Người Bị Teo Tay – Đấng Christ Bị Kẻ Thù Rình Và Ngài Buồn Giận – Mác 3:1-12

Share

Những câu Kinh Thánh này cho thấy Chúa của chúng ta lại làm phép lạ. Chúa chữa lành một người bị teo tay ở trong nhà hội. Ngài luôn lo việc của Cha, luôn làm việc lành – Ngài làm trước mặt kẻ thù cũng như bạn hữu – đó là việc mỗi ngày ở trong chức vụ trên đất của Chúa chúng ta. Chúa đã để lại một tấm gương cho [chúng ta] noi theo dấu chân Ngài (1 Phi-e-rơ 2:21). Phước cho Cơ Đốc nhân nào thực sự cố gắng bắt chước Thầy của họ dù yếu ớt đến mấy!

Đấng Christ bị kẻ thù rình xem

Chúng ta hãy quan sát Đức Chúa Jêsus Christ bị kẻ thù theo dõi như thế nào qua mấy câu Kinh Thánh này. Chúng ta thấy họ rình xem thử Ngài có chữa người đó trong ngày Sa-bát chăng, đặng cáo Ngài.

Chúng ta đang chứng kiến một bằng chứng đáng buồn về bản chất gian ác của con người! Những điều này xảy ra trong ngày Sa-bát. Trong chính nhà hội là nơi mọi người nhóm lại để lắng nghe Lời Chúa và thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngay cả trong ngày của Đức Chúa Trời và trong lúc thờ hượng Chúa, những kẻ theo chủ nghĩa hình thức tồi tệ này đã âm mưu chống lại Chúa của chúng ta. Chính những kẻ giả đò nghiêm khắc và thiêng liêng về những điều nhỏ nhặt lại đầy dẫy những suy nghĩ độc hại và tức giận ở giữa hội chúng (Châm ngôn 5:14).

Dân sự của Đấng Christ không nên kỳ vọng sẽ được đối đãi tốt hơn Thầy của họ. Họ luôn bị một thế giới xấu xa và hằn học theo dõi mình. Hành vi của họ được kiểm duyệt bằng con mắt sắc sảo và ghen tuông. Đường lối của họ bị để ý và theo dõi liên tục. Họ là những kẻ nằm trong mục tiêu. Mọi hoạt động của họ đều bị thế gian để ý. Trang phục, thói chi tiêu, quỹ thời gian, phẩm chất của họ trong mọi khía cạnh đời sống đều bị theo dõi cách cứng nhắc. Kẻ thù chờ đợi sự lưỡng lự của họ, nếu họ mắc phải một sai lầm, kẻ ác sẽ vui mừng.

Cơ Đốc nhân cần ghi nhớ điều này trong trí của mình. Chúng ta đi đâu và chúng ta làm gì, hãy nhớ là chúng ta đang bị theo dõi giống như Thầy của mình. Suy nghĩ này sẽ khiến chúng ta cẩn thận hơn trong hành vi của mình hầu cho kẻ thù không có được cơ hội để phỉ báng. Chúng ta thậm chí nên chăm chỉ né tránh sự xuất hiện của điều ác. Trên hết mọi sự, chúng ta nên cầu nguyện nhiều để giữ mình không chỗ trách được trong tính tình, miệng lưỡi và cách cư xử mỗi ngày. Chính Cứu Chúa đã bị theo dõi vốn biết cách thông cảm cho dân sự của Ngài và tiếp trợ ân điển để vùa giúp họ trong lúc cần.

Nguyên tắc tuân thủ ngày Sa-bát

Thứ hai, chúng ta hãy quan sát kỹ một nguyên tắc quan trọng mà Chúa đã quy định về việc tuân giữ ngày Sa-bát. Chúa dạy rằng làm điều lành trong ngày Sa-bát là đúng luật pháp.

Nguyên tắc này được dạy dỗ bằng một câu hỏi đáng chú ý. Chúa hỏi những kẻ xung quanh Ngài rằng trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người.

Chữa lành cho người bị teo tay tội nghiệp đang đứng ở trước mặt Ngài hay mặc kệ người đó? Phục hồi sức khỏe của một người vào ngày Sa-bát là mang tội trọng hơn cả việc âm mưu giết người và nuôi dưỡng sự thù hằn nghịch cùng người vô tội sao, là điều họ đang làm với Ngài ngay lúc ấy? Chúa có phạm tội vì đã cứu người trong ngày Sa-bát không? Những kẻ muốn giết người là vô tội sao? Không có gì ngạc nhiên khi kẻ thù của Chúa chúng ta đã giữ im lặng trước một câu hỏi như thế. Thật quá rõ ràng, từ mấy lời của Chúa chúng ta, Cơ Đốc nhân không cần phải ngần ngại làm việc lành trong ngày Chúa Nhật. Một công tác thương xót thực sự, chẳng hạn như chăm sóc người bệnh hoặc giúp giảm đau, có thể được thực hiện mà không phải do dự. Sự thánh khiết mà điều răn thứ tư nói về ngày Sa-bát không hề bị suy giảm trước những việc như thế.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận trước nguyên tắc mà Chúa chúng ta đặt ra không bị lạm dụng và trở thành điều xấu. Chúng ta không nên cho rằng được phép làm việc lành ngụ ý mọi người đều có thể tự tìm niềm vui riêng cho mình trong ngày Sa-bát.

Được phép làm việc lành không hề có nghĩa là chào đón những thú vui, lễ hội của thế gian, đi du lịch, đi chơi và thỏa mãn xác thịt. Đây không phải là giấy phép để đi tàu hỏa vào ngày Chúa Nhật, hoặc tàu hơi nước vào ngày Chúa Nhật, hoặc đi xem triển lãm vào ngày Chúa Nhật.

Những điều này chẳng có lợi cho ai mà còn làm hại cho nhiều người. Chúng cướp đi sự nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy của một tôi tớ. Chúng biến ngày Chúa Nhật của hàng ngàn người thành ngày lao động vất vả. Chúng ta hãy cẩn thận đừng xuyên tạc lời Chúa khỏi ý nghĩa đúng đắn.

Chúng ta hãy nhớ Chúa ban phước cho “làm việc lành trong ngày Sa-bát” như thế nào. Hãy tự hỏi bản thân sự tương đồng nhỏ nhất giữa công tác của Chúa vào ngày Sa-bát và những cách sử dụng ngày Sa-bát mà nhiều người tranh cãi, ai sẽ nói mình đang làm theo tấm gương của Chúa chúng ta.

Hãy quay lại với ý nghĩa rất rõ ràng từ lời Chúa và đứng vững trên những lời ấy. Chúa ban cho chúng ta sự tự do để làm việc lành vào ngày Chúa Nhật; nhưng đối với tiệc tùng, đi tham quan, đãi tiệc và du ngoạn, thì Chúa không cho hề cho phép sự tự do ấy đâu.

Cảm xúc của Đấng Christ về kẻ thù của Ngài

Thứ ba, chúng ta hãy quan sát những cảm xúc ở trong lòng của Chúa khi Ngài nhìn thấy phẩm chất của kẻ thù. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi.

Biểu hiện này rất đáng chú ý và đòi hỏi phải chú ý cách đặc biệt. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ của chúng ta là một con người giống như chúng ta trong hết thảy mọi sự, chỉ ngoại trừ tội lỗi. Bất kỳ cảm xúc vô tội nào thuộc về thể chất của con người, Chúa của chúng ta đã chia sẻ và trải nghiệm hết thảy. Chúng ta đọc thấy Chúa lấy làm lạ, Chúa vui, Chúa khóc, Chúa yêu, còn trong phân đoạn này chúng ta đọc thấy Chúa giận.

Thật rõ ràng thay, từ mấy câu Kinh Thánh này, có một sự tức giận đúng đắn và vô tội. Có một cơn giận công bình và trong một số trường hợp có thể được biểu lộ đúng cách. Hãy nóng giận, nhưng đừng phạm tội (Ê-phê-sô 4:26).

Tuy nhiên, phải thú nhận rằng điều này rất khó. Trong tất cả cảm xúc mà con người trải qua, có lẽ không có cảm xúc nào dễ phạm tội bằng cảm xúc nóng giận. Không có điều nào giống như sự nóng giận, một khi đã bị kích thích thì không thể kiểm soát được. Không có điều nào giống như sự nóng giận có thể dẫn tới nhiều điều gian ác hơn nữa. Sự nóng nảy và cáu giận sẽ chiếm hữu ngay cả những người tin kính, tất cả đều phải biết điều này. Lịch sử về cuộc tranh cãi giữa sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba tại An-ti-ốt cũng như Môi-se bị khiêu khích cho đến khi miệng của ông nói cách thiếu suy nghĩ là những câu chuyện quen thuộc đối với độc giả của Kinh Thánh. Sự thật đáng sợ về mấy lời nóng giận vi phạm điều răn thứ sáu được dạy dỗ rõ ràng trong Bài giảng trên núi. Tuy nhiên, chúng ta thấy sự nóng giận cũng có lúc đúng đắn.

Hãy kết thúc đề tài này bằng một lời cầu nguyện chân thành để hết thảy chúng ta nhớ đến tâm linh của mình khi nóng giận. Chúng ta có thể yên tâm rằng không có cảm xúc nào của con người cần được bảo vệ cẩn thận như cảm xúc nóng giận. Sự nóng giận vô tội là một điều rất hiếm. Con người hiếm khi nóng giận vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong từng trường hợp, một cơn giận công bình nên được hòa quyện với đau buồn vì những kẻ đã gây ra sự khổ đau, giống như trường hợp của Chúa chúng ta. Trong tất cả biến cố, chúng ta có thể chắc chắn rằng: thà không bao giờ nóng giận còn hơn nóng giận mà phạm tội.

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan