Làm Thế Nào Để Tôi Tha Thứ?

Share

Trong nhiều năm, tôi đã mang trong mình gánh nặng của sự tức giận và không thể tha thứ vì sự lạm dụng mà tôi phải chịu khi còn nhỏ. Thay vì vượt khỏi cảm xúc của mình, tôi đã chọn cách nhốt mình trong nhà tù của những cảm xúc tiêu cực của riêng mình, sống trong một sự thương hại thuộc linh.

Tuy nhiên, một trong những món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tự tặng cho mình là sự sẵn lòng tha thứ. Trên thực tế, học cách tha thứ nhanh chóng và rộng lượng là nền tảng cho tất cả sức khỏe cảm xúc và là chìa khóa mạnh mẽ để kiểm soát cảm xúc của chúng ta.

Tha thứ có ích gì cho bạn

Sự tha thứ phá hỏng kế hoạch của kẻ thù để phá hủy các mối quan hệ của bạn. Nó giải trừ nọc cay đắng, mời gọi sự bình an của Đức Chúa Trời, và mang lại quyền năng chữa lành cho tâm hồn bạn.

Bây giờ, tôi có thể nói với bạn một điều chắc chắn: Nếu bạn đợi cho đến khi bạn cảm thấy muốn tha thứ cho ai đó, bạn sẽ không bao giờ tha thứ! Quyết định của chúng ta để làm những gì Lời Chúa phán vượt xa hơn cảm giác của chúng ta. Có những lúc chúng ta chỉ đơn giản phải làm những gì đúng vì đó là điều phải làm. Tuy nhiên, việc vâng theo Lời Đức Chúa Trời mang lại phần thưởng.

Hai câu hỏi rất quan trọng

Hãy dành thời gian để tự hỏi bản thân: Làm thế nào để phản ứng lại khi ai đó làm tổn thương cảm xúc của tôi? Tôi có cho phép cảm xúc của mình tự tung tự tác và để nó cướp đi niềm vui của tôi không?

Thật dễ dàng để cho phép cảm xúc điều khiển chúng ta — điều đó không cần đến quyền năng của Đức Thánh Linh để làm và nói mọi điều chúng ta muốn. Tuy nhiên, khi chúng ta hợp tác với Đức Chúa Trời để làm những gì Lời Ngài phán, ngay cả khi cảm xúc của chúng ta đang gào thét, chúng ta mời các phước lành vào cuộc sống của chúng ta và những người xung quanh chúng ta.

Phải làm gì khi ai đó làm tổn thương bạn.

Chúa Giê su nói trong Luca 6:27-28, “…Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu-nguyện cho kẻ sỉ-nhục mình.”

Tôi có thể nói với bạn ngay bây giờ rằng rất có thể bạn không cảm thấy muốn làm điều này! Nhưng Đức Chúa Trời sẽ tôn trọng sự vâng lời của bạn nếu bạn làm vậy.

Hãy để tôi khích lệ bạn cầu nguyện:

Chúa ơi, Ngài biết cảm giác của con lúc này và thành thật mà nói, con không chắc liệu con có muốn họ hạnh phúc hay không. Nhưng con biết Lời của Ngài nói, vì vậy con đang thực hiện một bước của đức tin và làm điều này vì sự vâng lời. Lạy Cha, con cầu xin Cha ban phước cho cuộc đời họ và mọi việc họ làm. Xin hãy hành động trong tấm lòng họ — thay đổi họ và mang họ đến gần Ngài hơn. ”

Một lần nữa, khi chúng ta chọn tha thứ cho ai đó và cầu nguyện cho họ, điều đó sẽ giúp chúng ta nhiều như hoặc nhiều hơn là giúp họ. Thật khó để tiếp tục nổi giận với ai đó nếu bạn đang tích cực cầu nguyện cho họ. Ngoài ra, cảm xúc của chúng ta theo sau quyết định của chúng ta. Nếu chúng ta đưa ra lựa chọn chất lượng để đối xử tốt với ai đó, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi cảm xúc của chúng ta bắt kịp.

Vâng, bạn có thể làm điều này!

Bất cứ khi nào tôi dạy về sự tha thứ, tôi gần như có thể hình dung những gì đang diễn ra trong tâm trí mọi người. Joyce, bà đang cầu yêu cầu tôi tha thứ? Bà không biết tôi đã trải qua những gì đâu!

Tin tôi đi, tôi hiểu chứ. Sự tổn thương của bạn, nỗi đau của bạn và mong muốn thấy người khác phải trả giá cho những gì họ đã làm khiến cho việc tha thứ dường như là một lựa chọn khó khăn. Nhưng đây là sự thật: Không tha thứ thì khó hơn. Tôi thường nói rằng giữ sự tức giận giống như uống thuốc độc và hy vọng rằng kẻ thù của bạn sẽ chết. Người bạn đang thực sự làm tổn thương chính là bản thân bạn!

Hãy tin cậy Chúa ban công lý cho bạn.

Tôi không nói rằng bạn nên để mọi người lạm dụng bạn. Nhưng Kinh Thánh nói rằng chúng ta cần để Đức Chúa Trời làm Đấng minh oan cho mình. Sự tha thứ chỉ đơn giản là một lựa chọn mà bạn tin tưởng để Chúa là người phán xét, chứ không phải bạn. Khi bạn giao cho Đức Chúa Trời quyền kiểm soát hoàn cảnh, điều đó sẽ mở ra cánh cửa cho tình yêu, quyền năng, ân huệ và sự bình an của Đức Chúa Trời tuôn chảy trong cuộc đời của bạn.

1 Phi-e-rơ 3:9 nói: “Đừng lấy ác trả ác hoặc lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, hãy chúc phước, vì đó là điều mà anh em được kêu gọi, để thừa hưởng phước lành.”

Học cách yêu kẻ thù của bạn

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ân điển của Ngài để đối xử tốt với mọi người — ngay cả đối với những người không tốt với chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta năng lực để cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta và không nổi giận với những người đã làm tổn thương chúng ta hoặc tấn công chúng ta (xin xem Ma-thi-ơ 5:44).

Chúa Giê su nói trong Lu ca 6:35, Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại. Như vậy, phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ là con của Đấng Chí Cao, vì Ngài lấy lòng nhân từ đối đãi người vô ơn và kẻ độc ác.

Câu trả lời thực sự về sự tha thứ

Bây giờ, chúng ta hãy thực hành về cách thực hiện điều này. Nếu bạn có một đồng nghiệp được thăng chức mà bạn đã tin Chúa, ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy ghen tị và đố kỵ, điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy chọn vui mừng cho họ và vì họ và cố gắng chúc phước cho họ. 

Bạn thấy đấy, khi chúng ta làm điều này, nó sẽ phá vỡ sức mạnh của kẻ thù đối với hoàn cảnh. Satan muốn chúng ta nổi điên, bị xúc phạm và cay đắng. Hắn muốn tạo ra một khoảng trống giữa chúng ta và mọi người. Kế hoạch cuối cùng của hắn là để cho một gốc rễ của sự cay đắng phát triển trong chúng ta, bởi vì hắn biết nó sẽ đầu độc chúng ta! Tuy nhiên, Rô-ma 12:21 nói với chúng ta rằng chúng ta chiến thắng điều ác bằng điều thiện. Khi chúng ta làm vậy, nó làm phân tán sự tức giận, xung đột, cay đắng và những cảm xúc tiêu cực.

Đúng là có những lúc cần phải hành động hoặc cần phải đối mặt với ai đó về những gì họ đã làm. Nhưng ngay cả khi đó, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bị đè xuống bởi sự cay đắng và không thể tha thứ.

Tìm kiếm “Tại sao” đằng sau “Điều gì”

Sự thật là rất nhiều người không thực sự biết họ đang làm gì — họ chỉ phản ứng lại sự tổn thương và đau đớn của chính họ. Ghi nhớ điều này sẽ giúp chúng ta tha thứ và giảm bớt sự tức giận và không thể tha thứ trong quá khứ.

Tôi thực sự không tin rằng cha tôi hiểu được những gì ông ấy đang làm với tôi về mặt cảm xúc hoặc cách ông ấy sẽ ảnh hưởng đến một phần tốt đẹp trong cuộc sống của tôi. Ông ấy đang làm điều mà nhiều người không được tái sinh làm – sống ích kỷ và thỏa mãn ham muốn của bản thân, không quan tâm đến hậu quả của hành động họ gây ra.

Hãy nhớ những gì Chúa Giê-xu đã nói khi Ngài bị treo trên thập tự giá:

Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì!

— Lu-ca 23:34

Nhìn mọi thứ qua một lăng kính khác

Thật dễ dàng để phán xét, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng lòng thương xót chiến thắng sự phán xét (xin xem Gia-cơ 2:13). Ý tôi không phải là những kẻ bạo hành không phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ — tất cả chúng ta phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình.

Tuy nhiên, Chúa đã cho tôi thấy rằng lòng thương xót nhìn thấy “tại sao” đằng sau “điều gì”. Lòng nhân từ và lòng trắc ẩn không chỉ nhìn vào hành vi sai trái, mà chúng còn nhìn xa hơn là người làm sai — đến tuổi thơ, tính khí, toàn bộ cuộc đời cá nhân. Đức Chúa Trời ghét tội lỗi, nhưng Ngài yêu tội nhân.

Lựa chọn tự do và tha thứ

Tôi có thể không biết câu chuyện của bạn hoặc nỗi đau mà bạn đã trải qua, nhưng tôi biết cách duy nhất để trải nghiệm tất cả những gì Chúa dành cho bạn là tha thứ.

Tôi biết nó sẽ không dễ dàng. Cần có sự can đảm và niềm tin để tha thứ và tạo ra một khởi đầu mới trong cuộc sống và các mối quan hệ của bạn. Nhưng nếu bạn cầu xin Đức Chúa Trời, Ngài sẽ rộng lượng cung cấp ân điển của Ngài và mọi thứ bạn cần để vâng lời Ngài và dẫn bạn đến một nơi tự do về cảm xúc.

Đó là một nơi tuyệt vời khi chúng ta có thể nhìn những người đã làm tổn thương chúng ta với lòng trắc ẩn và cầu nguyện những gì Chúa Giê-su đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì!” 

 

An Nhiên

(Lược dịch theo: joycemeyer.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan