Các ân tứ thánh linh của chúng ta có ngày hết hạn.
Hãy vui mừng với chúng – nhưng cùng lúc đó, hãy hướng đến một thời điểm mà chúng không còn được cần đến nữa.
Thái độ không quân bình của chúng ta với các ân tứ thánh linh có thể gây ra những rối loạn. Là một Mục sư của một hội thánh ân tứ, tôi luôn gặp phải điều này. Có một số người lo ngại mỗi khi họ nghe trao đổi về những ân tứ thánh linh: ân tứ ngôn ngữ, tiên tri, chữa lành, làm phép lạ v.v… Họ dễ bỏ qua điều tốt lành (các ân tứ) vì chọn thái độ tìm sự bình an bằng cách thụ động tránh né. Ngược lại, có một số người khác luôn luôn lo ngại mỗi khi nghe bất cứ chuyện gì khác hơn những trao đổi như vậy. Nhóm này có thể làm cho các ân tứ trở nên đứng trên mọi sự.
Người ta thường có những phản ứng pha trộn với những ân tứ có tính phép lạ của Chúa. Một số người tuôn ra sự chế giễu, một số thì quá tán tụng chúng. Một cách giúp chúng ta suy nghĩ đứng đắn về chỗ của các ân tứ trong hội thánh ngày nay, là nhìn đến một thí dụ trong Cựu Ước: Các ân tứ thánh linh cũng như là ma-na.
Có đủ loại lý do để so sánh như vậy. Cả hai đều là những món quà phép lạ đến từ trời để duy trì dân sự. Không phải tự dung mà Phao-lô diễn tả ma-na, và nước từ vầng đá, như là “thức ăn thuộc linh” và “thức uống thuộc linh” (1 Cô-rinh-tô 10.3-4), trước khi sẻ chia về “những ân tứ thánh linh” (1 Cô-rinh-tô 12-14). Cả hai đều dễ bị hiểu lầm. Khi dân Y-sơ-ra-ên lần đầu tiên thấy ma-na, họ hỏi nhau, “Đây là cái gì đây?” Khi Hội thánh đầu tiên ”thình lình” nhận được các ân tứ thuộc linh có những người nói rằng các người đang thực hiện các ân tứ này đang say rượu.
Cả hai món quà (ma-na và các ân tứ) xác chứng quyền năng làm phép lạ của Đức Chúa Trời. Cả hai được ban đặc biệt cho dân sự trong giao ước với Ngài. Cả hai đều bị tôn sùng quá đáng bởi những người tôn cao chúng, như là những người Y-sơ-ra-ên giữ ma-na lại qua đêm để sáng hôm sau thấy là nó đã bị hư thối, hay bởi những người ‘’ân tứ quá máu” chỉ thấy nói tiếng mới là thích thú hơn là Tin Lành. Cùng một lúc, cả hai loại người này tranh cãi với những người khác, là những người than rằng chúng không làm phấn khởi như là các ân tứ mà dân Chúa đã thường có trước đây.
Nhưng điều tương đồng đặc biệt – có lẽ là điều hữu ích nhất – là như thế này: Cả ma-na lẫn các ân tứ thánh linh được ban cho với một mục đích đặc biệt và trong một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử. Ma-na là để cho dân Chúa trong sa mạc, trong thời kỳ chuyển tiếp từ nô lệ trở thành được tự do bởi lời Chúa hứa. Từ Ai Cập đến Ca-na-an, từ cứu chuộc và nhận gia sản. Dân Y-sơ-ra-ên không cần ma-na khi ở Ai Cập, vì họ đã có dưa cải và tỏi; họ cũng không cần trong Đất Hứa, vì ở đó đã có đượm sữa và mật ong. Nhưng họ cần ma-na, chim cút và nước phun ra từ đá để sống trong hành trình 40 năm sa mạc.
Giống như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đang ở trong một hành trình khó khăn từ được cứu trong quá khứ tiến đến sự an nghĩ trong tương lai. Chúng ta được giải phóng để trở thành tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, nhưng vẫn còn chờ ngày chúng ta thật sự định cư trong nước Chúa. Trong quá khứ, chúng ta không dùng các ân tứ thánh linh, bởi vì Thánh Linh chưa được tuôn đổ xuống. Trong chỗ trời mới, đất mới, chúng ta sẽ không cần chúng, bởi vì mọi sự tạm bợ sẽ bị sự sống toàn vẹn nuốt đi. Thế nhưng vì cớ hành trình này rất dài, Chúa ban cho chúng ta những món quà thiên thượng (và sự hiện diện thiên thượng) để hiệp chúng ta lại với nhau, làm vững mạnh và giữ gìn chúng ta trên các hành trình sa mạc của chúng ta.
Phao-lô, khi viết cho một hội thánh bị bối rối về điểm này, nói rằng: “Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. Các lời tiên tri sẽ hết, ân tứ nói tiếng lạ sẽ ngưng, sự hiểu biết sẽ chấm dứt. Vì chúng ta hiểu biết có giới hạn, nói tiên tri cũng có giới hạn; nhưng khi sự toàn hảo đã đến, thì sự bất toàn sẽ qua đi.” (1 Cô-rinh-tô 13.8-10, BTTHĐ 2010).
Vì cớ sự kỳ diệu của các ân tứ, ”hãy khao khát” chúng (1 Cor. 14:1). Chúng sẽ mất đi khi Chúa Giê-su trở lại. Không ai cần ma-na khi sữa và mật ong đầy tràn. Người tin kính hãy nhận lãnh và vui mừng với những món quà Chúa ban, nhưng đừng tôn chúng thành những bài xác nghiệm thuộc linh. Tình yêu thương, không phải các ân tứ, là dấu ấn của công việc của Thánh Linh mới đời đời tồn tại.
Không một người Y-sơ-ra-ên nào, khi đã đến đất hứa sau 40 năm, lại đi ra ngoài vào buổi sáng để hứng lấy ma-na trên mặt đất. Họ quá bận rộn trồng lúa và cắt nho. Cũng vậy, không một Cơ đốc nhân nào, khi đã đến nơi “trời mới, đất mới,” sẽ đeo đuổi những ân tứ về tri thức hay chữa lành. Chúng ta sẽ quá bận rộn thờ phượng Đấng mà mọi tri thức và chữa lành tập chú vào.
(Nguồn: “Our Spiritual Gifts Have an Expiration Date" – Christianity Today)
Người dịch: Ánh Dương