Con Đường Vác Thập Giá Là Rất Tốt Và Hoàn Hảo

Share

Lễ Thương Khó tiếng Anh gọi là Good Friday nghĩa là Thứ Sáu Tốt Lành. Đầu tiên người ta gọi đó là Holy Day, là Ngày Thánh. Sau đó, tại Đức gọi là Ngày Thương Khó hay ngày Chúa chịu khổ, dần dần sau này được gọi là Good Friday, Ngày Thứ Sáu Tốt Lành. Lý do, nhiều Cơ-đốc nhân cho ngày này là ngày Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời bằng cách chịu thương khó để cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự huyền nhiệm trong sự vâng phục của Chúa Giê-su để thấy sự tốt lành và hoàn hảo đem đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời dành cho những ai là môn đồ Chúa Giê-su.

Trước nhất chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa người tin Chúa và người đi theo Chúa để làm môn đồ của Ngài. Những “người tin” là những có lòng tin Chúa nhưng chưa hẳn họ là những môn đồ của Ngài. Chữ môn đồ dùng để nói về những người tin Chúa với một đời sống học Lời Chúa, bước theo gương Chúa Giê-su, sống cho Ngài và theo ý Ngài. Khi Chúa Giê-su còn ở trần gian, có nhiều người tin Chúa Giê-su, nhưng chỉ có một số ít lìa bỏ mọi sự để trở thành những môn đồ của Ngài.

1. Con đường theo ý riêng là ý của Satan

Chúa Giê-su nhiều lần nhắc đến Ngài sẽ bị bắt, bị đóng đinh chết trên cây thập tự, và sau ba ngày thì Ngài sẽ sống lại. Phúc Âm Ma-thi-ơ 16:21 -26 tường thuật như sau:

“Đức Giê-su bắt đầu bày tỏ cho các môn đệ biết rằng Ngài phải đi lên Giê-ru-sa-lem và phải chịu nhiều đau khổ bởi các trưởng lão, các thượng tế và các chuyên gia kinh luật và phải bị giết, đến ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Sau khi nghe xong, sứ đồ Phê-rơ đem Ngài riêng ra và trách: “Chúa ơi, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Thầy sẽ không bị như thế đâu!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo Phê-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra sau Ta. Con làm cớ vấp phạm (còn có nghĩa là cản trở) cho Ta, vì con không nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người” (Ma-thi-ơ 16: 22,23).

Chúa Giê-su nhận biết Ngài được Cha mình sai phái đến Giê-ru-sa-lem để phải chịu nhiều sự hành hại bởi các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo. Đây là con đường mà Chúa Giê-su phải vâng phục Cha Ngài đi. Satan đã gieo vào tư tưởng của Phê-rơ để cản trở và khiến Chúa Giê-su bị vấp phạm không đi theo ý Cha Ngài. Hình ảnh này cho thấy những ai là môn đồ của Chúa Giê-su, muốn làm theo ý Chúa hay Lời Chúa, sẽ phải đối diện những tư tưởng của loài người không phải ý Chúa.

Điều chúng ta phải chú ý là khi Chúa quay lại nhìn và trả lời Phê-rơ, Ngài không nói Phê-rơ là Satan, nhưng Ngài quở trách Satan và đuổi nó ra khỏi tư tưởng của Phê-rơ. Bất cứ tư tưởng nào dẫn chúng ta không theo ý Chúa hay Lời Chúa là “không nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người,” là tư tưởng của Satan. Chúng ta cần phải chống trả với nó như Chúa Giê-su đã làm, “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra sau Ta”. Phao-lô dạy chúng ta về cuộc chiến trong tâm trí là phải bắt phục tư tưởng mình nếu nó không phù hợp với Lời Chúa và ý Chúa như sau:

“Vì vũ khí chiến đấu của chúng tôi không phải là loại vũ khí xác thịt nhưng là quyền năng Đức Chúa Trời để phá hủy các thành lũy, đánh đổ các lý luận, và mọi sự kiêu căng nghịch với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chúng tôi cũng bắt mọi tư tưởng phải vâng phục Chúa Cứu Thế (2 Cô-rinh-tô 10:4,5).

Chúa Giê-su được Cha Ngài sai xuống thế gian với khải tượng và sứ mạng. Ngài tập chú vào mối tương giao với Đức Chúa Trời và sự kêu gọi của Cha Ngài nên không để cho sự cám dỗ ý tưởng con người hay ý Satan cản trở con đường mà Ngài sẽ đi qua. Vì thế những ai muốn làm môn đồ Chúa Giê-su phải “chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:2). Hãy giữ mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su, nhờ cậy Đức Thánh Linh để không bị phân tâm đánh mất mục đích mà Chúa cứu chúng ta cùng với khải tượng và sứ mạng mà Chúa muốn dùng chúng ta trên đất.

2. Con đường vác thập tự giá “rất tốt”

Chúa Giê-su tiếp tục phán với các môn đệ Ngài, “Nếu người nào muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình và theo Ta” (Ma-thi-ơ 16:24).

Nếu chúng ta muốn đi theo Chúa và làm theo ý Chúa có nghĩa là chúng ta phải “từ bỏ chính mình” để “vác thập tự giá mình và theo” Chúa Giê-su. Vác thập tự giá theo Chúa nghĩa là chọn lựa sống theo Lời Chúa và ý Chúa, không phải theo ý riêng của mình. Chúa Giê-su khẳng định cách quả quyết sau đó là “Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm lại được”. Kế tiếp Chúa Giê-su giải thích, “Vì người nào dù được cả thế giới mà mất linh hồn mình, thì được ích gì? Hay có ai lấy gì để đánh đổi được linh hồn mình không?” (Ma-thi-ơ 16:25,26). Nhiều người sử dụng các câu Kinh Thánh trên cho người chưa tin, nhưng theo bối cảnh Chúa Giê-su đã nói trong câu Kinh Thành này, đó là dành cho những người không theo Chúa Giê-su hay không vác thập giá theo Ngài. Họ là những người suy nghĩ và sống theo cách của con người thế gian. Chúa Giê-su nói tiếp, “Vì Con Người sẽ trở lại trong vinh quang của Cha Ngài cùng với các thiên sứ. Bấy giờ, Ngài sẽ báo trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm (câu 27).

Người sống theo đường lối lòng mình không theo ý Đức Chúa Trời có thể sẽ bị Chúa Giê-su xét xử sau này, và họ có thể sẽ bị đánh mất linh hồn. Tương tự như trường hợp của Chúa Giê-su dành cho những người nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa”. Những người “từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, hoặc nhân danh Chúa mà đuổi quỷ, hoặc nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ” và Chúa Giê-su sẽ trả lời họ là “Ta không hề biết các ngươi; hỡi bọn làm việc gian tà, hãy đi ngay cho khuất mắt Ta.” Vì “không phải hễ ai nói với Ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ thì sẽ được vào vương quốc thiên đàng đâu, nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Khi chọn tin theo Chúa Giê-su và vác thập tự giá theo Ngài, Phao-lô đã dứt khoát nói:

“Tôi bị đóng đinh vào thập tự giá với Chúa Cứu Thế. Nay tôi sống, không còn là tôi nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống trong thân xác, tức là sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và hiến chính mình Ngài vì tôi” ( Ga-la-ti 2:20).

Chúa Giê-su tuyên bố là “Thật vậy, Ta bảo các con: Hạt giống lúa mì gieo xuống đất không chết đi thì hạt giống vẫn hoàn hạt giống, còn nếu chết đi thì mới kết quả thêm nhiều! Ai quý chuộng mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều bỏ mạng sống mình ở đời nầy sẽ giữ lại được trong cõi sống vĩnh phúc!” (Giăng 12:24,25)

Khi mỗi ngày chúng ta vác thập tự giá, đồng chết với Chúa là từ bỏ ý muốn và lối sống riêng của mình, thì đó là Ngày Thương Khó của chúng ta. Ngày Good Friday – Ngày Thứ Sáu Tốt Lành.

Thật ra, Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ trong sáu ngày. Mỗi ngày sau khi kết thúc công trình tạo dựng Chúa đều nói tốt cả. Riêng ngày thứ Sáu sau khi tạo dựng con người Chúa phán “Rất Tốt”. Khi quyết định đi con đường vác thập tự giá thì chúng ta sẽ thấy có dấu hiệu của sự khởi đầu mới – khởi đầu của sự thay đổi và chuẩn bị cho đời sống phục sinh kết quả “rất tốt” và “vinh hiển”.

3. Con đường đi bởi đức tin dựa trên tình yêu

Khi Chúa Giê-su chọn lựa vâng phục Cha Ngài hơn ý muốn mình – là phải bị treo trên thập giá, chịu chết và chôn – thì bên trong nội tâm Ngài có một sự xung đột rất lớn. Kinh Thánh ghi nhận sự tranh chiến này qua lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, “Trong cơn thống khổ, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết, mồ hôi Ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất”. Chúa Giê-su cầu nguyện như sau: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dầu vậy, xin đừng theo ý Con, nhưng xin ý Cha được nên!” (Lu-ca 22:44).

Tuy thử thách quá lớn vượt trên sức chịu đựng con người, nhưng vì hiểu được tình yêu toàn vẹn của Đức Chúa Trời đối với mình, Chúa Giê-su sẳn sàng vâng phục chương trình tốt lành của Cha cho nhân loại và cho mình. Từ đó, Chúa Giê-su sẳn sàng vác thập tự giá, bị sĩ nhục, chịu chết và chôn theo ý Cha mình. Chúa Giê-su hiểu rõ rằng khi vâng phục ý Đức Chúa Trời thì Cha Ngài sẽ khiến Ngài sống lại sau ba ngày. Sau đó Ngài sẽ thăng thiên về trời, ngồi bên phải Đức Chúa Cha và tiếp nhận sự vinh hiển.

“Trò không hơn thầy, tớ cũng không hơn chủ” (Ma-thi-ơ 10:24). “Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này” (1 Giăng 4:17). Con đường theo Chúa Giê-su đã đi qua, thì chúng ta cũng phải đi, nhưng phải đi bằng đức tin. “Chúng ta đã nhận biết và tin tưởng tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu thương, ai ở trong tình yêu thương ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy” (1 Giăng 4:16). Chúng ta cần phải tin tưởng nơi tình yêu của Cha trên trời để có thế đi trọn hành trình. Phao-lô cho biết,

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Chúa Cứu Thế? Phải chăng là hoạn nạn,cực khổ, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm hay gươm giáo? 37 Nhưng trong tất cả những điều này chúng ta hoàn toàn chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta. 38 Vì chúng tôi tin chắc rằng không có sự chết, sự sống, các thiên sứ, các giới quyền lực, việc bây giờ, việc tương lai,các năng lực, 39 bề cao, bề sâu, hay tạo vật nào khác có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:35-38).

Đức Chúa Trời là Thiện, Đấng Tốt Lành hoàn hảo. Do đó tất cả những gì Ngài sáng tạo, Lời Chúa, ý định và chương trình của Ngài dành cho chúng ta đều là tốt lành và hoàn hảo. Chương trình chịu thương khó của Chúa Giê-su và những tất cả những gì Chúa muốn chúng ta làm, bao gồm việc vác thập giá mỗi ngày đều là “rất tốt”, “hoàn hảo” và vinh hiển”. Nó là con đường huyền nhiệm dẫn chúng ta đi từ sự vinh hiển này sang vinh hiển khác vì nó khiến chúng ta phản ảnh Chúa Giê-su (2 Cô-rinh tô 3:18). Chúng ta cần phải nhận biết là tất cả sự cám dỗ, thử thánh hay hoạn nạn đều đem đến ích lợi cho chúng ta “là những người được Đức Chúa Trời kêu gọi cho mục đích của Ngài” (Rô-ma 8:28). Vì thế, hãy vâng phục Chúa và Lời Ngài, hãy nhờ Đức Thánh Linh để đắc thắng tất cả mọi cám dỗ thử thách.

Hãy công bố trong tinh thần đầy đức tin như sứ đồ Gia-cơ là, “khi gặp những thử thách khác nhau”, tôi phải “xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin” tôi “có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì” “tôi” mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì (Gia-cơ 1:2-4). Vì ý Chúa muốn “tôi cùng chịu khổ với Ngài để” tôi “cũng đồng được vinh quang với Ngài” (Rô-ma 8:17).

 

Người Dọn Đường
(Kinh Thánh trích dẫn trong bài viết này là từ Bản Dịch Mới 2002)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan