Tôi đã nản lòng và thất bại. Tôi di chuyển đến Scranton, Pennsylvania, để giúp mở mang một Hội thánh đặt trọng tâm vào Phúc Âm, nhưng tôi không ngờ Scranton là một nơi sỏi đá thuộc linh như thế.
Có một sự tê liệt văn hóa bao trùm khu vực. Nó từng là một trung tâm điểm của vùng vành đai than đá Đông Bắc, nhưng những ngày thịnh vượng đã qua từ lâu. Thực tế, bạn có thể nói rằng giấc mơ của người Mỹ ở Scranton đã chết từ năm 1950. Người dân trong cái thành phố cũ kỹ miền núi này đã bị làm cho suy sụp: các trường học đã làm hỏng, các chính trị gia đã phá hỏng, các công ty đã làm hư đi và hội thánh cũng làm như vậy.
Thành phố được xây trên đỉnh của những mỏ than nằm sâu ở dưới là nơi mọi người làm việc. Khi người ta bỏ phế các mỏ than, không chỉ là mọi người mất việc làm, nhưng tài sản của họ cũng rơi vào tình trạng rủi ro. Rất thường khi đất hở lớn ra và một khu đậu xe hay một căn nhà của ai đó bị biến mất vào cái khoảng trống vô đáy vĩ đại mà có lần là những cái mỏ.
Tình trạng tệ hại của thành phố cũng phản ảnh tâm trạng của nó. Ở Scranton, người ta không còn tin rằng sẽ có một cái gì đó tốt lành xảy ra được, và họ cũng không tin rằng có ai đó quan tâm. Như một sinh viên ở Phi-la-đen-phi, khá lâu trước khi tôi đến đó, tôi thường nghe lời diễu cợt về Scranton: “Bạn có biết ai sẽ ra ứng cử Thị Trưởng Scranton không? Không một ai ra cả… nên ông ấy thắng cử!”
KHÓ KHĂN VÀ SỰ NON NỚT.
Tôi được 27 tuổi, tràn đầy sức sống và mong ước, vào một trong những nơi gai góc nhất ở Hoa Kỳ để mở một Hội thánh. Khi tôi dời đến, tôi không biết tôi sẽ phải đối diện với điều gì, nhưng chẳng mất bao lâu thì sự thực diễn ra.
Chúng tôi là một nhóm tín hữu nhỏ đang “vật lộn”, cố gắng trở nên ánh sáng trong một thành phố bị tổn thương, trầm cảm và cay nghiệt. Những gia đình mà chúng tôi tìm đến phục vụ có nhiều tranh chấp trong các quan hệ và tài chánh. Có một thời kỳ mà tỷ lệ thất nghiệp ở Scranton là 17 phần trăm!
Đúng là có một số điều tốt đẹp xảy ra. Chúng tôi có thể lập nên một cộng đồng nhỏ bé yêu thương và cung cấp chỗ an toàn cho vài người bị tổn thương. Chúng tôi khởi đầu một trường học Cơ Đốc như là để thay thế cho các trường học của thành phố đổ vỡ. Nhưng mục vụ ở đây thật nặng gánh mà tôi lại chưa được tôi luyện, tự hào và lại non nớt.
Tôi tốt nghiệp danh dự tại một viện thần học. Tôi thắng nhiều phần thưởng khác nhau và tôi rời khỏi viện thần học với ý nghĩ là tôi đã sẵn sàng để nắm lấy thế giới vô tín. Nhưng như là một Mục sư trẻ không kinh nghiệm, tôi chưa thực sẵn sàng cho mục vụ, và sự non nớt của tôi nhanh chóng lộ ra. Một vài lần xem lại các bài giảng đầu tiên ở Scranton, và mỗi lần như vậy, tôi muốn gửi thư xin lỗi đến những người nghèo khó đã phải ngồi nghe tôi giảng. Có một lần tôi giảng với lòng kiêu ngạo, và tôi nghĩ đó là bài giảng tốt nhất cho đề tài đó (một sự đánh giá mà khôi hài thay chẳng có khiêm nhường!)
Đó là một thảm họa. Không chỉ là môi trường ở đó rất là khó để mà phục vụ nhưng sự ấu trĩ của tôi luôn xảy ra ở khắp mọi nơi. Khi khó khăn và sự non nớt gặp nhau thì luôn luôn có kết cục là một vài loại thảm họa. Chẳng bao lâu, tôi bắt đầu kinh nghiệm sự chống đối từ cả bên ngoài lẫn sự chỉ trích từ bên trong Hội thánh. Lúc đó, chúng có vẻ là độc ác và bất kính với tôi.
Cuối cùng, điều tôi nghĩ là tôi đã dời gia đình tôi đến nơi khó nhọc này, tôi đã làm việc siêng năng trong mỗi ngày, và tôi đã làm những gì tốt nhất có thể được để xử dụng các ân tứ mà Chúa ban cho tôi. “Chúa ơi! Hãy cho con được yên nghĩ!” Nhưng giờ đây nhìn lại, rất nhiều điều phê bình tôi là chính đáng.
CUỘC NÓI CHUYỆN LÀM TÔI MUỐN BỎ CUỘC
Một tối Chúa Nhật kia, một người đàn ông trong Hội thánh nhỏ bé của chúng tôi gọi và hỏi có thể nói chuyện với tôi. Giờ ăn tối vào ngày mai là khoảnh giờ duy nhất có thể được nên vợ tôi, Luella sửa soạn một buổi ăn cho chúng tôi ở văn phòng trên tầng lầu thứ ba.
Đến buổi họp, tôi mong đợi ông này nói cho tôi biết là bài giảng của tôi đã động chạm đến ông và vì vậy ông cần tôi tư vấn. Nhưng thật rõ là ông không muốn nói chuyện về bài giảng của tôi, hay về ông ta. Không, ông muốn nói chuyện về tôi.
Không ai trong chúng tôi đụng đến bữa ăn.
Ông ta bắt đầu phê bình cách tôi giảng và kết thúc bằng sự phê bình tất cả mọi sự về tôi. Tôi không thể tin được điều tôi đang nghe. Sau đó, ông hỏi nếu tôi có muốn theo đến nhà ông vì vợ của ông cũng muốn nói chuyện với tôi nữa. Khi tôi đến, bà làm y như những gì chồng bà đã làm và với tôi thì thời gian như kéo dài không dứt. Cắt ngắn lại câu chuyện, họ nói với tôi rằng nhiều người khác trong Hội thánh nhỏ bé của chúng tôi cũng cảm nhận y như họ.
Tối hôm đó, trên đường lái xe về nhà, tôi không chỉ muốn bỏ cuộc mục vụ chăn bầy – Tôi còn muốn chết. Tôi cảm thấy bị mổ xẻ, đoán xét và kết án, và tôi không biết cách làm sao tiếp tục chức vụ nếu mọi người cảm nhận như vậy về mình. Làm sao tôi có thể tư vấn cho họ đây? Làm sao tôi có thể đứng giảng trước họ? Bằng cách nào tôi có thể yêu cầu họ tin cậy và theo sự hướng dẫn của tôi? Làm sao tôi có thể khích lệ họ mời gọi những người khác đến với Hội thánh?
Sự kêu gọi tôi làm Mục sư ở Scranton – đã khiến tôi quá đỗi vui mừng chấp nhận – bây giờ cứ như là một điều không thể được. Những người mà tôi nghĩ là đã yêu thương và ủng hộ tôi bây giờ cứ như là một tập hợp của những người phê phán tôi. Tôi là một Mục sư bị tan vỡ và tôi không biết làm sao để mà tiếp tục mục vụ.
Những tuần sau đó, tôi cứ như là vùng vẫy dưới bãi sình lầy sâu thẳm trong chỗ hoàn toàn tối tăm mà không thấy rõ nơi sẽ đi đến. Tôi xem lại lòng phục vụ, nhưng lòng tôi đã rời khỏi Scranton. Cách duy nhất mà tôi đã làm trong mỗi tuần là cứ hoang tưởng về một số cơ hội mục vụ ở những chỗ khác.
Trong tâm trí của tôi, tôi phải trổi lên trên ngai như là người làm chủ tình hình và dựng nên một tình huống mục vụ lý tưởng, với một cộng đồng hội thánh kính yêu tôi và sự giảng dạy của tôi, và tôi kinh nghiệm được nhiều kết quả. Những hoang tưởng đó là nỗi vui duy nhất tôi tìm được trong những tuần tăm tối đó, nó giống như là một dạng tự làm mình sung sướng thuộc linh. Vấn đề duy nhất là tôi phải thức dậy với sự thực tế của những chống đối bên ngoài và những phê phán bên trong, và một lần nữa, những ảnh hưởng công phá của chúng sẽ mau chóng tràn ngập tôi
Sau cùng tôi giải quyết rằng cách duy nhất thoát khỏi là từ chức. Tôi đã có bằng cấp về giáo dục, và tôi đã giúp lập nên một trường học. Thế nên tôi bắt đầu tìm những cơ hội trong lãnh vực giáo dục Cơ Đốc. Không một ai biết tôi đang làm điều này – Hội chúng, những nhân sự lãnh đạo của tôi và ngay cả vợ tôi.
Mới đầu là hoang tưởng, nhưng không lâu sau đó, tôi muốn kinh nghiệm cái hoang tưởng đó. Tôi đã kiếm được một việc làm rất tốt ở California và bắt đầu liên hệ với chỗ đó. Tôi nói trước hết với Luella và sau đó với các nhân sự lãnh đạo, rằng tôi không thể là Mục sư ở Scranton được nữa. Tôi sẽ rời khỏi chức vụ. Luella chỉ đơn giản nói tôi đừng làm gì cho đến khi tôi thật chắc chắn về điều đó, và các nhân sự lãnh đạo của tôi nài xin tôi đừng đi. Nhưng lòng tôi đã định rời đi rồi. Tôi không còn ý chí hay sức mạnh để tiếp tục. Tôi không thể hình dung ra một khung cảnh mà tôi ở lại sẽ đem kết quả cho tôi hay hội chúng. Dường như là họ chẳng còn tin cậy tôi nữa, và tôi cũng đang có vấn đề không thể tin cậy được họ!
Sau cùng tôi báo với ban lãnh đạo rằng tôi đã chọn một ngày Chúa Nhật để thông báo quyết định từ chức. Tôi không thể chờ thêm để trút bỏ gánh nặng Scranton ra khỏi hai vai của mình và chuyển đến chỗ dường như tốt hơn rất nhiều.
CUỘC NÓI CHUYỆN CỨU LẤY MỤC VỤ CỦA TÔI
Cái ngày Chúa Nhật tôi từ chức đã đến. Vào cuối buổi nhóm có hai nhân sự lãnh đạo đứng với tôi. Tôi thông báo. Hội chúng nhỏ bé của buổi sáng đó bị “shock” và kinh ngạc.
Sau giờ nhóm, tôi vẫn đứng ở phía trước bục giảng và nói chuyện với từng người. Họ rất buồn về sự ra đi của tôi. Tôi nghĩ: “Ngay cả những người phê phán cũng có những lúc tử tế.” Sự buồn thảm của họ không đụng chạm đến lòng tôi. Khi mọi người đã ra về, tôi vẫn giữ ý rời đi. Không còn ai trong tòa nhà nhỏ mà chúng tôi mướn. Cho nên tôi đi khóa cửa ở chỗ đón tiếp người vào.
Điều xảy ra kế tiếp làm thay đổi đời sống của tôi mãi mãi.
Tôi ngước nhìn chung quanh sau khi khóa cửa và thấy Bob Westcott đứng ở đó. Ông chờ tôi nãy giờ. Bob là người lớn tuổi nhất, một người đáng yêu, nhưng đang ở trong tình trạng tranh chiến sâu thẳm với sự trầm cảm. Ông không phải là người tư vấn, thầy giáo hay một người làm việc sắp về hưu.
Khi thấy ông, tôi ngay lập tức ước rằng giá mà ông không có ở đó. Tôi chỉ muốn đi yên lặng về nhà. Tôi chẳng muốn nói chuyện với ai hay lại có một cuộc nói chuyện vớ vẩn đầy đau đớn. Ông nhìn vào mặt tôi, và tôi như là muốn nói, “Bob, tôi không biết tại sao ông chờ tôi, nhưng tôi không thể nói chuyện ngay lúc này.” Nhưng tôi đóng cửa miệng tôi lại.
Với một giọng nói êm dịu, Bob nói, “Tôi có thể nói điều này cho ông không? Chỉ mất một phút thôi. Tôi bảo, “Được chứ.” Rồi ông nói, “Tôi biết ông bị mất tinh thần, nhưng tôi muốn ông nghe điều tôi sắp nói: Chúng tôi biết rằng ông còn trẻ và chưa trưởng thành (Tôi nghĩ, “Khổ quá, lại cái khởi đầu như vậy nữa rồi!”). Ông tiếp tục, “Paul, chúng tôi chưa yêu cầu ông rời đi.” Rồi ông phát ra một câu hỏi là một quả bom cho tôi: “Hội thánh sẽ đi đâu để tìm kiếm một Mục sư trưởng thành nếu vị Mục sư chưa trưởng thành rời đi?”
Ngay lập tức, câu hỏi phá tung cách giải quyết rời đi của tôi. Khi tôi kể lại cuộc nói chuyện này với những người khác trong những năm qua, tôi nói rằng ngay lúc đó, tôi cảm thấy như là Chúa đã đóng đinh giày của tôi vào chỗ tiếp tân của Hội thánh đó. Tôi biết ngay lập tức rằng tôi không thể bỏ đi.
QUYỀN NĂNG BIẾN ĐỔI CỦA LỜI CHÚA
Bởi ân sủng của Chúa, tôi hiểu ra điều gì đang xảy ra ngay trong giây phút đó. Không phải tôi đối diện với lời của Bob Westcott. Không, tôi được thuyết phục là Chúa đã dấy một ông cụ đang khủng hoảng như thế này để nói lên lời khôn ngoan giải cứu cho một Mục sư trẻ tuổi tự hào đang chạy trốn bỏ cuộc. Không phải là tôi bỏ chạy khỏi Scranton – tôi sắp khởi đầu một hành trình của Giô-na trốn chạy khỏi Ngài. Nhưng một người không ngờ được đã nói lên lời Chúa cho lỗ tai không sẵn sàng (của tôi) và mọi sự được biến đổi.
Tôi thật vui mừng Bob Wescott đã sẵn sàng. Tôi cảm tạ rằng ông đã chờ đợi trong chỗ chào khách, thật cảm tạ rằng ông đã nói theo cách mà tôi có thể nghe, và lạ lùng thay vinh hiển của ân sủng của Đấng đã dấy Bob lên để giải cứu tôi ra khỏi chính mình.
Một người, trong một giây phút, đã sẵn lòng nói lên lẽ thật trong tình yêu thương và câu chuyện đời của người nghe thay đổi mãi mãi.
Nếu không có cuộc nói chuyện đó, tôi nay đã bỏ cuộc khỏi mục vụ chăn bầy. Tôi đã chẳng bao giờ đến Thần Học Viện Westminter để được huấn luyện thêm. Tôi đã không bao giờ phục vụ cho CCFF và học áp dụng phúc âm vào cuộc sống mỗi ngày. Tôi đã chẳng bao giờ viết một cuốn sách về ân sủng biến đổi của Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh khốn khó, những quan hệ và những nơi của thế giới bị tan vỡ. Tôi đã không bao giờ kinh nghiệm được đời sống đặc ân của mục vụ được phước lạ lùng mà đã trở thành chuyện đời của tôi.
Đức Chúa Trời đã làm cho sự thương xót không thấy được của Ngài trở nên thấy được bằng cách đem những con người có lòng thương xót đến với những con người cần sự thương xót. Thế nên hãy chú tâm đến những tranh chiến của người khác. Hãy sẵn sàng đối diện với một bạn tín hữu là người có ý định bỏ cuộc. Hãy nói những lời khích lệ với những ai đã sẵn ý bỏ cuộc. Hãy làm nhập thế sự hiện diện của Chúa… và nhìn xem những điều Chúa sẽ làm!
Không thể nào dùng chữ nghĩa để diễn tả tầm vóc của sự chăm sóc yêu thương của ân sủng Chúa, và cũng không thể nào đoán trước ai là người mà Chúa sẽ dùng để mở rộng ra ân sủng đó đến cho chúng ta. Thế nên hãy nói với các anh chị em của quý vị với lòng chăm sóc và cẩn thận – Đức Chúa Trời có thể dùng quý vị để thay đổi mãi mãi một cuộc đời. Có ai được như là Chúa của chúng ta không?
(Nguồn: churchleaders.com)
Dịch: Ánh Dương (BBT).