Bản Tuyên Cáo của Tổng Thống Donald Trump Xác Định Giê-ru-sa-lem Là Thủ Đô Do Thái

Share

Khi tôi nhậm chức, tôi đã hứa sẽ xét đến những thách thức của thế giới với cái nhìn mở rộng và tươi mới. Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề của chúng ta bằng cách cứ thực hiện những suy tưởng cũ giống như nhau và lập đi lập lại những chiến lược đã thất bại trong quá khứ. Những thách thức cũ đòi hỏi những phương cách mới.

Tuyên bố của tôi hôm nay đánh dấu sự bắt đầu của một đường hướng mới giải quyết tranh chấp giữa Y-sơ-ra-ên và Pha-lét-tin.

Năm 1995, Quốc hội đã chấp thuận Đạo Luật Tòa Đại Sứ Ở Giê-ru-sa-lem, thúc giục chính quyền liên bang dời tòa Đại sứ Hoa Kỳ đến Giê-ru-sa-lem và công nhận rằng thành phố đó – là điều hết sức quan trọng – là thủ đô của Y-sơ-ra-ên. Đạo luật này được thông qua bởi một đa số áp đảo từ hai đảng (Cộng Hòa và Dân Chủ, chú thích của người dịch) và mới 6 tháng trước đã được tái xác nhận bởi đa số tuyệt đối của Thượng Viện.

Vậy mà trong suốt 20 năm qua, mỗi vị Tổng Thống Hoa Kỳ trước tôi đã thực thi luật trì hoãn, từ chối di chuyển tòa Đại sứ Hoa Kỳ đến Giê-ru-sa-lem hay công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Y-sơ-ra-ên.

Các Tổng Thống đã ra sắc lệnh trì hoãn với niềm tin rằng trì hoãn sự nhìn nhận Giê-ru-sa-lem sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình. Một số người cho rằng họ thiếu can đảm,  nhưng họ đã làm những xét đoán tốt nhất dựa trên những sự kiện mà họ hiểu biết vào thời điểm đó.

Dù vậy, sự ghi nhận đã tỏ ra. Sau hơn hai thập niên trì hoãn, chúng ta không tiến đến một thỏa thuận hòa bình giữa Y-sơ-ra-ên và Pha-lét-tin. Thật là khờ khạo khi tiếp tục cho rằng lập lại y chang công thức này sẽ sản xuất ra một kết quả khác hơn hay tốt hơn.

Vì vậy, tôi quyết định rằng đây là lúc để chính thức công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Y-sơ-ra-ên.

Trong khi các vị Tổng Thống trước đây đã làm điều này như là một lời hứa chính yếu khi tranh cử, họ đã không thực hiện. Hôm nay, tôi thực hiện.

Tôi xét thấy hành động này phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và sự theo đuổi nền hòa bình giữa Y-sơ-ra-ên và Pha-lét-tin. Đây là một bước – đã quá trễ — giúp tiến triển tiến trình hòa bình và xây dựng đến một thỏa ước lâu dài.

Y-sơ-ra-ên là một quốc gia tự chủ với chủ quyền như mọi quốc gia có chủ quyền khác, để quyết định về thủ đô của mình. Nhận biết điều này như là một sự thực là một điều cần thiết để đạt được hòa bình.

Bảy mươi năm trước đây, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Truman, đã công nhận quốc gia Y-sơ-ra-ên. Từ đó trở đi, Y-sơ-ra-ên đã đặt thủ đô trong thành phố Giê-ru-sa-lem – thủ đô mà dân Do Thái đã thiết lập từ thời xa xưa. Hôm nay, Giê-ru-sa-lem là nơi của chính quyền Y-sơ-ra-ên hiện đại. Đó là nơi tọa lạc Quốc hội Y-sơ-ra-ên, Knesset cũng như Tối Cao Pháp Viện. Đó là nơi trú ngụ chính thức của Thủ Tướng và Tổng Thống. Đó là nơi của các tổng hành dinh của các bộ trong chính phủ.

Trong nhiều thập niên qua, các Tổng Thống Mỹ, Ngoại Trưởng và lãnh đạo quân sự đều gặp những người đối nhiệm với họ tại Giê-ru-sa-lem, cũng như tôi đã làm trong chuyến công du Y-sơ-ra-ên vào đầu năm ngoái.

Giê-ru-sa-lem không chỉ là trái tim của ba tôn giáo vĩ đại, nhưng nay cũng là trái tim của một trong những nền dân chủ thành công nhất trên thế giới. Trong hơn bảy thập niên qua, người Y-sơ-ra-ên đã xây dựng một xứ sở là nơi mà người theo Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Cơ Đốc Giáo, và những người theo mọi đức tin khác nhau – tự do sống và thờ phượng theo lương tâm và niềm tin của họ.
Giê-ru-sa-lem vào hôm nay, và phải tiếp tục, là một nơi mà người Do Thái có thể cầu nguyện ở Bức Tường Phía Tây, nơi Cơ đốc nhân đi bộ ở Trạm Thập Giá (Station of the Cross), và người Hồi Giáo ở Đền Thờ Al-Aqsa.

Tuy nhiên, trong suốt những năm này, các tổng thống đại diện cho Hoa Kỳ đã từ chối chính thức công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Y-sơ-ra-ên. Thực ra, chúng ta đã từ chối nhìn nhận bất cứ thủ đô nào của người Y-sơ-ra-ên.

Nhưng hôm nay, chúng ta sau cùng công nhận sự hiển nhiên: Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Y-sơ-ra-ên. Đây là công nhận một sự thực, không hơn không kém. Đây cũng là điều phải lẽ để làm. Đây là điều phải làm.

Đó là lý do tại sao, tuân thủ theo Đạo Luật Tòa Đại Sứ Tại Giê-ru-sa-lem, tôi chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao bắt đầu di chuyển Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Giê-ru-sa-lem.

Điều này sẽ ngay lập tức khởi sự tiến trình thuê các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà kế hoạch, để cho khi tòa đại sứ mới được hoàn tất, sẽ là một đóng góp tuyệt vời cho hòa bình.

Trong khi làm những tuyên bố này, tôi cũng muốn làm rõ ràng một điểm khác. Quyết định này không có chủ ý, trong bất cứ cách nào, phản ảnh sự rút lui khỏi cam kết mạnh mẽ của chúng ta để mở đường cho một thỏa hiệp hòa bình lâu dài. Chúng ta muốn có một thỏa thuận với thật nhiều điều tốt đẹp cho người Y-sơ-ra-ên và Pha-lét-tin.  Chúng ta không chọn một vị trí cho những vấn đề vị thế quốc gia, bao gồm những đường biên giới chuyên biệt cho chủ quyền của người Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem hay một giải pháp cho những đường biên giới đang trong vòng tranh chấp. Những câu hỏi đó là do các bên liên hệ giải quyết với nhau.

Hoa Kỳ tiếp tục cam kết sâu xa với việc giúp dò đường cho một thỏa ước hòa bình mà cả hai bên chấp nhận. Tôi sẽ dùng tất cả những gì trong quyền lực của tôi để kiến tạo một thỏa ước như vậy. Hoa Kỳ hỗ trợ cho một giải pháp hai quốc gia nếu cả hai bên đồng ý.

Đồng thời, tôi kêu gọi tất cả các thành phần liên hệ duy trì tình trạng nguyên thủy ở các điểm thánh địa ở Giê-ru-sa-lem bao gồm Núi Đền Thờ (Temple Mount), cũng được biết đến là Haram al-Sharif.

Trên hết, hy vọng vĩ đại nhất của chúng ta là hòa bình, niềm mong ước toàn cầu của mỗi một linh hồn con người. Với hành động hôm nay, tôi tái xác nhận cam kết lâu dài của chính quyền của tôi cho một tương lai hòa bình và an ninh cho khu vực.

Dĩ nhiên, sẽ có những bất đồng và phản đối về sự tuyên bố này. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng sau cùng, khi chúng ta làm việc xuyên qua những bất đồng này, chúng ta sẽ đến hòa bình và một nơi lớn hơn là sự hiểu biết và cộng tác.

Thành phố thánh này sẽ kêu gọi lên những điều tốt nhất của con người, nâng cao cái nhìn của chúng ta về điều có thể được, không kéo chúng ta thụt lùi và rơi xuống những tranh chấp cũ dễ tiên đoán được. Hòa bình không bao giờ ở ngoài tầm tay của những người sẵn sàng vươn tới nó.

Vì vậy hôm nay tôi kêu gọi sự bình tĩnh, ôn hòa và tiếng nói của sự bao dung làm chủ lên trên những lời thầu kêu gọi sự thù ghét. Con cái của chúng ta cần được thừa hưởng tình yêu thương của chúng ta, không phải những tranh chấp của chúng ta.

Tôi lập lại sứ điệp tôi đã trình hày trong kỳ hội nghị thượng đỉnh lịch sử đặc biệt ở Saudi Arabia vào năm ngoài. Trung Đông là một vùng giàu có về văn hóa, linh thần và lịch sử. Người dân thật sáng chói, tự hào và đa dạng, sinh động và mạnh mẽ. Nhưng tương lai không thể ngờ được đang chờ đợi vùng này đang bị cầm giữ lại bởi những cuộc đổ máu, bỏ lơ và khủng bố.

Phó Tổng Thống Pence sẽ công du đến khu vực trong những ngày đến để tái xác nhận cam kết của chúng ta với những đồng minh ở Trung Đông để đánh bại chủ nghĩa cực đoan đang hăm họa những hy vọng và ước mơ của các thế hệ tương lai.

Đây là lúc nhiều người mong đợi hòa bình hãy trục xuất bọn quá khích ra khỏi. Là lúc mà các quốc gia văn minh và dân dộc, đáp ứng với sự bất đồng bằng những cuộc tranh luận hợp lẽ — không phải bằng sự bạo động.

Và đây là lúc mà những tiếng nói của sự ôn hòa và giới trẻ trên khắp Trung Đông tuyên xưng cho họ một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ.

Cho nên hôm nay, chúng ta hãy tái cam kết cho một tiến trình của sự hiểu biết chung và tương kính. Chúng ta hãy suy xét lại những suy tưởng cũ, và mở rộng tấm lòng và tâm trí của chúng ta cho những điều có thể được và những cơ hội có thể được. Và sau cùng, tôi kêu gọi các vị lãnh đạo trong vùng – về chính trị và tôn giáo; Y-sơ-ra-ên và Pha-lét-tin; tín đồ Do Thái, Cơ Đốc và Hồi Giáo – hãy tham gia với chúng tôi trong cuộc tìm kiếm nền hòa bình vĩnh cửu.

Cám ơn quý vị. Chúa ban phước cho quý vị. Chúa ban phước cho Y-sơ-ra-ên. Chúa ban phước cho Pha-lét-tin. Và Chúa ban phước cho Hoa Kỳ. Cám ơn quý vị rất nhiều. Cám ơn!
(Nguồn: CBN News)

Dịch: Ánh Dương (BBT)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan