Sự Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn mang đầy những huyền nhiệm vĩ đại. Huyền nhiệm là những điều không thể nào giải thích được bằng tri thức và lô-gic của con người và cũng nằm ngoài sự vận hành của mọi định luật thiên nhiên. Lạ lùng thay, những huyền nhiệm trong sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh là những huyền nhiệm mà chúng ta không thể thấy được trong ghi chép của bất cứ một tôn giáo thế gian nào. Dưới đây là ba trong số những huyền nhiệm đặc biệt và lớn lạ đó mà người viết tin rằng bày tỏ cho chúng ta những ý nghĩa và cách đáp ứng để tận hưởng toàn vẹn hơn những điều cao quý tột cùng mà Chúa Giê-su đã Giáng Sinh để ban cho chúng ta.
1/ HUYỀN NHIỆM CỦA NHỮNG LỜI TIÊN TRI BÁO TRƯỚC
Có trên 300 lời tiên tri trong Cựu Ước đã nói về Chúa Giê-su – giáng sinh, cuộc đời, cái chết, và sự sống lại. Các nhà toán học cho rằng tỷ lệ xác xuất để cho một người có được 8 trong số 300 lời tiên tri về người đó được ứng nghiệm là 1 trong một tỷ tỷ. Chỉ duy có Chúa Giê-su là có trọn 300 lời tiên tri ứng nghiệm. Ngoài ra còn những lời tiên tri đang và sẽ được ứng nghiệm.
Trong lúc các sấm truyền hay lời tiên tri của nhiều tôn giáo được hình thành sau cái chết của các vị giáo chủ hay sau khi các biến cố xảy ra thì 300 lời tiên tri trong Cựu Ước đã được viết hàng trăm năm trước Chúa Giê-su. Sự Giáng Sinh và những biến cố lớn trong đời sống trên thế gian này của Chúa Giê-su đã được các tiên tri Mi-chê (700 TCN), Ê-sai (700 TCN), Xa-cha-ri (600 TCN) và các sách Thi Thiên (sách được hoàn tất vào 200 TCN), Dân Số Ký (hoàn tất vào 1200 TCN) vv… báo trước.
Dưới đây là một số lời tiên tri tiêu biểu:
1/ Sinh bởi một người nữ đồng trinh (Ê-sai 7.14b,19 – Ma-thi-ơ 1.21)
2/ Nơi Chúa Giáng Sinh là Bết-lê-hem (Mi-chê 5.1 – Ma-thi-ơ 2.1, Giăng 7.42)
3/ Hài nhi Giê-su và gia đình trốn khỏi Hê-rốt Đại Đế, đến sống ở Ai-cập (Ô-sê 11.1 –
Ma-thi-ơ 2.15)
4/ Hê-rốt Đại Đế tìm giết hài nhi Giê-su bằng cách thảm sát các con trẻ dưới 2 tuổi ở Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 2.18, Giê-rê-mi 31.15)
5/ Cưỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem và được đoàn dân tung hô như là vua (Xa-cha-ri 9.9 – Ma-thi-ơ 21.4-10)
6/ Nhưng rồi chính dân Ngài đã chối bỏ Ngài (Ê-sai 53.3)
7/ “Bạn” của Ngài phản nộp Ngài cho giới lãnh đạo Do Thái (Thi Thiên 41.9 – Giăng 13:18)
8/ Giá bán Ngài là 30 miếng bạc (Xa-cha-ri 11.12 – Ma-thi-ơ 26:14–16)
9/ Nhưng sau đó kẻ phản Ngài là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt tự tử và số bạc đó được dùng để mua đất của thợ gốm (Xa-cha-ri 11.13 – Ma-thi-ơ 27.3-10)
10/ Dù vô tội mà bị xử án bất công nhưng Ngài vẫn im lặng (Ê-sai 53.7-8).
11/ Bị đóng đinh trên thập giá (Thi Thiên 22.14-16; Xa-cha-ri 12.10)
12/ Lính La-mã luôn đánh gãy xương chân của người được coi là đã chết trên thập giá nhưng không một xương nào của Ngài bị vỡ (Dân số Ký 9.12; Giăng 19.33).
13/ Ngài chết để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại (Đa-ni-ên 5.21; Ê-sai 53.6-8 – Ma-thi-ơ 27:50; 2 Cô-rinh-tô 5:21)
14/ Ngài sống lại từ kẻ chết (Thi Thiên 16.8-11; Ê-sai 53.10 – Ma-thi-ơ 28:6)
Huyền nhiệm của 300 lời tiên tri về Chúa Giê-su trong các sách Cựu Ước được ứng nghiệm cho thấy rõ hai lẽ thật – Kinh Thánh là Lời Chúa và Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế — là hai lẽ thật tự đứng vững trên chính nó và minh chứng lẫn nhau.
Đứng trên hai lẽ thật đời đời này, đức tin và đời sống của một cơ đốc nhân nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của đời sống của mình là một đức tin chắc chắn và bền vững. Những lời Chúa hứa cho người sống theo Ngài – nhận lãnh một đời sống sung mãn và đắc thắng trong mỗi ngày và sẽ nhận lãnh sự sống đời đời vĩnh phúc trong nước Đức Chúa Trời vinh hiển – sẽ thành sự thật. Người tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình là người đã làm một quyết định khôn ngoan.
Sâu xa hơn nữa, nó cho thấy Lời Chúa có tính cách “tiên tri.” Lời Chúa là lời Đức Chúa Trời công bố, bằng nhiều cách khác nhau, để thực hiện ý chỉ và chương trình tốt lành và toàn vẹn của Ngài. Khải tượng mà Lời Chúa nói đến sẽ thành hiện thực đúng theo thời điểm Ngài đã định (Ha-ba-cúc 2.2-3). Sống theo lời tiên tri và khải tượng Chúa ban cho (Thi Thiên 119.1-5) là cách duy nhất để đắc thắng, thành công và phước hạnh.
Vì vậy mùa Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch cũng là một thời điểm để một Cơ đốc nhân nâng cao sự trưởng thành trong đức tin và nhận Chúa làm chủ đời sống của mình trong tính cách tìm kiếm và đáp ứng lời tiên tri. Chúng ta phải nài xin Chúa ban cho một hướng đi và khải tượng đến từ Ngài thật rõ ràng để có thể dồn mọi nỗ lực, thời giờ và tâm tình vào hướng đi và khải tượng đó. Chúng ta cần tái xác nhận cam kết đi theo đường lối mà Chúa đã ban cho cá nhân, gia đình, Hội thánh và Hệ phái. Chúng ta cần cầu nguyện khẩn thiết xin Chúa giúp chúng ta làm tươi mới lại hướng đi và khải tượng mà Chúa đã ban cho. Đặc biệt chúng ta cần sẵn sàng tiếp nhận những “lời tiên tri” phán dạy về những hướng đi mới hay khải tượng mới.
2/ HUYỀN NHIỆM NGƯỜI NỮ ĐỒNG TRINH MA-RI HOÀI THAI BỞI ĐỨC THÁNH LINH
Hai sách Phúc Âm Ma-thi-ơ và Lu-ca cùng ký thuật lại một sự kiện không bao giờ xảy ra trước đó và sau này: người nữ đồng trinh tên Ma-ri sẽ hoài thai Chúa Giê-su bởi quyền phép của Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 1.18-25 và Lu-ca 1.26-35).
Những người vô thần, theo khuynh hướng chống lại niềm tin Cơ Đốc nói rằng đây là điều phản khoa học. Dưới áp lực về lô-gic khoa học của họ trong nhiều thế kỷ, một dòng “phóng túng” (liberal) trong thần học Cơ đốc tìm cách thỏa hiệp bằng quan điểm cho rằng đây là một huyền thoại (không phải huyền nhiệm) được các tác giả Tân Ước dùng để chuyển đạt thần tính của Chúa Giê-su.
Nhưng lý lẽ và quan điểm như vậy không thể trả lời được câu hỏi tại sao xuyên suốt lịch sử loài người, những nhà khoa học nổi tiếng như Newton, Pascal, Pasteur vv… hay các phi hành gia vũ trụ như Neil Armstrong, John Glenn vv… đều là những người tin Chúa. Chúng trở nên yếu ớt trước quan điểm được đa số các nhà khoa học đồng ý, rằng khoa học là để trả lời câu hỏi đó là gì và “thần học” trả lời đó là do ai.
Hơn nữa, chúng dựa vào một loại lý luận “giả khoa học.” Chúng cho rằng những gì không lô-gic với sự hiểu biết của con người thì không thể được chấp nhận: “nếu tôi không thấy, không nghe, không kinh nghiệm hay không đo lường được thì tôi không chấp nhận.” Ý tưởng này không chấp nhận những gì cao xa hay sâu nhiệm hơn sự hiểu biết rất giới hạn trong khoa học hiện tại của con người. Nếu khoa học được xây dựng trên ý tưởng này thì các nhà khoa học không thể nào dám có những ý tưởng đi ra khỏi bốn bức tường của sự hiểu biết của họ. Albert Einsten của thế kỷ 20 sẽ không dám vượt ra khỏi Cơ Học Newton của thế kỷ 19, để lập nên “Lý Thuyết Tương Đối.” Người ta sẽ không thể đi ra ngoài định lý hình học đơn giản nói rằng con đường ngắn nhất để đi từ điểm này đến điểm kia là đường thẳng nối liền hai điểm đó – để thấy rằng trong vũ trụ không gian, đường ngắn nhất nối liền hai điểm đó là đường cong! Người ta sẽ không thể nào vẽ ra được đường bay của các phi thuyền đến mặt trăng hay các hành tinh ngoài trái đất!
Khi tin nhận huyền nhiệm nữ đồng trinh Ma-ri được hoài thai bởi Đức Thánh Linh, chúng ta bước ra khỏi sự hiểu biết nhỏ bé và rất hạn hẹp của con người, để thoát ra khỏi sự nghi ngờ hay chống đối dựa trên nền tảng “giả khoa học.” Chúng ta đi vào một “khoa học thiên thượng” để mở mắt và lòng của chúng ta khiến chúng ta thấy được quyền năng và tình yêu lớn lạ của Đức Chúa Trời. Chúng ta hiểu được vì yêu thương và muốn cứu mỗi người chúng ta mà Ba Ngôi Đức Chúa Trời làm tất cả những điều lớn lạ nhất để Chúa Giê-su có thể đến thế gian để công bố Tin Lành cứu chuộc và biến đổi cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cảm nhận được sự khác biệt giữa tình yêu và khả năng bất lực của con người với tình yêu và quyền năng làm được mọi sự của Đức Chúa Trời: “Bởi vì không có việc gì Đức Chúa Trời chẳng làm được.” (Lu-ca 1.37). Để rồi dù trong nghịch cảnh hay thuận cảnh, đớn đau hay vui mừng, khổ nạn hay kết quả – chúng ta biết chắc kết cuộc của mọi sự là chương trình tốt lành trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
Sự kiện người nữ tên Ma-ri được hoài thai bởi Đức Thánh Linh chỉ ra vai trò và công vụ của Đức Thánh Linh mà chúng ta cần mở lòng tiếp nhận trong khi tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, mà Hội thánh đầu tiên đã kinh nghiệm trong ngày lễ Ngũ Tuần (Công Vụ 2). Suy gẫm trong hướng này, chúng ta càng thêm lòng khao khát được Ngài đầy dẫy, vận hành biến đổi và dùng chúng ta cho chương trình của Đức Chúa Trời.
Bên cạnh đó, sự kiện này bày tỏ rõ ràng về sự hiện diện toàn vẹn và cùng một lúc của thần tính và nhân tính của Chúa Giê-su.
Ngài sinh ra bởi một người nữ (đồng trinh) nên Ngài trọn vẹn là một con người. Dù sống trọn vẹn là một con người, Ngài đã thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết nên ai nhận Ngài làm Chúa của đời sống mình sẽ có thẩm quyền là con cái của Ngài và thừa hưởng di truyền thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết của Ngài (Giăng 1.12). Người đó sẽ sống tận hưởng mỗi ngày với sự vui mừng, bình an, kết quả và thịnh vượng.
Ngài sinh ra bởi quyền phép của Đức Thánh Linh trong lòng trinh nữ Ma-ri nên dù trọn vẹn là con người, Ngài vẫn có trọn thần tính của Đức Chúa Trời. Ngài đầy dẫy Đức Thánh Linh và sau khi thắng sự cám dỗ của ma quỷ, Ngài đầy dẫy quyền năng của Đức Thánh Linh (Lu-ca 4.1-14). Người nhận Ngài làm Cứu Chúa, vì thế, có thể sống và phục vụ với quyền năng Thánh Linh để kết quả cho chính mình và cho những người mà mình phục vụ.
3/ HUYỀN NHIỆM CỦA TÌNH YÊU SINH RA ĐỂ CHẾT THAY CHO
Chúa Giê-su giáng sinh một cách huyền nhiệm cực kỳ với một mục đích duy nhất là chết trên thập giá để hoàn tất công vụ sống trên thế gian của Ngài (Mác 10.45). Không một con người nào trên thế gian này, kể cả các giáo chủ tôn giáo, sinh ra và sống với mục đích như vậy.
Mỗi người chúng ta không định trước được sự sinh ra của mình. Nếu lấy 5 tuổi là tuổi mà con người chúng ta bắt đầu có một ý định sơ khởi về chúng ta sẽ làm gì và là ai (dù vẫn trong sự ngây thơ và khờ dại của tuổi thơ) thì từ lúc sinh ra đến lúc 5 tuổi, chúng ta sống theo bản năng trẻ thơ và chưa có tâm trí căn bản về mục đích sống để làm gì. Từ 6 tuổi đến 12 tuổi, phần lớn chúng ta sống trong sự tiến hóa từ trẻ thơ cho đến thiếu niên và chưa có tâm trí suy xét về mục đích đó. Từ 12 tuổi đến 18 tuổi, tâm trí chúng ta vẫn chưa là tâm trí trưởng thành đủ để định ra mục đích và ý nghĩa của đời sống của mình. Cho đến sau 18 hay 21 tuổi, chúng ta mới bắt đầu xây dựng tâm trí đó. Và thật ra mãi đến những năm 30 hay 40 chúng ta mới thật sự định hướng lâu dài cho mục đích và ý nghĩa đời sống của mình.
Cũng như chúng ta, hầu hết các giáo chủ tôn giáo từ Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử cho đến Mohamed vv… đều chỉ bắt đầu hành trình “tìm đạo” hay “lập thuyết” của họ trong những năm từ tuổi 30 hay 40. Điều rất rõ ràng là các vị giáo chủ hay vĩ nhân này chỉ dạy hay truyền lại những cách sống theo “đạo” hay “thuyết” của họ nhưng không một ai trong số họ tuyên bố rằng họ sẽ chết để cứu chuộc cho linh hồn của một người.
Nhưng ngay từ 12 tuổi là tuổi mà người Do Thái cho là tuổi khởi đầu trưởng thành của một người nam thì cậu thiếu niên Giê-su đã ý thức về sứ mạng của mình. Trong chuyến hành hương Giê-ru-sa-lem năm Ngài 12 tuổi, có một sự cố xảy ra. Ma-ri và Giô-sép lạc mất cậu thiếu niên Giê-su và mất 3 ngày mới tìm ra cậu đang ở trong thành Giê-ru-sa-lem vừa nghe vừa hỏi với các giáo sư Do Thái. Khi Ma-ri trách thì câu trả lời của cậu thiếu niên Giê-su là một câu trả lời lạ lùng: “Sao cha mẹ lại tìm kiếm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?” (Lu-ca 2.49). Kinh Thánh không cho chúng ta biết từ lúc nào mà ý thức trách nhiệm “việc” của Đức Chúa Trời hình thành trong cậu. Nhưng kể từ đó trở đi Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2.52). Ngay từ lúc là thiếu niên, Chúa Giê-su đã sống theo chương trình của Đức Chúa Trời và sống làm trọn trách nhiệm của người con trai trưởng trong gia đình. Trong thời gian ngắn ngủi ba năm rưỡi thi hành chức vụ rao giảng Tin Lành, mục tiêu sau cùng của Ngài là “chết trên thập giá” và sẽ sống lại để hoàn thành chương trình cứu chuộc nhân loại của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Phi-líp 2.6-11 ghi lại vắn tắt nhưng thật sâu xa về tình yêu lạ lùng của Chúa Giê-su:
6 Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời,
Nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời
Là điều nên nắm giữ;
7 Ngài đã từ bỏ chính mình,
Mang lấy hình đầy tớ,
Và trở nên giống như loài người.
8 Ngài đã hiện ra như một người,
Tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết,
Thậm chí chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao,
Và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,
10 Để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus,
Mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất.
Đều phải quỳ xuống,
11 Và mọi lưỡi đều phải xưng nhận.
Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa,
Mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.
Đây là tình yêu từ bỏ chính mình của Ngôi Hai Đức Chúa Trời để giáng sinh trở nên hoàn toàn là một “đầy tớ” phục vụ chương trình cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Theo chương trình đó, Ngài trở nên trọn vẹn là một con người. Ngài vâng phục chương trình cứu chuộc bằng cách chịu chết trên thập giá.
Nói tóm lại Chúa Giê-su giáng sinh đến thế gian với một mục đích duy nhất là để chết cho chúng ta được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, ma quỷ và sự chết. Vì Ngài đã làm trọn mục đích đó nên Đức Chúa Trời, qua công vụ của Đức Thánh Linh, đã dấy Ngài phục sinh và trở lại với địa vị tôn quý Ngôi Hai Đức Chúa Trời khiến cho
“10 Để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, Mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất. Đều phải quỳ xuống, 11 Và mọi lưỡi đều phải xưng nhận. Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa, Mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.” (Phi-líp 2.10-11).
Điều huyền nhiệm ở đây là Chúa Giê-su đã yêu con người chúng ta bằng một tình yêu không có gì so sánh được. Đó là một tình yêu đầy dẫy sự hạ mình, hy sinh, tha thứ và có quyền năng phục hồi và biến đổi toàn vẹn.
Khi một em bé té đau và khóc ré lên thì thông thường nhất em sẽ làm điều gì? Em sẽ hướng đôi mắt về chỗ của cha mẹ. Em chỉ cần cha mẹ đến ôm lấy em. Khi cha mẹ đến ôm lấy em thì em cảm thấy bớt đau rất nhiều dù lúc đó cha mẹ chưa xức thuốc hay làm gì cho em. Lời an ủi của cha mẹ làm em bớt đau thêm nữa. Tình yêu cha mẹ bất toàn của chúng ta đã là một phương thuốc chữa lành cho vết đau thân thể của con trẻ. Tình yêu đến nỗi giáng sinh để chết thay cho chúng ta và quyền năng thắng sự chết của Ngài lớn lạ biết bao so với tình yêu bất toàn của chúng ta – sẽ làm nên biết bao nhiêu điều kỳ diệu cho chúng ta!
Với tình yêu và quyền năng đó, Chúa Giê-su luôn tìm đến và kêu gọi chúng ta là những con cái yêu dấu của Ngài hãy mở cửa lòng cho Ngài bước vào (Khải Huyền 3.20). Hãy đến cùng Ngài để Ngài có thể chữa lành, cất gánh nặng và ban sự an nghĩ cho chúng ta (Ma-thi-ơ 11.28). Ngài nói rằng đừng bối rối trước những nghịch cảnh trong đời này vì Ngài đã sắm sẳn một chỗ tốt lành nhất trong nước của Ngài cho chúng ta (Giăng 14.1-4). Ngài muốn biến đổi chúng ta thành những con người đầy dẫy đức tin và quyền năng để ra đi chia xẻ tin lành, chữa bệnh, đuổi quỷ vv… (Mác 16.16-18). Huyền nhiệm thay tình yêu giáng sinh để chịu chết thay và biến đổi con người chúng ta.
KẾT LUẬN
Sự Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su là một sự kiện lịch sử với đầy dẫy những huyền nhiệm vĩ đại mở ra những cánh cửa cho đức tin, sự trông cậy và đời sống tiếp nhận tình yêu thương có quyền năng biến đổi kỳ diệu của Ngài.
Huyền nhiệm trong những lời tiên tri được ứng nghiệm về sự giáng sinh, những biến cố trong cuộc đời và sự chết và sống lại của Chúa Giê-su – xác chứng Lời Chúa là lẽ thật và có tính cách “tiên tri.” Huyền nhiệm đó xác chứng Chúa Giê-su thật là Cứu Chúa của mỗi một người chúng ta. Nó cũng xác chứng rằng người nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình sẽ sống một đời sống đầy sự vui mừng, bình an và đắc thắng trong mỗi ngày, và hơn nữa sẽ nhận lãnh sự sống đời đời vĩnh phúc như lời Ngài truyền rao tin lành. Chìa khóa để những gì huyền nhiệm đó đem lại sẽ xảy ra trong đời sống của chúng ta là tin nhận và sống theo ý hay khải tượng mà Lời Chúa bày tỏ cho chúng ta.
Huyền nhiệm nữ đồng trinh Ma-ri hoài thai bởi Đức Thánh Linh giúp chúng ta nhìn thấy được tình yêu và quyền năng cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời thật lớn lạ, không thể dò lường được. Ngài yêu mỗi người chúng ta đến nỗi Ngài làm điều chưa hề có trước đó và sẽ không bao giờ có về sau này, là Đức Thánh Linh khiến nữ đồng trinh Ma-ri hoài thai Chúa Giê-su để Chúa Giê-su đến thế gian thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại. Huyền nhiệm này cho thấy có một “khoa học thiên thượng” cao sâu và “thực” hơn mọi khoa học hiện đại của con người. Đức Thánh Linh làm nên “khoa học thiên thượng” đó để giúp chúng ta thoát khỏi “giả khoa học” đến từ mọi nguồn gốc vô thần hay “thần học thỏa hiệp” là những thứ ngăn cản hay bị mắt con người – không cho họ tin, tìm và khao khát kinh nghiệm được quyền năng của Đức Thánh Linh. Tin và sống với huyền nhiệm này là tin và sống với tình yêu thương chứa đầy quyền năng của Đức Chúa Trời mà Đức Thánh Linh đang rải vào lòng mỗi người tin kính (Rô-ma 5.5).
Huyền nhiệm của sự giáng sinh – Chúa Giê-su đến thế gian với mục đích chết thế và cứu chuộc mỗi người chúng ta – xác minh rằng chỉ có tình yêu của Chúa là tình yêu toàn vẹn và là tình yêu có quyền năng toàn vẹn. Khi chúng ta mở lòng tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa là khi chúng ta để cho tình yêu và quyền năng toàn vẹn đó biến đổi chúng ta thành một con người mới của đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta sống với tình yêu có quyền năng đắc thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết. Sống như vậy là sống mỗi ngày trong sự an ủi, thêm sức, yêu thương, soi dẫn, kết quả và ơn quyền đắc thắng mà Chúa Giê-su, trong cương vị hoàn toàn là một con người, đã sống khi còn ở thế gian.
Người môn đệ Chúa yêu là Giăng đã kết thúc sách Tin Lành mang tên ông như sau: “Đức Chúa Jêsus còn làm nhiều việc khác nữa. Nếu cứ ghi chép hết từng việc, thì thiết nghĩ rằng cả thế gian cũng không thể chứa hết những sách được viết ra.“ (Giăng 21.25). Nếu 300 lời tiên tri về Chúa Giê-su đã được ứng nghiệm, thì những lời tiên tri Ngài sẽ trở lại để phán xét thế gian, Ngài sẽ tiếp đón và ban thưởng cho những ai là con cái trung kiên, chắc chắn phải xảy ra. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày mỗi đến với Ngài và Lời Ngài để khám phá vô số những huyền nhiệm khác của tình yêu đầy quyền năng của Ngài. Đồng thời tỉnh thức, “hãy hết sức thận trọng về nếp sống của mình, đừng sống như người khờ dại nhưng như người khôn ngoan” (Ê-phê-sô 5:15), để một ngày nào đó chúng ta gặp Chúa được Ngài khen thưởng mà không hổ thẹn. AMEN.
PHẠM PHI PHI
(Ngoại trừ được ghi chú, người viết dùng Kinh Thánh BTTHĐ 2010)