Chúa Jêsus chưa bao giờ ăn năn. Ăn năn là điều các bậc cha mẹ cần phải làm, còn Chúa Jêsus thì không. Ăn năn cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta (Ê-sai 30:15), như tiếng thở hổn hển đầu tiên khi chúng ta chào đời. Chúng ta cần phải thở kẻo chết. Tuy nhiên, tất cả chúng ta có khuynh hướng không ăn năn vào những thời điểm khác nhau và theo những cách khác nhau.
Là muối và ánh sáng, chúng ta đấu tranh để ăn năn, trong khi xã hội nài nỉ chúng ta phải giữ sỉ diện. Trong văn hóa Trung Hoa, chúng tôi được dạy phải giữ gìn danh dự và phẩm giá (“sỉ diện”) trong các mối quan hệ. Mỗi ngày, tôi phải tranh chiến với nỗi sợ “mất mặt” và áp lực phải “giữ thể diện” — để không bị hổ thẹn — đặc biệt là trước mặt các con của mình. Mong muốn được con cái kính trọng đã cuốn tôi quên mất phải ăn năn trước mặt Đức Chúa Trời.
Trong xã hội Tây phương, lời xin lỗi có thể được xem là biểu hiện của sự trung thực và mềm mỏng, thì trong văn hóa Trung Hoa, lời thú nhận và xin lỗi khi mắc sai lầm bị coi là sự xấu hổ. Do đó, các bậc cha mẹ người Hoa không bao giờ “ăn năn” hay thậm chí xin lỗi một cách trực tiếp. Thay vì làm gương cho con cái về sự ăn năn, chúng ta cố gắng điều chỉnh hành vi. “Con đã ăn chưa?”, “Con có đói không?”, “Mẹ đã nấu món con thích này”, “Tối qua con ngủ ngon không?” Đây là những phiên bản khác nhau mà chúng ta dùng để làm hòa với con cái của mình.
Mất sỉ diện mà được Đấng Christ
Vào ngày tựu trường mùa thu năm ngoái, cô giáo viên của mấy đứa con trai của tôi đã vô cùng lo lắng khi chưa hoàn thành công tác chuẩn bị. Cô ấy vẫn còn thu thập tài liệu ngay cả khi lớp học đã bắt đầu. Thật không thể tin được. Nhưng cô giáo ấy lại là tôi đấy!
Đến 10 giờ sáng, gia đình chúng tôi đầy hỗn loạn, sự lo lắng dâng lên trong lòng tôi, vì vậy tôi đã tạm dừng lớp học và tập trung các con lại để cầu nguyện. Tôi cần phải ăn năn trước mặt Chúa và xin các con tha thứ. Những từ “Mẹ đã sai. Mẹ đã không chuẩn bị cho ngày hôm nay. Các con có thể tha thứ cho mẹ được không?” đã nghẹn lại trong cổ họng tôi. Xác thịt của tôi muốn trổi dậy để biện minh cho mình.
Sự ăn năn khiến tôi cảm thấy như mình đang cầu xin — thất bại khi mất đi sự kính trọng ở trong mắt các con. Trong văn hóa Trung Hoa, những cảm nhận như thế đã được dệt vào tâm thức. Nghĩ đến việc bày tỏ sự tan vỡ và hối lỗi của mình trước mặt các con không thôi cũng đủ nghiền nát sự tự tôn của tôi rồi. Trong sự quan phòng của Chúa, ăn năn là điều tốt và cần thiết để một người mẹ như tôi tiếp tục sống trong ân điển.
Chúa Jêsus không bao giờ ăn năn vì Ngài chẳng phạm tội. Nhưng Đức Chúa Trời dùng những đầy tớ của Chúa để dạy con cái của Ngài biết sống trong sự ăn năn, đặc biệt là các bậc cha mẹ Cơ đốc. Làm như vậy, tâm linh cứng cỏi của chúng ta sẽ như bình gốm đựng ân điển của Đức Chúa Trời. Ăn năn là bài học ở trong giáo án của Chúa nhân ngày tựu trường của chúng ta. Sự ăn năn của tôi đã được Ngài bày tỏ và chỉ bảo.
Đức Chúa Cha đang tìm kiếm những người thờ phượng thật, là những kẻ dám vì Chúa mà không nề hà việc giữ thể diện. Ai giữ sỉ diện thì sẽ mất, còn ai mất sỉ diện vì danh Chúa thì sẽ mang ảnh tượng của Đấng Christ.
Ăn năn là một biện pháp kỷ luật
Sống ăn năn trọn đời giống như leo núi Si-ôn. Chúng ta dẫm đạp lên tội lỗi, cám dỗ từ xác thịt và ham muốn tội lỗi trong tâm trí của mình. Ngay cả khi đã thừa nhận một tội lỗi nào đó rồi, tôi vẫn bị nhắc nhở về rất nhiều tội khác nữa. Nhưng càng bước đi thì càng tiến gần đến đỉnh cao chưa từng thấy. Ân điển và sự tốt lành là bầu không khí mà chúng ta hít thở. Lẽ thật và giao ước của Đức Chúa Trời thành tín giữ chúng ta khỏi bờ vực của sự chết.
Sự ăn năn đòi hỏi phải có sự kỷ luật. Trong gia đình, chúng tôi nuôi dưỡng những thái độ giúp mình sống trong ơn thương xót của Đức Chúa Trời.
1. Ghét tội lỗi của chính mình.
“Yêu tội nhân; ghét tội lỗi của chính mình”. Rosaria Butterfield đã thay đổi cuộc đời tôi bằng câu nói trên. Nếu không ở trong Đấng Christ, thì sự gian ác trong lòng tôi đã khiến đời tôi suy tàn.
Tôi ghét tội lỗi của mình hơn tội lỗi của các con hoặc chồng chăng? Tôi thường nhanh chóng chỉ ra lỗi sai của người khác và tự bào chữa cho chính mình? Tôi là một linh hồn đã quen với việc tự xưng công bình và tự tôn. Tôi có cho con cái thấy mình đấu tranh chống lại sự tủi thân và ích kỷ không? Tôi có sẵn lòng đề nghị người khác cầu nguyện cho mình khi gặp khó khăn trong việc vâng lời Chúa không?
2. Không nói hành, nói xấu sau lưng
Đây là một nguyên tắc trong nhà của Amy Carmichael. Bà là mẹ của hàng trăm trẻ em mồ côi được cứu thoát từ các ngôi đền Ấn Độ giáo ở Ấn Độ.
Trong gia đình, chúng tôi cố gắng không nói về tội lỗi của người khác. Thay vào đó, chúng tôi tìm cách nói chuyện trực tiếp. Khi sửa sai cho con cái, chúng tôi trò chuyện một cách hòa nhã: “Ba mẹ làm điều này là vì con, không phải chống lại con”. Khi anh em sửa sai cho nhau, chúng tôi yêu cầu chúng nói chuyện trong tình yêu thương, không buộc tội hay giận dữ. Cha mẹ, anh chị em không nên kể lể về những lỗi lầm của nhau. Khi có thể, tôi yêu cầu con tôi chỉ trình bày những việc chúng đã làm sai, chứ không kể lể lỗi sai của anh chị em mình.
3. Giữ tấm lòng bao dung
Ai được tha thứ nhiều thì yêu mến nhiều. Một tấm lòng tan vỡ và ăn năn được phục hồi để có khả năng yêu thương lớn hơn nữa. Một tấm lòng bao dung sẽ sẵn sàng tha thứ và không để bụng những điều sai trái. Tôi thường cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chớ để con trở thành ao tù. Nhưng hãy tạo nên trong con một tấm lòng như biển cả”. Một tấm lòng ao tù rất dễ bị xúc phạm và hờn giỗi. Còn tấm lòng như biển cả che đậy muôn vàn sai trái. Một tấm lòng rộng lượng không có gì phải chứng tỏ và nhanh chóng ăn năn, mà không cần bào chữa hay đổ lỗi.
Ăn năn trong đau buồn sẽ gặt hái niềm vui
Cũng như hơi thở, nỗi buồn và niềm vui là sự thăng trầm nhẹ nhàng của một tâm hồn biết ăn năn. Chúng ta than thở về tội lỗi và những đau khổ trên thế giới vì sự gian ác của chúng ta gây ra. Chúng ta đau buồn trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng không phải là không có hy vọng (2 Cô-rinh-tô 7:10).
Một lần nữa, di sản văn hóa của tôi không cho phép việc than thở. Nỗi sợ “mất mặt” cản trở sự thở than thở. Mặc vải bố và hất tro lên đầu không còn phù hợp nữa. Khi tội lỗi tấn công, con cái biết rằng mình cũng cần Chúa giúp đỡ là điều rất tốt. Khi chúng ta chứng kiến bạo lực trên thế giới, chúng ta khóc với những người khác. Khi chúng ta là nạn nhân của bạo lực và bất công, chúng ta than thở trước mặt Chúa và con cái của mình. Chúng ta không giải thích hay bào chữa cho tội lỗi.
Những đám mây đen đã kéo đến trên gia đình chúng tôi vào ngày tựu trường đầu tiên ấy.
Sự thiếu siêng năng của tôi đã tạo ra một mớ hỗn độn. Nhưng khi chúng tôi hiệp lòng cầu nguyện, thì cả gia đình đều cảm thấy nhẹ nhõm – như cơn mưa đến trên vùng đất khô cằn và mệt mỏi (Công vụ 3:19–20). Khi ăn năn, niềm vui chiến thắng sự xấu hổ và tủi thân. Đức Chúa Trời đặt một bài ca mới trên môi miệng chúng ta.
Chúng ta vui mừng khi ăn năn bởi vì chúng ta được thấy Đấng Christ. Chúng ta nhớ đến từng bước chân của Ngài trên đồi Gô-gô-tha. Chúa Jêsus ghét tội lỗi của chúng ta và đã chết thế cho chúng ta. Ngài đã phán với chúng ta một cách trực tiếp. Ngài là vị vua có tấm lòng bao dung nhất. Phước thay cho ai được ở trong Ngài.
Một gia đình ăn năn là một gia đình hạnh phúc. Một gia đình được tha thứ là một gia đình được yêu thương và bày tỏ tình yêu thương. Ngài khiến những than thở của chúng ta thành sự ngợi khen; Ngài khiến sự lộn xộn trở nên có trật tự; Ngài cất đi sự xấu hổ của chúng ta và bao phủ chúng ta trong sự vinh hiển; Ngài phá hủy sự chết và ban cho chúng ta sự sống.
(Nguồn: tienphong.org)