Hiệp Một Để Có Quyền Thống Trị Và Quản Trị Dẫn Đến Sinh Sản Gia Tăng Đầy Dẫy

Share

Có biết bao nhiêu cuộc hôn nhân bắt đầu với tình yêu tha thiết nhưng sau đó bị đổ vỡ. Có nhiều hội đoàn và hội thánh khởi đầu rất yêu thương nhưng không lâu sau thì chia rẽ. Tại sao như thế?

Người tây phương có câu nói như sau: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng cùng nhìn về một hướng”. Tình yêu nếu chỉ nhìn nhau sẽ rất đơn điệu, dẫn đến sự nhàm chán, rồi nhìn thấy lỗi lầm của nhau và sau đó thì chia tay. Lý do chính là vì không có cái nhìn chung, không chung một hướng đi. Không có mục đích chung sẽ không có kết quả lâu dài. Kinh Thánh quả quyết là: “Nếu hai người không đồng ý với nhau; Thì có đi chung đường được sao?” (A-mốt 3:3 BHĐ).

Phao-lô đã dạy chúng ta trong Ê-phê-sô 4:1 như sau: “Vậy, là một tù nhân vì Chúa, tôi khuyên anh chị em hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi của Ngài”.

Chúng ta là tù nhân của Chúa Giê-su. Chúng ta không có quyền trên chính mình, sống cho mình vì đã được Chúa Giê-su mua chuộc bằng huyết của Ngài (Khải huyền 5:9). Vì lý do đó,

7 không một ai trong chúng ta sống cho chính mình hoặc chết cho chính mình, 8 vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa; và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Như thế, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa cả (Rô-ma 14:7,8).

Cho nên chúng ta “hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi của Ngài”. Muốn sống như thế Phao-lô dạy chúng ta phải:

12mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm tốn, nhu mì và kiên nhẫn. 13Hãy khoan dung, tha thứ nhau khi anh chị em có điều than phiền nhau, như Chúa đã tha thứ anh chị em, thì anh chị em cũng phải tha thứ. 14Trên hết các mỹ đức ấy, hãy thêm tình yêu thương, là sợi dây ràng buộc toàn hảo” (Cô-lô-se 3:12-14).

Một trong những chiến lược rất quỷ quyệt của ma quỷ là làm cho chúng ta xung đột chia rẽ lẫn nhau để nó “bất chiến tự nhiên thành”. Chúa Giê-su phán: “Nước nào tự chia rẽ sẽ bị hủy diệt. Thành nào hay nhà nào chia rẽ cũng không thể đứng vững” (Ma-thi-ơ 12:25). Như vậy, chia rẽ là tự hủy diệt chính mình. Vậy sự hiệp nhất của Hội Thánh có tầm quan trọng như thế nào để khiến cho ma quỷ tấn công Hội Thánh bằng cách gây sự chia rẽ trong Hội Thánh?

  1. Hiệp một để có quyền thống trị và quản trị dẫn đến sinh sản gia tăng đầy dẫy.

Ba Ngôi Đức Chúa Trời làm việc một cách hài hòa, hiệp một với nhau để từ chỗ “trống không” mà sáng tạo vũ trụ và muôn loài. Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã hiệp một sáng tạo nên một thế giới hữu hình tuyệt vời (Sáng Thế 1:1-2, Giăng 1:1-4). Trong chương trình sáng tạo đó, Ba Ngôi dựng nên loài người theo “ảnh tượng” của Ngài và do đó loài người mang bản tính hiệp một của Ba Ngôi (Sáng Thế 1:27).

“Ngài sáng tạo loài người như hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài tạo nên người nam và người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản gia tăng đầy dẫy mặt đất và thống trị đất. Hãy quản trị loài cá biển, chim trời và tất cả các loài vật bò trên đất.” (Sáng thế 1:28,29).

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rất rõ ở đây là khi người nam và người nữ trở thành một thì họ sẽ: 1) sinh sản gia tăng đầy dẫy mặt đất; 2) Họ sẽ thống trị và quản trị đất. Một người nam hay một người nữ đơn lẻ không thể nào sinh sản gia tăng đầy dẫy và sẽ không có uy quyền thống trị quản trị đất. Khi gia đình, hội thánh và các mục vụ Cơ đốc hiệp một thì chúng ta phản ảnh bản tính của Ba Ngôi Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước và mặc cho uy quyền. Khi gia đình hiệp một với Chúa và với nhau thì con cái sẽ ngoan ngoãn và thành công. A-đam và Ê-va vì nghe lời con rắn là Sa-tan mà trở nên chia rẽ đổ lỗi nhau… Con họ là Ca-in giết em mình là A-bên, họ mất phước hạnh, mất quyền thống trị cùng quản trị. Uy quyền này đã lọt vào tay Sa-tan. Loài thú vật đáng lẽ ở dưới quyền thống trị và quản trị con người, nhưng giờ đây chúng trở nên đe dọa sinh mạng con người.

Kinh Thánh cho biết, nếu chúng ta đồng chết với Đấng Christ thì sẽ đồng sống với Ngài, được Ngài giao cho quyền quản trị, sẽ kết quả cho Ngài (Rô-ma 7:4). Nếu chúng ta nối kết với nhau như những nhánh nho cứ ở trong Chúa Giê-su và và lời Ngài trong mình thì chắc sẽ sinh nhiều quả, vì ngoài Chúa Giê-su, chúng ta không làm gì được (Giăng 15:4-7). Nối kết với Chúa Giê-su và nối kết với nhau. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong Kinh Thánh để sinh sản gia tăng đầy dẫy và để thống trị cùng quản trị. Đây cũng là lý do Sa-tan tạo nên sự chia rẽ mối quan hệ chúng ta với Chúa và với nhau để nó thống trị và quản trị chúng ta, và chặn đứng sự sống kết quả đầy dẫy của chúng ta.

  1. Hiệp một làm kiện toàn Hội Thánh đắc thắng cửa âm phủ

Trong Ê-phê-sô 5:22-33, Phao-lô nói đến điều huyền nhiệm về sự hiệp nhất được bày tỏ qua Hội Thánh được ví như hình ảnh người vợ và Chúa Giê-su được ví như hình ảnh người chồng. Sự hiệp nhất giữa vợ và chồng cũng là hình sự hiệp nhất của các chi thể trong Hội Thánh với Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su có tất cả thẩm quyền được giao cho Ngài. Thẩm quyền đó được giao cho Hội Thánh (Ma-thi-ơ 29:18-20; Mác 16:15-20). Khi Hội Thánh hiệp nhất với nhau thì uy quyền siêu việt của Ngài sẽ được bày tỏ trên thế gian này. Sau khi tiếp nhận Chúa Giê-su là Chúa, chúng ta trở thành một phần tử trong thân thể Đấng Christ. Chúng ta là những người đồng ngự với Đấng Christ ở các nơi trên trời (Ê-phê-sô 2:6). Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 1:22 là “Đức Chúa Trời đã bắt vạn vật phục dưới chân Chúa Cứu Thế” (là phục dưới Hội Thánh), “lập Ngài đứng đầu trên mọi sự, làm đầu Hội Thánh”. Ma quỷ không thắng Chúa Giê-su vì Ngài là đầu Hội Thánh. Nhưng nó có thể cắn gót Chúa Giê-su là các hội thánh, nếu các hội thánh không phục dưới Đấng Christ và không hiệp một với nhau. Khi tất cả các chi thể hiệp nhất trong thân thể Chúa Giê-su và dưới quyền lãnh đạo Ngài, thì Hội Thánh sẽ đạp đầu Satan, cửa âm phủ sẽ chẳng thắng Hội Thánh Ngài (Ma-thi-ơ 16:18,19).

Chúa Giê-su dạy, khi dâng lễ vật trên bàn thờ cho Đức Chúa Trời (gồm tiền bạc, sự phục vụ…) mà nhớ lại rằng có điều gì bất bình cùng anh em mình, thì đừng dâng của lễ, đi giải hòa với anh em trước đã, rồi hãy trở lại dâng lễ vật (Ma-thi-ơ 5:23,24). Chúa Giê-su nhấn mạnh cho chúng ta tầm quan trọng, của sự hiệp một của Cơ đốc nhân. Sống hòa thuận với nhau có vị trí cao hơn và quý giá hơn sự dâng hiến và phục vụ Ngài. Đức Chúa Trời sẽ không nhậm của lễ và chúc phước cho những ai sống chia rẽ và giữ sự bất hòa với người khác. Sự dâng hiến phục vụ của chúng ta không thể thay thế sống hòa thuận yêu thương nhau.

Hiệp một là dấu hiệu của tình yêu thương. Qua thập tự giá, Chúa Giê-su vì yêu chúng ta hy sinh mạng sống mình để hủy diệt sự thù ghét, đem chúng ta giải hòa với Đức Chúa Trời trong một thân thể duy nhất (Ê-phê-sô 2:17). Nếu chúng ta làm bất cứ điều gì mà không xuất phát từ tình yêu thương là vô giá trị trước mặt Đức Chúa Trời (1Cô-rinh-tô 13:1-3), và chống lại ý định Ngài.

“vì tình yêu thương xuất phát từ Đức Chúa Trời. Ai thương yêu thì đã được Đức Chúa Trời sinh ra và nhận biết Đức Chúa Trời. Ai không yêu thương thì không biết Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1Giăng 4:7,8)

Những ai chủ trương chia rẽ là người không được Đức Chúa Trời sinh ra và không biết Ngài. Họ có thể biết nhiều về Kinh Thánh và thần học nhưng không biết Chúa và cũng không phải là môn đồ Ngài (Giăng 13:35). Ai không hòa thuận, yêu thương anh em mình là kẻ giả hình và nói dối (1Giăng 4:20). Khi chúng ta yêu thương hiệp một Chúa sẽ dùng chúng ta gây ảnh hưởng tích cực đến nhiều nơi, nhưng nếu chúng ta có tinh thần chia rẽ Sa-tan sẽ dùng chúng ta làm công cụ cho nó hủy phá công việc Chúa. Hiệp một là dấu hiệu được Đức Chúa Trời sinh ra, biết Ngài và là công cụ của Đức Chúa Trời. Nhưng ngược lại bản tính chia rẽ là dấu hiệu sinh ra từ Satan, biết Sa-tan và là công cụ của nó.

Trong chương 2 và 3 của sách Khải Huyền, Chúa Giê-su đã quở trách những hội thánh để cho những kẻ hay những nhóm thuộc hội đường của Sa-tan như đảng Ni-cô-la, Giê-sa-bên, Ba-la-am, và các sứ đồ giả hoạt động. Ma quỷ đã hoạt động từ bên trong hội thánh ngày xưa và chúng vẫn tiếp tục hoạt động từ bên trong các hội thánh ngày nay… Cốt ý của chúng là tạo nên sự lộn xộn, chia rẽ và sự bất khiết trong hội thánh. Chỉ có hội thánh mang “ảnh tượng” hiệp một của Ba Ngôi Đức Chúa Trời và của thân thể Chúa Giê-su mới thắng cửa âm phủ. Chỉ có những hội thánh như vậy mới trở nên ánh sáng và hy vọng của thế gian. Do đó, chúng ta cần tìm kiếm, xây dựng và gìn giữ sự hiệp một từ trong hội thánh địa phương, giữa các hệ phái trong thành phố và quốc gia mình sống. Người lãnh đạo hội thánh, nhân sự và dân sự của Chúa cần ghi nhận cách tuyệt đối là chúng ta phải bảo vệ và xây dựng những phẩm tính yêu thương, hiệp một, tha thứ và giải hòa của Đấng Christ trong hội thánh.

Chúng ta đang ở vào thời kỳ cuối cùng là thời kỳ mà ma quỷ dùng mọi thủ đoạn quỷ quyệt của chúng để hoạt động gây chia rẽ trong hội thánh. Hãy cẩn thận vì ma quỷ không ngừng tìm cách xử dụng chính chúng ta làm công cụ của nó phá hoại hay cản trở công việc của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phê-rơ dạy:

8 Hãy tự chủ và tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ như sư tử rống, đang rình rập chung quanh để tìm xem người nào nó có thể ăn nuốt được. 9Hãy chống cự nó, hãy đứng vững trong đức tin (1Phê-rơ 5:8,9).

  1. Người lãnh đạo phải là người biết khao khát, tìm kiếm và xây dựng sự hiệp một

Chúa Giê-su là lãnh đạo và đầu Hội Thánh, thì các mục sư hội trưởng của các giáo hội và mục sư quản nhiệm họ là lãnh đạo và đầu của tổ chức và hội thánh mà Chúa Giê-su giao phó. Do đó, những người lãnh đạo này không chỉ mang hàm vị, có chức vụ và làm nhiệm vụ của mình. Họ còn phải là người mang phẩm tính của Ba Ngôi Đức Chúa Trời để có uy quyền thống trị và để được Chúa dùng đem sự sinh sản gia tăng dư dật cho hội thánh. Họ phải là người tìm kiếm, khao khát và xây dựng sự hiệp một. Họ là những người cậy nhờ Chúa để xây dựng cho chính mình một đời sống yêu kính Chúa và yêu thương người khác như chính mình, ngay thẳng, trong sạch, khiêm nhường v.v…

Sự hiệp một và hòa thuận là nguyên tắc để Chúa rót dầu và ban phước (Thánh thi 133). Có sự khác biệt giữa sự xức dầu và rót dầu. Xức dầu là thoa dầu vào người. Còn rót dầu là đổ dầu từ đầu chảy tràn xuống. Dầu là biểu tượng cho Đức Thánh Linh và quyền năng của Ngài. Dầu rót từ đầu tức là rót từ người lãnh đạo đến những người dưới mình. Dầu được Thánh Linh đổ trên người lãnh đạo sẽ cứu nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo khổ, tối tăm, chữa lành những tấm lòng tan vỡ, đem tự do cho những kẻ bị tù đầy, và phóng thích cho những người bị xiềng xích (I-sa 61:1). Phao-lô dạy “Hãy theo đuổi tình yêu thương, hãy khao khát tìm kiếm các linh ân” (1Cô-rinh-tô 14:1). Tình yêu thương sẽ được kèm theo sau là các ân tứ và quyền năng Thánh Linh. Khi người lãnh đạo có tình yêu thương, lòng thương xót và luôn khao khát, tìm kiếm để xây dựng sự hiệp một và sống hòa thuận với nhau, thì Chúa sẽ đổ dầu yêu thương, quyền năng và phước hạnh sẽ chảy xuống hội thánh và dân sự Chúa. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng và thành phố mình.

Sa-tan chắc chắn không muốn những người lãnh đạo có tình yêu thương hiệp một và quyền năng, nó chỉ muốn chúng ta yêu mến đeo đuổi hàm vị, chức vụ và công việc. Như thế Sa-tan sẽ dễ dàng điều khiển thao túng hội thánh. Vì nếu người lãnh đạo thiếu quyền năng hoặc mất đi sự xức dầu, thì chính họ và dân sự Chúa sẽ vẫn tiếp tục sống trong sự áp bức của nó và sự mở mang vương quốc Chúa sẽ bị trì trệ.

  1. Mục sư, nhân sự và dân sự phải đồng một lòng họp một ý với người lãnh đạo

Phao-lô dạy chúng ta như sau:

“Thưa anh chị em, nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta, tôi khuyên anh chị em tất cả hãy nhất trí và đừng chia rẽ, hãy đồng một lòng, hợp một ý với nhau (1Cô-rinh-tô 1:10).

Chúng ta thấy điều này suốt Kinh Thánh, bất cứ ai là người lãnh đạo đều có những sai lầm bởi vì họ chỉ là người. Thí dụ như:

  • Áp-ra-ham sợ hãi và nói dối Sa-ra không phải vợ mình.
  • Môi-se nóng tánh, ông giết người nên phải bỏ trốn. Ông giận dân Y-sơ-ra-ên hay chống nghịch lằm bằm và để cho cơn giận khiến ông không vâng lời Chúa lấy gậy đập vào đá trong khi Chúa dạy ông hãy phán cho nước chảy ra.
  • Giô-suê ganh tị những người trưởng lão được Thần Chúa thăm viếng, dù họ không có mặt trong trại quân; Giô-suê không cầu hỏi ý Chúa nên bị người Ga-ba-ôn gạt.
  • Đa-vít phạm tội tà dâm và giết người.
  • Tiên tri Ê-li bỏ chạy trước lời hăm dọa của Giê-sa-bên và muốn chết.
  • Các môn đệ Chúa Giê-su, người thì phản bội bán Chúa, những người khác bỏ chạy khi Ngài bị bắt.

Nếu bạn là mục sư, nhân sự và dân sự Chúa, bạn phải “nhất trí và đừng chia rẽ, hãy đồng một lòng, hợp một ý với” (1Cô-rinh-tô 1:10) người lãnh đạo mình. Hãy yêu thương và chấp nhận và cảm thông với họ. Họ cũng chỉ là người có bản chất yếu đuối và bất toàn như chúng ta (Gia-cơ 5:17). Họ cố gắng làm tốt nhất tất cả những gì mình có thể làm, và lẽ dĩ nhiên khi làm sẽ có lúc không tránh được sự sai phạm. Do đó nhiệm vụ bạn trước mặt Chúa là vâng phục họ như vâng phục Chúa (Rô-ma 13:1-7) và cầu nguyện cho họ (2 Cô-rinh-tô 1:11). Hãy đặt việc cầu nguyện cho người lãnh đạo vào hàng ưu tiên (1Ti-mô-thê 2:1,2).

Nếu bạn yêu người lãnh đạo có những quyết định đúng thì chẳng có gì đặc biệt cả, vì đây là điều người ngoại vẫn thường làm. Nhưng nếu bạn yêu thương, tha thứ, chấp nhận, thông cảm và phục tùng người lãnh đạo dù họ có yếu đuối sai phạm, thì bạn mới thật sự sinh ra từ Đức Chúa Trời, biết Ngài và là môn đệ Chúa Giê-su. Đây chính là tình yêu thương hoàn hảo mà Chúa muốn chúng ta có, cũng là điều Ngài dạy chúng ta là “Trên tất cả mọi sự, hãy yêu nhau sâu đậm, vì tình yêu thương che phủ vô số tội lỗi (1Phê-rơ 4:8). Nếu Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù nghịch mình và làm ơn cho họ, thì tại sao chúng ta không yêu người lãnh đạo, nói điều tốt và làm ơn cho họ vì những người này đã từng có công ơn dạy dỗ hướng dẫn và giúp đỡ mình?

  1. Hãy ý thức sự hiệp một là một chìa khóa quan trọng cho phục hưng

Từ xưa đến nay, thế giới tối tăm luôn dùng những con người hiệp lại để chống lại Chúa như trường hợp loài người xây dựng tháp Ba-bên (Sáng thế 11:6). Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram hiệp lại nổi lên chống Môi-se (Dân số 16:1-3). Các quốc gia chung quanh hiệp lại đàn áp dân Y-sơ-ra-ên; các nhà lãnh đạo các tôn giáo hiệp lại chống Chúa Giê-su và các sứ đồ. Nhưng ngược lại Kinh Thánh đồng thời đã cho chúng ta rất nhiều gương, khi những người lãnh đạo kêu gọi sự hiệp một cầu nguyện hạ mình tìm kiếm mặt Chúa đều có những kết quả vô cùng đặc biệt.

Khi rương giao ước về thành Ki-ri-át Giê-a-rim, dân Y-sơ-ra-ên khóc lóc cầu nguyện suốt 20 năm, nhưng không có gì xảy ra. Nhưng sau Sa-mu-ên kêu gọi họ ăn năn từ bỏ sự thờ hình tượng, hiệp lại tại Mích-ba cầu nguyện thì Đức Chúa Trời đã giải cứu và phục hồi họ khỏi sự áp bức của người Phi-li-tin. Thậm chí dân Phi-li-tin, trả lại đất họ đã chiếm trước đây và không còn xâm lấn họ suốt thời Sa-mu-ên (1Sa-mu-ên 7). Đức Chúa Trời đã thay đổi hoàn cảnh họ từ bị áp bức đau khổ sang vui mừng tự do; từ mất mát được phục hồi sau khi họ hiệp một hạ mình tìm kiếm Chúa.

Khi Ha-man và phe đảng ông hiệp lại xin vua ban chiếu chỉ tuyệt diệt dân Giu-đa, Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê kêu gọi dân Giu-đa toàn quốc hiệp một kiêng ăn 3 ngày không ăn uống. Đức Chúa Trời đã đổi ngược tình thế, Ngài khiến kẻ thù dân Giu-đa bị tiêu diệt và họ chiếm được nhiều của cải. Từ số trừ sang số cộng, từ chết chuyển sang sống, từ thua thành thắng.

Khi dân Mô-áp, Am-nôn và người Mao-nít hiệp lại cùng gây chiến với Vua Giê-hô-sa-phát, thì vua kêu gọi dân chúng toàn quốc hiệp lại cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Dân Giu-đa không tốn một binh một tướng, cũng không cần vũ khí. Họ chỉ ca ngợi sự uy nghi thánh khiết của Chúa, nên thắng kẻ thù vẻ vang, sau đó họ dành ba ngày mới nhặc hết chiến lợi phẩm (2Sử ký 20:1-30).

Khi tất cả các môn đệ đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục thì Đức Thánh Linh giáng xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần có hơn 3000 người tin Chúa Giê-su, hội thánh đầu tiên được thành lập. Những người nhút nhát thành mạnh mẻ, người không kết quả trong chức vụ trở thành đầy kết quả.

Tại An-ti-ốt khi các sứ đồ, tiên tri, giáo sư cùng hội thánh cầu nguyện Đức Thánh Linh mặc khải đem tin lành đến Âu Châu.

Thật vậy sự hiệp một gồm nối kết với Chúa và với nhau đã chứng minh rằng, mọi thế lực và công việc của thế giới tối tăm chẳng thể nào lấn áp vương quốc sáng láng của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh bày tỏ sự khải tượng, mở mang nước trời. Cửa trời mở ra, cửa âm phủ bị đóng vì nó chẳng thắng được hội thánh Đấng Christ. Hiệp một tìm kiếm Chúa là dọn đường cho sự phục hưng.

Kết luận

Hội thánh là đoàn thể duy nhất trên đất có sức mạnh đánh bại Sa-tan và ma quỷ, giành lấy những người bị chúng cầm giữ, giải phóng và chữa lành những người chúng áp bức, đem tin lành bình an, hy vọng và cứu rỗi đến tận cùng trái đất. Hội thánh dọn đường cho sự trở lại của Chúa Giê-su và dự phần với Ngài đem Sa-tan và những kẻ thuộc về nó vào hồ lửa đời đời.

Chúng ta có thể khác nhau về giáo lý, giáo nghi, cách thờ phượng, cơ cấu tổ chức… nhưng trong Đấng Christ, chúng ta không còn phân biệt bất cứ điều gì, vì Chúa Cứu Thế là tất cả mọi sự trong mọi người (Cô-lô-se 3:11). Khi tất cả các con dân Chúa và các hội thánh nhận biết mình là tù nhân của Đấng Christ, chúng ta không sống cho mình nữa nhưng “Hãy hết sức gìn giữ sự hiệp nhất do Thánh Linh đem lại, bằng sợi dây xích hòa thuận” (Ê-phê-sô 4:3). Chúng ta hiệp một trong Chúa Giê-su và cầu nguyện tìm kiếm Chúa. Chúng ta nối kết với Chúa và với nhau vì mục đích chung là để cứu dân tộc mình và đào tạo môn đồ thì chúng ta sẽ thể hiện uy quyền trên quyền lực tối tăm.  Chúng ta chắc chắn sẽ thắng ma quỷ, nó phải trốn xa chúng ta và hội thánh sẽ đứng vị trí thống trị và quản trị và dẫn đến sinh sản gia tăng đầy dẫy.

Hãy có cái nhìn chung và hướng đi chung vì mục đích chung là sự mở mang vương quốc Chúa và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. A-men.

 

Người Dọn Đường & DTCMS.

(Ngoại trừ khi được ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan