Ban Biên Tập trân trọng giới thiệu sách “Kinh Ngạc Bởi Quyền Năng Của Thánh Linh,” nguyên tác “Surprised by The Power of The Spirit” do Eliezer David Paul lược dịch một số chương. Đây là một cuốn sách rất giá trị của Tiến Sỹ Jack Deer, nguyên Giáo sư Cựu Ước của Viện Thần Học Dallas (Dallas Theological Seminary).
Jack Deer theo dòng thần học cho rằng các phép lạ và các ân tứ Thánh Linh siêu nhiên đã hầu như là chấm dứt sau khi toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân ước đã được hình thành. Với quan điểm này, ông càng không thể chấp nhận những vấn đề sâu xa hơn nữa như là đầy dẫy Thánh Linh và báp-tem Thánh Linh của dòng thần học ân tứ (Charismatic Theology).
Nhưng có một biến động sâu xa xảy ra trong đời sống của ông khi ông bắt đầu suy gẫm Kinh Thánh với một cái nhìn tươi mới. Ông khám phá ra rằng những lập luận của ông chống lại những ân tứ siêu nhiên đã dựa trên những thiên kiến và sự thiếu vắng những kinh nghiệm cá nhân hơn là dựa trên Kinh Thánh. Ngay khi ông chuyển đổi thái độ từ nghi ngờ sang tìm kiếm, Đức Thánh Linh tỏ bày cho ông biết về Ngài trong những cách tươi mới và kinh ngạc.
Trong cuốn sách này, ông cung ứng những điều Kinh Thánh bày tỏ bảo vệ mạnh mẽ về lời của Đức Thánh Linh và mục vụ cầu nguyện chữa lành cho ngày nay. Ông diễn tả một số trường hợp chữa lành kỳ diệu hoặc nhận tiếng phán của Chúa một cách lạ lùng. Ông cũng đưa ra những lời khuyên về sự sử dụng các ân tứ Thánh Linh trong hội thánh.
Sách giúp chúng ta:
1. Khám phá lý do thật khiến nhiều Cơ đốc nhân không tin vào những ân tứ có tính phép lạ,
2. Đối phó với những sự lạm dụng các ân tứ,
3. Đối thoại với quan điểm cho rằng các phép lạ chỉ là tạm thời trong một khoảnh không gian nào đó.
4. Hiểu được tại sao Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục chữa lành.
Sách được viết bằng một lối văn cho quần chúng, với sự cẩn trọng của một ‘học giả,’ nhưng thật sống động với những kinh nghiệm cá nhân.
Ban Biên Tập sẽ phối hợp với những người dịch để đưa từng phần của sách này lên mục “Lẽ Đạo Và Niềm Tin” của trang mạng.
Phần I: Giật Mình & Kinh Ngạc
Chương 1
Cú Điện Thoại Đã Thay Đổi Cuộc Đời Tôi
Trong những tưởng tượng không vào khuôn phép nhất của tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ mơ tưởng rằng chỉ một cú điện thoại lại sẽ thay đổi dòng đời của tôi – và không chỉ cuộc đời tôi, nhưng cùng với nhiều người khác trong nhóm của tôi.
Trước khi nhận được cú điện thoại đó thì tôi đã biết phương hướng cho cuộc đời mình. Cuộc đời tôi thật có cả an ninh lẫn thoải mái. Tôi là người cầm bánh lái cho cuộc đời mình và tôi thích như vậy. Thường thì tôi cảm thấy là mình biết Chúa đang làm gì. Nhưng trong một ngày lạnh giá của Tháng Giêng Năm 1986, khi tôi đặt điện thoại xuống, tất cả mọi sự đã thay đổi một cách đột ngột. Tôi không còn vững tin vào phương hướng của mình và những gì mình đang làm, và tôi bắt đầu tự hỏi rằng tôi có thật sự biết Chúa đang làm gì không.
Khi sự việc đó xảy ra, cuộc đời tôi sẽ không bao giờ như cũ nữa sau cuộc nói chuyện bằng điện thoại đó. Tôi đã chẳng bao giờ còn cảm thấy thoải mái và an ninh xuất phát từ cái ý nghĩ rằng mình là người đang cầm bánh lái cuộc đời của mình. Cứ coi như cái suy nghĩ đó là đúng thì đó chỉ là một thứ an ninh giả tạo – bây giờ tôi biết đó là như vậy – nhưng trong ảo giác đó thì mình cũng cảm thấy tốt lành. Nếu tôi được biết cái đau đớn và chấn thương đó đang nằm ở trước mặt tôi, thì có lẽ tôi đã chẳng bao giờ nhấc cái điện thoại lên. Nhưng rồi thì, như lời của một bài ca miền tây thôn dã quen thuộc, “Tôi đã bỏ lỡ một điệu vũ,” và đó sẽ là nỗi đau đớn lớn hơn hết mọi nỗi đau đớn.
Tôi là một ứng viên ít thích hợp nhất trên thế giới cho cái ‘trò cười’ mà Đức Chúa Trời sắp sửa cười đùa trên tôi. Tôi vừa hoàn tất năm thứ mười với chức vụ giáo sư cho phân bộ Cựu Ước tại chủng việc Thần Học Dallas. Tôi bắt đầu bước vào năm thứ bảy với tư cách là một mục sư trong mục sư đoàn tại Hội Thánh Thánh Kinh (Bible Church) ở Fort Worth mà tôi đã góp phần mở Hội Thánh đó. Mùa thu năm trước, tôi vừa trở lại cùng với gia đình tôi sau một năm được nghỉ phép để đi học ở Đức. Thật là một năm tuyệt vời, và tôi thấy phấn khởi trong việc trở lại với trách nhiệm dạy dỗ và mục vụ của tôi.
Cái đam mê chính của tôi là dạy dỗ và giảng luận Lời Chúa. Tôi tin rằng cái điều quan trọng nhất trong đời là học hỏi Lời Chúa và phần lớn những nhu cầu của chúng ta – hay ít nhất những nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta – có thể được đáp ứng qua việc học Kinh Thánh. Nếu những nhu cầu của chúng ta không được khoả lấp trong cách đó, thì chúng ta thật sự gặp rắc rối, vì cớ tôi đã ôm ấp một hệ thống thần học đã không để cho Chúa còn nhiều chỗ để mà giúp đỡ chúng ta trong những phương cách khác. Đức Chúa Trời mà tôi tin vào và dạy về đã không dính líu vào cuộc đời của chúng ta như Ngài đã từng làm trong cuộc đời của những tín nhân thời Tân ước. Lúc đó điều đó đã không quấy rầy tôi nhiều lắm bởi vì tôi nghĩ rằng cách đó là điều Ngài muốn. Tôi nghĩ rằng Ngài đã có những thay đổi này. Để cho chắc, tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời có đáp lời những lời cầu nguyện, nhưng chỉ một số những lời cầu nguyện nào đó mà thôi.
Thí dụ, tôi biết rằng Đức Chúa Trời không còn ban cho những ân tứ diệu kỳ của Đức Thánh Linh. Những ân tứ đó không còn cần thiết nữa vì bây giờ chúng ta đã có Kinh Thánh trọn bộ. Tất nhiên, đôi khi Đức Chúa Trời còn làm phép lạ. Cuối cùng, Ngài là Đức Chúa Trời, và Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Chỉ có điều Ngài đã không làm những phép lạ đó quá thường xuyên. Thực tiễn, Ngài thật hiếm làm những phép lạ đến nỗi suốt những năm là Cơ-đốc nhân tôi chẳng bao giờ có thể làm chứng về một phép lạ chữa lành mà tôi vững tin rằng đó là kết quả bởi năng quyền của Chúa. Ngay cả tôi chưa bao giờ được nghe về một phép lạ như thế! Tôi cũng không thể kể về một phép lạ trong lịch sử mà đã được dẫn chứng bằng tư liệu một cách đúng đắn sau cái chết của các sứ đồ. Một trường hợp ngoại lệ là việc trở lại quy đạo, mà lúc đó tôi tin và bây giờ vẫn còn tin, là cái phép lạ vĩ đại nhất trong mọi phép lạ. Sự khác ngoài việc trở lại quy đạo, cái điều gần gũi nhất với phép lạ trong từng trải của tôi là sự trả lời những điều cầu nguyện, đặc biệt là những đáp ứng cho nhu cầu tài chánh, mà đôi khi có vẻ như là quá đặc thù đến nỗi được bảo là đó chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng những phép lạ thời Tân Ước trong từng trải của tôi đã không phiền hà tôi bởi vì tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã khởi sự cái thay đổi đó. Tôi vững tin rằng tôi có thể minh chứng bằng Kinh Thánh, bằng Thần học, và bằng nhân chứng trong lịch sử Hội Thánh rằng Đức Chúa Trời đã rút lại những ân tứ siêu nhiên của Đức Thánh Linh.
Tôi cũng vững tin rằng Ngài không còn phán với chúng ta nữa ngoại trừ qua Lời thành văn tự của Ngài. Những giấc mơ, những khải tượng, những ấn tượng bên trong, và những gì tương tự, sặc mùi chủ quan và mơ hồ chỉ làm tôi buồn mửa. Tôi cảm thấy rúm cả người khi một trong những sinh viên của tôi đến với tôi và bảo rằng, “Chúa đã phán với tôi và …” Khó có điều gì có thể khiêu khích tôi có một lời quở mắng nghiêm khắc một cách nhanh chóng bằng một câu nói, “Chúa đã phán với tôi.” Đối với tôi, những lời nói đó hàm ý rằng bất cứ điều gì được truyền đạt tiếp theo đó có cùng một thứ thẩm quyền với Lời đã được viết thành văn tự của Đức Chúa Trời. Điều đó không những chỉ là tự phụ, nó còn có vẻ là phạm thượng! Tôi vẫn thích chồng chất nhạo báng lên trên những người bảo rằng Đức Chúa Trời đã phán với họ.
Tới đây, giống như bạn có lẽ đã đoán được từ những gì tôi nói, tôi không phải là một hạng tín đồ đang tìm kiếm để có ‘sự gì đó thêm nữa.’ Tôi thấy mình không cần bất cứ phép lạ chữa lành nào từ Chúa. Tôi và gia đình tôi lúc nào cũng thấy hạnh phúc vì sức khỏe tốt, và trong những cơ hội hiếm có xảy ra khi chúng tôi cần một vài mũi khâu hay một ít thuốc men, thì bác sĩ gia đình của chúng tôi là quá đầy đủ. Hội chúng của chúng tôi cũng trẻ và mạnh mẽ, và chúng tôi chỉ có một vài người qua đời trong suốt bảy năm hành trình thuộc linh của Hội Thánh. Việc chữa lành siêu nhiên đã không phải là điều hàng đầu trong bảng liệt kê những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Chắc chắn rằng tôi thấy không cần Chúa phán với tôi bằng bất cứ phương cách chủ quan nào mà Ngài đã dùng để phán với những người trong Kinh Thánh. Cuối cùng, bây giờ tôi đã có Kinh Thánh trọn bộ, và tôi là một trong số ít người có được một nền thần học đặc biệt vững vàng. Vâng, tôi và cả những người bạn trong nhóm của tôi đã không tìm kiếm ‘điều gì đó thêm nữa’ từ Đức Chúa Trời. Nếu tôi cảm thấy rằng mình có vấn đề gì đó, thì đó là làm sao để tôi có thể dâng chính mình tôi cho Chúa nhiều hơn nữa.
Nhà tôi lại có quan điểm rất khác với tôi về nhiều vấn đề. Thực tế, nếu có cái lý do nào từ con người tại sao tôi lại nhận được cú điện thoại đó, thì tôi cho đó là nhờ những lời cầu nguyện của nhà tôi cho tôi. Leesa (nhà tôi) là một trong số hiếm những người thực sự sống một đời sống Cơ-đốc hơn là chỉ nói về một đời sống Cơ-đốc. Cô chẳng thà dành một giờ đồng hồ cầu nguyện cho bạn còn hơn là tốn mất hai phút quở mắng bạn vì một cái tội lỗi hiển nhiên nào đó. Mặc dầu khi đó nhà tôi đã không nói như vậy, nhưng nhà tôi đã cảm nhận rằng tôi cần điều gì đó hơn nữa từ Chúa.
Suốt cái năm chúng tôi sống ở Đức (1984-85), mỗi buổi chiều nhà tôi đã đi bộ hai giờ đồng hồ trong những dãy núi nhỏ của cánh rừng The Black Forest. Khi tôi hỏi nhà tôi đã nghĩ gì, làm gì trong những lúc đi bộ của cô ấy cô ấy chỉ nói với tôi rằng cô cầu nguyện. Tôi chẳng bao giờ hỏi nhà tôi rằng em cầu nguyện cho điều gì, và cô ấy cũng chẳng bao giờ nói cô đã nghĩ gì, làm gì trong lúc đi bộ, nhưng kỳ thực nhà tôi đã cầu nguyện cho tôi. Trong nhiều năm, nhà tôi đã nhìn thấy lòng đam mê của tôi dành cho Chúa đang lần hồi khô hạn như những bể chứa nước ở nam Ca-li trong thời kỳ hạn hán. Tôi đã không ý thức rằng mình đang đánh mất chút xíu đam mê nào cho Chúa. Tôi còn nghĩ rằng mình đang tăng trưởng nữa. Nhưng nhà tôi quan tâm rằng tôi đã trở nên yên vị, an tịnh và tự mãn. Và nhà tôi thấy thái độ của tôi là kẻ thù cho tiếng gọi của Chúa trên đời sống của chúng tôi. Nói theo cách loài người, tôi luôn luôn cảm thấy rằng chính những lời cầu nguyện của Leesa (nhà tôi) đã lay động Đức Chúa Trời, khiến một người ở miền bên kia của đất nước đã nhấc điện thoại lên và quay số điện thoại của tôi.
Cuối mùa thu vào năm 1985, ban lãnh đạo của Hội Thánh tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ có một hội đồng Thánh Kinh vào mùa xuân. Sau một buổi họp của ban trưởng lão, trong khi tôi và vị chủ toạ của ban trưởng lão đang đi ra xe của chúng tôi, ông ta hỏi tôi muốn mời ai là diễn giả cho hội đồng Thánh Kinh mùa xuân của chúng tôi. Không do dự tôi đáp lời rằng tôi muốn mời Bác Sĩ John White, một bác sĩ chuyên trị bịnh tâm thần người Anh và là một tác giả Cơ-đốc. Khi đó, ông ta đã từng viết khoảng mười lăm cuốn sách, những sách đó tôi và nhà tôi đã đọc hết cả.
Ông là một tác giả nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng của tôi. Tôi tuyệt đối tin chắc rằng ông sẽ là một diễn giả thật tuyệt vời cho hội đồng của chúng tôi. Từ những tác phẩm ông viết, tôi biết rằng ông là người rất coi trọng Lời Chúa, rằng ông là người thông minh xuất chúng, rằng ông là người hết sức là hữu ích trong những lĩnh vực thực tiễn của đời sống Cơ-đốc, và tôi nghĩ rằng tôi được biết từ những mấu chốt rằng ông cũng là một người tin vào ‘thuyết thời kỳ’ (dispensationalist). (Thực tế, cuối cùng chúng tôi biết ông xuất thân từ nhóm Plymouth Brethren.) Chúng tôi từng sử dụng tư liệu của ông cho các lớp trường Chúa Nhật của chúng tôi trong nhiều năm. Vị chủ toạ của ban trưởng lão lập tức đồng ý với lời đề nghị của tôi.
Ngày hôm sau, ông ta gọi điện thoại cho nhà xuất bản của bác sĩ John White mong được biết làm thể nào chúng tôi có thể khuyến dụ ông chịu đến hội thánh của chúng tôi để làm diễn giả. Nhà xuất bản bảo với ông ta rằng hẳn là bác sĩ John White sẽ không nhận lời mời của ông ta vì lịch giảng dạy của ông đã đầy ắp trong vòng mười tám tháng tới. Nhà xuất bản còn bảo cơ hội duy nhất chúng tôi còn có thể mời được bác sĩ John White là mời ông ta thuyết trình về một đề tài mà ông ta đang viết về hay là đang nghiên cứu về. Nhà xuất bản còn cho chúng tôi thêm vài gợi ý khác để có thể đến được với bác sĩ John White, nhưng không có nhiều khích lệ lắm. Vị chủ toạ của chúng tôi gởi một thơ mời cho ông ta qua nhà xuất bản, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi đã nhận được thơ từ chối rất lịch sự của vị bác sĩ.
Vì lý do nào đó tôi thấy chưa muốn bỏ cuộc. Tôi viết cho bác sĩ John White một lá thơ cá nhân mời ông đến giảng cho chúng tôi. Chỉ vài ngày sau khi tôi viết lá thơ đó thì tôi nhận được cú điện thoại; cú điện thoại đó đã thay đổi trọn hướng đi của cuộc đời tôi và chức vụ của tôi.
Người gọi cú điện thoại đó chính là bác sĩ John White. Tôi thấy giật mình vì ông đã gọi, và ngay cả càng thấy giật mình hơn vì ông đã gọi tôi nhanh chóng như vậy sau khi nhận được thơ của tôi. Ông nói, “Chào anh Jack, tôi là bác sĩ John White. Tôi muốn cám ơn anh đã mời tôi giảng dạy cho hội đồng Thánh Kinh mùa xuân của anh. Tôi nghĩ rằng tôi có thể suy nghĩ và chuẩn bị cho điều đó. Anh muốn tôi nói về điều gì?”
Được trang bị với những thông tin từ nội tuyến, tôi đáp lời, “Ồ, tôi không biết, hay là ông cứ giảng dạy về những gì hiện thời ông đang viết hay đang nghiên cứu?”
“Vâng, tôi đang viết một cuốn sách về vương quốc của Đức Chúa Trời. Anh thấy đề tài này như thế nào?”
“Thật là tuyệt vời! Hội Thánh của chúng tôi ở đây cũng yêu thích vương quốc của Đức Chúa Trời.” Tôi tự nhủ, Tốt quá, chúng tôi sẽ có một hội đồng về nói tiên tri. Chúng tôi sẽ nói về những quan điểm khác nhau về thiên niên – hay có thể nói về những ý niệm khác nhau về nước trời và nói về những phe phái thần học khác nhau.
Rồi thì tôi thêm vào, “Bây giờ tôi và bác sĩ cả hai chúng ta đều biết vương quốc Đức Chúa Trời là gì, nhưng tôi sẽ phải tường trình với các trưởng lão của chúng tôi về những bài nói chuyện nào bác sĩ định chia sẻ về nước trời. Chúng tôi muốn có bốn bài nói chuyện cho cái cuối tuần đó. Bác sĩ muốn chia sẻ bài nói chuyện đó ra như thế nào?”
“Khi tôi nghĩ về vương quốc của Đức Chúa Trời,” ông trả lời, “trội hơn hết thảy, tôi nghĩ về thẩm quyền của Đấng Christ. Nếu anh muốn tôi có bốn bài nói chuyện về đề tài này thì tôi nghĩ bốn bài này sẽ đại loại như thế này. Bài thứ nhất có thể là thẩm quyền của Đấng Christ trên sự cám dỗ.”
“Được,” Tôi nói.
“Bài thứ hai có thể là thẩm quyền của Đấng Christ trên tội lỗi.”
“Tốt.”
“Bài thứ ba có thể là thẩm quyền của Đấng Christ trên ma quỷ.”
Ứ ừ, tôi tự nhủ, Ma quỷ? Vâng, tôi nghĩ rằng đâu đó có ma quỷ. Chắc hẳn rằng trong thể kỷ thứ nhất có rất nhiều ma quỷ. (Chúng nó đã đi đâu hết cả rồi ?) Tôi tin rằng nếu ma quỷ còn lẩn quẩn đâu đây, chắc chắn Đấng Christ phải có thẩm quyền trên chúng nó. Bài nói chuyện này sẽ là một bài nói chuyện thật thú vị, ngay cả nếu nó không có nhiều thích đáng thực tiễn.
Tôi bảo, “Vâng … hẳn là như vậy … Được.”
“Bài nói chuyện thứ tư có thể sẽ là thẩm quyền của Đấng Christ trên bệnh tật.”
“Bệnh tật!” tôi kêu lên, cố gắng kiềm hãm căng thẳng trong tiếng nói của tôi, Chắc là tôi nghe lầm rồi.
“Bác sĩ không có nói là bệnh tật, phải không bác sĩ?”
“Vâng, tôi có nói đó.”
“Bác sĩ không có nói về sự chữa lành, phải không bác sĩ?” Tôi gần như muốn phun ra cái từ “sự chữa lành.” Tôi có một thái độ khinh thị cho bất cứ điều gì có liên hệ đến sự chữa lành.
“Vâng, có, tôi có nói về sự chữa lành.”
Tôi không thể tin được rằng tai tôi đã nghe điều đó. Cho tới mới đây thôi, tôi chắc rằng Bác Sĩ John White là một người ôn hoà đúng mực, một người tin Kinh Thánh, và là một người thông minh xuất chúng, và bây giờ ông lại đi nói về sự chữa lành!
(còn tiếp)