Cơ Đốc Nhân Trước Vấn Đề Khủng Bố Hồi Giáo Cực Đoan

Share

Phần 1: Những dữ kiện và sự thật về những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan đang tìm cách gây khủng bố ở nước ngoài.

Kẻ khủng bố đầu tiên trong lịch sử sáng tạo của Đức Chúa Trời là ma quỷ. 1 Phê-rơ 5.8 nhắc chúng ta: “Hãy tự chủ và tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ như sư tử rống, đang rình rập chung quanh để tìm xem người nào nó có thể ăn nuốt được.” Người khủng bố đầu tiên trong lịch sử nhân loại là Ca-in. Ca-in đã tàn bạo giết em là A-bên (Sáng Thế 4.1-12). Khủng bố là một phần tối tăm của lịch sử loài người. Trong những tổ chức khủng bố có tầm vóc và được biết đến trên thế giới thì những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan là kinh khủng và tàn bạo nhất. Cơ Đốc Nhân được Chúa kêu gọi sống trong thế giới và có trách nhiệm sẻ chia chung với mọi người trong mọi vấn đề của sự sống trên thế gian, trong đó có vấn đề khủng bố hồi giáo cực đoan. Hơn nữa, bọn khủng bố xem người tin kính Chúa là một trong những đối tượng chính của chúng. Người viết xin sẻ chia với bạn đọc loạt bài “Vấn Đề Khủng Bố Hồi Giáo Cực Đoan”. Dưới đây là Phần 1 “Những dữ kiện và sự thật về những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan có tầm vóc thế giới”. Phần 2 “Những Thái Độ Và Trách Nhiệm Của Chúng Ta” sẽ được sẻ chia trong một kỳ tới.

Sự hiểu biết hết sức quan trọng cho vận mệnh của chúng ta. Lời Chúa dạy rằng: “Dân Ta bị hủy diệt vì thiếu hiểu biết… (Ô-sê 4.6a) và “Cho nên, dân Ta phải bị lưu đày vì thiếu hiểu biết” (I-sa 5.13a). Khi nói đến những phẩm chất cần thiết để sống theo Chúa trong thế gian, Phê-rơ dạy chúng ta xây dựng cho chính mình và xin Chúa ban thêm những phẩm chất quan trọng: “5Vì chính lý do nầy, hãy hết sức thêm cho đức tin anh chị em nhân từ, thêm cho nhân từ hiểu biết, 6thêm cho hiểu biết tiết chế, thêm cho tiết chế kiên trì, thêm cho kiên trì tin kính, 7thêm cho tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương. 8Vì nếu anh chị em có những điều này và càng gia tăng thì sẽ không sợ mình vô hiệu năng hoặc không kết quả trong sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta” (2 Phê-rơ 1.5-8). Ông đặt phẩm chất “hiểu biết” đứng vào hàng thứ ba sau đức tin và nhân từ. Hiểu biết “lẽ thật’ là một phần của đời sống đức tin và sẻ chia Tin Lành. Hiểu biết về vấn đề khủng bố Hồi Giáo cực đoan cũng là một phần của đời sống theo Chúa trong thế giới hỗn loạn ngày nay. Nếu không hiểu biết tương đối đầy đủ những sự thật về vấn đề khủng bố nói chung và về những nhóm khủng bố hồi giáo cực đoan có tầm vóc lớn trên thế giới nói riêng, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của chúng. Điều kế đó là phản ứng theo cách riêng của con người, không phải theo cách của đức tin và tình yêu thương trong Chúa. Và chúng ta sẽ rơi vào những cơn khốn khó như dân Do Thái ngày xưa. Vậy xin sẻ chia cùng bạn đọc những hiểu biết của người viết như sau:

1. Những nhóm khủng bố hồi giáo chỉ là một thiểu số rất-rất-rất nhỏ trong những người Hồi Giáo

Những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan có chiến lược gieo khủng bố ra nước ngoài như là ISIS, Al-Qaeda vv… chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong tổng số một tỷ sáu trăm triệu người Hồi Giáo trên thế giới. Chúng được tổ chức thành những tiểu tổ hoàn toàn độc lập với nhau để bảo vệ bí mật tối đa. Dù vậy, từ nhiều năm qua, các cơ quan an ninh tình báo các nước từ Âu Châu, Mỹ Châu cho đến Á Châu luôn săn lùng, bắt giữ và đôi khi bí mật tiêu diệt chúng trong những trận chiến chống khủng bố mà người dân chúng ta thường không biết đến (invisible wars against terrorists). Do hai yếu tố này, các nhóm khủng bố không thể tuyển mộ người ồ ạt như là các tổ chức kháng chiến trong các thời đại tuyển mộ dân chúng trong nước. Hình ảnh hàng trăm ngàn người theo đạo Hồi rời bỏ hay trốn chạy để tỵ nạn lánh xa chúng và sự kiện chúng phải bí mật “tuyển mộ” những người sống ở “nước ngoài” rồi đem trở về Iraq, Syria hay Afghanistan vv để chiến đấu cho chúng cho thấy người Hồi Giáo sống trong những vùng chúng kiểm soát hay ảnh hưởng cũng không theo chúng.  

Một trong những nhu cầu sống còn là tiếng vang của chúng. Không có tiếng vang tức là không có thực lực và không thu hút được những thành phần quá khích cực đoan vào những tổ chức của chúng. Vì vậy bằng mọi giá chúng phải tạo nên những vụ khủng bố ở các nước Âu, Á hay Mỹ Châu. Chúng tìm cách bí mật tuyển mộ những người Hồi Giáo đang sống ở nước ngoài mà trước đây đã đến Syria, Iraq hay Afghanistan vv để chiến đấu cho chúng – để thực hiện những vụ khủng bố. Cần chú ý là không hẳn là những “cựu chiến binh” này sau khi trở về sẽ sẵn sàng tham gia vào những tiểu tổ khủng bố của chúng.

Vậy chúng ta thử tìm hiểu những con số về những người “nước ngoài” đang chiến đấu cho chúng ở Syria, Iraq hay Afghanistan vv, và giả sử rằng tất cả họ đều sống sót trở về. Sau đó chúng ta sẽ so sánh con số này với số dân theo Hồi Giáo tại quốc gia liên hệ để thấy ra tỷ lệ là bao nhiêu. FBI cho biết có khoảng 12 công dân Mỹ chiến đấu ở Syria so với 2.77 triệu người theo đạo Hồi tại Mỹ. Úc ước lượng là 250 so với 476.291 người Hồi Giáo tại Úc. Ở châu Âu các viên chức an ninh ước lượng có khoảng 2000 so với 44 triệu người Hồi Giáo ở Châu Âu.

Tỷ lệ rất-rất-rất nhỏ này nói lên những điều gì? Thứ nhất, bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan là một số rất ít như là những hạt cát trong sa mạc. Chúng ta là đại đa số người dân theo nếp sống tự do và dân chủ. Chúng ta không thể để cho chúng dùng bạo lực khủng bố để lèo lái hay ảnh hưởng biến đổi đời sống của chúng ta trở nên sợ hãi, im lặng hay ngầm thỏa hiệp với những điều chúng muốn với hy vọng giả tưởng rằng chúng sẽ để yên cho chúng ta sống. Thứ hai chúng là kẻ ở trong thế yếu và không được ủng hộ nên phải dùng đến giải pháp tệ hại nhất là khủng bố.

2. Những người Hồi Giáo theo khuynh hướng “cấp tiến” (radical) là một thiểu số trong cộng đồng người Hồi Giáo. Họ không phải là những người Hồi Giáo cực đoan (extremist) và mặc dù những người Hồi Giáo cực đoan là những người mà các nhóm khủng bố tìm cách thu hút kết nạp, tỷ lệ những người này trở thành những kẻ khủng bố thật sự rất thấp.

Ở Châu Âu là nơi có con số cao nhất về những người theo đạo Hồi đến Iraq, Syria hay Afghanistan để chiến đấu trong các nhóm khủng bố thì tỷ lệ những người Hồi Giáo có tư tưởng cấp tiến (radical) không đến 1% người theo đạo Hồi, và tỷ lệ những người có tư tưởng cấp tiến này bị thu hút để trở thành cực đoan hay khủng bố cũng không đến 1%.

Nghiên cứu năm 2014 của RAND – một tổ chức nghiên cứu chiến lược nguyên thủy do tập đoàn Douglas và Không Quân Mỹ tài trợ để cung cấp những báo cáo chiến lược cho quân đội Mỹ, và sau này được chính quyền Mỹ và nhiều tập đoàn tài trợ tài chánh để nghiên cứu về những vấn đề an ninh và quốc phòng cho chính quyền Mỹ — cho biết hai điều quan trọng như sau:

(1) Không có đến khoảng 1% người theo đạo Hồi ở trong tình trạng “at risk of becoming radical”, có nghĩa là không có đến 1% có thể bị “rủi ro” trở thành “cấp tiến”;

(2) Có một khoảng cách rất xa giữa “cấp tiến” (radical) và “quá khích” (extremist). Cấp tiến nói đến những ước mơ, suy tư và hành động “bất thường” cho những mục đích là “bất thường” so với những giá trị và tư tưởng chung của xã hội (mainstream value and ideal) nhưng hầu hết những người “cấp tiến” không chấp nhận dùng những phương pháp quá khích như bạo động và khủng bố để đạt được những mục đích “cấp tiến” của họ. Phần lớn những người quá khích cũng chỉ là quá khích trong lập trường và tư tưởng về mục đích của họ nhưng không sẵn sàng trở nên kẻ khủng bố giết người vô tội. Đây là lý do mà trong những năm gần đây, các nhóm khủng bố chú trọng dùng các mạng xã hội để tuyển mộ thanh thiếu niên cho chúng. Các em theo khủng bố vì bị nhồi sọ (brainwashing) và lừa dối chứ không phải vì các em đã có ý thức xây dựng một lý tưởng và tư duy bạo động quá khích. Nhiều thanh thiếu niên lầm lạc theo chúng đã sau đó tỉnh thức. Các mạng xã hội gần đây đã loan nhiều tin tức về ISIS đã xử tử nhiều em muốn trốn ra khỏi tổ chức của chúng.

Vì vậy chúng ta không nên vội vã mắc mưu tuyên truyền của bọn khủng bố hay nghe theo những bình luận quá khích của một thành phần “chống Hồi Giáo” trong giới truyền thông mà vơ đũa cả nắm rằng những người sùng đạo Hồi Giáo là những người ủng hộ bọn khủng bố; hay những người Hồi Giáo “cấp tiến” là những người sẽ nay mai trở thành những kẻ khủng bố. Hãy cầu nguyện cho những người “cấp tiến” không bị thuyết phục trở nên cực đoan. Hãy cầu nguyện cho những người cực đoan không chấp nhận bạo động giết hại người vô tội nhưng nhìn thấy được sự sống là quý giá mà Alah hay Đức Chúa Trời sáng tạo nên, theo đuổi những phương cách dân chủ và tôn trọng nhân quyền để tranh đấu cho quyền lợi của họ, và do đó không bị thu hút vào những nhóm khủng bố cực đoan. Hãy tin rằng Đức Chúa Trời sẽ có cách lạ lùng của Ngài để giúp họ có một lương tâm trong sạch cho hòa bình.

3. Đừng để cho bọn khủng bố đạt được mục đích của chúng là làm cho chúng ta sợ hãi vô lý mà sinh ra lòng “nghi ngờ sự dữ” để sinh ra những phản ứng kỳ thị hay làm nên những chính sách áp chế những đối tượng bị nghi ngờ khiến sau cùng những đối tượng bị nghi ngờ sẽ ngã theo bọn khủng bố.

Trong lịch sử thế giới, các phe phái tranh dành chính quyền có thể dùng khủng bố như là một trong những phương tiện để hỗ trợ cho mục đích chiếm chính quyền nhưng không một phe phái nào chỉ dùng khủng bố thôi mà có thể cướp chính quyền. Khủng bố là phương cách của một nhóm thiểu số quá khích cực đoan (ultra-extremist) do biết rõ đại đa số người dân và các thế lực chính trị trong và ngoài nước không ủng hộ chúng, và tự chúng cũng không có sức mạnh chính trị hay quân sự để đạt được mục đích chiếm chính quyền nên phản ứng bằng cách khủng bố. Mục đích của khủng bố là tạo ra sự hoang mang lo sợ trong chúng ta để làm sinh ra trong chúng ta lòng nghi ngờ sự dữ và kỳ thị để rồi làm nên những chính sách áp bức những người mà chúng ta nghi ngờ là khủng bố khiến họ không còn cách nào hơn là theo phe khủng bố để phản kháng lại những gì chúng ta áp chế họ.

Ý định của bọn khủng bố là muốn đưa ra một hình ảnh thế giới cho những người theo đạo Hồi thấy. Thế giới này chỉ có 2 phe. Một phe là bọn khủng bố. Một phe là những người khác áp chế người theo đạo Hồi hay là những kẻ tà ác nghịch lại với lẽ đạo và niềm tin Hồi Giáo. Nhưng thật sự thì thế giới đó, như một người bình thường trong chúng ta đã biết, có nhiều thành phần tạm kể theo thứ tự như sau: (1)Đại đa số là ôn hòa; (2)Một số nhỏ có khuynh hướng “cấp tiến” – radical; (3)Một số ít hơn nhóm 1 và 2 theo khuynh hướng “cực đoan” nhưng không chấp nhận hành động bạo động khủng bố; (4)Một số rất ít là khủng bố. Nếu để cho lòng “nghi ngờ sự dữ” và sự kỳ thị làm sinh ra những chính sách áp chế những người trong nhóm 2 và 3 sẽ khiến cho nhiều thành phần trong hai nhóm này bị bọn khủng bố thuyết phục rằng thế giới chỉ có 2 phe như chúng đã tuyên truyền và họ dễ bị chúng cám dỗ rằng chẳng thà theo chúng còn hơn là bị nghi ngờ, kỳ thị và áp chế. Lòng nghi ngờ sự dữ và sự kỳ thị sẽ làm cho đại đa số người Hồi Giáo ôn hòa nghi ngờ rằng xã hội dân chủ pháp trị mà chúng ta đang có không thật sự là dân chủ và công bằng. Họ sẽ bị “trung lập hóa” hay trở nên thụ động bàng quan trước nan đề giải quyết nguy cơ khủng bố.

Do đó chúng ta phải quân bình giữa hai việc. Chúng ta biết rõ những nguy hiểm và sự tàn bạo của bọn khủng bố và cần phải đề cao cảnh giác. Nhưng chúng ta không thể để cho đời sống mình bị ám ảnh và sợ hãi vì một tỷ lệ rất-rất-rất nhỏ nhoi bọn khủng bố mà phần 1 và 2 ở trên đã chỉ ra. Các chuyên gia chống khủng bố và các chính quyền có khả năng luôn luôn làm sáng tỏ và phân biệt việc đề phòng khủng bố bằng cách tìm ra và vô hiệu hóa những cá nhân đáng bị nghi ngờ nhưng không bao giờ gán ghép một cộng đồng nào đó là đáng bị nghi ngờ chỉ vì có một số người trong cộng đồng đó là khủng bố. Lịch sử thế giới nói rằng một nền dân chủ pháp trị với những công dân yêu nước và sẵn sàng làm trọn trách nhiệm hợp pháp để bảo vệ nền dân chủ pháp trị là cách duy nhất để chiến thắng mọi hành động khủng bố. Sâu xa hơn nữa chỉ có tình yêu thương và sự khôn ngoan truyền đạt lẽ thật Tin Lành mới hóa giải nọc độc khủng bố. Chúng ta sẽ nói đến điều sâu xa này trong phần 2.

4. Đừng để cho những tin tức sai lạc phóng đại tầm vóc của bọn khủng bố do chúng đưa ra hay do nhiều mạng truyền thông thông tin vì muốn thu hút khán thính giả cho những lợi ích thương mại của họ — lừa dối được chúng ta khiến chúng ta từ khước người tỵ nạn Hồi Giáo.

Một thí dụ là các cơ quan truyền thông Úc, đặc biệt qua TV và radio, trong những năm sau vụ nổ bom ở Bali năm 2002, đã luôn đưa tin hàng đầu về tổ chức cực đoan Jemaah Islamijah dưới sự lãnh đạo của Abu Baka Bashir như là một tổ chức có ảnh hưởng trên toàn đất nước Indonesia. Nhưng khi cá nhân người viết tìm hiểu trao đổi với các Mục sư và lãnh đạo Cơ Đốc Nhân ở Indonesia thì họ cho biết đó là một sự phóng đại rất lớn vì tổ chức này chỉ là một nhóm ảnh hưởng ở “vùng sâu vùng xa” nghèo đói của một tỉnh trong một tiểu bang của Indonesia. Hiện nay Abu Baka Bashir đang chịu án tù vì khủng bố và những tổ chức có liên hệ với ông ta bị các cơ quan an ninh Indonesia kiểm soát gắt gao.

Gần đây nhất, nhiều người và nhiều cơ quan truyền thông lấy lý do là một trong những tên nổ bom tự sát trong 6 vụ khủng bố đồng loạt ở Pháp vào ngày 13-11-2015 đã đến Châu Âu bằng thông hành tỵ nạn để đưa ra luận cứ là tốt nhất là không nên nhận người tỵ nạn gốc Hồi Giáo! Thế nhưng cơ quan an ninh Pháp cho biết là chỉ có 1 tên dùng thông hành tỵ nạn trong khi 7 tên còn lại là những công dân Pháp và Bỉ.

Chắc chắn là bọn khủng bố sẽ tuyển mộ người tỵ nạn theo chúng. Chắc chắn là bọn khủng bố có thể gây ra những vụ thảm sát như ở Pháp vào ngày 13-11-2015. Nhưng liệu chúng ta sẽ đối xử với người tỵ nạn theo cách là từ bỏ hàng chục ngàn người vô tội để khỏi bị một số tên khủng bố thâm nhập không? Đó có phải là cách Chúa Giê-su đối phó với người tỵ nạn gốc hồi giáo không? Đó có phải là một lý luận chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo bằng thái độ cực đoan giống như chúng và với sự sợ hãi chúng mà chúng mong ước chúng ta sẽ có không? Nếu theo lý luận này thì có phải chúng ta sẽ nói rằng chính phủ Ngô Đình Diệm ngày xưa, vào năm 1954, không nên cho tiếp đón và tái định cư ở miền nam Việt Nam trên nữa triệu người tỵ nạn cộng sản vì sẽ có vài ngàn gián điệp phá hoại cộng sản nằm trong nữa triệu người đó? Các chính quyền có trách nhiệm xét duyệt xem ai là người tỵ nạn thật sự. Đó là điều tất nhiên. Nhưng không thể đồng hóa người tỵ nạn với bọn khủng bố.

Chúng ta sẽ trả lời với Chúa Giê-su như thế nào khi Ngài đã kể ra câu chuyện ẩn dụ về chiên và dê trong Ma-thi-ơ 25.41-46:

41Bấy giờ Ngài phán với những người ở bên trái: ‘Hỡi những kẻ bị rủa sả, hãy lui ra khỏi Ta mà vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho quỷ vương và quỷ sứ nó. 42Vì khi Ta đói, các người không cho Ta ăn; Ta khát, các người không cho Ta uống. 43Ta là khách lạ, các người không tiếp đãi; Ta trần truồng, các người không mặc cho; Ta đau ốm, tù đày các người không thăm viếng.’ 44Bấy giờ họ đáp: ‘Lạy Chúa, chúng con có bao giờ thấy Ngài đói khát hay là khách lạ, trần truồng, đau ốm hay tù tội mà không chăm sóc đâu?’45Vua bèn phán với họ: ‘Thật, Ta bảo cùng các người, hễ các người không làm điều đó cho một trong những người hèn mọn nhất này, tức là không làm cho Ta.’46Vậy, những kẻ này sẽ đi vào hình phạt đời đời còn những người công chính đi vào sự sống vĩnh phúc.”

5. Có rất nhiều người bị bọn khủng bố lừa gạt, nhồi sọ hay ép buộc theo chúng. Nay họ đang tìm cách thoát ra khỏi sự kiểm soát và áp chế của chúng.

Tháng 4 năm 2014 một thiếu nữ người Áo gốc Bosnian tên Samra Kesinovic đã cùng một thiếu nữ khác là Sabina Selimovic trốn gia đình đi từ Áo đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó Syria để gia nhập ISIS. Kesinovic được ISIS dùng làm “poster girl” đem hình ảnh tươi đẹp của cô lên các trang mạng xã hội có liên hệ với chúng để tuyên truyền cổ động thanh thiếu niên gốc Hồi Giáo sống ở Châu Âu gia nhập ISIS chiến đấu vì Allah. Sau đó ISIS bắt các cô làm “vợ” thật ra là làm công tác thõa mãn tình dục cho các chiến binh Hồi Giáo. Selimovic chết trong một trận đánh. Kesinovic bỏ trốn nhưng bị bắt và bị đánh chết. Rất nhiều người, đặc biệt các thanh thiếu niên, bỏ trốn đều bị chúng bắt được và giết chết.

Cho đến nay vấn đề giáo dục giải thích cho các gia đình và cộng đồng Hồi Giáo ở các nước Tây Phương vẫn rất yếu ớt so với những lời mạnh mẽ kêu gọi không nên lầm lẫn người theo đạo Hồi với bọn khủng bố. Đây là trách nhiệm trước tiên của chính cộng đồng Hồi Giáo và các chính quyền liên hệ. Phải có một sự phối hợp đồng đều hai điều quan trọng như nhau này.

Kết Luận: Thái độ và hành động của Cơ Đốc Nhân trước những dữ kiện và sự thật về những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan.

Chúng ta thấy rõ những nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan có tầm vóc đem khủng bố ra ngoài Syria, Iraq và Afghanistan như ISIS,Al-Quaeda, Abu Sayaaf vv về thực chất không phải là những tổ chức có tầm vóc quần chúng. Chúng không được đại đa số cộng đồng Hồi Giáo ôn hòa ủng hộ. Những thành phần Hồi Giáo cấp tiến (radical) không phải là cực đoan (extremist) và ngay những thành phần cực đoan cũng không sẵn sàng làm chuyện khủng bố giết người vô tội. Người Hồi Giáo trong vùng chúng kiểm soát hay có ảnh hưởng cũng không thật lòng theo chúng.  Họ theo chúng vì không theo thì bị chúng giết chết. Chúng đi đến đâu thì người dân bỏ chạy ngay. Trong tình trạng đó chúng phải tuyển mộ người gốc Hồi Giáo ở các nước Âu Mỹ về Syria, Iraq hay Afghanistan để chiến đấu cho chúng. Chúng tìm cách để tái xử dụng những “cựu chiến binh” đang sống ở các nước Âu Mỹ để làm những công tác khủng bố ở “nước ngoài” nhằm mục đích gây tiếng vang. Chúng đặc biệt chú ý tuyển mộ những thanh thiếu niên ngây thơ dễ bị nhồi sọ hay lừa dối làm anh hùng tử đạo. Cho dù chúng có thể làm được một số vụ khủng bố nhưng chúng ta không thể để cho chúng khủng bố đến tinh thần và tâm lý của chúng ta, làm chúng ta sợ hãi và xáo trộn đời sống của mình. Chúng ta cần điều chỉnh nếp sống của mình với ý thức đề cao cảnh giác và trách nhiệm với an ninh chung của xã hội và quốc gia.  

Tất cả những hiểu biết kể trên cho thấy chúng ta phải cầu nguyện nhiều cho những điều như sau:

(1) Chúa soi dẫnn chúng ta, trong vị trí là công dân của đất nước và xã hội mà Chúa đặt chúng ta sống trong đó, có thể làm những điều gì tích cực, hợp pháp và dưới sự soi sáng của Lời Chúa trong vấn nạn khủng bố.

(2) Chúa ban ơn cho các cơ quan an ninh kịp thời ngăn chặn hay vô hiệu hóa những tổ chức khủng bố và những âm mưu tuyển mộ người của chúng.

(3) Chúa mở đường cho các chính quyền và xã hội có sự khôn ngoan và kiên nhẫn thi hành luật pháp của nền dân chủ pháp trị để xử lý những thành viên và tổ chức khủng bố.

(4) Các thành phần sắc tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau đồng hành với nhau trong sự hòa hợp, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và cùng đóng góp xây dựng đất nước và xã hội mà họ đang sống trong đó.

(5) Có sự phối hợp và quân bình giữa việc mọi người cùng lên tiếng kêu gọi không kỳ thị hay xuyên tạc cộng đồng Hồi Giáo và việc cộng đồng Hồi Giáo phải tương ứng có trách nhiệm với cộng đồng chung trong vấn đề giáo dục các thành viên của mình, đặc biệt giới trẻ về những sự lừa dối, nhồi sọ và hủy diệt của bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan.

Phạm Phi Phi

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan