DẪN NHẬP
Tôi muốn chia sẻ với các bạn mục đích, quyền năng và sự bảo vệ mà một nhóm cầu nguyện tiên tri đem lại. Chúng ta cũng sẽ suy gẫm một nhóm cầu nguyện như vậy được hình thành và đóng vai trò như thế nào, được sắp đặt và hoạt động ra làm sao.
A. QUYỀN NĂNG VÀ MỤC ĐÍCH CỦA MỘT NHÓM
Chúa Jesus phán: "Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ" (Mat 18:19, 20).
Chúa Jesus dạy rằng có một điều đặc biệt khi con người cầu nguyện chung với nhau. Nhóm cầu nguyện sẽ có quyền năng lớn lao hơn là khi chúng ta cầu nguyện một mình. Ở đây, có một sự mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu hết được.
Sự cầu nguyện cá nhân rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, Chúa Jesus bảo với các môn đồ của Ngài rằng Ngài sẽ ở giữa họ khi họ đến "với nhau" trong sự cầu nguyện.
1. Sức Mạnh Trong Sự Hiệp Một
Trong sự hiệp một có sức mạnh. Trong sự hiệp một thuộc linh có sức mạnh thuộc linh! Đây là một nguyên tắc quan trọng hay một chân lý. Khi chúng ta hiệp một lòng, một trí trong Thánh Linh của Chúa, Ngài sẽ thi hành mục đích và quyền năng vĩ đại thay cho chúng ta.
"Một người rượt đuổi ngàn người, và hai người đuổi (đánh) mười ngàn người." (Phục 32:30).
Khi Đức Chúa Trời là một thế lực ở đằng sau sự hành động, thì hai người mang lại kết quả hơn gấp mười lần một người trong sự cầu nguyện.
Nguyên tắc của sức mạnh "hiệp một" đúng cho cả cái thiện cũng như cái ác. Sức mạnh của một dân tộc được nhân lên gấp bội khi họ cùng chung một mục đích. Đây cũng là lý do Đức Chúa Trời phá đổ tháp Ba-bên.
"Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được "(11:6).
Khái niệm về "quyền năng hiệp một" được tìm thấy trong Kinh Thánh từ Sáng thế ký đến Khải huyền. Dĩ nhiên, đây là nguyên tắc mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta áp dụng khi cầu nguyện. Chúa Jesus đang dạy các môn đệ của Ngài một chân lý rất quan trọng và căn bản.
Đây cũng luôn luôn là phương pháp của tôi trong chức vụ làm việc theo đội. Tôi nghĩ rằng một người với một thái độ độc lập không thể xây dựng Thân thể của Đấng Christ cách tốt nhất. Chúng ta hãy xem sự thành lập một nhóm cầu nguyện tiên tri sẽ đem lại những kết quả như thế nào.
a. Tình Yêu Thương Đem Lại Sự Hiệp Một. Chúa Jesus phán rằng chúng ta có thể trông đợi sự hiện diện phước hạnh của Ngài khi chúng ta đến với nhau trong Danh Ngài. Làm thể nào chúng ta có một nhóm cùng làm việc với nhau?
Đức Thánh Linh đem lại sự hiệp một mà qua đó chúng ta có thể thật sự cùng làm việc với nhau như cùng một nhóm. "Vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rãi khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta" (Rô 5:5). Tình yêu thương đem lại sự hiệp một. Đức Thánh Linh đổ đầy tấm lòng chúng ta bằng tình yêu của Đức Chúa Trời, vì vậy chúng ta thương yêu nhau.
b. Sự Kiêu Ngạo Đem Lại Sự Không Hiệp Một. Sự không hiệp một là kết quả của sự kiên ngạo. "Sự kiêu ngạo chỉ sanh ra điều cãi lộn… "(Châm 13:10). Kẻ thù luôn cố gắng để phá đi chức vụ nhóm cầu nguyện của bạn bằng những sự bất hòa và tranh chấp.
Nếu bạn thấy điều nầy xảy ra, thì giải pháp tốt nhất mà tôi biết là hãy có một buổi thờ phượng nơi mà những thành viên của nhóm thực hành việc rửa chơn cho nhau. Điều nầy sẽ hủy diệt sự kiêu ngạo."Vậy, nếu ta là Chúa, là Thầy, mà đã rửa chơn cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau "(Giăng 13:14).
2. Ý Muốn Của Đức Chúa Trời Được Bày Tỏ / Được Xác Nhận
Thánh Linh sẽ bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Cha khi chúng ta hạ mình trước mặt Ngài và trước mặt nhau. Khi chúng ta đầu phục công tác của Thánh Linh trong sự cầu nguyện, Ngài sẽ đem chúng ta vào sự hiệp một trong tâm trí và tấm lòng.
Chúng ta sẽ bắt đầu cầu nguyện, suy nghĩ và cảm xúc những gì ở trong lòng và tâm trí của Đức Chúa Trời. Và khi sự khải thị bắt đầu đến, chúng ta sẽ có những thành viên khác xác nhận những gì đã nhận được.
Bạn sẽ nhận ra rằng sự khải thị không chỉ được bày tỏ cho một thành viên trong nhóm. Và khi điều nầy xảy ra, chúng ta biết rằng chúng ta đang nhận được tâm trí của Đức Chúa Trời như là một kết quả của sự cầu nguyện của mình.
Nhóm cầu nguyện tiên tri đem đến một cách cầu thay mạnh mẽ và vững vàng trong việc khám phá ra ý muốn của Đức Chúa Trời. Đây là phương tiện để Đức Thánh Linh hành động qua các ân tứ của Ngài trong sự khôn ngoan và quyền năng.
Đây là một cơ hội để lời và ý muốn của Ngài được bày tỏ cách cân bằng qua các anh chị em trong Đấng Christ. Lời tiên tri hoặc lời cầu nguyện được ở trong một bối cảnh mà những người khác có thể chứng minh và suy xét.
Chúng ta hãy xem ICôr 14:31 để rút ra sự dạy dỗ cho mình:"…Anh em đều cứ lần lượt mà nói tiên tri được cả, để ai nấy đều được dạy bảo, ai nấy đều được khuyên lơn ".
3. Huấn Luyện Cách Sử Dụng Ân Tứ Thuộc Linh
Chúng ta phải học sử dụng những Ân tứ của Thánh Linh. Những người lãnh đạo Hội thánh phải có trách nhiệm cung cấp những cơ hội để các tín hữu học cầu nguyện những lời cầu nguyện tiên tri. Sắp xếp những người bắt đầu học sử dụng ân tứ của Thánh Linh với những tín hữu đã có kinh nghiệm vào trong một nhóm cầu nguyện là cách tốt nhất để huấn luyện những người khác.
Phao-lô khích lệ các tín hữu tại Côrinhtô không chỉ tìm kiếm các ân tứ thuộc linh, mà còn phải "dư dật" nữa (câu 12). "Dư dật" có nghĩa là hiệu quả hay tốt hơn trong những cố gắng của chúng ta. Điều nầy liên quan đến việc học hỏi bằng kinh nghiệm.
a. Ý Muốn Của Đức Chúa Trời / Sự Chọn Lựa Của Con Người. Ý muốn của Đức Chúa Trời là ban các Ân tứ của Ngài (12:7-10) cho những người sốt sắng tìm kiếm và ước ao dùng những ân tứ ấy (12:31; 14:1; 14:39).
Khi chúng ta ao ước những ân tứ thì Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng, miễn sao động cơ của chúng ta là để xây dựng và đem lại phước hạnh cho Thân thể của Đấng Christ.
Quả thật rằng Đức Chúa Trời có quyền ban các ân tứ theo chính ý muốn và ao ước của Ngài. Mọi sự đều bắt đầu và chấm dứt trong Ngài. Tuy nhiên Đức Chúa Trời ban cho con người sự tự do để được ao ước và cầu xin để được trở thành một phần trong kế hoạch tuyệt vời của Ngài.
"Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ "(Mat 5:6).Đức Chúa Trời ban các ân tứ của Ngài cho chúng ta khi chúng ta "đói khát… ".
Khi chúng ta vui mừng làm theo ý muốn Ngài, Ngài sẽ đặt sự ao ước của Ngài trong lòng của chúng ta (Thi 37:4, 5). Khi chúng ta đeo đuổi những ao ước đó trong đức tin và sự vâng phục, Đức Chúa Trời sẽ chọn lựa và chuẩn bị chúng ta để thực hiện ý muốn của Ngài.
Trong cái nhìn của chúng ta, có thể chúng ta thấy như mình có quyền chọn lựa để nên người được chọn. Nhưng không có Ngài, chúng ta không thể tự chọn; mà không có chúng ta, Ngài cũng không thể chọn lựa! Đây là sự cân bằng giữa quyền tể trị của Đức Chúa Trời (quyền làm điều Ngài muốn làm) và sự tự do chọn lựa của con người.
Phao-lô khích lệ chúng ta tìm kiếm các ân tứ của Thánh Linh trong đức tin, và nâng cao những ân tứ nầy trong sự vâng phục. Qua các ân tứ của Đức Chúa Trời mà tình yêu của Ngài có thể vươn đến thế giới đau thương và bịnh tật nầy. Tình yêu là động cơ và sự cầu nguyện là phương tiện mà nhờ đó lời chứng và công tác của chúng ta trong thế gian nầy sẽ bắt đầu.
Bây giờ chúng ta hãy suy gẫm những bước thực tế mà chúng ta cần phải theo khi tổ chức và phát triển những nhóm cầu nguyện tiên tri.
B. NHỮNG NGUYÊN TẮC / NHỮNG SỰ CHỈ ĐẠO CHO MỘT NHÓM
Lời của Đức Chúa Trời đem lại cho chúng ta những nguyên tắc để một nhóm cầu nguyện tiên tri có thể hoạt động cách an toàn và nền tảng. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một lời khuyên sâu sắc trong ICôr 14:29
"Người nói tiên tri cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói mà thôi, còn những kẻ khác thì suy xét.
1. Ba Nguyên Tắc
Có ba nguyên tắc hay lẽ thật thực tế trong câu Kinh Thánh nầy:
- a. "người nói tiên tri…" – đây là sự tự do.
- b. "hai hoặc ba người…" – đây là giới hạn.
- c. "những kẻ khác thì suy xét" – đây là trách nhiệm.
2. Tại Sao Những Nguyên Tắc Nầy Cần Thiết?
a. Sự Tự Do. Trước hết, việc để cho các ân tứ thuộc linh được bộc lộ là rất cần thiết. Không có sự tự do nầy, Đức Thánh Linh "bị làm buồn và bị dập tắt". Chúng ta có thể dập tắt tiếng nói của Ngài trong Hội thánh của mình (ITê 5:19; ICôr 14:39).
b. Giới Hạn. Thứ hai, những người lãnh đạo sẽ phải đưa ra những giới hạn bén nhạy về số lần cầu nguyện tiên tri mà một người được nói ra, dầu cho người ấy có là ai đi chăng nữa. Phao Lô có ý nói đến việc ngăn chặn, không để cho một người chi phối hoàn toàn buổi cầu nguyện.
Nếu chức vụ tiên tri tiếp tục phát triển ra giữa hội chúng (như cách nó được tổ chức trong một nhóm cầu nguyện nhỏ) thì điều nguy hiểm là chúng ta có thể làm yếu đi ảnh hưởng của những lời tiên tri vì trong một buổi nhóm mà có quá nhiều lời tiên tri được đưa ra đến nỗi không còn ai chú tâm nữa (14:40).
c. Trách Nhiệm. Thứ ba, những người lãnh đạo phải suy xét và đánh giá phần thuộc linh và nội dung của lời tiên tri hoặc lời cầu nguyện tiên tri cách có trách nhiệm. Điều nầy rất cần thiết bởi vì không ai là "vô ngộ" cả, nghĩa là không hề sai.
Nếu một người cầu nguyện điều gì đó không phù hợp hoặc không đúng sự thật, thì người lãnh đạo phải nhẹ nhàng sửa họ lại. Nhờ làm như vậy, các tín hữu sẽ học biết sử dụng ân tứ cách đúng đắn.
Nếu một người nào đó cầu nguyện tiên tri "đúng vào mục tiêu" – người lãnh đạo cũng cần phải xác nhận sự kiện nầy. Điều nầy sẽ khích lệ những người đang học hỏi.
3. Sáu Sự Chỉ Đạo
Những sự chỉ đạo sau đây được rút ra qua nhiều năm từ những kinh nghiệm thực tế của những nhóm cầu nguyện trên khắp thế giới. Chúng không phải là những nguyên tắc bắt buộc, nhưng là những gợi ý thực tế dựa trên những nguyên tắc thuộc linh vững vàng. Tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy ích lợi nơi những sự chỉ đạo nầy.
a. Những Tín Hữu Trưởng Thành. Hãy chọn sáu hoặt tám tín hữu trưởng thành. Họ phải là những người đã được báp têm bằng Đức Thánh Linh và đã được học biết cách sử dụng các ân tứ tiếng lạ (hay ân tứ tiên tri) trong sự cầu nguyện. Hai cặp vợ chồng và một nam một nữ độc thân là tốt nhất. Và chỉ sau khi cả nhóm đã đạt được kinh nghiệm trong sự cầu nguyện tiên tri thì mới đưa những người đang được huấn luyện vào.
b. Trong Một Vòng Tròn. Tất cả hãy ngồi thành một vòng tròn.
c. Thừa Nhận Đấng Christ. Hãy cho họ cầu nguyện như vầy: "Chúng con cùng tuyên xưng Jesus là Chúa. Chúng con xin tiếp nhận sự hiện diện của Ngài trong thân vị của Đức Thánh Linh. Bây giờ chúng con cầu xin Đức Thánh Linh xức dầu cho chúng con để cầu nguyện sự cầu nguyện tiên tri". (Hãy nhớ rằng, sự công bình của bạn được đặt nền tảng trên Thập tự giá của Đấng Christ và dòng huyết đã đổ ra của Ngài).
d. Khí Giới Của Đức Chúa Trời. Sau đó hãy để họ nói lên mạng lệnh nầy: "Lạy Chúa, Ngài phán rằng bất cứ điều gì chúng con trói buộc dưới đất cũng sẽ bị trói buộc trên trời. Bây giờ chúng con trói buộc các quyền lực của sự tối tăm là những quyền lực đang tìm cách chống đối và ngăn trở chức vụ cầu nguyện nầy trong Danh của Chúa Jesus.
"Chúng con xin mang lấy mão trụ của sự cứu rỗi để xua tan những tư tưởng sai lầm ra khỏi tâm trí của chúng con. Chúng con cũng mang lấy áo giáp công bình và thuẫn đức tin để chống lại những cảm xúc sai lầm và nghi ngờ. Chúng con xin mở lòng mình ra để tiếp nhận gươm của Đức Thánh Linh là lời Đức Chúa Trời, là những lời mà chúng con đang chờ đợi để nhận lãnh khi chúng con cầu nguyện. Lạy Chúa, như Ngài đã ban lời của Ngài cho các tiên tri thời xưa thể nào, thì xin hãy ban lời đó cho chúng con giờ nầy, để ý muốn và công việc của Ngài được thực hiện qua chúng con. "(Êph 6:1-24; Thi 107:20; Sáng 15:1, 4 ISa 15:10).
Bằng cách làm những điều nầy, bạn sẽ ngăn chặn ma quỉ phá hỏng sự cầu nguyện của bạn bằng những ý tưởng giả dối và những mục đích bất kính của nó.
e. Đức Thánh Linh Chịu Trách Nhiệm. Sau đó hãy cầu nguyện như vầy: "Lạy Đức Thánh Linh, chúng con xin dâng lòng và tâm trí của chúng con cho Ngài. Xin đặt những lời cầu nguyện của Ngài trên môi miệng chúng con, đặt những tư tưởng của Ngài trong tâm trí chúng con và đặt những cảm xúc của Ngài trong linh hồn chúng con. Chúng con thuận phục sự Chúa tể của Ngài, bởi vì nơi nào Đức Thánh Linh được tôn là Chúa, nơi đó có sự tự do." (IICôr 3:17).
f. Cầu Nguyện Bằng Tiếng Lạ. Hãy tuôn trào những dòng sông của Đức Thánh Linh bằng cách bắt đầu cầu nguyện tiếng lạ cùng nhau. Đây phải là những biểu hiện của đức tin, tình yêu và sự vâng phục Đức Chúa Trời của bạn. Mong ước của bạn phải là được trở nên một lòng một ý với Chúa và với nhau.
4. Cầu Nguyện Cho Những Người Khác
Sau khi đã đi qua những bước ở trên, đây là lúc cầu nguyện cho những người khác. Trong những lúc huấn luyện và học tập, những người lãnh đạo Hội thánh lâu năm hoặc những trưởng lão nên đóng vai trò của người trưởng nhóm. Và để dễ hiểu hơn, chúng tôi sẽ gọi những người được cầu nguyện cho là (những) ứng cử viên trong những sự chỉ dẫn dưới đây.
a. Ứng Cử Viên Ở Chính Giữa Vòng Tròn. Nếu nhóm cầu nguyện đang chuẩn bị cầu nguyện cho những ứng cử viên có những nhu cầu đặc biệt, hãy để từng người (và vợ hoặc chồng của họ nếu có thể) đến và ngồi vào giữa vòng tròn cầu nguyện.
b. Một Người Hướng Dẫn. Nếu ứng cử viên là một người nam, thì một thành viên nam trong nhóm (hoặc ngược lại nếu là nữ) sẽ hướng dẫn sự cầu nguyện cho người đó. Vào lúc nầy, hãy tin cậy rằng Chúa sẽ ban cho một lời cầu nguyện tiên tri.
Hãy lắng nghe những lời cầu nguyện cách cẩn thận, bởi vì có thể có sự bày tỏ cho những bí mật kín dấu được nhắc đến trong lời cầu nguyện. Biết được những bí mật nầy có thế giúp bạn trở nên có ích hơn cho người đó.
c. Phỏng Vấn Người Ứng Cử Viên. Nếu vẫn không có sự chỉ dạy của Đức Thánh Linh để biết sau đó phải làm gì, người trưởng nhóm có thể phỏng vấn cách vắn tắt như sau:
1) Tại Sao Họ Đã Đến? Hãy hỏi người đó rằng: "Bạn đến đây để làm gì? Bạn đang mong chờ để nhận được điều gì?". Khi họ trả lời, các thành viên trong nhóm có thể nghe sự xác nhận một điều gì đó mà các thành viên trong nhóm đã nhận được từ Đức Thánh Linh trong khi cầu nguyện.
Hãy tiếp tục nói chuyện với người đó, như Chúa Jesus đã giúp đỡ cho người đàn bà Samari (xem Giăng 4:4-30). Đừng để cuộc phỏng vấn kéo dài quá ba đến năm phút.
2) Chia sẻ những khải tượng. Nếu một vài người trong nhóm cảm thấy rằng Đức Thánh Linh đã ban cho họ một điều gì đó để chia sẻ, thì đây là lúc để chia sẻ.
Đôi khi một bức tranh sẽ hình thành trong đầu bạn. Đức Thánh Linh sẽ khiến cho bạn biết ý nghĩa của nó. Những khi khác, Thánh Linh chỉ cho bạn một câu Kinh Thánh có thể là câu giải đáp cho nhu cầu ấy.
Cũng có khi Thánh Linh sẽ ban cho bạn một ấn tượng rất mờ nhạt về một điều gì đó mà bạn không thể nào hiểu được. Nếu vậy, vào lúc thuận tiện, bạn hãy kể cho nhóm cầu nguyện và người ứng cử viên điều mà bạn cảm thấy bạn đã nhận được từ Đức Thánh Linh.
Sau đó, hãy hỏi ứng cử viên: "Phải chăng đây là sự thật?". Nếu họ trả lời "không", hãy trả lời rằng: "Tôi xin lỗi, có lẽ đây là các ý tưởng của chính tôi". Nếu họ đáp "Vâng, đây là sự thật", thì hãy tiếp tục như bạn cảm biết sự hướng dẫn của Thánh Linh.
3) Cả Nhóm Cầu Nguyện. Nếu bạn vẫn không có được sự chỉ dạy của Thánh Linh, cả nhóm hãy đặt nhẹ tay lên vai hay đầu của người ứng cử viên (tùy theo phong tục địa phương) và cùng cầu nguyện trong Thánh Linh.
Hãy tin cậy rằng trong thì giờ cầu nguyện nầy, những thành viên của nhóm sẽ nhận được điều gì đó từ nơi Chúa. Nếu vậy, hãy chia sẻ những gì bạn đã nhận được. Nếu không một người nào cảm thấy nhận được điều gì từ nơi Chúa, thì người trưởng nhóm phải cầu nguyện lời cầu nguyện kết thúc (tin cậy rằng Thánh Linh sẽ biến lời cầu nguyện nầy trở thành một lời cầu nguyện tiên tri).
Có những khi dường như Thánh Linh ban cho chúng ta rất ít hoặc không ban điều gì để chúng ta chia sẻ. Đừng ép buộc một điều gì đó phải xảy ra. Nếu Đức Thánh Linh không tỏ bày một điều gì cả, đừng cố gắng bịa đặt điều gì. Hãy nói với người ứng cử viên rằng: "Chúa Jesus yêu bạn và tôi cũng yêu bạn". Còn nếu phong tục cho phép, hãy ôm họ cách thân ái và yêu thương với một lời cầu chúc "Nguyện Đức Chúa Trời chúc phước cho bạn".
5. Đức Thánh Linh Sẽ Hướng Dẫn
Sau khi bạn đã làm trọn "sáu sự chỉ đạo", cả nhóm nên tiếp tục cầu nguyện bằng tiếng lạ cho đến khi một (hay nhiều hơn) thành viên của nhóm cảm nhận một ấn tượng từ Đức Thánh Linh về điều mà cả nhóm sẽ cầu nguyện cho. Hãy mong đợi Đức Thánh Linh bày tỏ ý muốn và tâm trí của Cha trên Trời cho bạn để những lời cầu nguyện của bạn có một sự hướng dẫn đặc biệt.
Sự hướng dẫn có thể đến trong hình thức một ý tưởng, một khải tượng (một bức tranh trong tâm trí) hay một đoạn Kinh Thánh. Có thể những điều nầy liên quan đến con người, những nơi chốn, những sự kiện liên hệ đến, một Hội thánh, một thành phố, một quốc gia hoặc một vài lãnh vực nào đó.
Thường thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ cảm động cả nhóm cầu nguyện cho một (hoặc hơn) cơ cấu của xã hội, như:
- -Khoa học – Công việc
- -Nghệ thuật -Trường học
- -Phương tiện thông tin đại chúng -Giáo hội- Chính quyền- Gia đình – Quân đội.
a. Mỗi Người Thêm Vào Một Phần. Thường thì một hay nhiều người trong nhóm sẽ cảm nhận được sự hướng dẫn khi cầu nguyện. Rồi thì cả nhóm nên bắt đầu cầu nguyện nhỏ nhẹ trong Thánh Linh, dựa vào các Ân tứ Lời tri thức, Lời khôn ngoan, Phân biệt các linh, Tiếng lạ, Thông giải tiếng lạ và Tiên tri.
Khi mỗi một người đều cầu nguyện trong đức tin, Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ phải cầu nguyện cho điều gì và bằng cách nào. Mỗi người sẽ thêm vào một phần trong sự mặc khải của Đức Chúa Trời khi đến phiên họ cầu nguyện.
Đây là điều Phao-lô nói đến khi ông bảo rằng nếu sự khải thị đến từ một người đang ngồi thì người đó nên được phép nói… để ai nấy đều lần lượt mà nói tiên tri (ICôr 14:30, 31).
b. Những Người Cộng Sự Của Chúa Jesus. Đây là sự sự cầu nguyện tiên tri thật trong hành động. Trong cách nầy Đức Chúa Trời có thể đem đến một khải tượng trọn vẹn của ý muốn Ngài cho một hoàn cảnh nào đó. Chúng ta thật sự đang tham gia vào vòng tròn của mục đích Ngài qua sự cầu nguyện và cầu thay.
Tôi vô cùng ngạc nhiên và kinh sợ bởi những điều Đức Thánh Linh đã đem đến trong những lần cầu nguyện như vậy. Khi làn thủy triều thuộc linh dâng cao, và đức tin vươn lên như những ngọn núi, thì những lời cầu nguyện sẽ càng trở nên thực hơn là những nan đề và những nhu cầu mà chúng ta đang cầu nguyện.
Trong một trong những cuộc hội nghị của chúng tôi, chúng tôi có mười nhóm cầu nguyện theo cách nầy. Thật đáng lưu ý là trong những ngày cầu nguyện đó, nhiều lần năm hay sáu nhóm đã xúc động cầu nguyện cho cùng một gánh nặng của Chúa.
Các nhóm khác nhau không hề biết điều nầy cho đến khi chúng tôi kêu gọi một buổi làm chứng. Những nhóm trưởng chia sẻ lại những gì Đức Thánh Linh đã thúc giục họ cầu nguyện và những kết quả của các buổi cầu nguyện.
Và rồi các nhóm trưởng khác đều đứng lên và nói rằng: "Chúa cũng phán dạy nhóm chúng tôi cầu nguyện cho điều đó’’.
Thật vui mừng và được yên ủi khi chúng tôi nhận biết rằng chúng tôi là những người cộng sự của Chúa Jesus trong chức vụ cầu thay của Ngài.
C. NHỮNG NAN ĐỀ / NHỮNG HIỂM HỌA TRONG SỰ CẦU NGUYỆN TIÊN TRI
Khi học hỏi về chức vụ của các nhóm cầu nguyện tiên tri, chúng ta cũng nên nhắc đến những lãnh vực có nan đề rất nguy hiểm. Những ân tứ của ân điển Đức Chúa Trời có thể bị lạm dụng trong những cách vô cùng khiếm nhã. Chúng ta không sợ hãi kẻ thù của mình, nhưng chúng ta phải nhận biết những mưu chước khôn ngoan và tinh xảo của nó (IICôr 2:11).
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những nhóm cầu nguyện đầy quyền năng lại nằm trong sự tấn công của ma quỉ. Lý do mà chúng ta chờ đợi các nan đề liên quan đến sự cầu nguyện xuất hiện được diễn tả cách rõ ràng trong Châm 14:4"Đâu không có bò, đó máng cỏ trống không; nhưng nhiều hoa lợi do nơi sức bò đực mà ra ".
Câu Châm ngôn nầy nêu lên một nguyên tắc đơn giản để chúng ta học hỏi. Nơi nào không có bò, nơi đó dễ dàng giữ cho những chuồng sạch sẽ, không cần phải dọn dẹp những chỗ bẩn.
Nhưng khi bạn có bò, bạn phải dọn dẹp những máng ăn cũng như những phân của chúng. Tuy nhiên bạn sẽ có những vụ mùa bội thu. Sức khỏe của những con bò sẽ được dùng để kéo cày, làm cho đất tơi nhuyễn, đem lại những vụ mùa thật trúng.
Sự thật nầy rất rõ ràng. Nếu chúng ta muốn dùng sức mạnh của những con bò để sản xuất những vụ mùa, chúng ta sẽ phải dọn dẹp những nơi dơ bẩn.
Nếu chúng ta muốn có quyền năng và kết quả từ những ân tứ do Thánh Linh mang đến, chúng ta sẽ phải đối diện với các nan đề, và những con người luôn gây ra nan đề, đi cùng với các ân tứ nầy.
Rất dễ dàng bỏ qua các ân tứ của Đức Thánh Linh để có một cái chuồng sạch sẽ nhưng khô cằn (không có sự sống). Những con bò chết và sự yên tĩnh, chuồng bò sạch sẽ là những điều đi đôi với nhau. Hội thánh chết là Hội thánh thiếu sự sống, thiếu quyền năng, thiếu sự ca ngợi, và không có những vụ mùa bội thu.
Tuổi thiếu niên (từ 13 đến 17) có những nan đề riêng của nó. Đây là một thời gian tiếp nối giữa một đứa trẻ và một người trưởng thành. Đây cũng là thời gian mà một kiến thức đơn sơ, ít ỏi cùng với một nguồn sức sống dồi dào muốn chạy trước sự khôn ngoan và kinh nghiệm!
Sự tăng trưởng và đời sống của những Cơ đốc nhân cũng vậy. Nhiều nan đề có thể nổi lên khi kiến thức của chúng ta về các ân tứ của Thánh Linh không cân bằng với sự trưởng thành của những tính cách Cơ đốc và kinh nghiệm.
Chúng ta đã thấy rằng khi Ân tứ tiếng lạ, Ân tứ thông giải tiếng lạ và Ân tứ tiên tri được nói ra thì phải được đi kèm với Lời khôn ngoan, Lời tri thức và Sự phân biệt các linh, chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong chức vụ của một nhóm cầu nguyện tiên tri.
Để có thể hiểu thêm về những Ân tứ này, mời bạn xem phần D1 và phần D2 của phần Hướng Dẫn Cách Huấn Luyện Lãnh Đạo)
Vậy thì những nan đề đặc biệt nào có thể xuất hiện từ trong sự thực hành sự cầu nguyện tiên tri?
1. Sự Hướng Dẫn Cá Nhân Phải Được Cân Bằng
Một trong những mối nguy hiểm là xem các Ân tứ của Thánh Linh như một loại "phương tiện ma thuật" để đạt được ý muốn của Đức Chúa Trời để có sự hướng dẫn của Chúa cho chính mình mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Sự "sử dụng sai lầm" các ân tứ như vậy có thể được so sánh với sự đi cầu những người bói toán.
Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ cho phép chúng ta bước ra ngoài đức tin. Đức tin hoạt động trong sự tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa của Ngài: "Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi… "(Ês 58:11).Tôi xin nhắc lại với bạn rằng nếu bạn không ở trong sự phản loạn, thì rất khó để bạn có thể lạc mất ý muốn của Đức Chúa Trời.
Có những lúc Chúa thương xót và ban cho chúng ta sự xác nhận tiên tri chắc chắn qua những người cầu nguyện cho chúng ta. Tuy nhiên, đừng để điều nầy thay thế cho mối tương giao của bạn với Chúa. Ngài có thể phán dạy bạn trực tiếp nếu bạn học cách lắng nghe trong những thì giờ riêng tư với Chúa của mình. Phải luôn luôn có sự cân bằng giữa những điều sau:
a. Lời của Đức Chúa Trời, tức là những nguyên tắc Kinh Thánh và những lời đặc biệt.
b. Thánh Linh của Đức Chúa Trời, tức là lời chứng trong lòng, những giấc mơ và những ân tứ thuộc linh.
c. Thân thể của Đấng Christ, tức là sự xác nhận của những lời cố vấn hay lời tiên tri.
d. Những hoàn cảnh, do Đức Chúa Trời sắp đặt.
e. Thái độ của chúng ta, khiêm nhường, tin cậy và thuận phục.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta tin cậy Ngài. Sự hướng dẫn chỉ đến từ mối tương giao của chúng ta với Chúa và với nhau trong Thân thể của Đấng Christ. Khi những mối tương giao nầy được đặt đúng vị trí, thì chúng ta có thể trông đợi Chúa hướng dẫn và chỉ dạy chúng ta trong một cách chắc chắn và an toàn.
Ra ngoài sự cân bằng thần thượng nầy, là những sự hướng dẫn sai lầm, điên rồ và nguy hiểm.
Để có thể nghiên cứu thêm về Sự Hướng Dẫn, mời bạn xem phần D12 trong mục Hướng Dẫn Để Huấn Luyện Người Lãnh Đạo.
2. Khiêm Nhường, Không Kiêu Ngạo
Khiêm nhường là sự bảo vệ của chúng ta khỏi những lầm lỗi của con người. Các ân tứ Thánh Linh luôn là đối tượng hoặc cánh cửa mở ra cho lỗi lầm loài người. Tất cả chúng ta đều có thể phạm lỗi lầm trong vấn đề nầy.
Luôn luôn có sự liều mình ở một mức độ nào đó khi Đức Chúa Trời cho phép lời trọn vẹn của Ngài được nói ra qua những con người không trọn vẹn. Tuy nhiên Ngài đã quan phòng một phương cách để bảo vệ cả đầy tớ của Ngài và lời của Ngài. Đó là sự khiêm nhường.
Sự khiêm nhường trong các ân tứ của Thánh Linh được biểu hiện qua hai cách:
a. Sẵn sàng thừa nhận chúng ta có thể mắc phải những lỗi lầm.
b. Sẵn sàng nhận lấy những sự sửa sai khi chúng ta mắc lỗi lầm.
Tôi xin nêu lên một ví dụ. Mục sư David Schoch tại Long Beach, tiểu bang California, Hoa Kỳ có một ân tứ tiên tri quyền năng nhất mà tôi đã từng chứng kiến trong bốn mươi năm chức vụ của tôi. Ông đã dành rất nhiều thì giờ để cầu nguyện và cầu thay.
Như tôi đã nói, sự chuẩn bị như thế là rất cần thiết cho chức vụ tiên tri. Ông luôn canh giữ chức vụ tiên tri mà Chúa đã kêu gọi ông với một tinh thần rất có trách nhiệm. Năm tháng đã chứng minh sự chính xác và sự trưởng thành trong chức vụ của ông.
Năm 1965 tôi tham dự một kỳ Hội đồng gồm hàng trăm người từ khắp đất nước do mục sư David chủ tọa. Bởi sự mặc khải của Thánh Linh (Lời tri thức) ông chỉ vào những người khác nhau (họ là những người ông không quen biết) và mô tả những nan đề về thân thể cũng như bệnh tật của họ.
Để xác nhận lời của mình, ông luôn luôn hỏi họ những điều ông đã mô tả có chính xác hay không. Nếu họ đáp "Vâng", ông sẽ cầu nguyện cho họ. Nhiều người đã được chữa lành. Nhưng có điều bất thường đã xảy ra.
Ông gọi một phụ nữ và mô tả tình trạng của cô. Sau đó ông hỏi có phải cô đang chịu những nan đề đó hay không. Cô đáp: "Không! Tôi không ở trong tình trạng mà ông đã mô tả."
Câu trả lời của Mục sư David trước đám đông hàng sáu đến bảy trăm người là một sự khiêm nhường thật sự. Ông không hề cãi lại hoặc cố bào chữa. Ông chỉ nói: "Tôi rất tiếc, thưa cô, chắc hẳn là tôi đã nói sai." Ông thừa nhận rằng ông có thể mắc phải lỗi lầm, và đã lấy làm tiếc mà xin lỗi phụ nữ đó. Rồi ông ngưng sự chữa bịnh và trở lại tiếp tục giảng dạy.
Vào cuối bài giảng, khoảng 45 hay 50 phút sau đó, ông mời gọi những ai cần được cầu nguyện. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, người phụ nữ đã phủ nhận nhu cầu của mình lúc nãy, bây giờ tiến lên phía trước. Cô thừa nhận rằng bởi vì mắc cỡ mà cô đã nói dối rằng mình không có những nan đề mà Mục sư David đã mô tả. Rồi trước mặt mọi người cô cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời và xin lỗi Mục sư David.
Câu trả lời độ lượng của Mục sư David cho người phụ nữ này khi cô từ chối không nhận nan đề của mình đã làm cho tôi vô cùng xúc động.
Mặc dù ông đúng, và người phụ nữ là người có lỗi, ông đã không hề cố gắng bào chữa cho mình hay thách thức câu trả lời của cô. Ông đã không xưng rằng mình là người không hề phạm lỗi khi nói tiên tri nhưng lại thừa nhận rằng mình có thể sai lầm. Đây là một gương khiêm nhường cao trọng mà hết thảy chúng ta nên noi theo.
Nếu bạn sẽ thành lập một nhóm cầu nguyện tiên tri, bạn phải có những con người khiêm nhường. Họ không phải là những người bào chữa cho mình hay cho ân tứ của mình. Nếu những người khác không chấp nhận sự mặc khải của họ, thì họ phải khiêm nhường thừa nhận rằng: "Có thể tôi đã sai; tôi thành thật xin lỗi."
3. Những Lời Tiên Tri Giả
Tôi muốn bàn luận về một số nguyên tắc quan trọng của sự cân bằng thuộc linh.
"Chớ dập tắt Thánh Linh; chớ khinh dể các lời tiên tri; hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi "(ITê 5:19-21).
a. Suy Xét Mọi Việc, Giữ Lấy Những Điều Lành. Qua đoạn Kinh Thánh nầy chúng ta được dạy rằng phải tôn trọng các lời tiên tri. Tuy nhiên chúng ta cũng được dạy rằng phải suy xét các lời đó, để xem những lời đó đúng hay sai.
Chỉ khi nào làm vậy rồi chúng ta mới có thể giữ lấy những điều lành và bỏ đi những điều lỗi lầm.
Nhưng làm sao để suy xét một lời tiên tri là đúng hay sai? Kinh Thánh đã cho chúng ta một câu trả lời rất rõ ràng:
"Nếu ngươi nói trong lòng rằng: Làm sao chúng ta nhìn biết được lời nào là lời Đức Giê-hô-va không có phán?
"Khi kẻ tiên tri nhơn danh Đức Giê-hô-va nói, ví bằng lời người nói không xảy đến và không ứng nghiệm, ấy là lời mà Đức Giê-hô-va chẳng có phán. Kẻ tiên tri đó bởi sự kiên ngạo mà nói ra; chớ sợ người "(Phục 18:21, 22).
Câu trả lời rất đơn giản: Một lời tiên tri thật sẽ ứng nghiệm và hợp nhất với Kinh Thánh.
Buồn thay, một số người đã không thử nghiệm chức vụ "tiên tri" của họ. Họ không xác nhận sự chính xác của những điều họ nói "bởi sự bày tỏ". Ngay cả một số khác tin rằng họ đã đạt đến chỗ vô ngộ, không bao giờ sai lầm.
Điều nầy đem lại nhiều kết quả đau buồn cho cả tiên tri và những người nghe bởi sự thiếu trách nhiệm này.
b. Hãy Xét (suy xét) Các Tiên Tri. Cách để thử một tiên tri là xem ông ta có trách nhiệm đối với những lời tiên tri của mình hay không và ảnh hưởng của những lời tiên tri đó. Có phải đây là những lời lẽ thật và sự sống, hay chỉ là những lời mang đến sự bối rối, sợ hãi, chia rẽ và thất vọng? (cũng xem phần D2).
Tôi được xếp vào một nhóm với một tiên tri để cầu nguyện cho một đôi vợ chồng. Người đàn ông mà chúng tôi cầu nguyện cho là một nha sĩ. Chúa đã ban cho ông một căn nhà rất xinh xắn và ông dùng ngôi nhà nầy để mỗi tuần nhóm cầu nguyện một lần giữa các tín hữu với nhau. Ông có thể sắp xếp nơi ăn ở cho hơn 100 người trong một căn phòng rộng ở phía sau.
Nhiều người đã được cứu, được chữa lành và được đổ đầy Đức Thánh Linh qua các buổi nhóm đó. Ngôi nhà đầy dẫy sự hiện diện của Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh đã kéo nhiều người đến để nhận sự giúp đỡ.
Và rồi có một người đến tham dự một buổi nhóm cầu nguyện và nói tiên tri rằng ông nên bán ngôi nhà đó và bước vào chức vụ lưu động. Mong ước làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, ông bắt đầu rao bán căn nhà. Vợ ông vô cùng phiền muộn, bà không có sự bình an. Người chồng cũng rất buồn, bởi vì không có một nơi nào mời gọi ông đến thi hành chức vụ hay một cánh cửa nào mở ra. Thế rồi đôi vợ chồng nầy đến với chúng tôi để tìm sự giúp đỡ và sự xác nhận.
Chúng tôi không biết điều gì về các sự việc có liên quan đến tình trạng trên. Chúa phán với người tiên tri cùng cầu nguyện với tôi rằng: "Sự nô lệ bởi lời tiên tri".
Vị tiên tri đã được Thánh Linh cho thấy lời tiên tri sai lầm đã làm cho đôi vợ chồng kia bị bối rối thuộc linh.
Chúng tôi cầu nguyện và bẻ gãy "xiềng xích tiên tri" nầy để họ có thể tự do nghe được tiếng của Chúa phán với mình. Cả hai vợ chồng đều khóc òa như thể sự bình an của Đức Chúa Trời tràn ngập tâm linh của họ. Và rồi họ vô cùng vui sướng khi biết rằng Chúa đã tha thứ cho lỗi lầm của họ.
Điều nầy minh họa cho chúng ta thấy tại sao chúng ta phải cẩn thận và hạ mình khi chúng ta hướng dẫn những người khác. Nếu không chúng ta có thể nói ra những lời để trói buộc thay vì những lời của sự tự do.
Chúng ta hãy cầu nguyện giống như Chúa Jesus "Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng Tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục " (Ês 61:1; Lu 4:18).
Chúa Jêsus đã đến để chúng ta được tự do, chứ không phải để cột trói chúng ta.
D. KẾT LUẬN
Vâng, có một mục đích, quyền năng và sự bảo vệ đặc biệt trong chức vụ của các nhóm cầu nguyện tiên tri. Để kinh nghiệm được những điều nầy đòi hỏi phải biết những điều nầy. Đây là một chức vụ mà Đức Chúa Trời đang phục hồi cho Hội thánh của Ngài ở khắp nơi.
Thật được khích lệ khi biết rằng những người cầu nguyện trong mỗi nhóm đều được những thành viên trong các nhóm khác trong Thân thể Đấng Christ tham gia. Xích yêu thương trong sự cầu nguyện cột chặt lòng của chúng ta với nhau như là những anh chị em trong đại gia đình Đấng Christ.
Tất cả chúng ta đều ở trong một Nhóm với cùng một ước vọng rằng, ý Cha được nên ở dưới đất này cũng như ở trên trời.
"Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại thì ta ở giữa họ." (Mat 18:19, 20).
Mục sư Jack Hayford