Năm 1802, William Paley đưa ra lập luận về “Chúa Là Người Thợ Đồng Hồ Thiên Thượng.” Ông nói rằng giống như sự vận hành phức tạp vô cùng ở bên trong cái đồng hồ chứng tỏ rằng phải có người sáng tạo ra nó, sự phức tạp của vũ trụ xác nhận rằng có một đấng sáng tạo. Thế rồi có một số người đi xa hơn, cho rằng cũng như là người thợ đồng hồ, sau khi đã chế tạo xong cái đồng hồ thì để cho đồng hồ tự chạy theo cơ cấu mà người đã vẽ kiểu và tạo nên – Đức Chúa Trời, sau khi đã dựng nên thế giới của chúng ta, thì Ngài không còn phải ở cùng nó, nhưng để cho nó tự hoạt động theo luật tự vận hành mà Ngài đã định cho nó.
Trong khi Cơ đốc nhân chúng ta xác định Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, chúng ta không đi xa đến mức như vậy. Chúng ta tin rằng Chúa không chỉ sáng tạo nên thế giới của chúng ta. Ngài cũng vận hành và bảo tồn nó.
Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ràng khi nhìn vào Chúa Cứu Thế Giê-su.
Kinh Thánh nói rất rõ là Chúa Giê-su là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được (Cô-lô-se 1:15, BTTHĐ 2010), “Con là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:13). Kinh Thánh cũng cho biết Chúa Giê-su là Đấng Sáng Tạo: “Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3; cũng trong Cô-lô-se 1:16)
Hơn nữa, Ngài liên hệ mật thiết với những vấn đề của mỗi ngày trong thế giới của chúng ta. Như sứ đồ Phao-lô nói, “Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được giữ vững trong Ngài.” (Cô-lô-se 1:17) và “Cũng trong Ngài, chúng ta được chọn làm người thừa hưởng cơ nghiệp được định sẵn theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Đấng hoàn thành mọi sự theo mục đích Ngài muốn.” (Ê-phê-sô 1:11)
Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời “thực tiễn.” Không có điều gì mà không nằm trong chương trình bảo toàn của Ngài. Thế thì tại sao nhiều điều hỗn loạn thường xảy ra? Nếu Đấng Christ thực sự bảo toàn thế giới của chúng ta thì tại sao chúng ta kinh nghiệm quá nhiều đau thương và thảm kịch?
Trước hết, Kinh Thánh xác định rằng ngay cả sự hỗn loạn cũng nằm dưới quyền kiểm soát của Chúa. Có nghĩa là Chúa có thể dùng sự tà ác để làm nên một việc tốt lành trong ý của Ngài. Như Ê-phê-sô 1:11 dạy, Chúa “hoàn thành mọi sự theo mục đích Ngài muốn.” Thí dụ, nhiều năm sau khi Giô-sép bị các anh em phản bội, ông nói với họ, “Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống cho bao nhiêu người.” (Sáng Thế Ký 50:20). Chúa có thể cho phép ma quỷ đem sự hủy diệt đến với đời sống của Gióp, nhưng Ngài dùng điều này với mục đích tận cùng tốt lành. Như một câu châm ngôn thời trung cổ nói, “Đức Chúa Trời có thể dùng một cây gậy bị gãy để vẽ lên một hàng.”
Chúng ta thấy điều tốt lành tận cùng trong sự chết chuộc tội của Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự treo trên thập giá của Ngài là một án phạt dành cho tội kinh khủng và độc ác nhất, nhất là khi Con Đức Chúa Trời không hề phạm tội. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng ngay cả cái chết trên thập giá đã được chọn lựa của Con vô tội của Ngài để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Chúa có thể cho phép điều ác xảy ra. Nhưng Ngài luôn luôn cho phép như vậy với một sự không vui “thánh” và ý định tốt lành. Sa-tan, Giu-đa và các anh em của Giô-sép có thể có những ý định tà ác, nhưng Đức Chúa Trời luôn tốt lành, thánh thiện và công chính. Ngài cho phép sự tà ác xảy ra theo “mục đích của ý Ngài.” Chúa không bao giờ làm điều gì ngược lại với bản tính yêu thương, thánh khiết và tốt lành của Ngài.
Đây là lẽ thật nền tảng mà Cơ đốc nhân từ mọi nguồn gốc khác nhau cùng xác định. Từ thời các giáo phụ như Irenaeus và Augustine, đến John Wesley và Dwight L. Moody – đó là điều hội thánh giảng dạy trước sau như một. Các Cơ đốc nhân có thể tranh luận về mối quan hệ giữa luật pháp của Chúa với sự tự do của con người, nhưng không một ai chối bỏ rằng Chúa là Đấng Bảo Toàn và Tể Trị vũ trụ này.
Thế nên, cho dù nhìn từ góc cạnh của chúng ta có bao nhiêu điều rối loạn xảy ra, chúng ta có thể vững tin vào lời hứa của tin lành rằng Đức Chúa Trời tể trị và bảo toàn mọi sự theo mục đích của Ngài. Như Phao-lô đã công bố, “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài.” (Rô-ma 8:28). Đức Chúa Trời có một chương trình cho thế giới của chúng ta, và một phần của chương trình đó là Ngài làm việc thật mật thiết với mỗi đời sống của chúng ta để đem ích lợi đến cho chúng ta.
Hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Ngài vì Ngài là một Đức Chúa Trời thực tế với mỗi ngày của chúng con và không một điều gì trong mỗi ngày đó bị loại ra khỏi chương trình bảo toàn của Ngài. Con yêu kính Ngài và tín thác mọi sự trong Ngài.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo: thenivbible.com)