Mười Hai Điều Giúp Đời Sống Cầu Nguyện Có Quyền Năng Hơn

Share

Nhiều năm trước, một thánh đồ đã già sẻ chia cho tôi 12 nguyên tắc cầu nguyện của Chúa Giê-su. Đời sống cầu nguyện riêng tư của tôi đã trở nên khác biệt rất lớn. Những nguyên tắc này dùng 17 lời Kinh Thánh nói về sự cầu nguyện của Ngài và hầu hết chúng nằm trong Phúc Âm Lu-ca.

1. LÀM SÁNG TỎ

Lu-ca 3:21-22 chép: “21 Khi tất cả dân chúng đều chịu báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu báp-têm. Lúc Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, 22 và Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn!”’” (TTHĐ 2010). Đây là khung cảnh Chúa Giê-su chịu báp-tem và cũng là ghi nhận đầu tiên về Chúa Giê-su cầu nguyện, và chúng ta thấy có 3 kết quả do sự cầu nguyện của Ngài: 

  • Trời mở ra
  • Đức Thánh Linh ngự xuống
  • Đức Chúa Cha phán

Đây cũng là 3 kết quả khi chúng ta tương giao cầu nguyện với Chúa. Một cách biểu tượng, trời mở ra nói đến sự nhận lãnh ơn phước Chúa. Đức Thánh Linh đổ đầy sự sống tươi mới. Và Đức Chúa Cha phán với chúng ta. Nếu bạn biết về quyền năng của Thánh Linh trong đời sống của bạn, nếu bạn muốn Chúa phán với bạn, hãy thực hành đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-su.

2. BIỆT RIÊNG

Lu-ca 5:16 ghi lại, “Nhưng Chúa thường lui vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện.” (KTHD). “Thường” có nghĩa là Chúa có thói quen như vậy. Ngài cầu nguyện nơi chỉ có riêng Ngài. Tôi tin rằng đây là điều hết sức hệ trọng. Chúng ta cần bỏ ra thời gian riêng tư với Chúa mỗi ngày. Từng hồi từng lúc Chúa Giê-su luôn trở lại với nơi thanh vắng. Hãy tìm nơi như vậy, là nơi bạn có thể một mình với Chúa, biệt riêng và cầu nguyện lớn tiếng hay thì thầm, và để cho Chúa có thể phán với bạn.

3. TẬP CHÚ

Lu-ca 6:12 ký thuật lại, “Trong những ngày đó, Đức Chúa Jêsus đi lên núi để cầu nguyện; Ngài thức thâu đêm cầu nguyện với Đức Chúa Trời.” Chú ý đến điều này, “Ngài thức thâu đêm.” Một số trong những bài học lớn nhất cho đời sống cầu nguyện của tôi là những buổi cầu nguyện thâu đêm. Quyết định kết hôn với vợ tôi được làm trong một buổi cầu nguyện thâu đêm với một bạn cầu nguyện khác. Đôi khi chỉ cần vài phút cho tôi để tập hợp tâm trí của tôi cho sự cầu nguyện. Những lần khác phải mất một khoảng thời gian dài để đến chỗ tâm thần cầu nguyện. Tôi khám phá ra là thật quan trọng để bỏ ra những khoảnh thời gian với Chúa để chúng ta có thể tập chú vào điều Ngài muốn chúng ta làm và ý của Ngài trên đời sống của chúng ta.

4. PHÂN CÁCH

Kinh Thánh cho biết có những lần Chúa Giê-su cầu nguyện một mình dù có các môn đồ ở cùng Ngài. Dù các môn đồ ở cùng Ngài nhưng Ngài vẫn tìm thời giờ cầu nguyện cá nhân. 

Đây là một điều quan trọng vì chúng ta không luôn luôn tìm được chỗ riêng tư một mình. Có những lúc mà chúng ta không thể biệt riêng. Nhà thương là nơi có đủ mọi sinh hoạt rộn ràng và liên tục (dù ít tiếng ồn), nhưng trẻ sơ sinh được hình thành trong khung cảnh đó. Đôi khi tôi thấy là tôi không thể “một mình”, nhưng tôi có thể có một thái độ biệt riêng hay cách ly, và tôi có thể im lặng ngay giữa dòng lưu thông tắc nghẽn. Sự cầu nguyện của tôi có thể lướt lên trên những sự ngăn trở khi tôi đặt mình vào một trạng thái phân cách.

5. BIN ĐI

Chúng ta tìm được điều này trong Lu-ca 9:28-29. “Khoảng tám ngày sau khi phán các lời nầy, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đi với Ngài lên núi để cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, diện mạo Ngài đổi khác, áo Ngài trở nên trắng và rực sáng.” Sự cầu nguyện thay đổi bạn. Bạn có nghĩ là khi bỏ ra nhiều thời giờ với Chúa thì khuôn mặt của bạn biến đổi theo mức tương giao như vậy không? 

2 Cô-rinh-tô 3:18 bày tỏ, “Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa.” Khi chúng ta chiêm ngưỡng Ngài “Chúng ta được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang.” Chữ dùng trong phân đoạn này là katoptrizo. Đây là lần duy nhất mà chữ này được dùng trong toàn bộ Kinh Thánh. Nó có nghĩa là “nhìn chăm chú, nhìn suy niệm, nhìn kỹ như là soi gương.” Khi chúng ta nhìn vào lời, phản ảnh lời, như là gương phản ảnh, chúng ta trở nên càng giống Đấng Christ. Và chúng ta được biến đổi.

6. HÌNH DUNG RA

Lu-ca 11:1 dạy, “Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện ở một nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện, như Giăng đã dạy các môn đồ mình vậy.’”  Chú ý là kinh văn không nói “dạy chúng tôi cách,” là điều thường bị trích dẫn sai nhưng nói rằng “dạy chúng tôi cầu nguyện.”  Tôi cho rằng đây là sự cầu nguyện nguy hiểm để cầu nguyện. Chúng ta không nên cầu nguyện điều yêu cầu này trừ khi chúng ta thật sự muốn cầu nguyện, vì Chúa sẽ thường dùng những thử thách, gian khổ và khó khăn để dạy chúng ta cầu nguyện.

7. GIỮ GÌN

Trong Lu-ca 22:31-32 Chúa Giê-su phán, “Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, Sa-tan đòi sàng sảy các con như lúa mì. Nhưng Ta đã cầu nguyện cho con để con không thiếu đức tin. Vậy, khi con quay trở lại, hãy làm cho anh em con mạnh mẽ.” Đây là một lời cầu nguyện bảo vệ.  Chúng ta không chỉ tin vào sự cầu nguyện, chúng ta tin vào Chúa. Chúa Giê-su không chỉ cứu chuộc chúng ta nhưng Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Robert Murray McCheyne có lần nói, “Nếu tôi có thể nghe Đấng Christ cầu nguyện cho tôi trong phòng kế bên, tôi chẳng sợ hàng triệu kẻ thù.” Chúa đang cầu nguyện cho chúng ta ngay lúc này. Chúa Giê-su đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha để cầu nguyện thay cho chúng ta.

8. CHUẨN BỊ

Trong Lu-ca 22:42 Jesus cầu nguyện, “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi Con! Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!”  Chú ý sự thay đổi trong lời cầu nguyện này. Trước hết, Ngài nói, xin cất ra khỏi con. Rồi sau đó, Ngài nói, “Chúa ơi, bỏ qua điều cầu nguyện đó.” Ngài cầu nguyện khẩn thiết. Tại sao? Bởi vì Ngài biết Ngài phải đối diện trong những giờ sắp tới cuộc thử thách lớn nhất của đời sống Ngài và Ngài không muốn đương đầu với nó mà không có sự cầu nguyện.

9. BÀY TỎ

Đây là sự cầu nguyện mà Chúa Giê-su cầu nguyện trên thập giá. Một trong bảy lời cuối cùng của Ngài là “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết họ làm điều gì.” Chúng ta có thể học rất nhiều về bản tính của Đấng Christ ở đây vì Ngài đang trong cơn thống khổ. Ngài đau đớn cùng cực, nhưng Ngài cầu nguyện cho những người khác. Khi chúng ta nhìn vào những gì những người khác nói, làm và cầu nguyện vào lúc họ trong cảnh cùng cực, lúc đó sẽ bày tỏ ra những gì thật sự trong lòng họ. Cầu nguyện, không giống như những điều khác, là chỗ bày tỏ ra của một con người. Nó chỉ cho thấy điều sâu kín trong lòng.

10. THỎA LÒNG

Trong Lu-ca 23:46, “Đức Chúa Jêsus kêu lớn lên rằng: “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!” Ngài vừa nói xong thì trút hơi thở cuối cùng.” Chúa Giê-su làm đẹp lòng Đức Chúa Trời là Cha bởi vì Ngài đã làm điều Ngài được định làm. Nhưng hơn thế nữa, Chúa Giê-su đã thỏa lòng với chính Ngài vì cớ điều Ngài đã làm. Bởi vậy – do Ngài đã làm đẹp lòng Cha và thỏa lòng với chính mình – Ngài có thể làm thỏa mãn mọi nhu cầu mà bạn từng có. Ngài phán, “Ta đã làm trọn mọi sự. Mọi sự đã được làm trọn.”

11. CẢM TẠ

Chúa Giê-su bày tỏ sự cảm tạ về những gì Đức Chúa Trời đã làm trong đời sống của Ngài khi Ngài ăn tối Vượt Qua cùng với 12 môn đồ. Ngài bẻ bánh. Ngài tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ. 

Có một thứ tội là gốc rễ của mọi thứ tội khác – tội vô ơn. Tôi tin rằng sự cầu nguyện của chúng ta phải tràn đầy sự tạ ơn. Thư Phi-líp nói rằng,“Hãy nài xin với lòng tạ ơn.” Khi chúng ta cầu xin, chúng ta cũng tạ ơn trong cùng lúc. 

12. CHÚC PHƯỚC

Lu-ca 24:50 kể rằng, “Sau đó, Ngài dẫn các môn đồ đến gần làng Bê-tha-ni và giơ tay lên ban phước cho họ.” Thật tuyệt vời đối với tôi khi điều sau cùng Chúa Giê-su làm là giơ tay lên và ban phước cho họ. Ngài giơ tay lên để họ thấy những vết sẹo trong lòng bàn tay của Ngài. Không có gì ngạc nhiên khi sau đó họ ra đi ngay một cách mạnh dạn và trải qua 10 ngày cầu nguyện.

 

Ánh Dương

(Lược dịch theo: churchleaders.com)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan