Năm Điều Sai Lầm Tôi Đã Từng Nghĩ

Share

Phần lớn những người chưa tin Chúa hay hiểu sai về niềm tin Cơ Đốc, thậm chí nhiều người dù đã ở rất lâu trong Hội thánh đôi khi cũng có những hiểu lầm tương tự.

Lớn lên trong hội thánh, tôi đã tưởng rằng mình gần như có thể hiểu hết như thế nào là một Cơ Đốc nhân…

Mọi thứ đã thay đổi vào một ngày nọ, khi tôi đến một hội thánh khác xa so với hội thánh vốn rất bó buộc mà tôi đã lớn lên. Ở đây, cách mà mọi người ăn mặc và hành động vào ngày Chủ nhật hoàn toàn giống như những gì họ làm vào những ngày còn lại trong tuần. Đó cũng là nơi mà mọi người có thể thật lòng và cởi mở để nói về những trăn trở và khó khăn trong đời sống của họ. Có một bầu không khí sôi động và vui mừng hiện lên rõ rệt trong lúc thờ phượng.

Tất cả những điều này đều thật mới đối với tôi. Có những điều thực sự khác biệt ở nơi những người tín hữu này khiến tôi phải tự đặt câu hỏi cho mình về những điều tôi đã từng tin về việc như thế nào là một Cơ Đốc nhân. Tôi khám phá ra rằng, một vài điều trong “niềm tin Cơ Đốc” của tôi thực ra đã đi lệch hướng và được dẫn dắt bởi lời lẽ của tôn giáo nhiều hơn là Lời của Đức Chúa Trời.

Rõ ràng những người chưa tin Chúa thì hay hiểu sai về niềm tin Cơ Đốc, nhưng thậm chí nhiều đã ở rất lâu trong hội thánh đôi khi cũng có những hiểu lầm tương tự. Và sau đây là 5 suy nghĩ sai lầm mà tôi đã từng tin về việc thế nào là một Cơ Đốc nhân:

1. Hành vi của bạn ảnh hưởng đến tình yêu của Chúa dành cho bạn

Với tất cả những luật lệ mà chúng ta lập nên cho chính bản thân mình, chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng làm theo những điều ấy chính là cách để có được sự công nhận và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nhưng sự thật thì bạn không phải cố gắng làm điều này điều kia để nhận được tình yêu thương của Chúa.Ngài yêu bạn bất kể hành vi của bạn.

“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8)

Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn không phụ thuộc vào những gì bạn làm hay những gì bạn không làm, nhưng phụ thuộc vào Chúa Giê-su – con một của Ngài – và quyết định của bạn khi bạn đặt lòng tin nơi Ngài.

2. Hội Thánh là một sự kiện hàng tuần hay chỉ là một tòa nhà

Sống trong vùng Vành Đai Kinh Thánh (vùng Đông-Nam và Trung-Nam nước Mĩ), đối với tôi, đến hội thánh nhiều lúc trở thành một điều mà ai cũng làm. Việc thờ phượng Chúa cũng dường như bị tách biệt khỏi phần còn lại của tuần. Và có một quan niệm rằng mỗi ngày Chúa Nhật bạn phải ăn mặc thật đẹp và đánh bóng dáng vẻ bề ngoài cũng như những hành động của bạn.

“Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.” (1 Sa-mu-ên 16:7)

Hội thánh thì thường bị xem như là một tòa nhà nơi các tín hữu đến nhóm lại, chứ không phải là một thân thể. Trên thực tế, Hội Thánh là một Thân Thể, còn phòng nhóm là nơi mà chúng ta gặp gỡ và nhóm lại. Kinh Thánh mô tả Hội Thánh là một thực thể sống động, chứ không đơn thuần là buổi họp mặt, diễn ra mỗi tuần một lần bao gồm ca hát và truyền giảng (Ê-phê-sô 2:19-22). Chúa không muốn chúng ta chỉ yêu mến sự kiện, Ngài muốn chúng ta yêu mến mọi người.

3. Không nên bộc lộ những khó khăn và trăn trở của bạn

Cuộc sống của Cơ Đốc nhân cũng có những lúc khó khăn. Trong những lúc ấy, thường không có được những câu trả lời hay lời giải thích dễ dàng. Nhưng thay vì cầm giữ và kìm nén những khó khăn ấy, chúng ta cần trình dâng lên Chúa cũng nhờ sự trợ giúp từ những anh chị em khác để vượt qua những điều này.

Đa-vít là vị vua có tấm lòng luôn hướng về Chúa. Ông thường giải bày những lo âu, trăn trở của mình trong những lúc khó khăn. Sự thành thực và cởi mở về những tâm tư của bạn không hề khiến bạn trở nên kém thuộc linh, mà thực ra nó đang kéo bạn đến gần hơn với Chúa, bởi vì khi đó bạn buộc phải từ bỏ sự kiêu ngạo và sự tự mãn về bản thân mình.

Bạn không vượt qua những khó khăn của cuộc sống bằng cách phớt lờ hay che giấu nó; bạn vượt qua chúng bẳng cách mời Chúa hành động trong lĩnh vực của bạn!

“Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa: Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta.” (Thi thiên 43:5)

4. Lãnh đạo hội thánh là những người “siêu thuộc linh”

Nhiều lúc chúng ta ngồi ở những hàng ghế trong hội thánh và bắt đầu nghĩ rằng những mục sư và những trưởng lão trong hội thánh là những người cực kỳ thiêng liêng, là những Cơ Đốc nhân “tốt hơn” và hầu như không thể vấp ngã.

Đây chính là lý do vì sao chúng ta thường quá bất ngờ và cảm thấy dường như tan vỡ khi một người lãnh đạo hội thánh vấp ngã. Chúng ta quên rằng họ cũng là con người bất toàn, cũng cần nhận được ân điển từ nơi Chúa, và cũng có trách nhiệm với chính đời sông mình như bao tín hữu khác.

Sự thật là mục sư của bạn, người dẫn ngợi khen thời phượng, trưởng nhóm tế bào hay bất kỳ ai đã được rèn luyện nhiều hơn và/hoặc có thời gian bước đi với Chúa nhiều hơn bạn, thì họ vẫn là con người. Họ cũng phải chiến đấu trong cuộc sống này. Họ cần những người bạn để nói chuyện và chia sẻ về những điều nằm ngoài công việc hội thánh nữa.

Đức Chúa Trời dùng những kẻ yếu để bày tỏ sự vinh hiển của Ngài. Và Ngài có thể sử dụng chính bạn. Bạn không cần phải nỗ lực trở thành một người “siêu thuộc linh” mới có thể hầu việc Chúa.

5. Kinh Thánh dường như chỉ nói về luật pháp

Chúng ta thường coi Kinh Thánh như là một quyển sách luật. Nhưng khi chúng ta nhìn Kinh Thánh theo cách đó, chúng ta sẽ nhanh chóng đánh mất sự hứng thú bởi vì chẳng có sự liên kết gì cả.

Kinh Thánh không phải để nói về luật pháp, nhưng nói về Chúa Giê-su. Kinh Thánh được thiết kế để sử dụng trong ngữ cảnh mối quan hệ. Mục tiêu của việc đọc Lời Chúa không phải là cứ đọc hết từng chương, nhưng là để cùng đi với Chúa Giê-su mỗi ngày.

Tôi thách thức bạn tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình nếu như bạn đã từng tin vào bất kỳ điều nào trong những điều trên. Có nhiều người cũng giống như bạn. Nhưng hy vọng đến bởi vì lẽ thật đến. Và lẽ thật có quyền năng để giải thoát bạn.

“Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:32)

 

(Nguồn: https://news.oneway.vn/5-dieu-sai-lam-toi-da-tung-nghi-ve-co-doc-nhan/)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan