11 BẠN CÓ THỂ THAM DỰ MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN KHẨN CẤP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời đang liên tục tiếp nhận và phát đi những lời kêu gọi khẩn cấp. Một số sự kiện (mà bạn không thể thấy trước được) cần Chúa can thiệp khẩn cấp. Các hoàn cảnh khác đưa đến một điểm khủng hoảng. Đang khi Đức Chúa Trời không bao giờ ngạc nhiên vì Ngài thấy trước tất cả, thì bạn và tôi lại giải thích rằng đây là các nhu cầu khẩn cấp.
Ngày nay, Đấng Christ ngồi bên hữu ngôi Đức Chúa Trời, cai trị thế giới qua sự cầu thay của Ngài và của các đối tác cùng cầu nguyện với Ngài trên đất này. Khi các nhu cầu như thế nổi lên, đôi lúc Đức Chúa Trời chọn lựa sắm sẵn trước cho họ bằng việc kêu gọi con cái Ngài cầu nguyện. Vào những lúc khác, Ngài phát đi sự kêu gọi khẩn cấp đúng lúc có nhu cầu.
Con cái Chúa thiết lập hệ thống mạng lưới cầu nguyện khẩn cấp của Ngài
Mạng lưới khẩn cấp này luôn sẵn sàng và cũng phụ thuộc vào bạn và tôi. Đức Chúa Trời thường thôi thúc một người quen biết cầu nguyện cho bạn để củng cố đức tin của người đó cũng như của chính bạn.
Tôi xin nêu một ví dụ. Suốt những ngày ở trường Kinh Thánh, tôi thường xuyên giải và cầu nguyện với một sinh viên về một tình huống khẩn cấp mà chỉ hai chúng tôi biết thôi. Một sự tăm tối thuộc linh đè nặng trên người bạn tôi. Trong nhiều ngày mỗi khi rãnh rỗi tôi đều cầu nguyện và khuyên giải, nhưng bởi một lý do nào đó, đây thật là một trận chiến cầu nguyện dường như không có gì khả quan.
Lúc đó, tôi nhận được bưu thiếp của một nhà truyền giảng Phúc âm biết rõ tôi. Ông viết: “Anh Wesley yêu quí, lúc cầu nguyện cho anh bỗng dường như tôi thấy anh cũng đang quỳ gối cầu nguyện. Tôi có thể thấy Chúa Jêsus đang đứng trước mặt anh giang tay ra chờ anh, nhưng anh có vẻ như không thấy Ngài. Tôi tự nghĩ: Chúa thường ở thật gần chúng ta biết bao và thường mong mỏi đáp lời chúng ta xin, song chúng ta lại không nhận ra điều đó”. Và Đức Chúa Trời đã thôi thúc ông cầu nguyện ngay lúc tôi cần.
Đôi khi chúng ta không biết vì sao mình lại có gánh nặng. Ấy chính là khi chúng ta vừa nhận được sự thôi thúc cầu nguyện đặc biệt từ Chúa, cảm nhận sự kêu gọi và trách nhiệm cầu nguyện vào một thời điểm nào đó.
Vào tháng 8/1962, tôi tổng kết công tác hầu việc Chúa ở Úc bằng 4 ngày họp ở Hội thánh Báp-típ Scarborough ở thành phố Perth. Chúa bắt đầu ban gánh nặng khiến tôi phải để trọn ngày thứ Bảy cầu nguyện và kiêng ăn. Sáng hôm đó, tôi tìm thấy một nơi cách biệt ở bãi biển Scarborough và bắt đầu thời gian ở riêng với Chúa. Thì giờ trôi qua, tôi không biết vì sao, nhưng Thánh Linh dẫn tôi vào cuộc chiến quyết liệt chống lại Sa-tan và trong suốt buổi nhóm đêm ấy tôi cảm thấy được Chúa dẫn dắt để nói về “Quyền lực của Sa-tan và Quyền năng của Đức Chúa Trời”.
Trên đường đến buổi nhóm, tôi bỗng tắt tiếng. Tôi đã im lặng cầu nguyện cả ngày, không lạm dụng lời nói mình và không bị cảm. Khi lên tòa giảng, môi tôi mấp máy nhưng không thể phát ra được một lời. Hội chúng ngơ ngác. Nắm chặt bục giảng, tôi căng cứng hết người. Sau một lát, khi tiếng của tôi bắt đầu hồi phục, nhưng có vẻ như là ép từng lời ra khỏi bục giảng và rơi xuống sàn nhà. Không có một sự tự do hay phước hạnh nào cả và kết thúc buổi nhóm, mọi người lặng lẽ rời nhà thờ.
Một phụ nữ mà tôi không quen biết, còn ở lại. Bà cho biết đã được tái sinh 6 tháng trước. Nhưng vì, trước đây bà đã thực hành ma thuật nên bây giờ bà cảm thấy ma quỉ không buông tha bà. Chúng hiện hình xung quanh giường bà mỗi đêm và la hét vào mặt bà. Bằng sự bất bình công chính, tôi đã cầu nguyện với bà và công bố sự đắc thắng. Bà đã hoàn toàn được giải cứu khỏi sự áp chế của Sa-tan.
Vào buổi nhóm sáng hôm sau, dường như cả thiên đàng mở ra cho chúng tôi. Nhu cầu thuộc linh của nhiều người được đáp ứng, và một số được kêu gọi vào công trường truyền giáo. Lúc kết thúc buổi nhóm, một người đàn ông bị quỉ ám, run rẩy từ đầu đến chân, được giải cứu khi Mục sư, chấp sự và tôi cầu nguyện. Ông là chồng của người phụ nữ đã được giải cứu tối qua. Tôi không biết rằng suốt 6 tháng qua, các chấp sự đã lập một giao ước cầu nguyện cho ông. Đức Thánh Linh đã thôi thúc sự cầu nguyện vào thời điểm khủng hoảng đó. Sa-tan cố ngăn chận, nhưng Chúa Jêsus đã toàn thắng. Nguyện mọi vinh hiển đều qui về Ngài!
Cách tham gia mạng lưới cầu nguyện cấp cứu của Đức Chúa Trời
1. Phải chắc chắn rằng bạn được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Sự chắc chắn này là nền tảng cho mọi điều trong đời sống thuộc linh. Tuy mọi Cơ Đốc Nhân có thể được Thánh Linh dẫn dắt và sử dụng. Nhưng khi Ngài hoàn toàn điều khiển cuộc đời bạn, thì bạn dễ nghe được tiếng phán của Ngài hơn. Mọi Cơ Đốc Nhân đã tái sinh đều có Thánh Linh trong lòng (Rô 8:9) nhưng không phải tất cả đều sống cuộc đời đầy dẫy Thánh Linh và được Ngài kiểm soát.
Bạn không thể sống một cuộc đời như vậy cho đến khi bạn từng trải điều đó. Người tín đồ phải “hoàn toàn đầu phục” (từ ngữ mà Andrew Murray ưa dùng) – tận hiến chính mình và tất cả những gì của Thánh Linh (Lu 11:13), tin cậy sự tẩy sạch, ban quyền năng, đổ đầy của Ngài (Công 15:8-9). Mỗi Cơ Đốc Nhân ngày nay đều có thể được đầy dẫy Thánh Linh như các sứ đồ đầu tiên, nếu có cùng một sự kết ước như vậy (Công 2:38-39). Đây không phải là vấn đề về những sự biểu lộ đặc biệt của Chúa Thánh Linh; mà là hoàn toàn đầu phục ý chí của bạn cho Chúa.
Mỗi khi bạn thấy một tín đồ đang tranh đấu với ý chỉ của Chúa, bị các ham muốn xác thịt đánh bại, bị bản ngã bướng bỉnh ngăn trở và đang có phản ứng xác thịt với gia đình hoặc người khác, thì bạn biết người ấy không sống cuộc đời đầy dẫy Thánh Linh. Hoặc anh chưa từng được đầy dẫy, hoặc do sự bất tuân và rút lui khỏi sự tận hiến, nên hiện không còn sống trong sự đầy trọn của Thánh Linh. Thông thường khi bạn đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Ngài sẽ tái đổ đầy trên bạn, mỗi lúc bạn có nhu cầu.
2. Phát triển nếp sống cầu nguyện sâu nhiệm hơn. Bạn càng kinh nghiệm nếp sống cầu nguyện, Đức Chúa Trời càng có thể sử dụng bạn vào những thời điểm cần thiết. Ngài vẫn luôn cần những chiến sĩ thật sự cầu nguyện. Bạn học cầu nguyện bằng cách cầu nguyện. Dù kiến thức sách vở về cầu nguyện thật sự phong phú, bạn chỉ có được sức mạnh và niềm tin trong sự cầu nguyện đang khi bạn cầu nguyện mà thôi. Hãy thực hành các nguyên tắc cầu nguyện và Đức Thánh Linh sẽ thêm cho bạn sự tự do, dạn dĩ và cơ hội cầu thay.
3. Phát triển mối tương giao cầu nguyện với Chúa. Hãy lập lại với Chúa rằng bạn yêu mến và chiêm ngưỡng Ngài dường nào. Hãy kết thúc một ngày của bạn bằng lời ngợi khen. Chia sẽ niềm vui của bạn với Ngài. Trong nơi sâu lặng của linh hồn, hãy cảm tạ Ngài vì một ngày phước hạnh – ánh nắng mặt trời, vẻ đẹp, những nụ cười, các người bạn, bài hát, sự vùa giúp của Ngài trong công việc của bạn. Hãy cầu xin Chúa ban phước cho những người bạn chú ý, đi qua hoặc gặp gỡ. Khi bạn làm công việc mình, mà không ai khác biết được về sự tương giao thường xuyên của bạn với Chúa yêu dấu của mình. Hãy sống trong sự hiện diện của Ngài.
4. Phát triển đôi tai biết lắng nghe. Làm con cái của Đức Chúa Trời bạn có đặc ân được Đức Thánh Linh dẫn dắt (Rô 8:14). Bạn đã bao giờ phát triển thói quen lắng nghe Chúa chưa? Chưa có một Cơ Đốc Nhân nào biết tường tận bài học này, nhưng Đức Chúa Trời có thể giúp bạn phát triển đôi tai biết lắng nghe. Nguyện Đức Chúa Trời biến các gợi ý sau đây thành ơn phước cho bạn:
a) Nắm chắc rằng bạn đã duy trì sự hứa nguyện với Chúa mỗi ngày và sống trong sự đầy dẫy Thánh Linh.
b) Cầu xin Chúa dạy bạn biết lắng nghe Ngài. Cầu nguyện không phải là sự tương giao thật nếu chỉ mình bạn độc thoại.
c) Khi bạn bắt đầu một ngày mới, hãy xin Chúa phán với bạn bất cứ lúc nào trong ngày. Hãy xin Ngài giúp bạn nhận biết tiếng Ngài.
d) Hãy đọc Kinh Thánh, trông mong Chúa phán với bạn và ban phước cho lòng bạn qua Ngài. Hãy đọc Lời đó để được phước hạnh cá nhân và nhận những điều Ngài gợi ý để biết cách làm đẹp lòng Ngài và có thể vâng theo ý Ngài trọn vẹn hơn.
e) Xin Chúa hướng dẫn và giúp đỡ ngay cả những việc nhỏ. Bất cứ điều gì quan trọng thì cũng quan trọng với Ngài. Xin Ngài giúp bạn thành nguồn phước cho người khác khi bạn gặp họ, nói chuyện với họ trên điện thoại hoặc viết thư. Xin Chúa chỉ cho bạn những việc nhỏ để làm cho Ngài và người khác. Bạn có thể xin Ngài hướng dẫn trong việc mua bán, trong thái độ tiếp xúc, công việc cũng như trong đời sống cầu nguyện của mình.
f) Hãy yên nghĩ và tin cậy Ngài luôn hướng dẫn bạn (Ês 58:11). Đừng kinh hãi, lo sợ rằng mình sẽ không đạt tiêu chuẩn theo ý Chúa. Bạn là con cái Ngài; vậy nên, hãy yên nghĩ trong sự thành tín Ngài. Đừng vội kết luận. Đừng mong đợi nghe được tiếng phán hoặc dấu hiệu từ trời. Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời là một phần bình thường trong sự đối xử của Ngài với bạn như thể Ngài thường làm việc mà bạn lại hầu như không nhận biết.
g) Hãy xem cách Ngài quan phòng đời sống bạn như thế nào. Đừng buồn khi Ngài cho phép trì hoãn hoặc ngăn trở kế hoạch của bạn. Đường lối Ngài là tốt đẹp nhất. Ngài muốn mọi sự hiệp lại làm ích cho bạn và cho sự vinh hiển Ngài. Ngài luôn biết điều gì là tốt đẹp và cao cả nhất. Đừng tranh đấu chống lại ý Chúa; chỉ cần bạn yên nghỉ trong sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài. Chúa có thể mở đường nơi chưa hề có và bạn không bao giờ phải dùng sức để mở một cái cửa.
5. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời giữ bạn tỉnh táo mỗi ngày. Mỗi buổi sáng hãy xin Chúa khiến bạn chú ý cụ thể đến một người hoặc một hoàn cảnh nào đó để cầu nguyện. Hãy lập danh sách cầu nguyện, vì Chúa có thể nhắc bạn ghi thêm những người có nhu cầu đặc biệt vào danh sách. Danh sách này cũng sẽ là nhật ký của lời cầu nguyện được nhậm! Hằng ngày, hãy nhạy bén với bất kỳ chức vụ cầu nguyện mới nào mà Đức Chúa Trời chỉ cho bạn. Khi bạn trải qua một ngày của mình, hãy cầu nguyện ngay lập tức cho những ai hoặc điều gì mà Đức Chúa Trời nhắc nhở tâm trí bạn.
6. Hãy chấp nhận trách nhiệm đặc biệt cho bất kỳ gánh nặng nào Chúa giao cho. Mỗi ngày hãy đoán chắc với Chúa rằng bạn sẽ cố gắng trung tín mang bất cứ gánh nặng cầu nguyện nào mà Ngài giao. Hãy xem đó là một sự tin cậy đặc biệt đến từ Chúa.
Cách nhận biết nhiệm vụ cầu nguyện Chúa giao cho mình
Đức Chúa Trời có thể khắc ghi ấn tượng sâu sắc về một người nào đó trong trí bạn. Điều này có thể xảy ra lúc bạn cầu nguyện hoặc vào một lúc nào khác trong ngày. Nếu bạn đã thưa với Chúa về sự sẵn lòng của bạn và một người cứ tiếp tục xuất hiện trong tâm trí bạn, thì rất có thể người đó cần được cầu thay. Điều này chỉ có thể thỉnh thoảng xảy ra, nhưng càng bước đi gần gũi với Đức Chúa Trời và quen với tiếng phán của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ càng thường xuyên sử dụng bạn theo cách này.
Bạn dễ có linh cảm đặc biệt hoặc sự nhạy bén về nguy hiểm hay nhu cầu. Hãy đến ngay với Chúa, nếu có thể, hãy tạm dừng những gì bạn đang làm. Đang khi bạn cầu nguyện, Đức Chúa Trời có thể đem đến cho tâm trí bạn một người hoặc một hoàn cảnh nào đó. Nếu không, hãy xin Ngài giúp đỡ và thương xót cho bất cứ nhu cầu nào. Như tôi đã nhắc đến trong chương 9, Đức Chúa Trời đã thôi thúc tôi cầu nguyện khi cha mẹ tôi đang ở trong sự nguy hiểm, dù tôi không biết sự nguy hiểm ấy là gì.
Vào ngày 12.12.1939, đang khi cầu nguyện cho Thế chiến II, tôi đặc biệt có gánh nặng cho một trường hợp cụ thể kia. Chiếc tàu Graf Spee – vốn là tàu buôn của Đức vừa bị biến thành một “tàu chiến nhỏ”, đang đánh đắm nhiều tàu buôn khác và giết hại nhiều mạng sống. Đêm đó, tôi cảm thấy có uy quyền đặc biệt của Đức Chúa Trời khi nài xin Ngài can thiệp. Ngay hôm sau, đài phát thanh đưa tin tàu Graf Spee bị đuổi đến hải cảng Montevideo, Urugoay. Vài ngày sau, con tàu đó bị kéo ra khỏi cảng và bị đánh đắm. Không người nào bị mất ngoại trừ viên sĩ quan chỉ huy, đã chọn cùng chết với con tàu. Chúa rất có thể đã đặt cùng gánh nặng cầu nguyện đó vào lòng nhiều người khác cùng thời điểm Ngài ban cho tôi gánh nặng đó. Nhưng tôi vui mừng được Ngài kêu gọi vào sự báo động cầu nguyện và được Ngài trả lời cách cụ thể.
Bà Hulda Andrus, mẹ của Hạ sĩ quan không lực Jacob DeShazer, một trong những người lính bị bắn rơi trong các trận oanh tạc Doolitle trên bầu trời Tokyo trong Thế chiến II đã kể lại Đức Chúa Trời đã đặt trên bà gánh nặng cầu nguyện như thế nào. Bà không biết nơi con trai bà đang đóng quân. “Một đêm kia tôi bỗng nhiên thức dậy với một cảm giác là lạ như là đang ở trên không rơi xuống, rơi xuống mãi. Ôi, một gánh nặng khủng khiếp đã đè nặng lên linh hồn tôi! Tôi cầu nguyện và kêu gào với Đức Chúa Trời trong nỗi thống khổ của mình. Đột nhiên gánh nặng biến mất”. Sau đó bà được tin con trai bà bị bắn rơi đang ở trong tay của quân Nhật. Xem lại thời gian đó, bà nhận thấy Chúa đã báo động cho bà đúng vào lúc con trai bà bung dù nhảy khỏi chiếc máy bay đang rơi.
Một lần khác, Đức Chúa Trời đã đặt trên bà gánh nặng lớn về sự cứu rỗi của con trai mình. Khi bà dốc lòng cầu nguyện, Đức Chúa Trời đã nhắc bà về lời hứa trong Ês 55:9. Chính lúc đó, Ngài cũng phán với Jacob trong phòng giam của anh và anh đã hiến dâng đời sống mình cho Chúa Jêsus.
Một ngày kia, báo chí đưa tin rằng tất cả các tù nhân này sẽ bị hành hình. Khi bà kêu gào với Đức Chúa Trời, dường như Ngài đáp: “Các thiên sứ sẽ chăm sóc anh” và lần nữa gánh nặng này lại được cất đi. Trong số 4 người bị bắt thì 3 đã bị hành quyết, nhưng DeShazer được tha mạng nhờ phép lạ của Đức Chúa Trời, Ngài không chỉ cứu anh, mà còn kêu gọi anh đi giảng đạo. Sau chiến tranh, DeShazer trở lại Nhật và được Chúa đại dụng làm giáo sĩ.
Đức Chúa Trời có thể khiến bạn có cảm nhận khẩn cấp về một nhu cầu mà bạn biết rõ. Có lẽ nhiều lần bạn đã cầu nguyện cho một nhu cầu cụ thể, nhưng nay bạn có một ấn tượng sâu sắc rằng Đức Chúa Trời cần đáp lời cầu nguyện ngay, không trì hoãn thêm nữa. Gánh nặng cầu nguyện này có thể là sự chữa lành cho một người bệnh, sự cứu rỗi cho một người hư mất, sự hiệp nhất cho một nhóm người chia rẽ hoặc sự phục hưng ở một nơi cụ thể nào đó. Có thể Chúa đặt một gánh nặng tổng quát trong lòng bạn suốt nhiều ngày, rồi một lúc nào đó lại hướng dẫn bạn biệt riêng thì giờ đặc biệt để cầu nguyện khẩn cấp kéo dài hơn.
Một trong các thành viên của Ban Giám đốc MOS quốc tế có một con trai sa ngã, có lần anh đã làm giáo sĩ cho OMS. Anh đã rời bỏ công trường truyền giáo và lao vào việc thế gian, tại đó anh vẫn không ăn năn và sống xa cách Chúa. Suốt mấy tháng, người lãnh đạo của chúng tôi đã mang gánh nặng cầu nguyện sâu xa cho con trai mình. Một ngày kia, ông đang dự buổi nhóm của các đại biểu ở một tiểu bang rất xa. Gánh nặng cầu nguyện trở nên nghiêm trọng đến mức ông xin bà chủ nhà đừng quấy rầy ông ngày hôm ấy hoặc đừng gọi ông ăn cơm. Ông ở riêng trong phòng và cầu nguyện hết giờ này sang giờ khác. Buổi chiều hôm đó, có một tiếng gõ cửa. Với lời cáo lỗi vì đã làm ông bị gián đoạn, bà chủ nói: “Ông có điện thoại từ xa gọi đến”. Người nhắc điện thoại và những lời đầu tiên ông nghe được là: “Bố ơi! Con trở lại với Chúa rồi!”
Đức Chúa Trời có thể gia tăng một gánh nặng cầu nguyện nào đó cho đến khi nó trở thành nhiệm vụ thường trực được giao cho bạn. Đức Chúa Trời cần những người canh phòng thường trực cầu thay cho các Hội thánh, hội truyền giáo, các dân tộc và các chức vụ hầu việc Chúa. “Hỡi Giê-ru-sa-lem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Đừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập tại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi khen trong cả đất” (Ês 62:6-7). Chúa thông báo Ngài đã đặt các người canh gác cầu nguyện. Chắc chắn Êsai là một trong số người này, vì ông đã nói trong câu 1: “Ta vì cớ Si-ôn sẽ chẳng làm thinh, vì cớ Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng an nghỉ, cho đến chừng nào sự công bình nó rực rỡ như sự sáng và sự cứu rỗi nó chói lòa như ngọn đèn…” Bạn có thể là một trong những người lính canh cầu nguyện của Đức Chúa Trời.
Mỗi người hầu việc Chúa trọn thời gian cùng một đội cầu nguyện cùng đứng với mình, tăng cường và bao phủ mình bằng sự cầu thay. Mỗi chức vụ hầu việc Chúa đều cần một nhóm chiến sĩ cầu nguyện cùng mang gánh nặng. Hiệu quả của bất kỳ chức vụ nào đều phụ thuộc vào sự tin kính Chúa và năng quyền cầu nguyện của cả nhóm. Chúa sẽ ban phước cho bất kỳ ai hoặc chức vụ nào khi được yểm trợ bằng sự cầu nguyện và các đối tác cầu nguyện được thông tin và hướng dẫn cẩn thận trong sự cầu nguyện. Phước thay cho con người hoặc chức vụ nào không những được yểm trợ bằng sự cầu nguyện mà còn có các lính canh liên tục cầu thay cho chức vụ mình.
Đây là bí quyết của Charles G.Finney, chức vụ của ông đã đem hàng trăm nghìn người trở lại với Chúa và các buổi nhóm của ông vào năm 1858-1859 được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một trong các cuộc phục hưng lớn nhất. Chính Finney là một người dũng mãnh trong sự cầu nguyện và cũng đã có nhiều người cầu nguyện cho chức vụ hầu việc Chúa của ông. Trong 22 bài giảng nổi tiếng của ông: “Các cuộc phục hưng Tôn giáo”, thì bài 4 nói về vai trò của sự cầu nguyện.
Khi Finney đi từ nơi này đến nơi khác, luôn có hai vị trưởng lão đi cùng là Clery và Nash. Khi ông đến nước Anh trong vài tuần nhóm họp đặc biệt (hai người đàn ông thuộc tầng lớn trung lưu này cũng đi theo) đã thuê 1 tầng hầm ẩm thấp với giá 25 xu một tuần và lưu trú ở đó trên đầu gối họ, cầu nguyện dốc đổ. Những nước mắt và lời than thở của họ đã chiến thắng. Họ là các lính cầu thay của Finney.
Khi Evan Roberts được Chúa sử dụng cách năng quyền trong cuộc phấn hưng lớn của xứ Wales năm 1904-1905, ông được một nhóm nhỏ thanh niên là những lính canh cầu thay cho mình. Tôi còn giữ như kỷ vật tấm bưu thiếp mà Evan gửi cho một trong số thanh niên của ông trong nhóm cầu nguyện này.
Cách làm cho gánh nặng cầu nguyện của bạn có hiệu quả
Khi Chúa giao cho bạn một gánh nặng cầu nguyện đặc biệt, hãy vui mừng chấp nhận và trung tín với điều đó. Đó là một sứ mạng đặc biệt từ Chúa.
1. Hãy dành cho gánh nặng cầu nguyện này sự ưu tiên trên tất cả mọi thứ khác. Nếu có thể được, hãy bỏ qua những gì bạn đang làm và tập trung toàn bộ chính mình vào sự cầu nguyện cho nhu cầu này. Thông thường thời gian là điều quan trọng nhất; vậy đừng trì hoãn. Nếu không thể lập tức biệt riêng mình ra cho gánh nặng cầu nguyện này, thì cứ kiên trì cầu nguyện mỗi lúc rãnh rỗi cho đến khi bạn có thể ngừng mọi việc để tập trung cầu nguyện.
2. Hãy sẵn sàng cầu nguyện hàng giờ. Điều này không luôn luôn cần thiết, nhưng hãy thiết tha cầu nguyện cho đến chừng bạn nhận được sự đảm bảo chắc chắn về sự trả lời của Đức Chúa Trời.
Vào khoảng thập niên 30, một bạn thân của tôi là thợ hớt tóc ở tiểu bang Oklahoma, cũng là một chứng nhân nhiệt thành cho Chúa. Một buổi chiều nọ, ông cảm nhận một ấn tượng sâu xa là phải cầu nguyện để ông cảnh sát trưởng thành phố của mình được cứu rỗi. Ông đóng cửa tiệm, kéo rèm che và đi vào phòng trong để cầu nguyện.
Cả buổi chiều còn lại, qua giờ ăn tối và khi đêm xuống ông George Sherrick vẫn tiếp tục cầu nguyện. Khoảng 2 giờ sáng, có một người đập cửa rầm rầm. Không ai biết là George ở trong cửa tiệm đêm hôm đó. Ông đi ra cửa, đúng đó là ông cảnh sát trưởng người mà ông vừa liên tục cầu nguyện theo sự thúc giục mạnh mẽ của Đức Thánh Linh. Đêm đó George Sherrick đã đưa dắt ông này đến với Chúa.
3. Hãy cầu nguyện cho đến khi nào Chúa cất gánh nặng đi hoặc Ngài ban sự bảo đảm rằng Ngài đã nhậm lời. Vào khoảng năm 1949, một nhóm giáo sĩ đã nghỉ hưu trở về Trung Hoa, cùng vài người bạn trung tín cầu nguyện, nhóm lại trong buổi cầu nguyện định kỳ ở Adelaide, niềm Nam Úc. Một gánh nặng cầu nguyện lớn với sự cảm nhận khẩn cấp đã tuôn đổ trên họ. Mọi người đều cảm thấy gánh nặng cưu mang cho Hayden Melsap, lúc đó được giao nhiệm vụ Truyền giáo ở Trung Hoa lục địa. Họ cùng quyết định bỏ qua phần chào mừng – thông báo và “đi thẳng vào sự cầu nguyện”. Họ đã cầu nguyện cho đến khi nhận được sự bình an và thư thái.
Vài năm sau, khi Hayden Melsap đi dự hội nghị đại biểu ở Úc, các giáo sĩ đó đã hỏi ông nhớ lại xem có điều gì bất thường xảy ra vào thời điểm ấy không. Thật đáng kinh ngạc khi biết rằng vào ngày giờ đó Hayden và ít nhất là hai giáo sĩ khác bị dựa tường trong một sân kho ở Trung Hoa với những mũi súng chĩa vào họ. Ngay khi viên sĩ quan chuẩn bị ra lệnh nổ súng thì cửa sân kho mở ra và một viên sĩ quan cấp cao hơn bước vào. Giật mình khi nhìn thấy điều đang xảy ra, ông này quát to: “Ngừng lại!” Rồi bước đến, choàng tay qua Melsap và dẫn ông cùng hai người kia đi an toàn. Tôi đã nghe lời làm chứng này từ Hayden Melsap và cũng nhận được thư của một người bạn ở Úc.
4. Đức Chúa Trời có thể dẫn dắt bạn cầu thay cho nhiều người khác. Nhiều phép lạ đã xảy ra bởi Đức Thánh Linh trong việc đáp lời một dây chuyền cầu nguyện hoặc những lời cầu nguyện của một nhóm được kêu gọi hiệp nguyện cách đặc biệt. Nhiều Hội thánh địa phương đã sắp xếp những dây chuyền cầu nguyện cấp cứu S.O.S khi có một đề nghị cầu nguyện được đưa ra, năm hoặc sáu người lập tức được kêu gọi vào sự cầu nguyện. Mỗi người luân phiên nhau gọi người kế tiếp theo danh sách của mình. Chỉ trong vài phút, nhiều người đã bước vào sự cầu nguyện. Chúng tôi đã sắp đặt như thế giữa vòng các nhân viên ở văn phòng Tổng hội OMS.
Trong suốt cuộc nổi dậy của người Mau Mau ở Kenya vào năm 1960, một tối nọ các giáo sĩ Matt và Lora Higgens đang trở về Nairobi xuyên qua trung tâm lãnh địa của người Mau Mau, là nơi mà người Kenya và các giáo sĩ đã bị giết và cắt các bộ phận của cơ thể. 17 dặm bên ngoài của Nairobi, chiếc xe Land Rover của họ chết máy dừng lại. Higgens cố gắng sửa xe trong bóng tối, nhưng không thể nổ máy được. Họ phải ngủ lại đêm đó trong xe, song đã công bố Thi 4:8 “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình an; vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được yên ổn”. Sáng hôm sau, họ có thể xoay sở và sửa được chiếc xe.
Vài tuần sau, gia đình Higgens đến Hoa Kỳ nghỉ phép. Họ cho biết trước khi rời Nairobi, một mục sư địa phương đã đến thăm họ. Ông này kể lại: một thành viên của nhóm Mau Mau đã xưng nhận anh và ba người khác nữa đã bò lên chiếc xe hơi để giết gia đình Higgens, nhưng khi nhìn thấy 16 người đang đứng vây quanh chiếc xe, thì các người Mau Mau này đã sợ hãi bỏ đi. Higgens đáp lại: “16 người ư? Tôi không hiểu anh muốn nói gì!”
Sau đó, một người bạn thân tên là Clay Brent đã hỏi gia đình Higgens xem vừa rồi họ có gặp nguy khốn nào không. Higgens đáp: “Tại sao?” Clay cho biết vào ngày 23.03, Đức Chúa Trời đã đặt một gánh nặng cầu nguyện lớn trong lòng ông. Ông đã kêu gọi Hội thánh và 16 người nhóm nhau lại để cầu nguyện cho đến khi gánh nặng đó được cất đi. Có phải Đức Chúa Trời đã sai 16 thiên sứ đến đại diện cho các người này và thi hành những lời cầu nguyện của họ không?
Thiên đàng sẽ bày tỏ nhiều ghi nhận tuyệt vời về cách Chúa đã sử dụng các gánh nặng cầu nguyện đặc biệt để phát triển sự nghiệp và bảo vệ dân sự Ngài.