Tuyên bố được viết một cách cẩn thận thể hiện tình đoàn kết với người Ukraine nói chung và Cơ đốc nhân Ukraine nói riêng, bày tỏ lòng “cay đắng và hối tiếc” trước “cuộc xâm lược quân sự” của Nga.
Trong một tuyên bố từ vị trí cao nhất, người lãnh đạo của Liên Hiệp Tin Lành Nga (Russian Evangelical Alliance – REA) đã tuyên bố “cay đắng và đau thương” về các quyết định mà nhà cầm quyền nước ông đưa ra.
Tổng thư ký REA Vitaly Vlasenko tuyên bố trong một bức thư ngỏ công khai ngày 12 tháng 3: “Tôi than khóc về những gì đất nước tôi đã làm trong cuộc xâm lược quân sự gần đây của họ vào một quốc gia có chủ quyền khác là Ukraine. “Trong trường hợp xấu nhất, tôi không thể tưởng tượng được những gì hiện đang được quan sát.”
Ngôn ngữ ông dùng chính xác, nhưng cũng cẩn thận.
Vào ngày 4 tháng 3 (2022), Quốc hội Nga đã sửa đổi bộ luật hình sự của mình để áp dụng các án tù lên đến 15 năm cho tội phát tán “tin tức giả” làm “mất uy tín” của quân đội.
Đáng chú ý là Vlasenko không sử dụng “nhãn tin” chỉ định của chính phủ Nga là “hoạt động quân sự đặc biệt” để mô tả bạo lực ở Ukraine. Thay vào đó, ông sử dụng những từ “xung đột” và “xâm lược”, mặc dù ông đã tránh mô tả nó với các thuật ngữ đã chính thức bị cấm, chẳng hạn như “chiến tranh”. Và cùng với nhận biết nỗi sợ hãi của Ukraine về “sự chiếm đóng”, ông trích dẫn mục tiêu của Nga là “phi quân sự hóa”.
Hai ngày trước đó, một tòa án Nga đã phạt một linh mục Chính thống giáo 35.000 rúp (261 USD) vì làm mất uy tín của quân đội trong bài giảng ngày Chủ nhật của ông. Giáo xứ của ông đã giúp trả tiền phạt.
Các luật sư của giới truyền thông Nga đang tranh luận về việc liệu luật này ngăn cản công dân đặt câu hỏi về “hoạt động quân sự đặc biệt” hay kêu gọi nó chấm dứt.
Tuyên bố của Vlasenko nói lên tất cả những điều ông có thể làm được trong vị trí của mình.
“Tất cả mọi thứ tôi có thể làm để ngăn chặn chiến tranh, tôi đã làm,” Vlasenko than thở. “Tôi xin lỗi tất cả những người đã và đang phải chịu hoạn nạn.”
Đứng đầu trong số các nỗ lực của ông là một tuyên bố được đưa ra hai ngày trước cuộc xâm lược, tán thành lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo tôn giáo Ukraine về một giải pháp hòa bình. Và về mặt tinh thần, ông đã dẫn dắt các sáng kiến của Cơ đốc nhân Nga về kiêng ăn và cầu nguyện cũng như các cuộc nhóm chung với các tín đồ châu Âu và Ukraine để cầu nguyện và tìm kiếm sự hòa giải.
Và kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ông cho biết đã điều phối trợ giúp cho 500 gia đình tị nạn chạy sang Nga ở phía đông.
“Hai dân tộc có quan hệ mật thiết với nhau, nhiều người trong số họ có lòng sùng kính sâu sắc với đức tin Cơ đốc giáo (chủ yếu là Chính thống), hiện đang ở trong một trận chiến khốc liệt,” Vlasenko nói. “Những cảm giác yên bình đang bị phá hủy giữa những vụ ném bom và pháo kích.”
Dưới đây là nguyên văn bức thư của Vlasenko (toàn bộ nội dung trong tiếng Anh), được lược dịch ra tiếng Việt:
Ngày 12 tháng 3 năm 2022,
Kính gửi đến các anh chị em thân yêu của tôi trên khắp thế giới:
Với tư cách là Tổng thư ký của Liên Hiệp Tin Lành Nga, tôi than khóc về những gì đất nước tôi đã làm trong cuộc xâm lược quân sự gần đây của họ đối với một quốc gia có chủ quyền khác, Ukraine.
Đối với tôi, cũng như đối với nhiều Cơ đốc nhân khác, cuộc xâm lược quân sự là một cú sốc.
Trong trường hợp xấu nhất, tôi không thể tưởng tượng được những gì hiện đang được quan sát ở Ukraine. Hai dân tộc có quan hệ mật thiết với nhau, nhiều người trong số họ có lòng sùng kính sâu sắc với đức tin Cơ đốc giáo (chủ yếu là Chính thống), hiện đang ở trong một cuộc chiến khốc liệt – một bên theo đuổi mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine, bên kia tìm cách cứu đất nước của họ khỏi bị chiếm đóng.
Nhiều người Nga và Ukraine có quan hệ gia đình thân thiết ở nước đối diện. Một người Nga có thể có con gái và cháu ngoại sống ở Kyiv; một người Ukraine có thể có con sống và làm việc tại Moscow. Ngày nay, nỗi đau, nỗi sợ hãi và nỗi buồn sâu sắc cho những người thân yêu của họ và cho tương lai cuộc sống của họ và đất nước đâm xuyên trái tim của nhiều người như tia chớp, bởi vì kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không ai biết đâu là giới hạn của chiến tranh và hậu quả của nó sẽ có thể như thế nào.
Ngày nay, những người lính từ bên này và bên kia đang chết. Những cảm giác hòa bình đang bị phá hủy giữa những vụ ném bom và pháo kích, và một luồng sóng gia tăng đã đổ xô khắp châu Âu dưới hình thức những người tị nạn: phụ nữ, người già và trẻ em.
Tất cả những sự kiện này khiến tôi vô cùng đau buồn, cay đắng và đau thương về những quyết định của nhà cầm quyền lãnh đạo đất nước tôi, và lòng thương xót sâu xa đối với những người phải chịu hoạn nạn đau khổ vì quyết định này.
Tất cả những gì tôi có thể làm để ngăn chặn chiến tranh, tôi đã làm trong nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự này:
- Với tư cách là Tổng thư ký Liên Hiệp Tin Lành Nga, tôi đã viết một bức thư ngỏ cho Tổng thống Vladimir Putin một ngày trước cuộc xâm lược, trong đó tôi ủng hộ yêu cầu của các nhà lãnh đạo tôn giáo của Ukraine về một giải pháp hòa bình cho tất cả các cuộc xung đột.
- Chúng tôi khởi động kêu gọi kiêng ăn và cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp giữa Nga và Ukraine.
- Liên Hiệp của chúng tôi đã tham gia cầu nguyện công khai cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo Nga, Ukraine và châu Âu cho sự hòa giải của tất cả các bên.
- Liên Hiệp Tin lành Nga đã hỗ trợ nhân đạo cho hơn 500 người tị nạn từ Ukrain ở miền nam nước Nga.
- Chúng tôi đã khởi xướng một hội nghị bàn tròn và hội nghị quốc tế tiếp theo về chủ đề xung đột quân sự và chính trị.
Hôm nay, với tư cách là một công dân và với tư cách là Tổng thư ký của Liên Hiệp Tin Lành Nga, tôi xin gửi lời xin lỗi tới tất cả những ai đã phải chịu đựng đau khổ, mất người thân và họ hàng, hoặc mất nơi sinh sống do hậu quả của cuộc xung đột quân sự này.
Lời cầu nguyện của tôi là bạn sẽ tìm thấy sức mạnh từ Chúa để mở rộng bàn tay của tình liên đới và sự tha thứ, để chúng ta có thể sống như con dân Chúa đối với thế giới của chúng ta.
Nguyện xin Chúa Cha trên trời giúp đỡ tất cả chúng ta.
Với lòng kính trọng sâu sắc, người anh em trong Chúa của bạn
Vitaly Vlasenko
Ánh Dương & Nguyễn Trọng
(Lược dịch theo: christianitytoday.com)