Đừng Lo Lắng Và Hãy Sống Vui – Chương 6

Share

Chương 6

CHÚA GIÊ-SU — VỊ ĐẠI DANH Y

 

Hỡi con Ta, hãy chú ý đến các lời Ta, hãy lắng nghe những lời Ta nói. Mắt con chớ lìa xa các lời ấy, hãy giữ chúng trong lòng con. Vì những lời ấy là sự sống cho ai tìm được chúng, là sự chữa bệnh cho toàn thân thể họ. Trên hết mọi sự, hãy gìn giữ tấm lòng của con, vì các nguồn của sự sống phát xuất từ nơi đó.

— Châm ngôn 4:20-23

Mọi người không miễn trừ ai sống trên đời này đều phải đối phó với thương tổn, bất trung hay phản bội vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Hãy chấp nhận và đương đầu, vì chúng ta đang sống trong một xã hội bệnh hoạn. Bệnh hoạn vì cách con người đối xử và lạm dụng nhau, nhưng cũng bệnh hoạn vì chính thái độ của chúng ta đối với những kẻ xúc phạm đến mình.

Qua các thời đại, chúng ta thường được dạy rằng chẳng có gì là sai trật trong việc ăn miếng trả miếng, và chúng ta có quyền ra tay trả thù những kẻ đối xử bất công với mình. Thậm chí chúng ta còn viện ra những câu nói nhằm biện minh cho những hành động trả đũa, xin đơn cử: “Hãy đợi đấy rồi sẽ biết…”. “Tôi sẽ cho cô biết tay,”. “Nó sẽ phải ân hận vì cái ngày nó sinh ra,”. “Bằng mọi giá tôi sẽ đoạt lại từ hắn ta,”. “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ,”. “Thật đáng đời con mẹ ấy,” và “Tôi sẽ không để yên, cho đến chừng nào nó đau đớn gấp đôi nỗi đau mà nó đã gây ra cho tôi.”

Cho dù người ta tự thấy mình là nạn nhân của sự bất công và cảm thấy mình có quyền báo trả nỗi oan sai, thì Lời Chúa vẫn cứ nhất mực bảo chúng ta hãy tha thứ. Sự tha thứ vốn tồn tại trong bản chất và bản tính của Chúa, và nếu chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, và nếu chúng ta là con trai, con gái của Ngài, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều phải có bản tánh ấy.

Khi mới lớn, bố tôi thường hay dạy rằng, “Hai điều quấy không làm nên một điều ngay, hai điều sai không đúc nên một điều đúng.” Không rõ ông cụ tôi đã học được nguyên tắc này từ đâu, nhưng tôi biết chắc đó phải là từ trên soi dẫn.

Những năm gần đây có nhiều thay đổi quan trọng trong sự tiến bộ y học. Nhiều bác sĩ đang khép dần những cánh cửa chữa bệnh theo kiểu qui ước. Các ‘Chẩn y-viện Tha Thứ’ giờ đây đang mọc lên khắp Âu châu và nước Mỹ. Bệnh nhân nhận được một công thức điều trị mới mẻ, khác hẳn với cách cũ theo đó bác sĩ kê toa cho hằng mớ thuốc viên và thuốc nước, để áp dụng cho đường lối Chúa.
Thế hệ bác sĩ mới và sáng suốt này đang khuyến khích bệnh nhân của mình hãy ‘rũ bỏ’ những hận thù và thương tổn trong quá khứ. Rồi thay vì kê toa cho hằng tủ thuốc để nuốt trước và sau mỗi bữa ăn, các bác sĩ ấy cho một toa thực hành sự tha thứ. 

Các bệnh nhân với nhiều căn bệnh bất trị này được xuất viện kèm theo những bài tập phải hoàn tất trước khi tái khám. Họ được hướng dẫn phải tha thứ cho những người đã gây tổn thương, phản bội và từng xúc phạm mình.

Số lượng phúc trình về chữa lành và khỏe hẳn thật kinh ngạc. Quý ông, quý bà đều chứng thực rằng những căn bệnh trầm kha bất trị mà họ đã chịu đựng đang biến mất cách đúng nghĩa.

Dù đây là một tin tức vô cùng phấn chấn, nhưng quả là điều mất mát đối với quý tín hữu trong hội thánh! Ở đây các bác sĩ đã đánh đổi các tập san y học và cách điều trị truyền thống của họ để đi theo ‘Phúc Âm Liệu Pháp’ của Chúa.

Đây đúng là tin mừng: Sự chữa lành lúc nào cũng là tin mừng. Thấy người thân yêu của mình bình phục quả là tuyệt vời. Nhưng là Cơ-đốc nhân, chúng ta há chẳng có bản quyền Phúc Âm sao? Đó chẳng phải là Phúc Âm của chúng ta sao? Chúng ta há chẳng phải là những người chủ động đem Phúc Âm đến những kẻ ốm đau đang đi dần đến chỗ chết, thay vì những thầy thuốc không tin Chúa kia hay sao?

Trên một phương diện nào đó, điều này chẳng khác nào ăn cắp bản quyền. Những bác sĩ này đã ăn cắp toa thuốc của Chúa được ghi trong Lời Ngài và trở nên ngày càng giàu có. Thảo nào Chúa phán, “con cái của sự tối tăm khôn ngoan hơn con cái sáng láng.” Thái độ của tôi là mừng cho họ. Nếu ai đó đánh rơi cây gậy chân lý và chữa lành và bỏ mặc trên đất để cho người kế tiếp nhặt lên chạy tiếp, thì tôi sẽ nói, “Xin Chúa ban phước cho họ”.

Thật chẳng cần phải mất nhiều thời gian để liệt kê danh sách những người đã ngược đãi, lạm dụng chúng ta qua nhiều năm nhiều tháng. Thực ra phần lớn chúng ta không cần phải ra khỏi chu vi gia đình mới thấy xung đột. Chúng ta đang sống trong định kỳ của sự xúc phạm. Trong một thời đại mà anh em chống nghịch nhau, con cái chia rẽ cha mẹ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Hope College ở Michigan đã tiết lộ rằng hệ tim mạch của những người họ đang thí nghiệm bắt đầu nặng nhọc mỗi khi những người này nghĩ đến những cá nhân từng làm thương tổn họ trong quá khứ. Phúc trình cho thấy rằng mức độ stress của những đối tượng này cũng gia tăng khi họ xem việc trả thù, thay vì tha thứ, là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Theo Đại học University of Tennessee, cảm xúc ấp ủ nặng nề về sự phản bội được cho là có liên đới với chứng cao huyết áp, đột quỵ, tai biến não và thậm chí tử vong. Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy là những người dễ tha thứ, bỏ qua thì tỷ suất gia tăng huyết áp chậm và ít hơn những người hay cố chấp và không tha thứ.

Đại học University of Wisconsin-Madison kết luận rằng người tha thứ cũng chính là người nhận lại sức khỏe của mình.

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải cùng nhau hành động khi thế gian đang đột nhập vào lãnh thổ của chúng ta. Tôi tin rằng mỗi tín hữu phải dành lại cái đặc quyền rao giảng về sự tha thứ.

Khi đọc suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy một số lý do khiến Chúa đã tha thứ tội lội của con người, và tiên tri Ê-sai đã rót vào tia sáng rất thú vị về chủ đề này.

Ê-sai 43:25, “Ta, chính là Ngài; Ta vì chính Ta mà xoá bỏ các vi phạm ngươi và sẽ không nhớ những tội lỗi ngươi.” Toàn bộ vấn đề ‘tha thứ và quên’ thực sự đã xảy ra từ thời Cựu ước khi Đức Chúa Cha phán, “Ta sẽ tha thứ các tội lỗi ngươi và chính Ta.” Đối với những người chưa hiểu tới thì lời phát biểu này có vẻ đơn phương và vị kỷ, dường như Chúa có một động cơ ung nhọt trong sự tha thứ loài người. Nhưng không phải thế.

Phải hiểu rằng Chúa sống theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn tư-lập nhằm đem lại lợi ích cho cả Trời và người. Ý Chúa chính là để cho chúng ta sống theo cùng nguyên tắc và tiêu chuẩn ấy hầu cứ tiếp tục hưởng những lợi ích đi kèm.

Có ai từng nghe nói Chúa xuống trần với một liều cúm chưa? Hãy tưởng tượng kinh ngạc biết bao khi một thiên sứ đến trần gian và công bố cho nhân loại “Thượng Đế đã băng hà.” Việc ấy chẳng thể nào xảy ra được. Chúa không thể nào đau và cũng không thể chết, bởi lẽ trong Ngài không hề có điều gì bất khiết khả dĩ làm cho Ngài thoái hoá.

1 Giăng 7:14, “Nhờ đó tình yêu thương giữa chúng ta được toàn vẹn để chúng ta được vững tâm trong ngày phán xét, vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này.” Câu nói này, “Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này” có nghĩa là nếu Chúa tha thứ cho những kẻ đã làm tổn thương và phật ý Ngài là điều chánh đáng và ích lợi thì hẳn cũng là điều ích lợi và chánh đáng để chúng ta tha thứ cho những kẻ làm thương tổn và gây bất bình cho mình.

Dù cho cảm xúc của chúng ta có được biện minh hay không, nếu không từ bỏ sự thù hằn giận dữ thì cuối cùng chúng sẽ víu chặt lấy và gây tổn hại cho cơ thể chúng ta.

Lòng căm hờn giết chết kẻ ngu muội, lòng ganh tị giết hại kẻ dại khờ.

— Gióp 5:2

Con người thiên nhiên này tự động nhìn thấy kẻ làm ác là nguồn rắc rối của mình, và y sẽ ra tay đối phó với kẻ làm ác ấy theo cách xác thịt của đời, trong khi người đầu phục Chúa sẽ cân nhắc toàn bộ vấn đề rồi thực hành theo Lời Ngài.

Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta có khả năng tự chủ hoặc mất tự chủ. Trong Chúa, chúng ta cũng có khả năng xử lý những thương tổn của mình và từ bỏ sự giận hờn. Tuy nhiên, nếu thất bại trong việc đối phó với những thái độ vô tín này trong hiện tại, có thể biết chắc rằng chúng sẽ trở lại cắn xứ chúng ta trong tương lai. Cay đắng cùng sự không tha thứ là những món xa xỉ mà không ai trong chúng ta có thể mua nổi, về lâu về dài, chúng trở thành những món đồ vô cùng đắt giá.

Trong thời gian tra cứu sau này, tình cờ tôi đọc được một phúc trình y học liên quan đến bệnh Alzheimer. Người ta đã hoàn tất một khảo sát với mấy trăm nữ tu tham gia và khám phá rằng quý bà sơ biết sống tha thứ đều có tâm trí rất sáng suốt và năng động, trong khi các bà sống cố chấp và không chịu tha thứ đều có khuynh hướng mắc chứng bệnh này.

Rủi thay, thời nay phần lớn người ta xem báo thù là chuyện bình thường, và nó nghiễm nhiên trở thành nếp nghĩ của nhiều người, một cách nhanh chóng để giải quyết thương tổn mà mình phải chịu. Hầu hết chúng ta đều thừa nhận rằng mình đang sống trong một xã hội mệnh danh là xã hội “cấu trệ – chó ăn thịt chó” và nhờ trả thù mà chúng ta dành lại công lý cho mình khiến cho chúng ta cảm thấy khá hơn.

Theo cách suy nghĩ của Đức Chúa Cha, toàn bộ vấn đề tha thứ này được thiết định là vì chúng ta. Điều này có thể hơi khó, nhưng đã đến lúc quý vị phải vượt qua những thương tổn, khép lại dĩ vãng để hướng về tương lai.

Dĩ nhiên có những thắc mắc đấy lên trong ý nghĩ của nhiều người trong những trường hợp sau, “Vâng, còn những kẻ đã gây ra u uất trong cuộc đời tôi thì sao?”. “Không lẽ họ tránh thoát mà không chịu hậu quả gì sao?”. Câu trả lời là tuyệt nhiên không, tuy nhiên công việc phán xét và xử tội không phải là của quý vị, phận sự và trách nhiệm duy nhất của quý vị là cầu nguyện cho người ấy để người ấy không còn là kẻ thù nữa, mà là bạn của mình.

Người ta thường nói ‘người bị hại lại hại người khác’. Vâng, điều ấy chỉ đúng một nửa mà thôi, thật ra phải nói, ‘hại người tức là hại mình’. Vì thường khi làm hại người khác thì chính mình là kẻ chịu thương tổn nhiều nhất.

Thế rồi chúng ta cũng gặp những người đưa ra câu nói khá phổ biến, “Tôi có thể tha thứ cho anh ấy, nhưng sẽ không bao giờ quên”. Cảm nhận chung cho biết chúng ta không thể vươn tới tương lai cho đến khi nào bỏ lại quá khứ đằng sau.

Những loại người này chung quy chỉ làm hao tốn thì giờ quí báu của mục sư, vì họ luôn chực sẵn ở cửa văn phòng mục sư xin tư vấn hết chuyện này đến chuyện khác. Cuộc đời họ chẳng khác nào mớ bòng bong vì tinh thần không chịu tha thứ hoàn toàn của họ đã làm tiêm nhiễm và đầu độc toàn thân, cả thể xác lẫn tinh thần. Tóm lại, không tha thứ chẳng khác nào tự mình uống thuốc độc mà lại mong cho người khác chết.

Nhớ lại một thời tôi xây dựng nhà thờ ở Darwin, nước Úc, bề ngoài xem có vẻ là một công trình tuyệt hảo. Nhưng vấn đề duy nhất của toà nhà khiến bộ y tế của thành phố từ chối không cho phép chúng tôi sử dụng là vì các phòng tắm không dùng được. Thì ra trong khi xây dựng, một số thiếu niên đã vứt đủ thứ rác rưởi gồm cả gạch vụn xuống đường ống thoát nước.

Tôi huy động khẩn cấp một đội ngũ nhân công gồm có chị Sue và chính mình tôi. Hai chúng tôi đến nhà thờ và làm việc cật lực cho đến sáng sớm, lôi ra những thứ rác rến nghẹt ngòi. Thú thật, đó là công việc chẳng mấy thích thú, nhưng buộc phải làm thôi. Nếu chẳng ai dọn dẹp đống rác, sáng hôm sau chúng ta sẽ có một đống rác lớn hơn.

Thưa quý vị, nếu không dọn sạch rác thì khó lòng diệt được lũ chuột. Nếu cứ làm tắc nghẽn hệ thống cơ thể mình bằng những thứ giẻ rách, rác rưởi của quá khứ, quý vị sẽ lâm vào tình trạng hỏng hóc. Đã đến lúc phải khai thông những bế tắc trong đời và tha thứ cho mỗi người từng gây cho quý vị nỗi bất công oan ức. Nếu người ấy đã qua đời hoặc dời đi nơi khác, thì chẳng có gì là quan trọng bởi lẽ trong tương lai chẳng còn gì để dính dấp tới họ hay tương lai của họ. 

Mọi sự còn lại là của quý vị.

Tôi tin tưởng vào các y sĩ, bác sĩ, và thành thật nhìn nhận rằng nếu không có những con người tận tụy này, phần lớn chúng ta, cả tôi nữa, khó lòng tồn tại ở đây hôm nay. Tôi không thuộc loại thầy giảng cuồng tín đến nỗi bảo người ta hãy về nhà ném thuốc men vào nhà cầu sau khi được mục sư cầu nguyện chữa bệnh. Tuy nhiên tôi là người tin tuyệt đối vào Lời Chúa và nắm chặt lấy Ngài, tin rằng Chúa Giê-su đã đến thế gian này để ‘chữa lành’ và Ngài vẫn chữa lành người bệnh cho đến ngày nay. Nếu quý vị không nhận được phép lạ mình đang xin, ắt hẳn là phải có điều gì đó đang ngăn trở. Nếu đó là trường hợp của quý vị, chỗ tốt nhất để tìm thấy câu trả lời là trong Lời Chúa. Một điều tôi biết chắc là Đức Chúa Trời của tôi chẳng hề có vấn đề gì cả, Ngài chỉ có giải pháp cho vấn đề.

Tôi đã cầu nguyện riêng tư cho hằng trăm người bệnh qua nhiều năm chức vụ, nhiều người được chữa lành ngay tức thì trong khi một số khác được chữa lành qua thời gian. Dĩ nhiên cũng có người vẫn còn bệnh. Tôi cũng biết một ít người đã đánh mất ơn chữa lành và thậm chí có người đã qua đời.

Trong kho điều trị theo y học quy ước, vị bác sĩ hoặc sẽ cho thuốc và hy vọng sẽ chữa hết bệnh tật, đau ốm của quý vị, hoặc là sẽ dùng một phương pháp triệt để hơn qua phẫu thuật để cắt bỏ những ung bướu hay ung thư.

Điều này cũng giống hệt như cách trị liệu của Vị Danh Y Vĩ Đại. Có những lúc Chúa Giê-su sẽ can thiệp và thực hiện những phép lạ. Nhưng có điều thật thú vị ấy là Chúa đã đặt bút ghi lại toa thuốc đời đời để chữa lành và đem lại sự trường sinh cho con người từ hằng ngàn năm trước trong Kinh Thánh cả Cựu ước và Tân ước, và vì không hề tây vị ai nên Ngài đã dành cho mọi người, cả thánh đồ lẫn tội nhân đều được nhận.

Thuốc của Chúa có thể ví như mạch nước luân lưu chảy hai mươi bốn giờ một ngày, từ năm này qua năm khác, chỉ mở vòi là có dùng ngay, không tốn kém gì cả. Hoàn toàn miễn phí cho những ai thực lòng muốn nhận.

Trong lãnh vực tự nhiên, chúng ta chấp nhận cách chung chung là có hai con đường dẫn đến sự hồi phục sức khỏe: Có khi phải uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, cũng có những lúc phải giải phẫu để cắt bỏ những khối u hay bộ phận hư hỏng làm ảnh hưởng đến toàn thân.

Đối với mỗi tín hữu chân chính trên mặt đất này, là người chấp nhận Chúa Cứu Thế làm Đại Danh Y, chúng ta há không tin rằng Ngài có khả năng để thi hành chức vụ chữa lành theo một cách chuyên nghiệp và tin kính hơn là thầy thuốc trên đời này sao?

Một số bệnh nhân của Chúa Giê-su cần được giải phẫu cắt bỏ những ung nhọt như cay đắng, hờn giận, không tha thứ, nói lời ác độc và vô số điều không kể hết.

Ê-phê-sô 4:31, “Hãy lột bỏ khỏi anh em những cay đắng, thịnh nộ, giận hờn, kêu rêu, xúc phạm cùng mọi tính hiểm độc.” Chữ ‘lột bỏ’ trong Kinh Thánh thực sự có ý nghĩa là ‘ly dị’ như một người ly dị vợ, ‘loại trừ’ hoặc ‘quay lưng lại và đi con đường khác’. Đây không phải là sự chữa lành bèn là sự từ bỏ. Chúa không chữa lành nhũng thứ hiểm ác, giận hờn trong chúng ta, nhưng Ngài có thể chữa lành chúng ta khỏi dị chứng của những thái độ thối rữa, bại hoại này. Nếu nghĩ rằng Chúa sẽ cắt bỏ sự cay đắng khỏi quý vị thì đó quả là một lầm lẫn đáng tiếc.

Cái trách nhiệm ‘lột bỏ’ những nan đề tồi tệ trong cách ăn ở này là của chúng ta, và nhìn chung quý vị sẽ thấy rằng cứ bỏ được một điều là rũ đi được một chứng bệnh tương ứng. Tuy nhiên, nếu ai đó cứ ôm ấp một trong những thái độ quỷ quyệt này thì người ấy cũng tự nguyện chuốc lấy những bất ổn kèm theo.

Thật đáng buồn, nhưng nhiều Cơ-đốc nhân đã bị ảnh hưởng cách sống thế tục, và ngày nay người ta chấp nhận một liệu pháp gọi là ‘Kiềm Chế Cơn Giận’. Nhưng đó không phải là phương pháp của Chúa. Chúa muốn chúng ta phải tống khứ sự giận dữ chứ không phải kiềm chế nó. Ngài muốn chúng ta phải loại bỏ tất cả để chúng ta cùng mọi người xung quanh có thể sống một đời bình tịnh.

Nhiều lần sau khi chữa lành người bệnh, Chúa Giê-Su thường bảo họ, “Hãy đi và đừng phạm tội nữa, kẻo điều tệ hại hơn sẽ đến với con”. Chúa Giê-su luôn có ý trong điều Ngài phán. Ngài hiểu rằng tội lỗi và bệnh tật liên hệ với nhau qua sự sinh nở. Nói theo nghĩa đen bệnh tật là con cháu của tội lỗi.

Có người sẽ nói, “Vâng, đó không phải vấn đề của tôi. Có đôi lúc tôi nổi giận khi thấy mình có lý, nhưng không đến nỗi tệ như mấy người tội lỗi kia. Tôi chẳng giết người và cũng không dâm loạn. Nói gì thì nói, tôi nghĩ mình là một người tốt.”

Xin thưa, điều quan trọng không phải là quý vị nghĩ gì. Chúa phán gì và vâng theo lời Ngài dạy mới chính là điều làm thay đổi cuộc đời quý vị.

Ga-la-ti 5:19-21, “Các hành động theo tính xác thịt thật rõ ràng, ấy là, gian dâm, ô uế, phóng đãng, thờ thần tượng, phù thủy, thù hận, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, tham vọng ích kỷ, chia rẽ, bè phái, ghen tị, say sưa, chè chén và những điều khác tương tự.” Theo câu này, những kẻ tà dâm và giết người được liệt chung với những kẻ thạnh nộ, ích kỷ và ghen tị.

Đã đến lúc phải chấm dứt đổ thừa cho Chúa vì sự dại dột ngu ngốc của mình và hãy nhìn nhận rằng qua lòng nhân từ của Chúa, Ngài đã hoạch định sẵn một lối sống nhằm bảo vệ, che chở chúng ta khỏi ốm đau, bệnh tật.

Dù rằng mọi ốm đau bệnh tật đều bắt nguồn từ ma quỷ, nhưng phải hiểu rằng người bệnh tật là do tự chuốc. Nghe có vẻ … nhưng để tôi giải thích. Ma quỷ đã đưa bệnh tật vào thế gian cũng như ông Henry Ford giới thiệu chiếc xe Ford của ông, và như ông Ford không có quyền bắt buộc tôi phải mua chiếc xe của ông ta thì ma quỉ cũng không có quyền ép tôi phải chấp nhận những gì nó mang đến.

Nhưng anh chị em tha thứ ai điều gì, tôi cũng tha thứ và khi tôi đã tha nếu có điều gì để tha, thì tôi vì anh chị em mà tha trước mặt Chúa Cứu Thế; để chúng ta không bị satan lợi dụng, vì chúng ta không lạ gì mưu chước của nó.

— 2 Cô-rinh-tô 2:10-11

Ma quỉ thường không bám theo và trù dập một vài Cơ-đốc nhân dễ mến bằng những căn bệnh gớm ghiếc. Nó là bậc thầy của kẻ dối gạt và toàn bộ mục đích của nó trong đời là lừa gạt quý vị. Có thể nó sẽ không đến để đánh gục quý vị ở cửa trước bằng căn bệnh ung thư và ung bướu vì bạn khá khôn ngoan để tránh cạm bẫy của nó. Tuy nhiên, khi quý vị sơ hở, nó sẽ lẻn vào cửa sau lúc bất ngờ nhất, và trân trọng gởi tặng quý vị món quà ảo não như nổi đau lòng, muộn phiền, đắng cay và giận dữ.

Chính trong bản chất của ma quỷ nói với quý vị rằng những cảm xúc ấy đâu phải là quấy, nhưng điều mà nó không giải thích trong khoảnh khắc quý vị ôm lấy món quà muộn phiền cay đắng của nó là quý vị phải nhận trọn gói trong đó có đủ thứ tật nguyền và lộn xộn. Đây là chỗ mà quý vị không biết trong mưu đồ của nó.

Hãy nhớ đấy! …

Trái với quan niệm phổ thông, ‘vô tri không là hạnh phúc’. Thật ra câu nói ‘vô tri là hạnh phúc’ chẳng qua chỉ là sự lừa dối mà chính ma quỷ đã vung vãi đầy trong xã hội của chúng ta. Theo Lời Chúa, hành động thiếu hiểu biết vừa ngu dại lẫn phá hoại. Nếu muốn sống lâu, sống khỏe và sống sung mãn trong tuổi già, chúng ta phải thực hành đường lối Chúa.

Hỡi con Ta, hãy nghe và nhận Lời Ta, thì các năm của đời con sẽ được thêm nhiều.

— Châm ngôn 4:10

Có hằng chục nghìn Cơ-đốc nhân nghe Lời Chúa nhưng không hề tiếp thu những gì Kinh Thánh nói. Tôi từng nghe nhiều người nói, “Tôi đọc Kinh Thánh luôn mà chẳng làm tôi khá hơn tí nào.” Phải, thử đoán xem tại sao? Kinh Thánh không bảo chúng ta hãy làm ‘độc giả của Lời Chúa. Kinh Thánh bảo chúng ta phải là ‘hành giả’, làm theo Lời Chúa chớ không phải chỉ nghe mà thôi.
Đây là một hành động lưỡng diện. Hơi giống như sang số khi lái xe vậy. Nếu ngồi lên xe mà chỉ đạp ăm-ba-da mà không buông ra và vào ga thì chẳng đi được đến đâu. Nếu muốn tiến triển về mặt giữ sức khỏe quý vị cần một chế độ quân bình cả nghe lẫn thực hành.

Khoa học và y học đã đi đến kết luận là quãng đời của chúng ta có khả năng kéo dài từ 120-130 năm. Con số này phù hợp với điều Chúa nói trong sách Sáng Thế Ký.

Thần Ta sẽ chẳng ở mãi với loài người nữa vì chúng chỉ là xác thịt; đời người sẽ chỉ được một trăm hai mươi năm.

— Sáng 6:3

Tiến sĩ Darryl See ở đại học University of California Irvine Medical school đã tiết lộ qua công trình nghiên cứu của ông là hệ miễn dịch của một người trung bình đã xuống thấp dưới 25% kể từ năm 1980 và vẫn tiếp tục xuống với tốc độ nhanh vì sự biến chất trong dinh dưỡng, stress và độc tố.

Bác sĩ chuyên khoa não Carl Peterson ở Oral Robert University, Tusal Oklahoma thực hiện nghiên cứu về sự liên hệ giữa não bộ và sự cầu nguyện bằng những ngôn ngữ khác. Ông khám phá rằng trong khi cầu nguyện hay thờ phượng trong Thánh Linh, não bộ tiết ra hai loại hoá chất tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, làm tăng thêm từ 35-40%, nâng cao sự chữa lành trong cơ thể. Những nội tiết tố này được tiết ra bởi một bộ phận của não mà bộ phận này chỉ xuất hiện và chịu kích động khi ngợi khen thờ phượng trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh.

1 Cô-rinh-tô 14:4, “Người nói tiếng lạ chỉ xây dựng chính mình, nhưng tiên tri xây dựng Hội thánh.” Từ ‘xây dựng’ trong nguyên văn Hi-Lạp là ‘oikodomeo’ đơn giản có nghĩa là một người xây nhà hay một nhà kiến tạo công trình. Thân thể là ngôi nhà của con người nơi mà hồn và linh cư trú.

Một khi đã hiểu được ý nghĩa đích thực của từ ‘xây dựng’, chúng ta có thể dịch câu này cách chính xác hơn như sau, “Người nói tiếng lạ sẽ trở thành chủ nhân xây dựng và kiến tạo ngôi nhà của chính mình.”

Nhưng anh chị em yêu dấu, hãy gây dựng nhau trong đức tin rất thánh. Hãy cầu nguyện trong Đức Thánh Linh.

— Giu-đe 1:20

Tôi luôn nghĩ rằng câu này chỉ ngụ ý về sự gây dựng chính mình trong lĩnh vực thuộc linh mà thôi, nhưng không phải vậy. Căn bản là Chúa muốn nói với con người, “Hãy tự ban cho mình một ơn huệ và hãy cầu nguyện trong Đức Thánh Linh.” 

Ngày nay, các bác sĩ với kỹ thuật hiện đại có thể đo huyết áp, lượng cholesterol và nhịp tim. Một khi phát hiện có gì bất thường, họ kê toa cho thuốc để đối phó vấn đề. Vâng! Chúa cho chúng ta toa thuốc ‘ngợi khen-cầu nguyện trong Thánh Linh’ để xây dựng hệ miễn dịch của mình.

Chúa Giê-su vẫn là vị Danh Y Vĩ Đại mà thế gian chưa từng biết. Nếu quý vị đau yếu và đang cần chữa lành thì Ngài vẫn luôn có giải pháp dành cho quý vị. Tuy nhiên, một khi đã được chữa lành và tiếp tục muốn khỏe mạnh thì phải xa lánh tội lỗi, đó là trách nhiệm của quý vị.

Xin nhớ cho, Lời Chúa là nguồn thần dược vô biên. Càng uống, quý vị sẽ càng khỏe và càng sống lâu.

Hỡi con Ta, chớ quên lời dạy dỗ của Ta, nhưng hãy giữ các điều răn Ta trong lòng, vì chúng sẽ thêm cho con tuổi thọ trong đời và an khang thịnh vượng.

— Châm ngôn 3:1-2

 

Chuyển ngữ: THIÊN HỰU

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan