Đời Sống Cầu Nguyện Riêng Tư Của Chúa Jêsus; Mục Đích Chúa Đến – Mác 1:35-39

Share

Mọi sự kiện trong cuộc đời của Chúa chúng ta ở trên đất và mọi lời nói ra từ môi miệng của Ngài, phải rất thú vị đối với một Cơ Đốc Nhân chân chính. Chúng ta thấy một sự kiện và một câu nói trong phân đoạn rất đáng được chú ý này.

Thói quen cầu nguyện của Chúa Jêsus là tấm gương

   Trước hết, chúng ta thấy một tấm gương về thói quen cầu nguyện riêng tư của Đức Chúa Jêsus Christ. Kinh Thánh cho biết rằng vào sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó.

   Chúng ta sẽ tìm thấy điều tương tự thường được ghi lại về Chúa chúng ta trong lịch sử của Phúc Âm. Khi Ngài chịu phép Báp-tem, Kinh Thánh cho biết Ngài đương cầu nguyện (Lu-ca 3:21). Khi Chúa hóa hình, Kinh Thánh cho biết rằng đương khi cầu nguyện, diện mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói lòa (Lu-ca 9:29). Trước khi chọn mười hai sứ đồ, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jêsus . . . thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời (Lu-ca 6:12). Khi mọi người đều nói tốt về Ngài và chân thành muốn tôn Ngài làm vua, thì Kinh Thánh cho biết Ngài lên núi để cầu nguyện riêng (Ma-thi-ơ 14:23). Khi bị cám dỗ trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi hãy ngồi đây, đợi ta cầu nguyện (Mác 14:32).

   Tóm lại, Chúa chúng ta luôn luôn cầu nguyện và không hề nao núng. Dù Ngài vô tội, Ngài vẫn làm gương cho chúng ta thấy sự thông công thường xuyên với Cha của Ngài. Thần tánh của Chúa không phải là lời bào chữa, để Ngài không cần dùng đến hết thảy công cụ giống như loài người. Sự toàn hảo của Ngài là sự hoàn hảo được duy trì bởi sự luyện tập cầu nguyện.

   Chúng ta có thấy tầm quan trọng to lớn của sự thờ phượng trong chỗ riêng tư chưa. Nếu Chúa là thánh, vô tội, không thuộc hạng tội nhân, đã cầu nguyện thường xuyên như vậy, thì huống chi chúng ta là những kẻ thường hay yếu đuối càng phải làm thế nào đây? Nếu Chúa còn dâng lên những lời cầu xin bằng tiếng khóc và nước mắt, thì chúng ta càng phải thấy cầu nguyện là điều thiết yếu thế nào khi đứng trước rất nhiều nhu cầu mỗi ngày?

   Chúng ta sẽ nói gì với những người không bao giờ cầu nguyện khi gặp phải một phân đoạn như thế này? Sợ rằng đang có rất nhiều người đã làm Báp-tem rồi nằm trong danh sách này – nhiều người thức dậy vào buổi sáng mà không cầu nguyện và đi ngủ vào buổi tối cũng không cầu nguyện – cũng có nhiều người chẳng nói một lời nào với Đức Chúa Trời. Họ có phải là Cơ Đốc Nhân không? Thật khó nói lắm! Một bậc thầy cầu nguyện như Chúa Jêsus không thể nào có những đầy tớ không cầu nguyện. Tâm thần của sự làm con nuôi, sẽ luôn khiến một người kêu cầu Đức Chúa Trời. Không cầu nguyện là không có Đấng Christ, không có Đức Chúa Trời, và đang trên đà diệt vong.

   Chúng ta sẽ nói gì với những người cầu nguyện, mà dành ít thời gian cầu nguyện đây? Chúng ta buộc phải nói rằng họ đang cho thấy mình có ít tâm trí của Đấng Christ. Ít cầu xin, thì ít nhận lãnh. Ít tìm kiếm, thì đương nhiên là chẳng có nhiều. Lúc nào cũng vậy, ít cầu nguyện, thì ân điển, sức lực, bình an và hy vọng cũng ít ỏi theo.

   Như Trail đã viết vào năm 1906 rằng: Người hầu việc Chúa phải cầu nguyện nhiều, nếu họ muốn kết quả. Các sứ đồ cũng dành thời gian làm việc này (Công-vụ 6:4). Đúng là Chúa của chúng ta đã rao giảng suốt ngày, rồi tiếp tục dành cả đêm ở một mình cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Người hầu việc Chúa phải dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Họ biết tính toán thời gian cho việc học và nghiên cứu. Nhưng nếu dành nhiều thời gian để cầu nguyện thì sẽ tốt cho cả chúng ta và Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Luther đã dành ba tiếng mỗi ngày để cầu nguyện riêng, Bradford quỳ gối để nghiên cứu, còn những người khác trong thời đại của chúng ta nữa, họ chỉ được kể lại chứ không ai bắt chước giống họ.

   Chúng ta nên theo dõi thói quen cầu nguyện của mình bằng sự tỉnh thức. Đây là nhịp đập của Cơ Đốc giáo. Đây là bài kiểm tra thực sự về tình trạng của chúng ta ở trước mặt Đức Chúa Trời. Đây mới là tôn giáo thật ở trong linh hồn. Khi loài người xa cách Đức Chúa Trời, thì họ suy tàn và thụt lùi. Chúng ta hãy bước theo dấu chân của Thầy ở trong sự cầu nguyện cũng như mọi điều khác nữa. Chúng ta hãy siêng năng thờ phượng cách riêng tư giống như Chúa. Chúng ta cần phải biết đi ra nơi vắng vẻ và cầu nguyện.

Mục đích Chúa đến

   Một điều nữa trong phân đoạn này, chúng ta có thấy một câu nói đáng chú ý về mục đích Chúa đến thế gian không. Chúng ta thấy Chúa phán rằng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”.

   Ý nghĩa của mấy từ này là rõ ràng và không thể nhầm lẫn. Chúa của chúng ta tuyên bố rằng, Ngài đã đến thế gian để truyền đạo và dạy dỗ. Chúa đến để hoàn thành chức vụ tiên tri, trở thành tiên tri vĩ đại hơn Môi-se, là người đã được báo trước từ lâu (Phục truyền 18:15). Chúa đã bỏ vinh hiển trong cõi đời đời với Đức Chúa Cha, để làm công việc của người truyền đạo Tin Lành. Chúa đã đến thế gian để cho loài người biết đường bình an, để công bố sự cứu rỗi cho kẻ bị tù và ban ánh sáng cho kẻ mù. Công tác chính của Ngài ở thế gian là đi khắp nơi và công bố tin mừng, chữa lành người có lòng đau thương, soi sáng kẻ nào ngồi trong chỗ tối tăm, và tha thứ cho những tội nhân đáng chết. Chúa phán rằng: “Vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”.

   Chúng ta cần nhìn thấy Chúa Jêsus đã cho chức vụ truyền đạo sự vinh hiển vô cùng. Đó là một chức vụ mà chính Con Đức Chúa Trời đời đời đã đảm nhận. Chúa có thể ở trên đất để thi hành chức vụ thiết lập và duy trì các nghi lễ giống như A-rôn. Chúa có thể cai quản và trị vì như vua Đa-vít. Nhưng Chúa đã chọn một sự kêu gọi khác. Cho đến khi Ngài hy sinh chịu chết vì tội lỗi của chúng ta, thì công tác mỗi ngày và gần như hàng giờ của Ngài là rao giảng. Chúa phán rằng: “Vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”.

   Chúng ta đừng để mình bị nao núng trước những lời bôi nhọ chức vụ của người truyền đạo, và cho rằng những lễ nghi quan trọng hơn các bài giảng. Chúng ta hãy dành riêng cho sự thờ phượng Chúa một vị trí và sự tôn trọng thích hợp, nhưng hãy cẩn thận đừng để cho các chi tiết ấy có phần trổi hơn sự giảng luận.

   Chính vì sự giảng luận mà Hội Thánh của Đấng Christ được nhóm lại lần đầu tiên, cũng vì sự giảng luận mà Hội Thánh được khỏe mạnh và thịnh vượng. Vì sự giảng luận mà tội nhân được thức tỉnh. Vì sự giảng luận mà những kẻ thắc mắc có hướng đi. Vì sự giảng luận mà thánh đồ được gây dựng. Vì sự giảng luận mà Cơ Đốc giáo tiến ra thế giới ngoại đạo. Ngày hôm nay, có nhiều người chế nhạo các giáo sĩ và sỉ nhục người nào rao giảng cho đám đông ngoài trời ở trên đường phố. Nhưng họ sẽ tốt hơn nếu dừng lại và bình tĩnh xem xét những điều đó. Chính công tác mà họ chế giễu là công tác đã thay đổi cả thế giới và quăng xa chủ nghĩa ngoại giáo xuống đất. Trên hết, đó chính là công tác mà chính Đấng Christ đã đảm nhận. Chính Vua các vua và Chúa các chúa đã từng là một truyền đạo.

   Trong ba năm trời, Chúa đã đi đây đi đó rao giảng Tin Lành. Đôi khi, chúng ta thấy Ngài ở trong nhà, có lúc trên sườn núi, có khi trong nhà hội của người Do Thái, đôi khi ở trên thuyền trên biển. Nhưng công tác vĩ đại mà Chúa đảm nhận luôn là một và không thay đổi. Chúa đến để giảng và dạy. Chúa phán rằng: “Vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”.

   Chúng ta hãy đúc kết phân đoạn này bằng một quyết tâm nghiêm túc là chớ khinh dể các lời tiên tri (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:20). Vị Mục Sư mà chúng ta đang lắng nghe có thể không tài năng. Những bài giảng mà chúng ta nghe có thể yếu kém và nghèo nàn. Nhưng xét cho cùng, giảng luận là công cụ mà Đức Chúa Trời dùng để cải đạo và cứu rỗi linh hồn. Người truyền đạo Phúc Âm trung tín đang có trong tay thứ vũ khí mà Con Đức Chúa Trời đã sử dụng mà chẳng hề xấu hổ. Đây là công tác mà Đấng Christ đã phán rằng: “Vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”.

 

(Nguồn: https://tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan