Di sản anh hùng của Stanisława Leszczyńska tại Auschwitz là một minh chứng cho niềm tin, lòng can đảm và nhân ái khi đối mặt với những nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng được.
Năm mươi năm trước, một trong những người phụ nữ đáng chú ý nhất của thế kỷ 20 đã qua đời. Có lẽ bạn chưa bao giờ nghe nói đến Stanisława Leszczyńska. Rất ít người có nghe đến. Tuy nhiên, cô ấy là một hình mẫu của chủ nghĩa anh hùng và lòng nhân ái cần được ca ngợi trên khắp toàn cầu.
Stanisława là một nữ hộ sinh người Ba Lan đã làm việc hai năm tại phòng hộ sinh ở trại tập trung tử thần khét tiếng là trại Auschwitz. Vâng, đã có một nơi như vậy. Hầu hết phụ nữ mang thai đến trại tử thần đều bị đưa thẳng vào chỗ chết. Nhưng không phải tất cả họ đều như vậy và một số phụ nữ đã mang thai trong trại. Kết quả là, hàng nghìn đứa trẻ đã được sinh ra ở một nơi đã trở thành điển hình cho sự tàn ác.
Khu hộ sinh là một góc nhỏ trong khu nhà dành cho tù nhân nữ. Nó bao gồm khoảng 30 chiếc giường ọp ẹp ở gần một bếp gạch dùng làm giường sinh con. Có thể có ba hoặc bốn phụ nữ ở mỗi giường. Điều kiện tồi tệ không thể diễn tả được. Hầu hết phụ nữ đều mắc bệnh kiết lỵ; những con chuột to như mèo tụ tập trong những căn nhà kho không có lò sưởi, ăn ngấu nghiến xác chết. Mỗi ngày có 10 hoặc 20 phụ nữ chết. Hầu như không có nước ngọt.
Tại nơi thống khổ này Stanisława Leszczyńska đã giúp cho sinh ra 3.000 trẻ sơ sinh. Như cô nhớ lại sau này: “Trái ngược với những gì mọi người nghĩ đến và bất chấp những điều kiện cực kỳ tồi tệ, tất cả những đứa trẻ được sinh ra trong trại tập trung đều sống sót và trông khỏe mạnh khi sinh ra. Thiên nhiên – hút lấy nguồn sức sống dự trữ không xác định – thách đố sự hận thù và hủy diệt, kiên cường đấu tranh cho quyền lợi của mình.”
Stanisława sinh ra ở thành phố Łódź vào năm 1896. Cô kết hôn với một thợ in, Bronisław Leszczyński, trong Thế chiến thứ nhất và cuối cùng họ có bốn người con. Cô đạt đủ tiêu chuẩn làm nữ hộ sinh vào năm 1922. Cô rất sùng đạo (Công Giáo Ba-lan – LND) – điều này có thể giúp giải thích sự kiên cường và lòng dũng cảm của cô trong trại tử thần. Theo một hồ sơ trên Church Life Journal, “Sau khi tốt nghiệp hạng xuất sắc, Stanisława đã quỳ trong nhà thờ và biệt hiến công việc hộ sinh của mình cho Đức Mẹ, hứa nguyện rằng nếu mất một đứa con, cô sẽ từ bỏ công việc hộ sinh”.
Khi quân Đức xâm chiếm Ba Lan, gia đình Leszczyński đã tham gia vào cuộc kháng chiến của Ba Lan. Bronisław chết trong cuộc nổi dậy ở Warsaw; Stanisława và các con của cô đã giúp đỡ người Do Thái ở khu ổ chuột Łódź bằng cách giao thực phẩm và giấy tờ giả nhưng vào năm 1943, họ đã bị mật vụ Đức Gestapo bắt. Hai người con trai của bà bị đưa đến trại lao động nô lệ; cô và con gái Sylwia bị gửi đến Auschwitz. Những con số được xăm trên cánh tay của họ là 41335 và 41336. Tại trại, cô tình nguyện làm nữ hộ sinh với sự hỗ trợ của Sylwia.
Ghi nhận của Stanisława về Auschwitz
Bà đã mô tả lại các điều kiện ở “khu hộ sinh” với sự tách biệt về mặt lâm sàng trong một bài phát biểu ngắn gọn vào năm 1957. Chúng quá kinh khủng để có thể kể lại ở đây. Nhưng một điều đáng chú ý đã xảy ra. Bà viết:
Bất chấp sự bẩn thỉu kinh khủng, lũ sâu bọ và chuột nhắt đầy rẫy, bất chấp những căn bệnh truyền nhiễm, tình trạng thiếu nước và những điều khủng khiếp không thể diễn tả được, một điều gì đó phi thường nhất vẫn diễn ra ở đó.
Một ngày nọ, một tên Lagerarzt (bác sĩ của trại) bảo tôi trình bày một báo cáo về tình trạng nhiễm trùng sau khi sinh và tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tôi nói với anh ấy rằng tôi chưa từng có một bà mẹ hay trẻ sơ sinh nào tử vong. Ông ta nhìn tôi với vẻ hoài nghi và nói rằng ngay cả những bệnh viện đại học tốt nhất của Đức cũng không thể tự hào về tỷ lệ thành công như vậy. Trong mắt ông, tôi thấy được sự giận dữ và hận thù. Có lẽ những cơ thể cực kỳ suy nhược của các bệnh nhân của tôi là môi trường nuôi cấy quá kém để vi khuẩn phát triển.
Tuy nhiên, trong số 3.000 đứa trẻ mà Stanisława giúp sinh ra, chỉ có một số ít sống sót. Một ngàn bé chết vì đói hoặc bệnh tật. Khoảng 1.500 bé đã bị nhận nước cho chết bởi hai phụ nữ trật tự, Schwester (“chị”) Klara, một nữ hộ sinh đã bị bỏ tù vì tội giết trẻ sơ sinh và Schwester Pfani, một gái mại dâm. Vài trăm đứa trẻ mắt xanh được gửi đến làm con nuôi của các bà mẹ người Đức. (Đức Quốc Xã cho rằng người châu âu mắt xanh là có dòng máu chủng tộc siêu đẳng Aryan! – LND). Khoảng 30 bé sống sót dưới sự chăm sóc của mẹ chúng.
Giữa sự bẩn thỉu và kinh hoàng này, Stanisława là một Thiên thần của Sự sống. Cô xăm kín đáo những đứa trẻ sẽ được “Đức hóa” để một ngày nào đó chúng có thể tìm được cha mẹ ruột của mình. Cô nói: “Nhiều người mẹ được an ủi khi nghĩ rằng một ngày nào đó bà sẽ tìm thấy đứa con thất lạc của mình. Với sự cho phép của các bà mẹ, cô đã rửa tội cho những đứa trẻ theo đạo Thiên chúa. Cô hướng dẫn các phụ nữ cầu nguyện. Cô ấy lấp đầy khu nhà bằng tiếng hát của mình để xoa dịu những người phụ nữ đang đau đớn hoặc sợ hãi.
Tại Auschwitz, cô cũng gặp Thần Chết, biệt danh của bác sĩ khét tiếng Josef Mengele. Cô và con gái là đối tượng của những thí nghiệm chết người của hắn ta, mặc dù họ vẫn sống sót. Hắn cũng ra lệnh cho cô giết những đứa trẻ sơ sinh. Hắn hét vào mặt cô: “Mệnh lệnh là mệnh lệnh!” Cô ấy đã từ chối.
Ở lại Auschwitz cho đến cuối cùng
Khi chiến tranh sắp kết thúc, Stanisława từ chối rời Auschwitz cho đến khi Hội Chữ Thập Đỏ đến. Cô đỡ đẻ hài nhi cuối cùng khi khu trại xung quanh cô bị đốt cháy, bị lính canh bỏ chạy đốt cháy.
Sau chiến tranh, cô trở lại nghề hộ sinh. Cả bốn đứa con của cô đều sống sót; ba người đã trở thành bác sĩ và một người là luật sư và nhà soạn nhạc. Bà nghỉ hưu vào năm 1958. Hai mươi lăm năm sau khi trại Auschwitz được giải phóng, bà được đoàn tụ với một số trẻ em mà bà đã cứu. Bà nói rằng đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời bà.
Trong phần lớn cuộc đời mình, bà hiếm khi nói về những trải nghiệm của mình vì bà không muốn người dân của mình ghét người Đức. “Đừng phán xét, đừng phán xét, bởi vì bạn không biết điều gì đã khiến họ hành xử như vậy,” cô nói.
Ngày 11 tháng 3 năm 1974, Stanisława qua đời vì bệnh ung thư đường ruột. May mắn thay, ở Ba Lan, cô ấy được nhiều người biết đến. Một số bệnh viện và tổ chức được đặt theo tên của cô. Giáo hội Công giáo đã đề cử bà làm ứng viên để phong thánh.
Nhưng ở nơi khác, tấm gương sáng ngời của cô đã bị bỏ quên. Tại sao Josef Mengele độc ác khôn tả lại được cả thế giới biết đến trong khi lòng tốt khôn tả của Stanisława Leszczyńska vẫn bị giấu kín? Để diễn giải một câu châm ngôn nổi tiếng, cái ác đi nửa vòng trái đất trong khi cái thiện đang xỏ giày.
Tôi đã nghĩ về câu hỏi hóc búa này liên quan đến chuyến thăm của Kamala Harris tới một phòng khám phá thai ở Minnesota vài tuần trước. Phó Tổng thống Mỹ có mặt ở đó để hỗ trợ công việc giết hại trẻ sơ sinh của Planned Parenthood. Sự kiện này được New York Times, BBC… đưa tin trên khắp các phương tiện truyền thông. Tôi tự hỏi liệu Veep có chấp nhận lời mời phát biểu tại một sự kiện tôn vinh Stanisława Leszczyńska nhân kỷ niệm 50 năm của cô ấy hay không. Kamala có thể nói gì?
DTCMS
Lược Dịch Theo Nguồn https://dailydeclaration.org.au