Góc nhìn của The Gospel Coalition. Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt
Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin lành mà tôi đã rao giảng. – 1 Cô-rinh-tô 15:1
Một nhà văn hay truyền đạo phải khó nhọc dữ lắm mới viết được một dẫn nhập tốt hơn về Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ so với những điều sứ đồ Phao-lô đã viết cho Hội thánh ở thành Cô-rinh-tô.[1] Trong vài câu sau đây, ông cung ứng đầy đủ chân lý để sống cả đời và để dẫn chúng ta về miền vinh hiển. Chỉ có Đức Thánh Linh mới cho phép một người nói rất nhiều, rất rõ và bằng ít từ như thế.
Biết Phúc Âm
Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy một chân lý mà tất cả đều phải tìm hiểu lại. Phúc Âm không đơn thuần là sứ điệp dẫn nhập vào Cơ Đốc giáo – mà đó là sứ điệp của Cơ Đốc giáo, còn người tin Chúa phải hết sức tìm hiểu sự vinh hiển của Phúc Âm và bày tỏ vinh hiển ấy ra. Có nhiều thứ được chia sẻ trong thế giới này và vô số chân lý cần phải tìm hiểu trong chính Cơ Đốc giáo; nhưng Phúc Âm vinh hiển của Đức Chúa Trời và Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ đứng đầu hết tất cả.[2] Đây là sứ điệp cứu rỗi, phương tiện tấn tới trong sự nên thánh và nguồn động lực đúng đắn và trong sạch cho đời sống Cơ Đốc của chúng ta. Người tin Chúa nào hiểu rõ nội dung và đặc điểm của Phúc Âm sẽ không bao giờ thiếu sự sốt sắng cũng như không kiệt quệ đến nỗi tìm kiếm những bể chứa hư nát, cạn nước do loài người làm ra.[3]
Trong 1 Cô-rinh-tô 15:1 giải thích rằng sứ đồ Phao-lô đã rao giảng Phúc Âm cho Hội thánh ở thành Cô-rinh-tô. Thật vậy, ông là cha của họ trong đức tin![4] Nhưng ông vẫn thấy dạy dỗ Phúc Âm là nhu cầu lớn nhất cần phải được tiếp tục – không chỉ để nhắc nhở họ về những điều thiết yếu của Phúc Âm, mà còn mở rộng sự hiểu biết của họ về sứ điệp này nữa. Khi cải đạo, họ chỉ mới bắt đầu một hành trình khám phá sẽ kéo dài suốt cuộc đời của mình và tiếp tục cho đến đời đời, để tìm hiểu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ.
Đối với người truyền đạo và hội chúng, chúng ta nên khôn ngoan hơn để nhìn thấy Phúc Âm một lần nữa qua góc nhìn của sứ đồ ngày xưa và dành cả cuộc đời để nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Vì cho dù chúng ta đã tin Chúa lâu năm; cho dù chúng ta có trí tuệ của Edwards và sự sâu sắc của Spurgeon; cho dù chúng ta thuộc lòng từng câu Kinh Thánh liên quan đến Phúc Âm; cho dù chúng ta đã tiêu hóa từng tác phẩm của Hội thánh đầu tiên, các nhà Cải Chánh, các nhà Thanh Giáo và các học giả ngày nay, thì chúng ta vẫn chưa đạt tới chân núi Everest gọi là Phúc Âm đâu. Ngay cả sau khi đã sống trong cõi đời đời đi nữa thì chúng ta cũng không thể hiểu hết được Phúc Âm!
Chúng ta đang sống trong một thế giới cho phép người ta muốn làm gì cũng được và có đến vô số lựa chọn đang cướp hết sự chú ý của chúng ta. Vấn đề này cũng xảy ra trong Cơ Đốc giáo và hàng loạt chủ đề thần học mà sinh viên muốn nghiên cứu. Chân lý trong Kinh Thánh nhiều đến mức vô kể, một người có thể dành cả đời để tra cứu những điều đó. Tuy nhiên, một đề tài trổi hơn tất cả và là nền tảng cho tất cả chân lý trong Kinh Thánh là: Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ. Thông qua sứ điệp này, quyền phép của Đức Chúa Trời thể hiện rõ nhất trong Hội thánh và đời sống của người tin Chúa.
Khi nhìn vào lịch sử Cơ Đốc giáo, chúng ta thấy những người nam và người nữ có lòng đam mê phi thường dành cho Đức Chúa Trời và vương quốc của Ngài. Chúng ta mong được giống như họ, rồi thắc mắc làm sao họ có được sự nóng cháy như thế. Sau khi tìm hiểu cuộc đời, giáo lý và chức vụ của họ, chúng ta mới thấy họ có nhiều điểm khác nhau, nhưng mẫu số chung của họ là: tất cả đều bắt gặp sự vinh hiển của Phúc Âm, sự tốt đẹp của sứ điệp này đã thắp lên lòng đam mê của họ và lèo lái họ tiến về phía trước. Cuộc đời và di sản của họ chứng tỏ lòng đam mê chân thành và bền đỗ ấy đến từ sự hiểu biết ngày càng tăng, ngày càng sâu sắc về công việc Đức Chúa Trời đã làm cho dân sự của Ngài thông qua cuộc đời và công tác của Đức Chúa Jêsus Christ. Đó là sự hiểu biết không gì thay thế được!
Ngày xưa, Phúc Âm của Cơ Đốc giáo thường được gọi là evangel, từ La-tinh là evangelium, nghĩa là Phúc Âm hay Tin Lành. Đó là lý do mà người tin Chúa thường được gọi là người Tin Lành. Chúng ta là Cơ Đốc nhân vì chúng ta tìm được danh tính, sự sống và mục đích ở trong Đấng Christ. Chúng ta là người Tin Lành vì chúng ta tin vào Phúc Âm và tôn trọng sứ điệp này là chân lý trọng tâm mà Đức Chúa Trời đã mặc khải cho loài người.
Sứ điệp này không phải là lời nói đầu, không phải là một ngạn ngữ, cũng không phải là tư tưởng muộn màng; sứ điệp này không đơn thuần là lớp một của Cơ Đốc giáo; mà là nội dung cho toàn bộ khóa học. Đó là câu chuyện về cuộc đời của chúng ta, là sự giàu có khôn dò mà chúng ta đang tìm kiếm, là sứ điệp mà chúng ta đang rao truyền. Vì thế, chúng ta là Cơ Đốc nhân và người Tin Lành nhất khi Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ là hy vọng, sự khoe mình và đam mê lớn nhất của chúng ta.
Vì thế, chúng ta là Cơ Đốc nhân và người Tin Lành nhất khi Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ là hy vọng, sự khoe mình và đam mê lớn nhất của chúng ta.
Ngày nay, người Tin Lành tổ chức nhiều hội nghị, đặc biệt là cho giới trẻ, với ý định khơi dậy lòng đam mê của người tin Chúa bằng sự thông công, âm nhạc, diễn giả có tài hùng biện, nhiều câu chuyện cảm động và lời kêu gọi mạnh mẽ. Nhưng, sự sôi nổi mà họ tạo ra thường nhanh chóng biến mất. Cuối cùng, những trải nghiệm được xây trên đám lửa tí hon ở trong tấm lòng nhỏ bé chỉ kéo dài được vài ngày.
Chúng ta quên rằng lòng đam mê chân thành, bền đỗ sinh ra từ sự hiểu biết chân lý, đặc biệt là chân lý của Phúc Âm. Chúng ta càng biết rõ sự tốt đẹp của sứ điệp này, quyền phép của Phúc Âm sẽ càng bắt lấy chúng ta. Một góc nhìn thoáng qua về Phúc Âm sẽ thôi thúc tấm lòng tái sinh noi theo. Mỗi lần nhìn thoáng qua thêm chút nữa sẽ đẩy nhanh tốc độ cho đến khi tấm lòng này liều lĩnh chạy nhanh về phía phần thưởng.[5] Tấm lòng của Cơ Đốc nhân thật không thể cưỡng lại sự tốt đẹp như thế. Đây là nhu cầu rất lớn của ngày nay! Đây là điều chúng ta đã đánh mất, cũng là điều chúng ta phải tìm lại – một tấm lòng đam mê muốn biết Phúc Âm và muốn chia sẻ Phúc Âm cho người khác.
Giảng Phúc Âm
Sứ đồ Phao-lô là một trong những công cụ vĩ đại của nước Đức Chúa Trời trong lịch sử loài người và trong câu chuyện cứu rỗi. Ông chịu trách nhiệm truyền bá Phúc Âm khắp cả Đế quốc La Mã suốt thời kỳ sự bắt bớ xảy ra dữ tợn nhất, ông là một tấm gương xuất chúng về người hầu việc Chúa. Nhưng ông đã hoàn thành tất cả mọi việc bằng cách truyền bá một sứ điệp khó chịu vào lỗ tai của mọi người. Sứ đồ Phao-lô là người có tài đặc biệt, nhất là về trí tuệ và sự sốt sắng của ông. Ông còn dạy chúng ta biết rằng quyền phép trong chức vụ không đến từ tài cán của mình, mà đến từ việc rao truyền Phúc Âm cách trung thành.
Trong thư tín thứ nhất gửi cho người Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô viết ra lời từ chối trách nhiệm của mình rằng: “Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích . . . Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời”.[6]
Trên hết mọi sự, sứ đồ Phao-lô là một truyền đạo. Giống như tiên tri Giê-rê-mi, ông bị ép buộc phải rao giảng. Phúc Âm giống như ngọn lửa thiêu đốt xương cốt đến nỗi ông không thể nín lặng được.[7] Đối với người Cô-rinh-tô, ông giảng rằng: “Ta đã tin, cho nên ta nói”[8] và cũng nói rằng: “nếu tôi không rao giảng Tin Lành thì thật khốn khó cho tôi”.[9] Làm sao Phúc Âm được đánh giá cao như thế và làm sao giảng sứ điệp này được khi tấm lòng của người truyền đạo không có Phúc Âm, vậy thì Phúc Âm không thể nào bị che giấu.
Đức Chúa Trời kêu gọi đủ mọi hạng người để chia sẻ sứ điệp Phúc Âm. Có người trịnh trọng và nghiêm nghị, số khác thì vô tư và vui vẻ. Nhưng khi cuộc đối thoại chuyển hướng sang Phúc Âm, sắc mặt của người truyền đạo liền thay đổi, họ trở thành một người hoàn toàn khác ở trước mặt chúng ta vậy. Cõi đời đời hiện rõ trên nét mặt, màn che mặt được gỡ bỏ, sự vinh hiển của Phúc Âm tỏa sáng bằng một đam mê chân chính.
Một người như thế có ít thời gian cho mấy chuyện kỳ quặc, hoặc chia sẻ tâm tư trong lòng. Họ xuất hiện để rao giảng và họ phải rao giảng! Họ không nghỉ cho đến khi dân sự đã nghe từ Đức Chúa Trời. Nếu đầy tớ của Áp-ra-ham không ăn cho đến khi nói ra thông điệp của chủ mình,[10] thì người truyền đạo Phúc Âm còn dửng dưng đến bao giờ mới rao truyền sứ điệp đã được giao phó cho họ đây![11]
Mặc dù có ít người bất đồng với phần lớn những điều tôi nói nãy giờ, nhưng công tác giảng luận thật sốt sắng đã lỗi thời rồi. Nhiều người nói là sứ điệp này phải tinh tế và lịch sự hơn thì mới hiệu quả cho thời nay. Con người hậu hiện đại, thích sự khiêm tốn và cởi mở hơn với những quan điểm khác, xem người truyền đạo sốt sắng rao giảng chân lý cách dạn dĩ và không biện hộ là một trở ngại. Đa số lập luận rằng chỉ cần thay đổi cách giảng luận để thế giới không chê chúng ta là những kẻ rồ dại nữa.
Thái độ đối với công tác giảng luận như thế là bằng chứng cho thấy chúng ta đã đánh mất phương hướng trong cộng đồng Tin Lành. Đức Chúa Trời là Đấng đã dùng “sự giảng rồ dại” làm công cụ rao truyền sứ điệp cứu rỗi của Phúc Âm cho cả thế giới.[12] Ở đây không hề nói giảng luận là rồ dại, không có lý hoặc kỳ quặc.
Tuy nhiên, Kinh Thánh là tiêu chuẩn cho tất cả công tác giảng luận, không phải quan điểm đương thời của nền văn hóa sa ngã và băng hoại chỉ nhìn thấy mọi việc bằng mắt trần, lỗ tai và tấm lòng muốn được giải trí hơn là nghe Lời Chúa.[13]
Sứ đồ Phao-lô đi đến đâu, ông đều giảng Phúc Âm, còn chúng ta phải noi theo tấm gương của ông. Mặc dù Phúc Âm có thể được chia sẻ bằng nhiều cách, nhưng Chúa chỉ giao phó sứ điệp này cho công tác giảng luận. Do đó, người nào đang tìm cách truyền đạt Phúc Âm cho thế hệ mới thì hãy bắt đầu và kết thúc cuộc tìm kiếm của mình ở trong Kinh Thánh. Nếu ai đang gửi đi hàng ngàn khảo sát cho người chưa tin Chúa về hình thức thờ phượng mà họ thích nhất, thì nên biết rằng mười ngàn ý kiến chung của những kẻ xác thịt không hề có thẩm quyền từ một chấm một nét của Lời Chúa đâu.[14] Chúng ta phải hiểu rằng có một hố sâu rất lớn là những khác biệt không thể dung hòa được giữa những điều Đức Chúa Trời chỉ định trong Kinh Thánh và những điều văn hóa xác thịt ngày nay ưa thích.
Mặc dù Phúc Âm có thể được chia sẻ bằng nhiều cách, nhưng Chúa chỉ giao phó sứ điệp này cho công tác giảng luận.
Chúng ta không nên ngạc nhiên khi những kẻ xác thịt ở trong và ở ngoài Hội thánh ưa thích đóng kịch, âm nhạc và truyền thông thay thế cho công tác rao truyền Phúc Âm và giảng giải Kinh. Khi nào Đức Chúa Trời tái sinh tấm lòng của loài người, thì loài người vẫn sẽ nói về Phúc Âm giống như các quỷ ở Ga-đa-ra nói với Đức Chúa Jêsus Christ rằng: “Chúng tôi với Ngài có can hệ gì chăng?”[15] Những kẻ xác thịt chẳng có hứng thú hoặc sự tôn trọng dành cho Phúc Âm nếu không có công tác tái sinh của Đức Thánh Linh, còn phép lạ này xảy ra trong lòng của loài người thông qua công tác rao giảng Phúc Âm mà họ đã khinh bỉ trước đó.
Vậy, chúng ta phải giảng cho những kẻ xác thịt chính sứ điệp mà họ không muốn nghe, còn Đức Thánh Linh phải hành động! Nếu không, tội nhân chẳng thấy Phúc Âm có gì tốt đẹp giống như con heo nhìn thấy ngọc trai, hoặc như con chó nhìn thấy vật thánh, hoặc như kẻ mù không biết gì về họa sĩ Rembrandt vậy.[16] Người truyền đạo không phục vụ những kẻ xác thịt bằng cách cung ứng những điều tấm lòng sa ngã của họ ưa thích, mà người truyền đạo phục vụ người khác bằng cách ban phát đồ ăn thật ở trước mặt họ cho đến khi nào, bởi công tác mầu nhiệm của Đức Thánh Linh, họ nhận ra sự thật, nếm thử và nhìn thấy Đức Giê-hô-va là tốt lành.[17]
Trước khi đi tới kết luận cho phần giảng luận Phúc Âm này, chúng ta phải đề cập một vấn đề sau cùng. Một số giả thuyết cho rằng văn hóa ngày nay không thể chịu nổi cách giảng luận rất hiệu quả vào thời kỳ đại tỉnh thức và phục hưng ngày xưa. Công tác giảng luận của Jonathan Edwards, George Whitefield, Charles Spurgeon và các nhà truyền đạo giống như thế sẽ là lố bịch, đả kích và bị ngày nay chê cười. Nhưng giả thuyết này không đúng vì ngày xưa, loài người đã thấy những truyền đạo này là lố bịch và đả kích họ.
Rao truyền Phúc Âm thật sẽ luôn bị coi là rồ dại trong mọi nền văn hóa. Bất kỳ nỗ lực nào muốn gỡ bỏ sự xúc phạm và làm cho công tác giảng luận “phù hợp hơn” đều đang hạ thấp quyền phép của Phúc Âm. Làm như vậy là phế bỏ ý định mà Đức Chúa Trời đã chọn công tác giảng luận làm phương tiện để cứu rỗi loài người – tức hy vọng của loài người không được nghỉ yên trong sự tinh tế, tài hùng biện, hoặc sự khôn ngoan của đời, mà chỉ ở trong quyền phép của Đức Chúa Trời thôi.[18]
Chúng ta đang sống trong nền văn hóa bị trói buộc bởi tội lỗi như mấy vòng dây sắt. Những câu chuyện đạo đức, châm ngôn kỳ quặc và những bài học cuộc sống được chia sẻ từ tấm lòng của một người đáng kính đứng đằng sau bục giảng, hoặc người cố vấn thuộc linh nào đó, làm sao có quyền phép thực sự để chống chọi với sự tối tăm dường ấy đây. Chúng ta cần người truyền đạo hiểu biết Kinh Thánh để rao truyền Phúc Âm của Đức Chúa Jêsus Christ, rồi cậy ơn Chúa mà đối đầu trước bất cứ nền văn hóa nào bằng cách tuyên bố rằng: “Đức Giê-hô-va phán vậy!”
Chú thích:
[2] 1 Ti-mô-thê 1:11
[1] 1 Cô-rinh-tô 15:1-4
[3] Giê-rê-mi 2:13; 14:3
[4] 1 Cô-rinh-tô 4:15
[5] Phi-líp 3:13-14
[6] 1 Cô-rinh-tô 1:17, 22–24
[7] Giê-rê-mi 20:9
[8] 2 Cô-rinh-tô 4:13
[9] 1 Cô-rinh-tô 9:16
[10] Sáng thế ký 24:33
[11] Ga-la-ti 2:7; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4; 1 Ti-mô-thê 1:11; 6:20; 2 Ti-mô-thê 1:14; Tít 1:3
[12] 1 Cô-rinh-tô 1:21
[13] Rô-ma 1:22; 2 Ti-mô-thê 4:3
[14] Ma-thi-ơ 5:18
[15] Ma-thi-ơ 8:29
[16] Ma-thi-ơ 7:6
[17] Ê-sai 55:1-2; Thi thiên 34:8
[18] 1 Cô-rinh-tô 1:27-30
———————-
Tiền Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Nguồn: tienphong.org
Trích từ “Quyền phép và Sứ điệp Phúc Âm” của Paul Washer