Kỷ niệm Chúa Phục Sinh nói lên bản chất của đức tin, sự hiểu biết và đời sống theo Chúa của chúng ta. Vì vậy kỷ niệm Chúa Phục Sinh có chức năng là một tuyên ngôn đức tin và sứ mạng. Nhưng có ba cách kỷ niệm Chúa Phục Sinh khác nhau với những mục đích khác nhau. Cách thứ nhứt là cách kỷ niệm chẳng những đã không làm sáng tỏ mà còn giết chết ý nghĩa của sự kiện Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết. Cách thứ hai đặt trọng tâm vào con người hay hội thánh hơn là tôn cao Chúa Phục Sinh. Cách thứ ba là kỷ niệm để ý nghĩa Chúa Phục Sinh và dòng“sức sống phục sinh” vẫn vận hành sống động trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Bài viết này nhắm mục đích tìm hiểu và suy nghiệm sâu xa về những gốc rễ của ba cách kỷ niệm này và qua đó khám phá một mối liên hệ tác động lẫn nhau một cách sâu xa giữa cách thứ ba và sự phục hưng hội thánh.
I. CÁCH KỶ NIỆM CHÚA PHỤC SINH TẠO NÊN LOẠI ỐNG DẪN TIẾP NHẬN DÒNG SỰ SỐNG PHỤC SINH.
Những ngày Lễ Thương Khó và Phục Sinh đã qua đi. Nhưng những ý nghĩa cao quý của sự kiện Chúa Giê-su chết trên thập giá và ba ngày sau sống lại vinh hiển vẫn tiếp diễn ngay trong đời sống của chúng ta. Chúa Giê-su đã đến thế gian để chết thay cho tội lỗi của mỗi người chúng ta. Trên thập giá, Ngài gánh thay cho chúng ta mọi án phạt mà chúng ta đáng lẽ phải chịu. Và Ngài đã sống lại để tuôn đổ vào cuộc sống mỗi ngày của chúng ta một dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh” vinh hiển và quyền năng của Ngài (Giăng 4.14). Dòng chảy đó làm cho tâm hồn của chúng ta chứa chan lòng vui mừng, tin yêu, hy vọng và bình an. Nó khiến tinh thần của chúng ta trở nên mạnh mẽ, tích cực, khôn ngoan và trong sáng. Nó biến đổi, xây dựng và làm gia tăng một sự sống ‘sung mãn’ trong cả ba mặt: tâm linh, tâm hồn và thể chất của chúng ta (Giăng 10.10b).
Nhưng không phải là ai trong chúng ta cũng liên tục nhận được dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh” trong mỗi ngày. Không ít người trong chúng ta, sau những ngày vui mừng và phấn khởi của các chương trình Lễ và của bầu không khí mùa Phục Sinh, đã bị trở lại tình trạng trước đó – đầy băn khoăn, gánh nặng, lo buồn, cảm nhận bất lực hay tuyệt vọng. Thế rồi, cũng giống như mọi năm, câu hỏi “Chúa Phục Sinh có quan hệ gì với đời sống mỗi ngày của tôi?” lại tấn công tâm trí của chúng ta! Tại sao điều mà Kinh Thánh dạy là Chúa ban sự sống sung mãn không tiếp tục xảy ra cho tôi? Tại sao những điều vui mừng, bình an và năng lực mà tôi đã tiếp nhận trong những ngày đã qua lại mau tan biến đi như sương mai? Những câu hỏi như thế này làm chúng ta rất khó chịu và hoang mang. Một mặt thì chúng ta tin Chúa và thờ phượng Đấng đã sống lại từ kẻ chết. Một mặt khác thì chúng ta không thấy rõ quyền năng phục sinh của Đấng đó trong đời mỗi sống mỗi ngày của mình!
Sự thật là như thế này, tình yêu và quyền năng của Chúa không bao giờ bị giảm đi hay dừng lại. Dòng tuôn chảy của Ngài vẫn vận hành trong mỗi giây phút của cuộc đời của chúng ta. Nhưng cần phải có một ống dẩn để dẫn đưa dòng tuôn chảy đó vào trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Chính chúng ta là người tạo nên ống dẫn đó. Đức tin, sự hiểu biết Chúa Giê-su và nếp sống xây dựng chiều sâu của mối quan hệ với Ngài trong mỗi ngày vv… là những điều làm nên ống dẩn đó. Những điều này kết hợp phát triển lẫn nhau. Mỗi một sự tăng trưởng của một trong những điều này làm mở rộng thêm nữa ống dẩn tiếp nhận dòng tuôn chảy vào đời sống mỗi ngày của chúng ta. Đặc biệt, vì kỷ niệm Chúa Phục Sinh có chức năng là một tuyên ngôn đức tin và sứ mạng nên chúng được bày tỏ ra rất rõ ràng và sống động trong ý thức và cách thức chúng ta kỷ niệm ngày Chúa Phục Sinh.
Kỷ niệm là làm ba điều như sau:
(1) Nhìn lại những gì đã xảy ra cho đến nay;
(2) Xác định mối quan hệ giữa điều đó với cuộc sống hiện nay của mình;
(3) Định hướng tương lai của mối quan hệ đó.
Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là làm ba điều:
(1) Nhìn lại sự kiện Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết và những gì mà Ngài đã đem đến cho chúng ta cho tới ngày hôm nay.
(2) Xác định mối quan hệ giữa Chúa Giê-su với cuộc sống hiện nay của mình;
(3) Định hướng tương lai của mối quan hệ đó.
Qua lăng kính của ba tiêu chuẩn này, chúng ta có thể thấy là có cách đón mừng Lễ Phục Sinhvới ý định hủy diệt ý nghĩa kỷ niệm Chúa Phục Sinh và do đó cắt đứt ống dẩn tiếp nhận dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh”. Có cách kỷ niệm Chúa Phục Sinh làm tôn cao con người và hội thánh tổ chức Lễ Phục Sinh hơn là tôn cao Chúa, làm nghẹt ngòi ống dẫn này. Có cách kỷ niệm Chúa Phục Sinh đẹp lòng Ngài, làm cho ống dẩn càng lớn hơn trong mỗi ngày và bởi đó mà làm tăng lên sự sung mãn đời sống tâm linh, tâm hồn và thể chất của người sống theo Chúa trong mỗi ngày. Đây là cách kỷ niệm Chúa Phục Sinh để chuẩn bị đời sống của tín hữu và hội thánh cho sự phục hưng mà Chúa sẽ đem đến.
II. BẢN CHẤT HỦY DIỆT CỦA CÁCH MỪNG LỄ PHỤC SINH BẰNG “VĂN HÓA NGÀY NGHĨ LỄ” VÀ PHƯƠNG THUỐC “PHỤC HƯNG”
Thế giới ngày nay chào đón ngày lễ Phục Sinh bằng loại “văn hóa ngày nghĩ lễ” – “holiday culture”. Người ta kỷ niệm một vĩ nhân của thế giới mà Cơ Đốc giáo gọi là Chúa Cứu Thế đã từ kẻ chết sống lại và sau đó về trời. Mọi sự chấm hết tại đây. Thế nên Lễ Phục Sinh trở nên một cái “lễ” cuối tuần với nhiều ngày nghĩ có lương, kéo dài từ thứ sáu cho đến thứ hai! Mùa Phục Sinh là mùa mua bán những món hàng “đại hạ giá” đủ loại từ xe hơi, TV, quần áo cho đến bánh kẹo vv. Các trung tâm thương mại (mall, shopping centre) tranh nhau tổ chức những lễ hội ca nhạc để thu hút khách đến. Những ngày nghĩ lễ Phục Sinh là cơ hội để đi du lịch, nghĩ ngơi hay vui chơi tiệc tùng vv… và cũng là dịp nhiều hãng phim quốc tế tung ra những cuốn phim mới. Hầu hết những sinh hoạt này đều không liên hệ đến hay tỏ ra những ý nghĩa cao quý và và sự sống đời đời mà Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết để ban cho mỗi người chúng ta!
Những sinh hoạt kể trên tự chúng không có gì là sai. Nhưng nếu chúng ta để cho chúng trở thành trọng tâm của ngày kỷ niệm Chúa phục sinh mà bỏ đi sự xẻ chia và suy niệm những ý nghĩa cao quý của ngày này, thì chúng ta đang làm một điều rất nghịch lý là đón chào ngày Chúa Phục Sinh bằng cách phá hoại ý nghĩa của ngày này. Thử tưởng tượng chúng ta tổ chức tiệc sinh nhật 18 hay 21 tuổi cho con. Tất cả mọi người đến dự đều chỉ tận hưởng mọi tiện nghi của buổi tiệc để vui chơi, ăn uống, ca hát vv… nhưng không một ai có lời chúc mừng sinh nhật người con và cha mẹ là chúng ta. Đó còn là tiệc sinh nhật không? Có phải đó là đến với tiệc sinh nhật nhưng để dùng mọi phương tiện của tiệc sinh nhật mà phá hư ý nghĩa của tiệc sinh nhật? Tương tự như vậy, ma quỷ tìm mọi cách để thế giới ngày nay dùng những ngày nghĩ mà lễ Phục Sinh đem lại theo cách để phá hủy ý nghĩa kỷ niệm Chúa Phục Sinh. Nó dùng loại “văn hóa ngày nghĩ lễ” để mọi người say mê và tìm kiếm mọi sự vui chơi, mua sắm, tiệc tùng, giải trí vv… mà không thấy được và do đó không nhận được món quà vô giá nhưng lại “miễn phí” là Chúa Giê-su đã sống lại để ban tặng sự sống sung mãn trong quãng đời trần thế và sự sống vĩnh phúc trong nước Đức Chúa Trời cho mỗi người.
Lý do thứ nhất khiến cho ma quỷ có thể dựng nên “văn hóa ngày nghĩ lễ” để khống chế và làm biến chất ngày kỷ niệm Chúa Phục Sinh vì nó lừa dối và cám dỗ được thế giới của chúng ta tìm kiếm sự thỏa mãn vật chất (bánh) mà không tìm kiếm sự sống trong Lời Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4.1-4). Vì nó dạy con người và con người chịu để cho nó dạy rằng phải sống với mục đích tìm cho được mọi điều tốt lành nhất thuộc về thế gian tạm bợ mà mắt con người có thể thấy được (1 Giăng 2.16-17). Vì theo mục đích đó mà con người không thờ phượng Chúa nhưng thờ phượng những gì giúp con người có được những điều đó và thực ra đó là thờ phượng nó (Ma-thi-ơ 4.8-10). Nhìn vào tỷ lệ số tín hữu đi thờ phượng Chúa ngày Chúa Nhật so với danh sách tín hữu hội viên, thường là một tỷ lệ không cao, chúng ta có thể thấy ngay là lối sống chạy theo vật chất, danh vọng và quyền thế — một loại anh em họ của “văn hóa ngày nghĩ lễ” – đang tấn công và lấn chiếm vào đời sống thuộc linh của hội thánh.
Chúng ta cần cầu nguyện khẩn thiết để có ơn quyền của Chúa để giữ gìn chúng ta cũng như cảnh báo mọi người về sự hủy diệt của “văn hóa ngày nghĩ lễ”. Chúng ta cần sự khôn ngoan của Ngài để giúp mọi người nhận biết hai điều quan trọng như nhau: (1) Đời sống vật chất có chỗ đứng quan trọng riêng của nó trong sự sống của chúng ta và (2) Đời sống vật chất phải hòa hợp với đời sống tâm hồn và tâm linh để cả ba đời sống này cùng được Chúa ban phước trở nên dồi dào. Nếu chúng ta không cậy ơn Chúa để chế ngự đời sống vật chất trong sự hòa hợp đó, nó sẽ không còn đứng trong chỗ đứng quan trọng đó để phục vụ chúng ta nhưng trở thành kẻ phá hoại tâm hồn và tâm linh của chúng ta.
Chúng ta cần cầu xin Chúa cho chúng ta được ơn để giải thích cho người khác hiểu được rằng họ cần một cuộc sống thỏa lòng, sống động và tươi mới trong mỗi ngày hơn là một cuộc “nghĩ lễ”. Chúng ta sẽ chọn điều gì trong hai điều này? Bỏ ra một số tiền rất lớn để mua những món đồ đắt tiền chỉ có thể dùng tạm trong một thời gian và tiếp nhận một món quà vừa “vô giá”, vừa không bao giờ hư hoại, vừa “cho không”? Có phải là chúng ta sẽ chê người từ chối món quà đó là sao dại dột thế? Chúng ta có dại dột không khi chào đón Lễ Phục Sinh mà không đến với Chúa Giê-su, Đấng vừa là đối tượng của Lễ Phục Sinh vừa là món quà vô giá mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta?
Chúa Giê-su đã đến thế gian chịu chết trên thập giá để trả giá chuộc cho tội lỗi và mọi hình phạt của tội lỗi của mỗi người. Không một ai trong lịch sử loài người có thể làm được điều này. Ngài đã sống lại từ kẻ chết để dòng tuôn chảy “sức sống phục sinh” vận hành sự sống sung mãn trong tâm linh, tâm hồn và thể chất của chúng ta trong mỗi ngày; và cũng để chuẩn bị chúng ta cho sự sống đời đời vĩnh phúc trong nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su mời tất cả mọi người – không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đạo đức hay xấu xa vv – tiếp nhận Ngài và bởi đó tiếp nhận dòng tuôn chảy này; tiếp nhận mà không phải trả một giá nào! Không một ai, ngoài Chúa Giê-su, có tình yêu thương cao cả, quyền năng lớn lạ và thẩm quyền vô hạn như vậy. Chúa Giê-su là Đấng ban tặng món quà vô giá cho mỗi người chúng ta và Ngài cũng chính là món quà vô giá đó.
Rất dễ cho chúng ta nói rằng cứ mặc kệ cho thế gian không tin kính Chúa làm biến chất ý nghĩa ngày Phục Sinh miễn là hội thánh chúng ta kỷ niệm Chúa Phục Sinh giữ gìn ý nghĩa này. Đây là một chủ trương tiêu cực và chủ bại trước âm mưu của ma quỷ. Nó ru ngủ chúng ta với sự thoải mái vì thỏa mãn với tình trạng hiện tại của mình và khiến chúng ta quên đi đại mạng lệnh của Chúa là xẻ chia Tin Lành cho muôn dân (Ma-thi-ơ 28.18-20) và hướng dẫn mọi người biết kỷ niệm Chúa Phục Sinh theo cách tiếp nhận dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh”.
Nguyên nhân thứ hai của việc ma quỷ có thể tạo nên “văn hóa ngày nghĩ lễ” để làm biến chất ngày kỷ niệm Chúa Phục Sinh là do nhìn chung hội thánh của Chúa, kể từ thế kỷ 19, bị suy thoái trầm trọng về cả năng quyền lẫn số lượng. Về mặt chiến trường thuộc linh, nhiều hội thánh không có đủ sức mạnh thuộc linh và thẩm quyền tiên tri để soi sáng, hướng dẫn, phục vụ và gây ảnh hưởng biến đổi xã hội con người. Hay nói một cách khác, nhiều hội thánh đã không có đủ dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh” để thu hút và cải hóa xã hội. Về mặt số lượng, nhiều hội thánh đã trở nên một thiểu số nhỏ nhoi trong cộng đồng nên đại đa số trong cộng đồng không biết Chúa đã có thể biến đổi cách chào đón ngày kỷ niệm Chúa Phục Sinh bằng “văn hóa ngày nghĩ lễ” và dồn hội thánh kỷ niệm Chúa Phục Sinh trong bốn bức tường của nhà thờ.
Một hình ảnh rõ ràng nhất nói lên sự suy thoái trầm trọng cả về năng quyền lẫn số lượng của hội thánh là tỷ lệ con dân Chúa đi thờ phượng Chúa càng ngày càng giảm sút. So sánh với dân số thì các tỷ lệ cơ đốc nhân, bao gồm Công Giáo và Tin Lành, đi thờ phượng vào ngày Chúa Nhật tại đa số các nước trên thế giới đều là những con số rất thấp. Ngoại trừ ở một số nơi như Hàn Quốc và một số nước ở Nam Mỹ và Phi Châu, các tỷ lệ này là như sau: 10% ở Úc, 12% ở Châu Âu, 20% ở Hoa Kỳ vv. Với thống kê ước lượng cơ đốc nhân chiếm khoảng trên 10% dân số Việt Nam thì ở Việt Nam tỷ lệ này thấp hơn 10%. Một sẻ chia từ Úc cho biết tỷ lệ tín hữu của các hệ phái Tin Lành người Việt đi thờ phượng ngày Chúa Nhật chưa đến 1% tổng số người Việt tại Úc.
Cách duy nhất để giải quyết mọi gốc rễ và trái xấu kể trên, và cũng là cách duy nhất để làm nhân bội những tỷ lệ kể trên – là mỗi người chúng ta và hội thánh phải được phục hưng, trở nên “muối” và “ánh sáng” cho thế gian (Ma-thi-ơ 5.13-16). Khi không có sự phục hưng thì phẩm chất “muối” và “ánh sáng” của chúng ta và hội thánh chỉ đủ để bảo vệ chúng ta (?) mà không đủ đế gây ảnh hưởng và biến đổi cộng đồng và thế giới chung quanh mình.
Hội thánh và con người không thể làm nên sự phục hưng. Đây là công việc của Đức Thánh Linh. Nhưng hội thánh và chúng ta có thể chuẩn bị cho chính mình và giúp người khác chuẩn bị cho họ để đứng vào tư thế sẵn sàng tiếp nhận cơn phục hưng mà Chúa sẽ đem đến. Những cuộc phục hưng lớn lạ và vẫn đang tiếp diễn tại khắp nơi như Trung Quốc, Indonesia, Nam Mỹ và Phi Châu vv… vì tại đó đã có những con người và hội thánh sống theo cách để Đức Thánh Linh có thể ngự xuống đầy dẫy họ.
Khi Đức Thánh Linh đến ngự đầy dẫy, Ngài sẽ biến đổi chúng ta. Ngài có thể vận hành toàn vẹn dòng tuôn chảy “sức sống phục sinh” của Chúa Giê-su vào đời sống của chúng ta trong mỗi ngày để giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su trong suy nghĩ, lời nói, việc làm và sự tiếp nhận vào. Tiếp theo đó Ngài biến đổi cá nhân người tin và tập thể hội thánh từ bước “đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Lu-ca 4.1) tiến đến bước “đầy dẫy quyền năng của Thánh Linh” (Lu-ca 4.14) để đắc thắng ma quỷ, tăng trưởng trong đức tin, chiến thắng cám dỗ và vươn lên đạt kết quả trong mọi thử thách và nghịch cảnh vv. Ngài làm cho con người nhận biết mình là tội nhân và biết rằng Chúa Giê-su là Đấng duy nhất có thể cứu chuộc và biến đổi đời sống của họ (Giăng 16.8). Đức Thánh Linh ban quyền năng và rải tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong chúng ta (Rô-ma 5.5) để chúng ta có tình yêu thương và năng lực siêu nhiên để sống phục vụ và chia xẻ Tin Lành cộng đồng chung quanh chúng ta. Đức Thánh Linh khải thị cho chúng ta biết mọi sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 2.10-13) để dòng phục hưng vẫn tiếp diễn và loan rộng cho đến ngày Ngài trở lại.
Phục hưng không phải là đề tài của bài xẻ chia này nên người viết khuyến khích bạn đọc tìm những bài sẻ chia sâu rộng và đầy đủ hơn đã có sẳn trong trang mạng này.
III. BẢN CHẤT TÔN CAO “CON NGƯỜI” CỦA CÁCH KỶ NIỆM THEO “TÍNH CÁCH TÔN GIÁO” VÀ PHƯƠNG THUỐC PHỤC HƯNG.
Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là điều hoàn toàn đối nghịch với việc tổ chức Lễ Phục Sinh theo “tính cách tôn giáo”. Tôn giáo là gì? Thần học gia Karl Barth là người đầu tiên đưa ra một định nghĩa đơn giản về tôn giáo và sau đó các hệ phái Tin Lành tiếp lấy và phát triển định nghĩa này. Theo Karl Barth, tôn giáo là tất cả những gì do con người tạo ra để tìm đến với Đấng Sáng Tạo Chủ Tể hay để tìm kiếm Chân Lý. Theo định nghĩa này, tôn giáo nào cũng có, trong những thể dạng khác nhau, một giáo chủ thường là người sáng lập, một hệ thống “thần học”, một “tín lý” và những tổ chức điều hành.
Với sự tuyên xưng đức tin trong Chúa Giê-su là Ngôi Hai Đức Chúa Trời đến thế gian để đem con người đến với Đức Chúa Trời Ba Ngôi – Cơ Đốc Giáo không có giáo chủ là con người. Chính Đức Chúa Trời là chủ tể của Cơ Đốc Giáo nên Cơ Đốc Giáo không phải là một tôn giáo mặc dù theo cách phân loại hành chánh thì các chính quyền kể Cơ Đốc Giáo là một trong những tôn giáo. Đây là điểm mấu chốt thứ nhứt cho thấy sự khác biệt sâu xa giữa các tôn giáo và Cơ Đốc Giáo. Hầu hết các tôn giáo chủ trương dùng sức con người (sự tu hành, nghiên cứu, thực hành vv…) để tìm đến chân lý, thiên đàng hay cảnh giới giải thoát trong khi Cơ Đốc Giáo tin cậy vào quyền năng cứu chuộc và biến đổi của Chúa Giê-su. Đây là điểm mấu chốt thứ hai. Như vậy Cơ Đốc Giáo không phải là một tôn giáo và nếu đã là tôn giáo thì không thể là Cơ Đốc Giáo. Từ điểm mấu chốt thứ hai này sinh ra điểm mấu chốt thứ ba. Sâu kín trong ý tưởng của các tôn giáo cho rằng con người có thể tự cứu mình hay làm được mọi sự thiện lành là ý tưởng tôn cao con người. Nó đối nghịch với tuyên xưng đức tin của chúng ta là con người là tội lỗi và bất toàn, và chúng ta chỉ dành một sự tôn cao duy nhất cho Đức Chúa Trời.
Lẽ thật này nhắc nhở chúng ta rằng nếu một hội thánh hay một cơ đốc nhân không sống bởi đức tin mà cậy vào sức mạnh tổ chức của con người – cơ sở vật chất, tài chánh, nhân sự, cơ cấu tổ chức, số đông tín hữu vv… — thì hội thánh hay cơ đốc nhân đó không còn toàn vẹn là một hội thánh của Chúa hay người tin kính Chúa. Họ trở nên một hội thánh hay một cơ đốc nhân sống pha trộn “việc làm tôn giáo” với đức tin.
Lẽ thật này nhắc nhở chúng ta luôn đặt Chúa là trọng tâm của mọi sinh hoạt hay mục vụ của chúng ta và hội thánh để giữ gìn phẩm chất của chúng.
Một buổi thờ phượng không nhắm đến mục tích tôn cao Chúa sẽ bị biến chất thành một buổi thờ phượng có “tính cách tôn giáo” mặc dù nó có đủ các nghi thức và tiết mục của một chương trình thờ phượng. Một chương trình bồi linh hay đại hội được tổ chức theo cách dựa vào diễn giả thu hút và các tiết mục tôn vinh hấp dẫn hơn là nhờ cậy vào quyền năng của Thánh Linh vẫn có thể thành công. Nó có thể thu hút được nhiều người đến dự và có nhiều người bước lên làm cam kết. Nhưng về thực chất, đó vẫn là một chương trình thành công về mặt tôn giáo hơn là thành công về linh vụ. Một mục vụ giúp đỡ cộng đồng chỉ để phô trương khả năng và sức mạnh phục vụ của tổ chức hội thánh hơn là vì yêu thương phục vụ cũng chỉ là một chương trình từ thiện“tôn giáo”. Nó không thể chuyển tải được một cách toàn vẹn tình yêu có quyền năng biến đổi của Chúa đến cho những người được hội thánh đến phục vụ.
Trong chương 2-3 của sách Khải Huyền, Chúa khải thị cho Giăng viết thư đến bảy hội thánh để nói rõ cho họ biết Chúa nhận xét gì về họ. Chỉ có hai hội thánh, Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi được Chúa kể là phát triển và kết quả toàn vẹn. Đây là hai hội thánh nhỏ bé “nghèo khó” và ít “năng lực” (Khải Huyền 2.8-11; 3.7-13). Chắc chắn đó không phải là hai hội thánh lớn mạnh về mặt tổ chức, có thể thực hiện những chương trình “hấp dẫn” và “hoành tráng”. Đặt Chúa lên trên hết và trung tín phục vụ Ngài là cách duy nhất để một hội thánh dù nhỏ hay lớn không rơi vào bẫy bị trở nên “tôn giáo” nhưng được phục hưng và phát triển.
Chúng ta sẽ tránh được lỗi lầm kỷ niệm Chúa Phục Sinh như là một chương trình lễ “tôn giáo” nếu chúng ta không thực hiện các buổi thờ phượng Thương Khó hay Phục Sinh theo thói quen, thông lệ hay vì đó là ngày được ấn định theo lịch phụng vụ. Chúng ta thực hiện với tấm lòng và chương trình thờ phượng bày tỏ lòng tôn kính, tạ ơn, cam kết, vâng phục, yêu thương và tận hiến mà Chúa Giê-su đã tuôn đổ trên thập giá. Chúa không tìm kiếm những người “làm sự thờ phượng” nhưng Ngài tìm kiếm những người có “lòng thờ phượng” (Giăng 4.23). Ngài sẽ hiện diện và tuôn đổ Thánh Linh của Ngài ở nơi nào có “lòng thờ phượng” cho dù nơi đó có chương trình kỷ niệm Chúa Phục Sinh đơn sơ hay phong phú (Ma-thi-ơ 18.18-20).
Lẽ thật này cũng cảnh cáo chúng ta về vấn đề gìn giữ truyền thống. Truyền thống có chức năng là làm phương tiện để chuyển tải và truyền đạt đức tin và nếp sống theo Chúa. Nếu có một truyền thống nào không còn thích hợp để thực hiện chức năng này thì truyền thống đó trở nên lỗi thời và phải được thay thế bằng điều có thể thực hiện chức năng đó tốt nhất. Nếu tiếp tục bảo thủ giữ gìn những truyền thống đã lỗi thời và không muốn đổi mới, chúng ta đang làm những điều rất nguy hiểm như sau:
(1). Chúng ta quý trọng những hình thức mà con người chúng ta đã quen làm và thích làm hơn là quý trọng hình thức và nội dung đổi mới Chúa muốn chúng ta thực hiện (I-sa 43.19; 2 Cô-rinh-tô 5.17). Và như thế chúng ta đang xây dựng một “thái độ tôn giáo” đặt những gì con người chúng ta muốn và thích lên cao hơn những điều đổi mới Chúa muốn.
(2). Nếu chúng ta chẳng những không muốn mà còn chống cự hay bắt bớ sự đổi mới đến từ Chúa, chúng ta đang đi theo “vết xe đổ” của những người Do Thái . Một mặt thì họ mong đợi Chúa Cứu Thế mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ sẽ đến. Nhưng khi Chúa Giê-su đến để làm trọn mọi điều luật pháp họ được Môi-se truyền dạy, tức là Ngài dạy những điều mới để hoàn thiện vĩnh viễn những điều Đức Chúa Trời dạy dân Do Thái trong thời Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5.17), thì họ tố cáo Ngài phá vỡ luật pháp cũ Môi-se.
Chúng ta cần cẩn thận xét lại không chỉ những truyền thống mà ngay cả những điều hội thánh thường thực hiện khi kỷ niệm Chúa Phục Sinh nói riêng hay trong mọi lãnh vực khác nói chung. Chúng ta cần đặt ra và trả lời những câu hỏi như là:
1. Cách thức và nội dung của điều này có nói lên rõ ràng về tấm lòng tôn vinh Chúa, cảm tạ Chúa, bày tỏ đức tin, rao báo sự vui mừng hay bình an trong Chúa, xây dựng tình yêu thương tha thứ, trở nên dạn dĩ phục vụ, cam kết vv… ?
2. Khi làm điều này thì ai là người được tôn cao: Chúa, danh tiếng hội thánh, diễn giả, ban hát vv…?
3. Khi làm điều này thì người dự, đặc biệt là thân hữu, có thể hiểu được những gì chúng ta muốn nói và tôn cao không?
4. Cách thức và nội dung của điều này có góp phần chuẩn bị con dân Chúa cho sự phục hưng của đời sống của họ không?
5. Có cách nào khác tốt hơn cách mà chúng ta đã làm từ bao nhiêu năm nay để đạt được ba mục đích kể trên?
“Tính cách tôn giáo” không bộc lộ ra tính hủy diệt đức tin một cách thách thức và rõ ràng như “văn hóa ngày nghĩ lễ” nhưng sức hủy diệt của nó mạnh hơn rất nhiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu kỷ niệm Chúa Phục Sinh có chức năng là một tuyên ngôn đức tin và sứ mạng của hội thánh mà sự dựa vào cũng như tôn cao con người hay tổ chức hội thánh của “tính cách tôn giáo” lại chiếm hữu Lễ Phục Sinh (nói riêng) hay các sinh hoạt của hội thánh (nói chung)? Chúng ta có cái vỏ tuyên ngôn đức tin và sứ mạng nhưng cái ruột là “tôn giáo”. Con dân và hội thánh của Chúa không thể nào thật sự phát triển và chiến thắng trận chiến thuộc linh cũng như được phục hưng trong tình trạng thuộc linh như thế!
Nhìn rộng ra đến lịch sử hội thánh, chúng ta có thể thấy sức hủy diệt kinh khủng của ‘bản tính tôn giáo” đã gây ra cho Cơ Đốc Giáo. Lịch sử hội thánh cho thấy hội thánh của Chúa đã phát triển một cách lớn lạ từ ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên trong Công Vụ 2 với Hội thánh Giê-ru-sa-lem cho đến trước khi Hoàng Đế La-mã Constantine đưa Cơ Đốc Giáo trở thành “quốc giáo” của đế quốc La-mã vào đầu thế kỷ thứ 4. Hội thánh và Hoàng Đế La-mã dựa vào nhau để phát triển. Hội thánh dần dần mất đi mối quan hệ sâu nhiệm với Chúa và mất đi sự đầy dẫy quyền năng Thánh Linh đã có từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Do đó, kể từ khi Constantine và các hoàng đế La-mã kết tiếp và các vị vua ở các nước Châu Âu sau đó liên tục “tôn giáo hóa” Cơ Đốc Giáo thì Cơ Đốc Giáo trở nên suy thoái trầm trọng. Vì tất cả mọi người dân đều bị bắt buộc trở thành cơ đốc nhân nên số lượng “giáo dân” rất đông nhưng phẩm chất của họ và dần dần phẩm chất của giới lãnh đạo hội thánh càng ngày càng sa sút. Nếu Chúa không dùng Martin Luther để cải chánh hội thánh vào giữa thế kỷ 16 thì hội thánh không thể nào thoát khỏi bệnh “tôn giáo” để sống bởi đức tin như ngày nay.
Lịch sử hội thánh cũng cho thấy là ở đâu có “tính cách tôn giáo” hay “linh tôn giáo” thì ở đó đời sống đức tin nghẹt ngòi, tăng trưởng nếu có chỉ là theo hình thức tôn giáo và đời sống thuộc linh khô hạn. Ở đâu có “linh tôn giáo” thì ở đó những con người khao khát phục hưng sẽ bị bắt bớ bằng nhiều hình thức khác nhau như đã thấy qua những sự bắt bớ dữ dội đã xảy ra cho Martin Luther và những sứ giả phục hưng trước ông.
Nhưng ở đâu có những con người bền lòng khao khát và chuẩn bị cho sự phục hưng thì ở đó Chúa sẽ làm mọi điều lạ lùng của Ngài để biến đổi con người và hội thánh của Chúa – như Chúa đã làm qua Martin Luther hay qua những dòng phục hưng trong suốt lịch sử hội thánh. Ngay trong lúc Cơ Đốc Giáo ngày nay vẫn tiếp tục suy thoái trầm trọng ở Châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nước ở Châu Á thì dòng phục hưng vẫn tiếp tục vận hành tại Trung Quốc với sự trổi lên của hội thánh ngầm (underground church). Vào năm 1949 sau khi Cộng Sản nắm chính quyền ở Trung Quốc, tổng số tín hữu Tin Lành là một triệu. Vào năm 2010 con số đó là 50 triệu và đang tiếp tục gia tăng với ước tính là đến năm 2025 sẽ vượt qua tổng số tín hữu Tin Lành tại nước Mỹ. Ở Nam Hàn, vào năm 1900, cơ đốc nhân chiếm 1% dân số. Thống kê năm 2010 cho biết nay là 29% dân số, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các tôn giáo ở Nam Hàn. Ở Indonesia là nước có dân số Hồi Giáo cao nhất thế giới, tỷ lệ cơ đốc nhân là 20 đến 25% dân số. Ở Nigeria là 40 đến 49% dân số vv…
Nhìn thu gọn mọi điều đã xẻ chia ở trên và đặt vào môi trường kỷ niệm Chúa Phục Sinh, chúng ta có thể thấy rằng có một sự xây dựng nhau và biến đổi nhau lạ lùng giữa dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh” qua đời sống kỷ niệm Chúa Phục Sinh và dòng phục hưng mà Chúa sẽ dấy lên cho cộng đồng hội thánh. Dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh” làm biến đổi đời sống tâm linh, tâm hồn và thân thể của chúng ta để chúng ta sống sung mãn trong mỗi ngày và chuẩn bị cho sự sống đời đời vĩnh phúc trong nước Đức Chúa Trời. Những biến đổi này là một trong những bước chuẩn bị cho những cơn phục hưng mà Chúa sẽ dấy lên trong chúng ta. Cùng lúc đó, dòng phục hưng vận hành biến đổi con dân Chúa và hội thánh trở nên đầy dẫy quyền năng của Đức Thánh Linh để đắc thắng biến đổi mọi con người, văn hóa và xã hội.
Nói tóm lại kỷ niệm Chúa Phục Sinh là một tuyên ngôn đức tin và sứ mạng của cơ đốc nhân và hội thánh. Nếu chúng ta thực hiện tuyên ngôn đức tin và sứ mạng với hết tấm lòng kính yêu tôn thờ và phục vụ Chúa để bởi đó mà trừ khử những chất độc hủy diệt ẩn dấu trong “văn hóa ngày nghĩ lễ” và “tôn giáo” thì chúng ta sẽ nhận lãnh toàn vẹn mọi ơn quyền và phước hạnh của sự phục hưng như lời Chúa đã phán hứa:
–“Và này, Ta hằng ở cùng các con luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28.20c)
— “Nhưng các con sẽ nhận lãnh quyền năng khi Đức Thánh Linh đến trên các con, và các con sẽ làm nhân chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến tận cùng quả đất.” (Công Vụ 1.8).
–“Đức Chúa Trời là Đấng dùng quyền năng tác động trong chúng ta, có thể thực hiện muôn phần hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.” (Ê-phê-sô 3.20).
— “Nếu Đức Chúa Trời đứng với chúng ta thì còn ai chống nghịch được chúng ta.” (Rô-ma 8.31b).
— vv……..
Phạm Phi Phi & DTCMS