu Đức Chúa Trời hứa ban sự giàu có, thì đó là sự nghèo khó. Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Chúa tôn cao người nào thì Ngài hạ thấp người đó, Chúa cứu rỗi ai thì Ngài kết tội họ trước, Chúa không đem ai lên trời nếu Ngài không đày họ xuống âm phủ trước. Nếu Chúa hứa ban sự sống, thì Ngài sẽ giết trước; khi Chúa dựng lại, thì Ngài đánh sập tất cả trước. Chúa không phải là miếng nỉ; Ngài không thể xây dựng trên nền móng của loài người. Chúa sẽ không làm gì cả cho đến khi tất cả giải pháp đều vô ích, để loài người thấy bàn tay của Ngài, quyền phép của Ngài, sự thương xót của Ngài, sự nhân từ của Ngài và chân lý của Ngài đã khiến mọi thứ xảy ra. Chúa sẽ không nhường sự ngợi khen và sự vinh hiển của Ngài cho ai cả. (6)

Vậy, hãy để mấy lời cuối cùng của Tyndale dành cho chúng ta là lời lẽ mà ông đã gửi cho bạn thân của mình là John Frith, trong một lá thư ngay trước khi Frith bị thiêu sống vì đã tin Chúa

và truyền bá chân lý của Kinh Thánh (được chép trong Sách tuận đạo của Foxe):

Như vậy, chúng ta cảm nhận được tình yêu, đó là ông đã hy sinh mạng sống của mình vì chúng ta; vì thế, chúng ta cũng hãy hy sinh mạng sống của mình vì anh em . . . Đừng làm quá sức . . . Nếu sự đau đớn vượt quá sức lực của chúng ta, hãy nhớ rằng: Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho. Hãy cầu nguyện với Cha ở trong danh ấy, thì Chúa sẽ xoa dịu sự đau đớn của chúng ta, hoặc rút ngắn tình trạng đó . . . Amen.

——————————————–

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

 

 

 

Nguồn:  https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan