Chúng ta đọc trong mấy câu này, thấy cách Đức Chúa Jêsus Christ đã chữa lành cho một người phung như thế nào. Trong tất cả phép lạ chữa bệnh của Chúa chúng ta, có lẽ không phép lạ nào kỳ diệu hơn bằng phép lạ chữa lành người phung. Chỉ có hai trường hợp được mô tả đầy đủ trong lịch sử Phúc Âm. Trong số hai trường hợp này, trường hợp trước mắt chúng ta là trường hợp thứ nhất.
Bản chất của bệnh phung
Thứ nhất, chúng ta hãy cố gắng nhận ra bản chất khủng khiếp của căn bệnh mà Chúa Jêsus đã chữa lành.
Bệnh phung là chứng bệnh mà chúng ta biết rất ít, hoặc không biết gì cả khi ở tại khu vực của mình. Trong địa lý thời Kinh Thánh, điều này lại rất phổ biến. Đó là căn bệnh hoàn toàn vô phương cứu chữa. Nó không chỉ là bệnh ngoài da như một số người lầm tưởng. Nó là căn bệnh ảnh hưởng đến toàn thân. Nó không chỉ tấn công da mà còn cả máu, thịt và xương cho đến khi bệnh nhân tội nghiệp bắt đầu mất hết tứ chi và thối rữa từng khúc một. Bên cạnh đó, chúng ta hãy nhớ rằng giữa vòng người Do Thái, người phung bị coi là ô uế và phải sống xa cách hội chúng Y-sơ-ra-ên cũng như không được dự các lễ nghi tôn giáo. Người phung buộc phải ở trong một nhà riêng biệt. Không ai dám đụng chạm hoặc chăm sóc người phung cả.
Chúng ta hãy nhớ lại tất cả điều kể trên, thì mới hiểu được sự khốn khổ rất lớn của một người mắc bệnh phung. Hãy dùng lời của A-rôn khi ông cầu thay cho Mi-ri-am rằng: chớ để nàng như một đứa con sảo thịt đã hư hết phân nửa khi lọt ra khỏi lòng mẹ (Dân số ký 12:12).
Nhưng có bệnh gì giống như bệnh phung giữa vòng chúng ta không? Thật ra là có chứ! Có một căn bệnh tâm linh xấu xa đã ăn sâu vào bản chất và xương cốt của chúng ta bằng sức mạnh chết người. Căn bệnh đó là bệnh dịch của tội lỗi.
Giống như bệnh phung, nó là một loại bệnh thâm căn cố đế lây nhiễm hết mọi phần trong bản chất của chúng ta – tấm lòng, ý chí, lương tâm, hiểu biết, trí nhớ và tình cảm.
Giống như bệnh phung, nó khiến người khác ghét bỏ và ghê tởm chúng ta, không thể làm bạn với Đức Chúa Trời, không xứng đáng với vinh hiển trên trời.
Giống như bệnh phung, không có bác sĩ nào chữa được, tuy chậm rãi nhưng chắc chắn sẽ làm cho chúng ta phải chết lần thứ hai. Tồi tệ nhất, hơn cả bệnh phung, là bệnh này không chừa một ai. Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế (Ê-sai 64:6).
Chúng ta có biết những điều này không? Chúng ta đã tìm ra chưa? Chúng ta đã nhận biết tội lỗi và sự bại hoại của mình chưa? Phước cho người nào biết mình là tội nhân khốn cùng và tại cớ tội lỗi tôi, xương cốt tôi chẳng được an nghỉ (Thi Thiên 38:3)! Phước cho người nào biết tâm linh của mình bị phung và là kẻ xấu xa, kẻ ác và tội nhân! Nhận ra bệnh tình của mình là tiến một bước đến giải pháp. Chính sự khốn cùng và bại hoại của rất nhiều linh hồn mà người ta đã không còn thấy được tội lỗi và nhu cầu của mình nữa.
Quyền phép của Đấng Christ
Thứ hai, chúng ta hãy học hỏi từ mấy câu này, quyền năng lạ lùng và tối cao của Đức Chúa Jêsus Christ.
Chúng ta được kể rằng người phung tội nghiệp đã đến gặp Chúa của chúng ta, quì xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được. Chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Ngay lập tức, người đó được lành. Lúc đó, căn bệnh chết người lìa khỏi người khốn khổ ấy và anh ta được lành. Chỉ bằng lời nói và rờ chạm, thì trước mặt Chúa của chúng ta không còn là người phung nữa, mà là một người đàn ông lành mạnh và khỏe khoắn.
Ai có thể hình dung được cảm giác sung sướng của người phung này khi thấy mình được lành? Mặt trời mọc lên chiếu sáng trên anh ta, một người khốn khổ, chết nhiều hơn sống, cả thân thể bị lở loét và thối rữa, sự tồn tại của người này là một gánh nặng. Mặt trời xế chiều chiếu sáng trên một người tràn đầy hy vọng và niềm vui, thoát khỏi đau đớn và hòa nhập với xã hội loài người. Chắc chắn sự thay đổi này giống như sống lại từ kẻ chết.
Hãy chúc tụng Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế chúng ta, Ngài thật toàn năng. Thật là một ý nghĩ vui vẻ và thoải mái: không gì là không thể với Đấng Christ. Không có bệnh tim nào trầm trọng đến nỗi Ngài không thể chữa lành. Không có linh hồn bệnh hoạn nào nguy hiểm đến nỗi Bác sĩ Đại tài của chúng ta không thể chữa lành. Đừng bao giờ thất vọng về sự cứu rỗi của bất kỳ ai miễn là người đó còn sống.
Tâm linh bị phung tồi tệ đến mấy vẫn được sạch. Không ai bị phung thuộc linh trầm trọng bằng Ma-na-se, Sau-lơ người Tạt-sơ và Xa-chê, nhưng tất cả đều được lành – Đức Chúa Jêsus Christ đã chữa lành cho họ. Tội nhân đáng chết nhất còn được đến gần Đức Chúa Trời nhờ huyết báu và Thánh Linh của Đấng Christ. Con người bị hư mất không phải vì họ quá xấu xa không đáng được cứu, mà vì họ không chịu đến với Đấng Christ để Ngài cứu họ.
Có lúc giữ im lặng về công việc của Đấng Christ
Thứ ba, từ mấy câu này, chúng ta hãy học biết rằng có lúc phải giữ im lặng về công việc của Đấng Christ cũng như có lúc phải nói ra.
Đây là một chân lý mà chúng ta cần phải chú ý lắng nghe. Chúng ta thấy Chúa nghiêm khắc truyền cho người này không được nói với ai về việc mình được lành, chớ tỏ điều đó cùng ai. Chúng ta thấy người này đã quá nồng nhiệt, không làm theo lời căn dặn mà đi, đồn việc đó ra, tới đâu cũng thuật chuyện. Chúng ta biết kết quả là Đức Chúa Jêsus không vào thành cách rõ ràng được nữa; song Ngài ở ngoài, tại nơi vắng vẻ.
Có một bài học rất quan trọng ở chỗ này, nhưng rất khó áp dụng một cách đúng đắn. Rõ ràng là có lúc Chúa muốn chúng ta âm thầm và lặng lẽ làm việc của Ngài hơn là thu hút sự chú ý của mọi người bằng sự huyên náo. Có một kiểu sốt sắng không phù hợp với sự hiểu biết cũng như có một kiểu sốt sắng công bình và đáng khen. Mỗi kiểu đều có cái hay khi sử dụng đúng thời điểm. Trong vài trường hợp, mục đích của Chủ chúng ta thường sẽ yên tĩnh và kiên nhẫn hơn là một cách nào khác. Chúng ta đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo. Nếu không nhớ kỹ điều này, thì chúng ta sẽ gây hư hại hơn là đem đến ích lợi và cản trở mục đích chính mà chúng ta muốn hỗ trợ.
Đây là một chủ đề tế nhị và khó khăn. Cũng phải khi phần lớn Cơ Đốc Nhân có khuynh hướng im lặng về Chủ của mình hơn là thừa nhận về Ngài ở trước mặt người ta, họ không cần phải bị kiềm chế cũng như bị thúc ép. Nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng mọi việc đều có thời điểm, và nhận biết thời điểm là mục tiêu lớn của Cơ Đốc Nhân. Có những người tốt còn nhiệt tình hơn cả thận trọng và thậm chí giúp đỡ kẻ thù của chân lý bằng những hành động và lời nói không đúng thời điểm.
Sẽ thiếu khôn ngoan cho một diễn giả tại một buổi nhóm lớn ở Anh, công khai danh tính của các gia đình ở Ý là nơi người ta đọc Kinh Thánh, rồi còn chỉ ra đường phố và nhà cửa là nơi các gia đình đó đang sinh sống nữa. Một diễn giả như vậy tuy có ý tốt và rất sốt sắng. Có lẽ ông thực sự muốn tôn cao Đấng Christ và rao truyền tin thắng lợi của ân điển Đức Chúa Trời. Nhưng ông sẽ thấy mặc cảm tội lỗi vì sự cẩu thả rất đáng buồn và tỏ ra thiếu hiểu biết về bài học từ câu Kinh Thánh đang ở trước mặt chúng ta đây. Lời lẽ của Peter về đề tài này rất đáng lưu ý:
Vì Cứu Chúa của chúng ta cấm người phung này công khai phép lạ không đúng thời điểm, nên chúng ta biết rằng, không phải lúc nào cũng nói ra tất cả lẽ thật. Mặc dù, chúng ta không được phủ nhận lẽ thật nào cả, bị đòi hỏi, hoặc bị ép buộc phải tuyên bố lẽ thật cách hợp pháp, nhưng có một cách khôn ngoan để che giấu lẽ thật mà đôi khi được sử dụng (Truyền đạo 3:7).
Khi nào chúng ta nên che giấu lẽ thật? Một là, khi nói ra có thể gây tổn hại cho chính lẽ thật, như trong câu chuyện này thì việc công khai phép lạ làm cản trở chức vụ của Đấng Christ. Hai là, khi chúng ta ở với những kẻ hay cãi cọ và chế giễu lẽ thật hơn là áp dụng chân lý một cách có ích. Ba là, khi chúng ta đồng hành với kẻ thù hiểm độc của lẽ thật.
Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho chính mình có sự sáng suốt và một cái đầu tỉnh táo. Chúng ta hãy tìm biết bổn phận của mình, cầu xin Chúa cho mình sự thận trọng và ý thức tốt mỗi ngày. Chúng ta hãy mạnh dạn như sư tử bày tỏ Đấng Christ và đừng ngại nói về Ngài trước mặt vua chúa nếu cần. Nhưng đừng bao giờ quên rằng sự khôn ngoan có ích đặng dẫn dắt (Truyền đạo 10:10), chúng ta hãy cẩn thận đừng gây hư hại chỉ vì sốt sắng sai thời điểm.
(Nguồn: https://tienphong.org)