Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.48

Share

48. Yêu Chúa Và Yêu người

Một trong những vấn đề gây bối rối, có thể xuất hiện hoặc sớm hoặc muộn và quấy rầy Cơ Ðốc nhân đang tìm kiếm, là làm thế nào anh ta có thể hoàn thành mạng lệnh Thánh Kinh: Yêu Chúa với tất cả tấm lòng mình và yêu người lân cận như chính mình.

Một Cơ Ðốc nhân sốt sắng nhất, khi anh suy gẫm về nghĩa vụ thánh của mình là yêu mến Ðức Chúa Trời và con người, có thể kinh nghiệm một cảm giác thất bại được gieo từ sự nhận biết rằng anh ta dường như không thể có thêm một chút xúc cảm nào đối với Chúa của mình hay anh em chung quanh. Anh ta muốn thế, nhưng anh không thể làm được. Các nguồn cảm xúc say mê chỉ đơn giản là không còn nữa.

Phần nhiều những con người chân thật đã trở nên thất vọng bởi sự thiếu vắng xúc cảm mang tính chất tôn giáo (sự cảm động) và đã tự kết luận rằng họ không thực sự là Cơ Ðốc nhân gì cả. Họ kết luận rằng họ ắt hẳn đã đi nhầm đường từ một chỗ nào đó trong quá khứ và tôn giáo của họ chẳng là gì nhiều hơn một lời tuyên xưng rỗng tuếch. Vì thế, trong chốc lát họ tấn công chính mình bằng sự lạnh lùng của mình, và cuối cùng lâm vào một tâm trạng chán nản ảm đạm, khó mà biết điều gì để suy nghĩ. Họ tin nơi Ðức Chúa Trời; họ thực sự tin Ðấng Christ là Cứu Chúa của mình, nhưng tình yêu mà họ hy vọng cảm nhận được trước sau như một lại trốn tránh họ. Vấn đề là gì?

Vấn đề không phải là một việc nhẹ nhàng. Một khó khăn thực sự đã vào cuộc, điều này có thể được xác định bằng một câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể yêu khi đó là mạng lệnh? Trong tất cả những tình cảm mà linh hồn có thể có, tình yêu là điều tự do nhất, điều mà lý trí ít can thiệp nhất, một điều ít nhất là cũng có thể xuất phát từ tiếng gọi của nghĩa vụ hay bổn phận, và chắc chắn là tình yêu không đến từ mệnh lệnh của một ai khác. Không một đạo luật nào đã từng được ban hành lại có thể ép buộc một hữu thể đạo đức này yêu một người khác, vì bởi bản chất sâu thẳm của nó, tình yêu phải có tính tự nguyện. Không một ai có thể yêu người khác khi bị ép buộc hay bị đe dọa. Tình yêu thương không đến theo cách đó. Thế thì chúng ta phải làm gì với mạng lệnh của Chúa chúng ta là yêu Ngài và yêu người lân cận?

Ðể tìm được con đường dẫn chúng ta ra khỏi bóng đêm và bước vào ánh sáng mặt trời đầy phấn khởi, chúng ta chỉ cần biết rằng có hai loại tình yêu: tình yêu của cảm giác và tình yêu của ý muốn. Một cái nằm ở chỗ những tình cảm, còn cái kia nằm ở chỗ ý muốn. Có một cái chúng ta khó mà kềm chế được. Nó đến và đi, lên và xuống, lóe sáng và biến mất như điều nó lựa chọn, và thay đổi từ chỗ nóng ấm, sang chỗ lạnh lẽo, rồi nóng ấm trở lại, cũng giống như thời tiết vậy. Loại tình yêu đó không phải là cái mà Ðấng Christ đã nói đến khi Ngài phán bảo với dân sự là phải yêu mến Ðức Chúa Trời và yêu mến lẫn nhau. Chúng ta không thể ra lệnh cho con bướm đậu lên vai mình thể nào thì cũng không thể cố gắng để ra lệnh cho loại ảnh hưởng thất thường này thăm viếng lòng chúng ta thể ấy.

Tình yêu thương mà Kinh Thánh nói đến không phải là loại tình yêu của cảm giác; nó là tình yêu của ý muốn, một khuynh hướng có ý chí của tấm lòng. (Hai cụm từ này tôi mượn của một người khác, một bậc thầy của đời sống bên trong, người có ngòi bút chỉ gát lại khi qua đời.)

Ðức Chúa Trời không bao giờ có ý định để cho một bản thể như con người lại trở thành món đồ chơi của những cảm giác của họ. Ðời sống tình cảm là một phần hoàn hảo và cao quý của toàn bộ nhân cách, nhưng vì bản chất rất cơ bản của nó, nó chỉ là điều quan trọng thứ hai. Tôn giáo nằm ở ý chí, và sự công chính cũng vậy. Ðiều tốt lành duy nhất mà Ðức Chúa Trời nhìn nhận là một điều tốt lành xuất phát từ ý chí; sự thánh khiết duy nhất phù hợp là sự thánh khiết có ý chí.

Ðiều này nên là một tư tưởng vui mừng: Trước mặt Ðức Chúa Trời, mỗi con người là cái mà anh ta muốn trở thành. Ðiều đòi hỏi đầu tiên trong sự cải đạo là một ý chí được sửa đổi lại cho đúng. “Nếu ai muốn,” Chúa chúng ta phán vậy và để nó ở đó. Ðể đạt được những đòi hỏi của tình yêu hướng về Ðức Chúa Trời, linh hồn rất cần ý chí để yêu và phép lạ để bắt đầu nở rộ như bông hoa trên cây gậy của A-rôn.

Ý chí là hoa tiêu tự động gìn giữ linh hồn đi đúng hướng. “Việc bay lên thật dễ dàng,” một người bạn đang lái chiếc máy bay của mình nói. “Chỉ cần đưa nó lên, định hướng đi và đặt hoa tiêu. Sau đó nó sẽ tự bay.” Chúng ta không được quá nhấn mạnh hình ảnh tượng trưng, nhưng quả thật là một điều phước hạnh khi ý chí quyết định hướng đi đạo đức chứ không phải tình cảm.

Cội rễ của mọi điều ác trong bản chất con người là sự hư hoại của ý chí. Những tư tưởng và ý định của lòng sai trái thì hậu quả là cả đời sống đi đến chỗ sai trái. Sự ăn năn chủ yếu là một thay đổi của mục đích đạo đức, một sự đảo ngược đột ngột và thường là mãnh liệt của hướng đi của linh hồn. Ðứa con trai hoang đàng cất bước đầu tiên của mình từ chuồng heo và nói, “Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha.” Trước đó anh ta đã một lần muốn rời bỏ nhà cha mình, bây giờ anh muốn quay về. Hành động kế tiếp của anh chứng tỏ mục đích của mình là chân thành. Anh đã quay về.

Một số người có thể kết luận từ những điều bên trên rằng chúng ta đang loại bỏ niềm vui của Chúa như là một phần có cơ sở vững chắc trong đời sống Cơ Ðốc nhân. Ðể tránh kết luận sai lầm đó, tôi xin giải thích thêm.

Ðể yêu Chúa với cả tấm lòng mình, trước hết chúng ta phải muốn làm như thế. Chúng ta phải ăn năn sự thiếu tình yêu của mình và quyết định từ giây phút này trở đi sẽ xem Chúa là trung tâm của sự tận hiến. Chúng ta phải đặt những tình cảm của mình vào những điều ở trên cao kia và hướng lòng mình về Ðấng Christ cũng như những gì thuộc về thiên thượng. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh một cách trung tín mỗi ngày và cầu nguyện để vâng theo nó, luôn luôn có một ý chí vững chắc là yêu Chúa với trọn tấm lòng mình và yêu người lân cận như mình.

Nếu chúng ta làm những điều đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng mình sẽ được kinh nghiệm một sự thay đổi tuyệt vời trong đời sống bên trong. Chúng ta sẽ sớm tìm thấy niềm vui lớn của mình khi những tình cảm của chúng ta ngày càng trở nên ít thất thường hơn và đang bắt đầu di chuyển theo hướng của “khuynh hướng có ý chí của tấm lòng”. Những tình cảm của chúng ta sẽ được kỷ luật và định hướng. Chúng ta sẽ bắt đầu nếm biết “sự ngọt ngào kỳ lạ” trong tình yêu của Ðấng Christ. Tình cảm tôn giáo của chúng ta sẽ bắt đầu dâng lên bằng những đôi cánh vững chãi thay vì đi vu vơ vô ích mà không có mục đích hay một định hướng khôn ngoan. Trọn vẹn đời sống, giống một nhạc cụ tinh xảo, sẽ hòa thanh và hát ngợi khen Ngài, Ðấng đã yêu thương chúng ta và rửa sạch chúng ta khỏi tội lỗi mình trong chính huyết của Ngài.

Nhưng trước hết chúng ta phải muốn, vì ý chí là chủ của tấm lòng.

 

Tác giả: A. W. Tozer

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan