Chúng ta nên làm gì đây?
Các nhà nghiên cứu ước lượng trung bình con người dành khoảng hai tiếng rưỡi mỗi ngày ở trên mạng xã hội. Còn nghiên cứu của Barna cho biết trung bình Cơ Đốc nhân chỉ dành dưới 30 phút mỗi ngày để đọc Kinh Thánh. Chúng ta đang có vấn đề về môn đồ hóa.
Trước khi chúng ta trả lời câu hỏi nầy, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ ý đồ tai hại và nội dung có hại của mạng xã hội.
Ý đồ tai hại
Mạng xã hội không phải là nơi trung lập. Chúng được tạo ra để gây nghiện. Hình thức kinh doanh của họ là chiết xuất dữ liệu, họ cung cấp dịch vụ “miễn phí” bởi vì người dùng như chúng ta là sản phẩm. Chúng ta chi trả bằng thời gian, sự chú ý và thông tin của mình, còn họ rao bán các dữ liệu ấy cho các nhà quảng cáo để thu lợi nhuận. Để tạo ra thêm lợi nhuận, họ phải bán thật nhiều quảng cáo hơn nữa, họ phải làm mọi cách để giữ chân chúng ta.
Cách hiệu quả nhất mà họ thường làm để giữ chân con người đó là sử dụng các thuật toán. Các thuật toán của họ được tạo ra để thu hút chúng ta bằng những nội dung mà chúng ta muốn xem. Các thuật toán của họ càng hay, thì chúng ta càng muốn ở lại lâu hơn. Đây là thứ vô cùng nguy hiểm — các thuật toán của họ, cộng với xu hướng phạm tội của chúng ta khi theo dõi các nội dung ấy, sẽ kích thích bản tánh xác thịt của chúng ta. Chúng ta không thích loay hoay với những thứ khác. Thế là chúng ta không nhấn vào các bài viết khác. Sau một thời gian, nền tảng tự động không hiện ra những bài viết ấy nữa. Còn gì nữa, các thuật toán lùa chúng ta vào thế giới ảo. Chúng hiện lên những nội dung siêu thực và khơi gợi cảm xúc.
Kết quả là các cuộc đối thoại của chúng ta bị chi phối. Còn các Hội thánh bị sứt mẻ.
Cuối cùng, ý đồ to lớn bao quát các nền tảng nầy là khuyến khích con người bộc lộ và phơi bày cái tôi của mình cho cả thế giới nhận định và chấp thuận. Lựa chọn “thích” mà ứng dụng Facebook đã tạo ra vào năm 2009 đã làm gia tăng xu hướng nầy một cách đáng kể. Khi các nền tảng xã hội khơi gợi và khuyến khích con người bị ám ảnh bởi cái tôi của họ, thì chúng ta gặp phải nan đề về sự ghen tị, cay đắng và không thỏa lòng ở trong lòng mình.
Nội dung có hại
Tất cả ý đồ tai hại đã tạo ra những đặc điểm tiêu cực trên đây dẫn tới việc nội dung bị ách tắt trong cái mà Kinh Thánh gọi là “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (1 Giăng 2:16).
Tôi sẽ làm sáng tỏ điều nầy bằng một vài thí dụ về nội dung. Đầu tiên là nội dung đồi trụy trái phép. Phim ảnh khiêu dâm được phân phối rất tích cực ở trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter. Một góc nhỏ từ Báo Wall Street nêu bật tình trạng TikTok gửi đến người dùng, bao gồm cả đối tượng thiếu niên, những nội dung liên quan đến tính dục và các chất kích thích vô cùng nguy hiểm. Instagram cũng gửi đến những nội dung liên quan đến chất kích thích cho đối tượng thiếu niên. Instagram và TikTok đều quảng bá nội dung liên quan đến vấn đề rối loạn ăn uống và tự hại bản thân, cụ thể là ở đối tượng các em gái thiếu niên. Điều kỳ lạ đó là các em gái thiếu niên mắc phải tình trạng cơ giật tự phát từ việc theo dõi các đoạn video về những cử động bất thường của các cơ trên TikTok. Các thiếu niên khác đang bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm lý vì theo dõi những video chẩn đoán trên TikTok.
Cuối cùng, mạng xã hội quảng bá rất tích cực các thông điệp và giá trị hoàn toàn trái ngược với niềm tin Cơ Đốc. Thung lũng Silicon đang thao túng các thuật toán của họ để quảng bá nhiều vấn nạn xã hội liên quan đến giới tính, tính dục, phá thai và các đề tài khác. Sự xuất hiện của những người có tầm ảnh hưởng đã chuyển giới và nội dung chuyển giới ở trên mạng xã hội đang làm nhiễu loạn mọi thứ. Trong quyển sách Hư hỏng Bất trị của Abigail Shirer, bà giải thích tình trạng bất ổn của người chuyển giới đang ảnh hưởng đến các em gái thiếu niên đến từ việc xuất hiện của những người có tầm ảnh hưởng đã chuyển giới ở trên mạng xã hội. Hầu hết thiếu niên muốn chuyển giới không phải vì mặc cảm ngoại hình, mà chính là vì theo dõi những người có tầm ảnh hưởng đã chuyển giới.
Cơ Đốc nhân nên phản ứng như thế nào
Đứng trước nguy cơ thực tế của mạng xã hội, Cơ Đốc nhân và Hội thánh nên phản ứng thế nào?
1. Cân nhắc đến việc nghỉ “mạng xã hội”
Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên độc giả đầu tiên của mình hãy “tỉnh thức” (1 Phi-e-rơ 1:13, 4:7, 5:8). Khi nói tới mạng xã hội, chúng ta phải dè chừng và vạch rõ ranh giới. Có lẽ chúng ta nên xét tới việc nghỉ mạng xã hội hoàn toàn hoặc tạm ngưng sử dụng một khoảng thời gian nào đó. Ít nhất thì chúng ta nên đảm bảo rằng mình không nên ở trên mạng xã hội nhiều hơn ở trong Lời Chúa hoặc là ở với những người tin Chúa. John Piper đã từng tweet rằng: “Một trong những mục đích lớn nhất của Twitter và Facebook trong Ngày Cuối Cùng đó là để chứng minh sự thiếu cầu nguyện không phải vì chúng ta không có thời gian”.
2. Làm gương cho con cái và hội chúng về cách Cơ Đốc nhân sử dụng mạng xã hội
Một phần trong vai trò làm mục sư và làm cha mẹ đó là làm gương về sự tin kính. Các bậc cha mẹ và các mục sư phải làm gương tốt cho con cái và tín hữu Hội thánh về cách Cơ Đốc nhân sử dụng mạng xã hội. Đối với các bậc cha mẹ, điều nầy có nghĩa là dạy dỗ con cái của chúng ta biết sống như “người ở trọ và kẻ đi đường” có nghĩa là không sử dụng mạng xã hội hay điện thoại như con cái của thế gian. Đối với các mục sư, điều nầy có nghĩa là tránh xa những ham muốn xấu xa về sự cãi lẫy, phàn nàn, chia rẽ, nói xấu, nghi ngờ và bất đồng không dứt (1 Ti-mô-thê 6:4–5). Đồng thời, điều nầy cũng có nghĩa là làm gương về sự công bình, tin kính, đức tin, tình yêu thương, bền đỗ và hiền lành (1 Ti-mô-thê 6:11). Hãy tìm một người bạn tin kính, hoặc một người biết nhận định tốt, có thể liệt kê cho chúng ta những điểm tốt nhất để sử dụng mạng xã hội.
3. Ưu tiên việc tương tác mặt đối mặt hơn là qua màn hình
Các sứ đồ biết rõ phải ưu tiên việc truyền thông mặt đối mặt (Rô-ma 1:11–12, 2 Giăng 12, 3 Giăng 13). Có một cách để chúng ta có thể đi ngược lại với văn hóa bộc lộ chủ nghĩa cá nhân trên mạng xã hội đó là: ưu tiên việc xây dựng mối liên hệ và đối thoại với người thật. Chẳng có nơi nào tốt hơn để làm điều nầy ngoài Hội thánh địa phương của chúng ta. Hãy làm điều nầy càng nhiều càng tốt, chúng ta nên duy trì các nhóm nhỏ trong Hội thánh, các lớp trường Chúa Nhật, các lớp học Kinh Thánh, và các buổi nhóm thờ phượng, thay vì làm trực tuyến. Nếu chúng ta thấy có một tín hữu đăng dòng trạng thái mà chúng ta không đồng tình, thì chúng ta nên đối mặt nói chuyện với người đó thay vì trao đổi trực tuyến. Nói chuyện với người tin Chúa khác về những điều chúng ta không đồng tình là rất khó, nhưng cũng là điều cần thiết phải làm. Khi làm vậy, chúng ta đang xây dựng sự hiệp một trong Hội thánh, hơn là để cho việc trao đổi trực tuyến chia rẽ chúng ta.
Tất cả những điều nầy có thể nói chung là: tình yêu thương. Hãy tìm cách thực hành và trau dồi thái độ từ bỏ cái tôi của mình hơn là bộc lộ cái tôi. “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28), chúng ta cũng nên làm giống như vậy. Hãy đấu tranh chống lại thời đại phô trương chủ nghĩa cá nhân và quảng bá hình tượng cá nhân thông qua việc phục vụ người khác. Đời nầy không nói về vinh quang của chúng ta đâu. Cũng không nói về cách chúng ta thể hiện mình hay tìm lại chính mình đâu. Vậy nên, hãy hết lòng yêu mến và xây dựng Hội thánh của chúng ta và tôn vinh hiển Đấng Christ.
Vấn đề thẩm quyền và tin tưởng
Rốt cuộc thì cách chúng ta phản ứng về mạng xã hội dẫn tới những câu hỏi lớn hơn về thẩm quyền và sự tin tưởng. Những kinh nghiệm về các thuật toán khác nhau của chúng ta đã trở thành nguồn lực chủ yếu để có được thẩm quyền trong đời sống của mình. Từ khi các thuật toán của chúng ta nuôi dưỡng những gì chúng ta muốn, thì đây là một cách khác để nói rằng chúng ta đã trở thành những kẻ có quyền quyết định cuối cùng.
Đối với sự khủng hoảng về thẩm quyền, Kinh Thánh dạy chúng ta phải quy phục dưới thẩm quyền của cha mẹ, mục sư, Hội thánh và trên hết là Lời Chúa. Chúng ta có đang sống dưới thẩm quyền của những nội dung trên mạng xã hội, hay là dưới thẩm quyền của Lời Chúa? Chúng ta đang tin cậy những tiếng nói trên mạng xã hội mà chúng ta chưa từng gặp, hơn là lắng nghe các mục sư đã làm báp-tem cho chúng ta, cầu thay cho chúng ta, và dạy dỗ chúng ta? Nếu chúng ta là mục sư, chúng ta có đang dùng mạng xã hội để làm tổn thương hội chúng mà Đức Chúa Trời đã phó thác cho chúng ta chăng?
Chúng ta không thể nào quay trở lại thời kỳ trước khi có công nghệ kỹ thuật. Nhưng chúng ta phải biết quản trị những gì được giao cho. Giống như Đức Chúa Trời đã cảnh báo với Ca-in rằng: “Tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó” (Sáng thế ký 4:7).
————————————————–
9Marks bắt đầu vào năm 1994 khi Mark Dever trở thành mục sư quản nhiệm của Hội thánh Báp-tít Capitol Hill. Ông đã thành lập Trung tâm Hội thánh Cải chánh vào năm 1998, sau này đã trở thành 9Marks. Mục tiêu của 9Marks là nhìn thấy các Hội thánh được trau dồi chín đặc điểm của một Hội thánh lành mạnh theo Kinh Thánh. Để làm được điều nầy, 9Marks đã tạo ra nguồn tài liệu phong phú gồm có sách báo, các bài góc nhìn, các kênh phát thanh podcast, đánh giá sách, và tạp chí hàng quý. 9Marks còn hỗ trợ các Hội thánh trên toàn cầu để chuyển ngữ tài liệu Cơ Đốc sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
(Nguồn: tienphong.org)