Gia Đình, Môi Trường Để Trẻ Em Phát Triển Một điều đáng buồn là xã hội ngày nay ít có người quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của trẻ em, đó là chúng cần một gia đình hoàn hảo, có cha mẹ làm chủ và đã chính thức kết hôn với nhau. Mặc dù có những chuyên gia tâm lý xã hội nổi tiếng trên thế giới đã chỉ rõ ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ trên đời sống tâm lý của trẻ em nhưng công trình của họ vẫn không được quan tâm đúng mức.
Chúng tôi xin trích lại một vài khám phá của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về mối tương quan giữa gia đình và sức khỏe tâm lý của trẻ em.
Giáo sư James Q. Wilson, một trong số khoa học gia xã hội học sáng giá của thế giới, viết về hôn nhân như sau: “Hầu hết các chuyên gia, trừ một vài vị lập dị, đều đồng ý rằng các trẻ em trong gia đình có mẹ độc thân thường bị nguy cơ sau đây: Bỏ học, tình cảm xáo trộn, dễ phạm pháp, dễ bị lạm dụng, và sa vào nạn ma túy hơn là các trẻ em trong các gia đình có cha mẹ kết hôn hợp pháp.”
Ông lý giải rằng một nửa số trẻ em xấu số này là do sống trong một gia đình khó khăn về tài chánh vì vắng bóng cha; và nửa số còn lại là vì mẹ của chúng không có chồng.
Hiện có hai tổ chức xã hội nghiên cứu xem hình thức gia đình nào thích hợp nhất để dưỡng dục con cái. Họ kết luận rằng gia đình có cha mẹ kết hôn hợp pháp, không mâu thuẫn nhau, là môi trường thích hợp nhất.
Tổ chức thứ nhất là Center for Law and Social Policy (CLASP) công bố: “Các nghiên cứu cho thấy trẻ em học hành tiến bộ nhất là những em cùng sống với cha mẹ đẻ và ít có sự bất hòa hơn là các em sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, hoặc có cha hay mẹ ghẻ, hoặc cha mẹ không hôn thú.”
Tổ chức thứ hai là Child Trends nói thêm: “Các cuộc nghiên cứu thâm sâu cho thấy rằng trẻ con tiến bộ tốt nhất là khi chúng sống với cha mẹ đẻ trong một cuộc hôn nhân ít có mâu thuẫn. Yếu tố quan trọng là cha mẹ đẻ giúp cho trẻ em tiến bộ nhiều hơn.”
Có nhiều toán nghiên cứu về đời sống gia đình từ các Đại học Texas, Virginia, Minnesota, Chicago, Maryland, Washington, UC Bakeley, và Rutgers làm việc chung với nhau, cùng đưa ra kết luận: Trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ đẻ, kết hôn hợp pháp, hòa thuận nhau thì “Sức khỏe thể xác và tâm thần tốt hơn, trường thọ hơn; học hành tiến bộ hơn; có nhiều triển vọng tốt nghiệp đại học hơn; ít có nguy cơ nghèo nàn; ít bị rắc rối với pháp luật hơn; ít rượu chè và ma túy; ít sa vào các mối tranh chấp bạo lực và tình ái; và nhiều hy vọng có một cuộc hôn nhân tốt hơn.
Nhà xã hội học Paul Amato có viết một bài khảo cứu đăng trên nguyệt san của hai Đại học Princeton và Brookings, trong đó ông giải thích: “So sánh với trẻ em sinh ra trong các gia đình vững vàng và có cha mẹ sống chung, thì trẻ em sống trong gia đình mà cha mẹ không có hôn thú sẽ có nguy cơ rơi vào các tình trạng sau: Ít học hơn, thu nhập kém, địa vị xã hội thấp, khó kiếm việc làm, có thể sinh con ngoài hôn thú, đời sống hôn nhân rắc rối, có nhiều nguy cơ ly dị, dễ bị trầm cảm… Nghiên cứu cũng chứng minh rằng trẻ em được dưỡng dục có cha mẹ chung sống với nhau thì dù còn nhỏ hay đã trưởng thành cũng ít có nguy cơ bị khủng hoảng về tình cảm hay trí tuệ.
Giáo sư Sara Melanahan của Đại học Princeton, từng nghiên cứu nhiều năm về hình thức gia đình nào là tốt nhất cho việc nuôi dạy con cái, giải thích rằng: “Nếu có ai hỏi rằng môi trường nào là lý tưởng nhất cho việc dưỡng dục con cái thì chúng tôi không ngần ngại trả lời rằng môi trường ấy là một gia đình có cha lẫn mẹ. Trong môi trường này, không những trẻ em hưởng được sự chăm sóc và nuôi nấng về mặt vật chất từ cha mẹ, mà còn được quân bình về mặt tâm linh. Cha mẹ và con cái có những yếu tố sinh học giống nhau; điều đó khiến cho người làm cha mẹ sẵn sàng hy sinh mọi điều cho con cái.”
Nếu chúng ta nhận ra rằng một môi trường lý tưởng để dưỡng dục con cái là một gia đình trọn vẹn
thì chúng ta có bổn phận làm sao giữ gìn gia đình được lành mạnh cả thể chất lẫn tâm linh. Đời sống hôn nhân của bậc cha mẹ thật tốt là di sản quý báu cho trẻ con, cho người lớn, và cho cả xã hội. Trách nhiệm chúng ta là phải cố gắng giúp cho con, cháu biết giá trị của hôn nhân để chúng biết trân quý hôn nhân cách đúng đắn. Xin nhớ hôn nhân là định chế do Thiên Chúa thiết lập khi Ngài mới tạo dựng loài người.
(Nguồn: CTM 6/2015 – Jenny Tyree, Focus in The Family)