Món Quà Vô Giá

Share

Năm 1849 Vua Maharaja Ranjit Singh Ấn độ đã tặng Nữ Hoàng Victoria nước Anh viên kim cương lớn nhất thế giới 186-carat. Sau đó nó được cắt lại còn 105.6 carat và được đính và dùng làm vương miện của Nữ Hoàng Anh đến ngày nay. Không ai biết trị giá nó là bao nhiêu, nhưng trị giá của viên kim cương tên gọi Hope Diamond 45.42-carat là $250 triệu USD.

Taj Mahal là lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng và món quà quý giá nhất trên thế giới do Vua Shah Jahan tặng cho vợ quá cố của mình là Mumtaz. Ông tốn 22 năm để xây xong Taj Mahal thu hút 7-8 triệu khách du lịch hằng năm. Năm 2007, nó được loan báo là Kỳ Quan sáng tạo mới thứ 7 trên thế giới (2000-2007).

Tỉ phú Nga Mikhail Gutseriev đã tổ chức đám cưới cho con trai mình là Said Gutseriev 28 tuổi, lấy cô sinh viên Khadija Uzhakhovs. Chi phí cho hôn lễ này tốn khoảng $1 tỉ đô mỹ kim vào năm 2016. Riêng áo cưới tốn 1 triệu đô nặng 12.7kg. Trong khi tài sản ông tỉ phú có khoảng 6 tỉ, ông tặng 1/6 tài sản mình chỉ cho đám cưới con trai mình.

Tất cả những món quà đã tặng mà chúng ta được nhắc đến phần trên, xuất phát từ tình yêu, sự quí mến và lòng tôn kính của người ban tặng dành cho người nhận. Chúng ta thường nghe nói “Chúng ta có thể cho mà không yêu; nhưng không ai yêu mà không cho”. Càng yêu nhiều chừng nào thì món quà dành cho người mình yêu càng quý giá chừng đó.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa, Đấng vô cùng giàu có. Nhưng đồng thời, Đức Chúa Trời là tình yêu. Không phải Ngài có tình yêu nhưng Ngài chính là tình yêu. Và khi yêu thì Ngài cho “tặng phẩm không sao tả xiết của Ngài” (2 Cô-rinh-tô 9:15). Khi Đức Chúa Trời ban cho thì tặng phẩm đó phải xứng với tình yêu và sự giàu có của Ngài. Nếu chúng ta hiểu món quà Đức Chúa Trời ban có giá trị và ích lợi thế nào thì chắc chắc chúng ta sẽ yêu thích món quà này. Vậy tặng phẩm Ngài dành cho nhân loại là gì? Thánh Giăng đã nói một cách vô cùng xác quyết như sau:

[bs-quote quote=”Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” style=”style-6″ align=”center” color=”#1e73be” author_name=”Giăng 3:16″][/bs-quote]

Hãy chú ý chữ vì… yêu thương… đến nổi. Vì yêu đến nỗi Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một “Món Quà Vô Giá” chính là Con Một của Ngài.

1. Món quà vô giá là Chúa Giê-su

Nhưng tại sao là Con Một của Đức Chúa Trời? Tại sao là Chúa Giê-su? Có nhiều món quà con người tặng cho nhau, có những món có giá trị, nhưng không có ích lợi. Dù có ích lợi, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Đức Chúa Trời không tặng cho chúng ta điều chúng ta muốn hay điều chúng ta cần. Vì con người thật sự không biết điều gì mình muốn hay điều gì mình cần. Thí dụ: Có nhiều người thích những đồ vật này, nhưng không lâu sau họ chán… Có những người muốn và cần có vợ, có chồng, họ sẳn sàng trả mọi giá để sống với người mình yêu, nhưng không lâu họ sau chán ghét chồng và vợ mình, dẫn đến ly dị rồi tìm người khác.

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài dựng nên chúng ta, Ngài biết chúng ta muốn và cần gì hơn chúng ta biết mình. Như người kỷ sư thiết kế xe, có chiếc chạy bằng xăng, cũng có chiếc chạy dầu. Tuy cùng là nhiên liệu dùng chạy xe, nhưng chúng ta không thể nào đổ dầu vào xe chạy xăng hay đổ xăng vào xe chạy dầu. Vì như vậy chiếc xe sẽ không chạy được và nó sẽ bị hư. Tương tự như thế, Đức Chúa Trời biết điều duy nhất mà chúng ta cần và Ngài ban tặng cho chúng ta món quà món quà vĩ đại nhất và cũng là “Món Quà Vô Giá” mà Ngài có, đó là Chúa Giê-su.

Tiên tri I-sa đã nói tiên tri về Chúa Giê-su như sau: “Vì một con trẻ đã ra đời cho chúng ta, Chúng ta đã được ban cho một con trai” (I-sa 9:5). Khi Giô-sép hay tin vị hôn thê của mình là Ma-ri đã có thai, Giô-sép suy tính từ hôn nàng thì một thiên sứ của Chúa hiện đến trong giấc mộng và bảo:

“Này Giô-sép, con cháu Đa-vít, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì thai nàng đang mang là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ sinh một trai, hãy đặt tên là Giê-su, vì Ngài sẽ cứu dân tộc mình thoát khỏi tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 1:20-21).

Chúa Giê-su là giải pháp Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi. Vì tội lỗi là hậu quả của sự chết, bệnh tật, đau khổ, nghèo thiếu, không hạnh phúc và là nguyên nhân của mọi vấn nạn trong gia đình, xã hội và thế giới. Tội lỗi cũng là điều ngăn trở khiến Đức Chúa Trời không thể ban phước cho chúng ta. Do đó khi tin Chúa Giê-su đã chết thay cho tội lỗi mình và mời Ngài làm Cứu Chúa và Vua đời sống mình thì chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời và được Ngài nhận làm con (Giăng 1:12), có mối quan hệ mật thiết với Cha, nhận được cơ nghiệp từ Ngài (Ê-phê-sô 1:11) và chúng ta “sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc (Giăng 3:16). Những hệ lụy của tội lỗi gồm sự rủa sã không còn trên chúng ta, mà phước hạnh và sự thương xót bắt đầu chạy theo chúng ta. Món quà thật vô cùng ích lợi và có giá trị đến đời đời.

2. Món quà cần phải được tiếp nhận

Đức Chúa Trời vì yêu chúng ta đến nỗi đã ban món quà quý giá nhất mà Ngài có cho chúng ta. Món quà Đức Chúa Trời ban là miễn phí, không cần phải trả giá, không phân biệt giai cấp của người nhận. Từ những kẻ chăn chiên nghèo nàn, đến những nhà thông thái quý tộc phương đông, từ những người gái điếm, kẻ thâu thuế đến những người đạo đức, chức sắc tôn giáo. Tất cả chúng ta đều cần Chúa Giê-su. Tuy nhiên, quyền quyết định tiếp nhận món quà này không nó tùy thuộc vào chúng ta. Đồng thời khi nhận món quà chúng ta phải nhận trọn gói quà mà người tặng trao cho mình.

a. Tiếp nhận toàn bộ địa vị của Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế đồng thời cũng là Vua và Chúa

Khi thiên sứ đến các gã chăn chiên báo tin sự giáng sinh của Chúa Giê-su như sau: “ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa (Lu-ca 2:11 BTT). Hãy chú ý chữ đã sanh cho… và danh hiệu Chúa Giê-su, được gọi là Đấng Cứu Thế và là Christ (là Đấng Chịu Xức Dầu Làm Vua) và là Chúa. Vậy trọn gói quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là Chúa Giê-su, nếu chúng ta tiếp nhận Ngài thì Chúa Giê-su phải là Đấng Cứu Thế, Vua và Chúa của chúng ta.

Một sự sai lầm lớn mà nhiều người hầu việc Chúa làm là kêu gọi người ta ăn năn tin và tiếp nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế để được tha tội lên thiên đàng, chứ không nói phải tiếp nhận Ngài là Chúa và làm Vua của họ trọn đời. Đồng thời chúng ta phải luôn nhắc nhở tín hữu Chúa Giê-su phải là Chúa trong mọi lãnh vực cuộc đời mình. Tin nhận Đấng Cứu Thế chết thay tội cho mình là điều quan trọng khởi đầu, nhưng điều quan trọng hơn nữa, là điều quan trọng đúc kết, là tiếp nhận Chúa Giê-su làm Vua và Chúa mình. Đây là lý do nhiều người sau khi tin Chúa, sống phóng túng như người ngoại. Vì họ nhận Ngài là Đấng Cứu Thế một vị thần hộ mạng cho mình. Họ gọi Ngài là Chúa nhưng không được vào Nước Thiên Đàng. Chúa Giê-su đã nghiêm túc nói:

“Tại sao các con gọi Ta là: ‘Chúa, Chúa!’ mà không thực hành lời Ta dạy? (Lu-ca 6:46). “Không phải hễ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào Nước Thiên Đàng đâu, nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời (Ma-thi-ơ 7:21). 

b. Khác biệt giữa được Chúa yêu và đẹp lòng Chúa

Chúng ta cần phân biệt giữa được Chúa yêu và được Ngài đẹp lòng. Đức Chúa Trời là tình yêu, Ngài yêu thế gian gồm con người và cả tạo vật Ngài dựng nên. Ngài yêu những người tội lỗi, không muốn họ hư mất nhưng được cứu (1 Ti-mô-thê 2:4).

Nhưng nếu chúng ta có đức tin nơi Chúa (Hê-bơ-rơ 11:6) và vâng giữ lời Ngài dạy thì Chúa đẹp lòng. Vì đây là mục đích sống của chúng ta. Phao-lô một sứ đồ nói nhiều về ân điển ông dạy chúng ta như sau:

Như thế, dù còn trong thân xác hay lìa khỏi thân xác, mục đích của chúng ta là sống đẹp lòng Chúa (2 Cô-rinh-tô 5:9). 

Ông khuyến khích những người còn đang độc thân đừng lập gia đình vì “Người không lập gia đình, thì lo việc Chúa, tìm cách làm đẹp lòng Chúa (1 Cô-rinh-tô 7:32). Phao-lô cũng nói rằng ông “rao giảng, không phải để làm vừa lòng loài người nhưng đẹp lòng Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa 2:4). Ông căn dặn những người hầu việc Chúa “Hãy chuyên tâm phục vụ cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, như người làm công không có gì phải hổ thẹn, thẳng thắn dạy lời chân lý (2 Ti-mô-thê 2:15). Ông dạy con cái Chúa, “Hãy thử nghiệm cho biết điều gì đẹp lòng Chúa (Ê-phê-sô 5:10). “Đừng làm buồn lòng Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:30).

Riêng sứ đồ Giăng, được mệnh danh là sứ đồ về tình yêu, nói:

Bất cứ điều gì chúng ta cầu xin thì nhận được điều ấy vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài và làm điều đẹp lòng Ngài (1 Giăng 3:22).

Chìa khóa để sống đẹp lòng Chúa là yêu Chúa hoàn toàn. Chúa Giê-su phán: “Nếu các con yêu kính Ta, các con sẽ giữ các điều răn Ta” (Giăng 14:15). Hãy chú ý chữ NẾU. NẾU chúng ta “hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà yêu kính Chúa là Đức Chúa Trời” (Mác 12:30), thì chúng ta chắc chắn sẽ sống đẹp lòng Ngài. Nguyện Đức Thánh Linh tuôn đổ tình yêu tràn đầy trong chúng ta và giúp đỡ chúng ta không chỉ tiếp nhận tình yêu của Đấng Cứu Thế, nhưng để Ngài là Vua là Chúa bằng cách sống đẹp lòng Ngài.

3. Món quà cần sử dụng

Bất cứ món quà dù giá trị đến đâu hay có công dụng tốt thế nào nó chẳng có ích lợi gì nếu người nhận món quà không sử dụng đúng chức năng. Muốn có đời sống được thay đổi có ích lợi chúng ta phải tin tiếp nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế và Vua là Chúa của mình. Chúng ta cần học để cần hiểu biết địa vị làm con cái Chúa, biết quyền lợi và sử dụng uy quyền của Chúa dành cho mình trong Chúa Giê-su. Do đó, quyển Kinh Thánh là cẩm nang sẽ dạy chúng ta cách sống đúng với địa vị Chúa ban và kêu gọi của mình.

a. Quyền làm con Đức Chúa Trời

Sứ đồ Giăng đã tuyên bố trong Giăng 1:12, “nhưng những ai tiếp nhận Ngài, nghĩa là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền trở nên con Đức Chúa Trời”. Đây là “Món Quà Vô Giá!” Ngài không cho chúng ta tiền bạc, nhà cửa, vật chất v.v… Nhưng cho chúng ta địa vị làm “con” của Ngài. Vì qua Chúa Giê-su và trong Ngài chúng ta được thừa hưởng “cơ nghiệp” mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Để hiểu rõ hơn chúng ta sẽ dùng ví dụ như sau:

Có một sự chênh lệnh vô cùng lớn lao giữa người giàu thỉnh thoảng cho người ăn mày số tiền, khác với người giàu đem người ăn mày về nhà mình nhận làm con và cho gia tài. Đây chính là tình yêu mà Đức Chúa Trời đã đối với chúng ta khi còn là tội nhân hư mất và Chúa Giê-su đã xuống thế gian để chết và cứu chuộc chúng ta để trở thành con cái của Đức Chúa Trời.

Tội lỗi đã ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời. Khi tin Chúa Giê-su đã xuống thế gian này chết thay cho tội lỗi mình thì chúng ta làm hòa với Đức Chúa Trời, được Ngài tha thứ. Chúng ta có sự bình an, gồm ở bên trong chúng ta, bình an trong mọi hoàn cảnh và bình an hòa thuận với những người chung quanh.

Quyền làm con khiến chúng ta không phải “lo lắng cho cuộc sống, lo mình sẽ ăn gì, uống gì, hay thân thể mình sẽ mặc gì (Ma-thi-ơ 6:25). Vì “ Đức Chúa Trời của” chúng ta “sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho” chúng ta “theo như sự giàu có vinh quang của Ngài trong Chúa Cứu Thế Giê-su” (Phi-líp 4:19). Khi đến với Đức Chúa Cha chúng ta “xin sẽ được, …tìm sẽ gặp, ..gõ, cửa sẽ mở” (Lu-ca 11:9). Chúng ta “đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho” chúng ta (Phi-líp 4:13). Vì “Đức Chúa Trời là Đấng dùng quyền năng tác động trong chúng ta, có thể thực hiện muôn phần hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng (Ê-phê-sô 3:20).

Đức Chúa Cha không chỉ ban Chúa Giê-su, nhưng Ngài đồng thời còn ban Đức Thánh Linh để phù hộ, giúp đỡ và ở với chúng ta đời đời. Nhờ quyền năng của Ngài chúng ta sống đắc thắng và thành công.

b. Quyền trên Satan và ma quỷ

Khi A-đam và Ê-va phạm tội thì có một sự rủa sã cho dòng dõi nhân loại. Bất cứ ai sinh ra trên thế gian này đều bị con rắn hay Satan cắn gót. Người nào bị rắn cắn có khi chết, đau nhức, không làm việc được. Vì Satan là “kẻ cướp, giết và hủy diệt” (Giăng 10:10). Gióp đã than thở về số phận con người như sau:

Con người vốn yếu đuối mong manh; sống một số ngày ngắn ngủi, nhưng lại đầy phiền muộn. Con người sanh ra để đau khổ (Gióp 14:1; 5:7)

Ha-lê-lu-gia! Nhờ sự Giáng Sinh cứu chuộc của Chúa Giê-su, hoàn cảnh và số phận chúng ta được thay đổi. Tuy nhiên chúng ta phải ý thức rằng khi chúng ta

“sanh ra bởi Đức Chúa Trời thì không tiếp tục phạm tội; người sanh ra bởi Đức Chúa Trời giữ mình an toàn và ma quỷ không đụng đến người được. Chúng ta biết chúng ta là con dân của Đức Chúa Trời và cả thế gian đều nằm trong sự kiểm soát của ma quỷ (xem 1 Giăng 5:18-19).

Vì khi được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, chúng ta ở thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Giăng 7:14). Khi được sinh ra bởi Thánh Linh, chúng ta được sinh ra để nhận lấy uy quyền chà đạp đầu rắn, bò cạp và sư tử và không có gì làm hại chúng ta được (xem Sáng thế 3:15; Giăng 3:3,5; Lu-ca 10:19). Đây là uy quyền với sức mạnh quyền năng của Đức Chúa Trời để “chống cự quỷ vương” (Ê-phê-sô 6:10) là kẻ thù của nhân loại. Chúng ta được kêu gọi vào đạo binh của Ngài để “đắc thắng cửa âm phủ, mở cửa thiên đàng” (Ma-thi-ơ 16:18,19).

Đức Chúa Trời muốn chúng ta bước theo dấu chân Chúa Giê-su (1 Phê-rơ 2:21), mặc lấy quyền phép Thánh Linh (Công vụ 1:8) để giải phóng những người bị quỷ vương áp bức (Công vụ 10:38) và hủy phá công việc của chúng (1 Giăng 3:8) và giảng Tinh Lành cho đến tận cùng quả đất (Công vụ 1:8).

Kết

Khi yêu, con người chúng ta tặng nhau những món quà giá trị tùy theo khả năng của mình. Riêng Đức Chúa Trời đã ban tặng chúng ta một món quà vô cùng vĩ đại là “Món Quà Vô Giá” và độc nhất vô nhị chính là Con Một của Ngài là Chúa Giê-su. Thật vậy, tặng phẩm của Chúa ban thật không sao tả xiết.

Chúng ta đang ở vào lúc cuối năm và chuẩn bị buớc vào năm mới. Vậy chúng ta có chuẩn bị món quà đặc biệt và giá trị gì dâng cho Đức Chúa Trời trong Mùa Giáng Sinh này, để bài tỏ tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc dành cho Ngài không? Phao-lô đã dạy chúng ta cách dâng mà Chúa đẹp lòng, ông nói:

Hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em. Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1,2)

Thật vậy chúng ta không có một của lễ nào hay món quà nào dâng lên cho Chúa để đẹp lòng Ngài bằng cách dâng chính đời sống mình hoàn toàn cho Chúa. Để Ngài là Vua và Chúa của mình, sống đẹp lòng Chúa luôn. Vì như thế chúng ta sẽ trở thành “những người thờ phượng chân thật… thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; …là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm” (Giăng 4:23 BHĐ).

Xin Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta để chúng ta có “tâm thần ăn năn tan vỡ” (Thánh Thi 51:17). “Nguyện lời nói của miệng” chúng ta “và sự suy gẫm của lòng” chúng ta “đẹp ý Ngài” (Thánh Thi 19:14). Xin Chúa giúp chúng ta “trở nên không có gì đáng trách, tinh khiết, là con cái Đức Chúa Trời không tì vết giữa một thế hệ gian ác, đồi trụy.

Hỡi các những người con yêu dấu của Đức Chúa Trời! Hãy chỗi dậy, sống đúng như địa vị và uy quyền Chúa ban cho mình. Hãy chiếu sáng… như những vì sao trong thế gian” (Phi-líp 2:15), đặc biệt cho dân tộc Việt nam đang bị hư mất của chúng ta.

 

Người Dọn Đường

(Ngoại trừ phần ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan