Chúa Giê-su phán trong Ma-thi-ơ 24:14 (BTTHĐ 2010) cho biết dấu hiệu trước khi Chúa Giê-su trở lại là:
[bs-quote quote=”Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân; bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến” style=”style-19″ align=”center”][/bs-quote]
Sứ mạng chính của Hội Thánh là ra giảng Tin Lành dọn đường cho sự trở lại của Chúa Giê-su.
Khi được giao cho một sứ mạng gì thì người có sứ mạng phải biết mình có nhiệm vụ và trách nhiệm gì với sứ mạng mình được giao. Nếu bạn là nhân viên tiếp thị thì sứ mạng của bạn là rao bán sản phẩm của công ty mình. Nhiệm vụ của bạn là phải biết mình có sản phảm gì? Ích lợi của sản phẩm. Công dụng của nó, giá là bao nhiêu và bảo hành bao lâu v.v… Bạn phải biết cách thuyết phục người khách hàng để họ mua sản phẩm của bạn để làm lợi cho công ty.
Nếu sứ mạng bạn làm đại sứ cho một quốc gia, thì nhiệm vụ bạn phải biết nói gì và làm gì. Nhiệm vụ của bạn là phải dùng tất cả khả năng, sự khôn ngoan, chiến lược thương thảo mình có để đem lợi ích cho quốc gia mà bạn đại diện. Một sứ mạng sẽ có nhiều nhiệm vụ trong đó. Một người nếu như có sứ mạng nhưng không biết nhiệm vụ hay làm không kết quả sẽ bị quở trách, bị cách chức và thậm chí bị phạt như người có một ta-lâng nhưng không làm lợi cho chủ.
Chúa Giê-su đã giao cho Hội Thánh và chúng ta Đại Mạng Lệnh Đào Tạo Môn Đồ và Truyền Giảng Tin Lành, Ma-thi-ơ 28.18b-20 (BTTHĐ 2010):
“Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. 19 Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ 20 và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.”
Đây là sứ mạng bắt buộc cho mọi tín hữu không ai được miễn trừ. Đây là nhịp tim của Đức Chúa Trời. Bất cứ ai yêu mến Chúa đều phải có nhịp tim của Ngài. Trái tim bạn đập như thế nào? Hội Thánh hay Cơ đốc nhân nếu không tham gia hàng ngũ truyền giáo là cố ý không tuân theo Đại Mạng Lệnh của Chúa và sống ngoài ý muốn của Ngài.
Muốn làm tốt hay có hiệu quả cho sứ mạng Chúa giao đặc biệt trong thời kỳ cuối cùng, chúng ta phải hiểu tấm lòng và ý muốn của Đức Chúa Trời về sứ mạng được giao. Kế tiếp là thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ của Đại Mạng Lệnh này.
1. Nhiệm vụ của Đại Mạng Lệnh là gì?
1.1/ Giảng Tin Lành với quyền năng Đức Thánh Linh.
Trước khi thăng thiên về trời Chúa Giê-su đã phán với các môn đệ của Ngài cũng như cho chúng ta ngày nay là:
“Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15, BTTHĐ 2010).
Sứ đồ Phao-lô đã nhấn mạnh khi rao giảng Tin Lành không dùng sự khôn ngoan loài người, nhưng hoàn toàn dựa trên quyền năng Đức Chúa Trời. Ông nói trong nhiều phần Kinh Thánh liên hệ quan trọng:
4 Tôi dạy và truyền giảng không phải bằng lời thuyết phục khôn khéo nhưng do sự thể hiện Đức Thánh Linh và quyền năng. 5 Vì thế, đức tin anh chị em không xây dựng trên sự khôn ngoan loài người, nhưng trên quyền năng Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 2:4,5 BDM).
Vì Phúc Âm chúng tôi đã truyền cho anh chị em không phải chỉ bằng lời nói nhưng bằng quyền năng, nhờ Đức Thánh Linh và đầy lòng tin quyết (1 Tê-sa 1:5 BDM)
Các môn đồ ra đi truyền giảng khắp nơi; Chúa cùng làm việc với họ và dùng các dấu lạ kèm theo để làm cho vững đạo (Mác 16:15,20 BTTHĐ).
Ngay chính Chúa Giê-su chỉ bắt đầu chức vụ công khai, giảng Tin Lành, làm các phép lạ vv sau khi Ngài đầy dẫy quyền năng Thánh Linh (Lu-ca 4:14). Do đó khi giảng Tin Lành, chúng ta phải nhờ cậy Đức Thánh Linh với một lòng tin chắc và đừng bao giờ hổ thẹn về quyền năng của Tin Lành này, “vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (Rô-ma 1:16 BTTHĐ).
Chia sẻ Tin Lành dù là bằng hành động, việc làm cứu giúp, làm chứng và chiến dịch truyền giảng v.v… là một trận chiến thuộc linh với ma quỷ (Ê-phê-sô 6:10-18). Nếu không được Đức Thánh Linh bảo vệ và ban ơn quyền thì mọi phương pháp truyền giáo, mọi chương trình và tổ chức, mọi kỹ thuật hùng biện v.v… thì tất cả đều chỉ là những gì được xây dựng trên sự khôn ngoan hay năng lực của con người bất toàn. Chúng sẽ không kết quả và không thể đứng vững trước sự tấn công khốc liệt của ma quỷ. Nhưng với “tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất” mà Chúa Giê-su đã có và đã ủy thác cho chúng ta là môn đồ Ngài (Ma-thi-ơ 28:18b-20, BTTHĐ 2010), thì chúng ta chắc chắn đắc thắng chinh phục nhiều linh hồn cho Chúa.
1.2/ Làm nhân chứng với quyền năng Đức Thánh Linh
Chúng ta nói gì khi giảng Tin Lành? Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đồ của Ngài là “Các con là những nhân chứng về các việc đó.” (Lu-ca 24:48 BTTHĐ). Có nghĩa là chúng ta làm chứng những gì mắt thấy, tai nghe, kinh nghiệm và những sự cảm nhận của chúng ta về những gì Chúa đã làm cho mình hoặc trong cộng đồng Cơ-đốc của mình.
Tuy nhiên, muốn trở thành nhân chứng có hiệu quả chúng ta cần có sự đồng công của Đức Thánh Linh. Chúa Giê-su nhấn mạnh các môn đệ phải chờ sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh. Ngài phán:
“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa- ma-ri cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8 BTTHĐ).
1.3/ Chúa ban kết quả và bông trái tồn tại mãi
Lý do tín đồ không giảng Tin Lành hay đi làm chứng vì chúng ta nghĩ và không tin là mình không có khả năng, làm chứng sẽ không kết quả. Để đắc thắng tư tưởng sợ hãi này chúng ta hãy biết rằng Đức Chúa Trời muốn đời sống chúng ta có nhiều kết quả từ buổi sáng thế. Đức Chúa Trời đã ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản gia tăng đầy dẫy mặt đất và thống trị đất” (Sáng Thế 1:28 BDM). Chính Chúa sẽ giúp chúng ta về điều này. “Chúa làm cho dân Ngài tăng thêm nhiều; Và mạnh hơn kẻ thù họ” (Thánh Thi 105:24 BDM). Nếu chúng ta tin, Chúa sẽ khiến chúng ta có kết quả đem nhiều người đến với Ngài thì “Ai tin thì mọi việc đều được cả’ (Mác 9:23 BDM). Nếu chúng ta không có kết quả là không đúng ý muốn Chúa.
Không chỉ Chúa muốn chúng ta có nhiều kết quả, hơn thế nữa Ngài muốn bông trái của chúng ta tồn tại mãi. Chúa Giê-su phán:
Không phải các con đã chọn Ta, nhưng chính Ta đã chọn các con và sai phái các con, để các con ra đi đạt nhiều thành quả và bông trái của các con tồn tại mãi. (Giăng 15:16 BDM)
1.4/ Cầu nguyện và sai con gặt
Chúa Giê-su đã được Đức Chúa Trời sai “đến, tìm và cứu kẻ bị hư mất (Lu-ca 19:10 BDM). Sau đó Ngài bảo các môn đệ của Ngài như sau, “Như Cha đã sai phái Ta, giờ đây Ta cũng sai phái các con!” (Giăng 20:21 BDM). Chúng ta phải có cái nhìn của Chúa Giê-su về mùa gặt. Trong khi mọi người nhìn thấy bốn tháng nữa mới đến mùa gặt, nhưng Ngài nhìn thấy “đồng lúa chín vàng, sẵn cho mùa gặt” (Giăng 4:35 BDM). Ngài cũng phán cùng môn đồ trong Ma-thi-ơ 9:37,38 rằng:
“Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (BDM).
Sau khi nói xong,
1 Đức Giê-su gọi mười hai sứ đồ lại, ban cho năng lực và thẩm quyền để trừ tất cả các quỷ và chữa bệnh. 2 Ngài sai họ đi truyền giảng Nước Đức Chúa Trời và chữa lành những người đau ốm (Ma-thi-ơ 10: 1-2 BDM).
Hãy cầu nguyện cho mùa gặt, để có các con gặt và sai các con gặt cùng nhau ra cánh đồng.
2. Động Lực Và Phương Cách Thi Hành Đại Mạng Lệnh
Mỗi động cơ đều có công xuất riêng của nó. Nếu là xe thể thao thì nó có động cơ, tạo nên động lực giúp xe đề ba nhanh và chạy nhanh, nhưng nó không có lực để chở hay kéo những vật nặng như xe tải. Khi chúng ta hiểu biết công xuất hay động lực đẩy cho Đại Mạnh Lệnh mạnh như thế nào và chúng ta sử dụng đúng chức năng của nó thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy hiệu quả.
2.1/ Động lực tình yêu và sự thương xót
Động lực thúc đẩy khiến chúng ta đi ra làm chứng rao giảng Tin Lành không phải là từ chúng ta mà từ tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa. Vua Sa-lô-môn đã nói đến sức mạnh của tình yêu trong Nhã ca 8:6,7 (BDM):
Vì tình yêu mạnh như Sự Chết; Mũi tên của tình yêu là mũi tên lửa, Ngọn lửa từ CHÚA. Nước lũ không thể dập tắt tình yêu; Sông sâu cũng không thể nhận chìm. Ví có người nào đem gia tài mình đổi lấy tình yêu, cũng sẽ bị khinh chê thậm tệ.
Tình yêu thương là động lực mạnh nhất khiến chúng ta lìa gia đình đến những nơi xa xôi hẻo lánh, chịu đói, chịu cực khổ, rời bỏ công danh sự nghiệp để rao giảng Tin Lành. Thậm chí sẳn sàng mất mạng sống vì Tin Lành. Vì chúng ta mắc nợ yêu thương và sự cứu rỗi của Chúa không thể trả nổi và cách duy nhất để trả là trả món nợ này là “yêu thương nhau” (Rô-ma 13:8). Sự yêu thương này được thể hiện qua vâng theo Đại Mạng Lịnh của Chúa Giê-su. Tình yêu và sự thương xót là nhiên liệu khiến chúng ta không ngưng chức vụ và sự kêu gọi. Là chất xúc tác để Đức Thánh Linh vận hành qua chúng ta. Đây là động cơ khiến chúng ta cứu người, đi cầu nguyện, chữa bệnh và giảng Tin Lành, như Chúa Giê-su từng làm.
36 Nhìn thấy đoàn dân đông đảo, Ngài động lòng thương xót, vì họ bị hà hiếp và khốn đốn như đàn chiên không người chăn. 37 Ngài bảo các môn đệ: “Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít. 38 Vậy, hãy cầu xin Chúa mùa gặt sai thêm thợ gặt vào đồng lúa của Ngài.” (Ma-thi-ơ 9:36-38 BDM)
Khi động lực thúc đẩy không phải là tự nơi chúng ta thì “không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi (1 Giăng 4:18 BDM). Vì chúng ta biết khi làm chứng và rao giảng Tin Lành thì không phải tự chúng ta nói ra, nhưng Đức Thánh Linh của Cha chúng ta sẽ nói qua chúng ta (Ma-thi-ơ 10:20). Vì Ngài luôn ở với chúng ta.
2.2/ Quân bình giữa truyền giáo địa phương và truyền giáo thế giới.
Giảng Tin Lành không chỉ là trong phạm vi Hội Thánh địa phương như chúng ta thường làm. Nếu chỉ chú trọng truyền giáo hội thánh địa phương thì công việc truyền giáo sẽ bị khập khiểng giống như xe thể thao chạy trên đoạn đường có tốc độ 30km/giờ. Sứ mạnh giảng Tin lành được Chúa Giê-su phán như sau:
“Hãy đi khắp thế giới, truyền giảng Phúc Âm cho mọi người (Mác 16:15 BDM).
Hãy nhân danh Ngài truyền giảng cho tất cả các dân tộc ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 24:47 BDM)
“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8 TTHĐ).
Như vậy nhờ quyền năng Đức Thánh Linh, Tin Lành có sức mạnh đi khắp thế giới, cho mọi người, cho tất cả các dân tộc và cho đến tận cùng trái đất. Hãy tin điều này, vì “Chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, Nhưng bởi Thần Ta, CHÚA Vạn Quân phán” (Xa-cha-ri 4:6 BDM). Đức Thánh Linh muốn đồng công giảng Tin Lành với chúng ta. Chúa không bao giờ sai chúng ta làm mà không ban sức mạnh để giúp chúng ta làm.
2.3/ Chiến lược truyền giáo của Chúa Giê-su
Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một khuôn mẫu chinh phục thế giới, khi Ngài huấn luyện và sai phái các môn đệ ra đi. Đây là tóm tắc dựa theo Ma-thi-ơ 10:5-19 và Lu-ca 10:1-9:
- “Chúa lập lên bảy mươi hai môn đệ nghĩa là Ngài gọi họ riêng ra, ban cho hay đặt tay khai phóng năng lực và thẩm quyền để giảng Tin Lành với quyền năng trừ tất cả các quỷ và chữa bệnh.
- Ngài sai họ đi từng toán hai người.
- Đi đến mọi thành, mọi chỗ mà Ngài chỉ họ. Đi trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.
- Họ phải cầu nguyện nài xin chủ mùa gặt sai thêm thợ gặt vào mùa gặt của Ngài.
- Họ không phải lo lắng về tiền bạc. Đừng đem túi tiền, bao bị hay giày dép.
- Đi tìm đến nhà người đáng hưởng bình an để họ tiếp đón mình, thì ăn ở đó.
- Hãy chữa lành người đau ở đó.
- Giảng “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần các người!”
- Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi. Vì “không phải tất cả mọi người đều vâng theo Phúc Âm” (Rô-ma 10:16 BDM).
2.4/ Làm cho các quốc gia trở nên môn đệ Chúa:
Chúa Giê-su dặn dò các môn đệ trước khi về cùng Cha:
Vậy, hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ Ta, làm phép báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con (Ma-thi-ơ 28:19,20 BDM).
Khi đến quốc gia nào giảng Tin lành và có người tin Chúa thì chúng ta làm Báp-tem sau đó làm cho những người ở quốc gia này thành môn đệ Chúa Giê-su. Bằng cách dạy họ giữ mọi điều Chúa Giê-su đã truyền. Đây là mở Hội Thánh giữa các dân tộc nơi không có hội thánh.
2.5/ Giảng sứ điệp tình yêu và sự ăn năn
Sứ điệp Tin Lành phải nói về tình yêu của Đức Chúa Trời, sự hy sinh của Chúa Giê-su chết thay cho tội lỗi nhân loại và sự sống đời đời cho những ai tin theo Ngài.
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Giăng 3:1 BTTHĐ)
Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết (Rô-ma 5:8 BTTHĐ)
Khi bắt đầu chức vụ Đức Chúa Jêsus khởi sự giảng dạy rằng:
“Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17 BTT).
Sau đó, Chúa Giê-su sai phái các môn đệ và dặn họ cũng hãy giảng về sứ điệp này:
“Hãy nhân danh Ngài truyền giảng cho tất cả các dân tộc ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 24:47 BDM).
3. Phạm Vi Địa Lý Và Đối Tượng Truyền Giáo.
Dựa theo Đại Mạng Lệnh Chúa truyền cho chúng ta thì phạm vi của nhiệm vụ chúng ta được nêu ra như sau:
- Bắt đầu với Giê-ru-sa-lem, địa phương của chính chúng ta.
- Các vùng lân cận
- Các quốc gia khác
- Mọi quốc gia, cả thế giới.
Chúng ta hãy đến những nơi chưa được nghe Tin Lành. Những nơi chưa hề được công bố phúc âm. Đây là điều Phao-lô đã nói:
20 Tôi cố gắng truyền bá Phúc Âm nơi nào Danh Chúa Cứu Thế chưa được công bố, để tôi khỏi xây cất trên nền người khác. 21 Nhưng như Kinh Thánh đã chép: “Những kẻ chưa được loan báo về Ngài thì sẽ thấy Ngài, Những kẻ chưa nghe về Ngài sẽ được hiểu biết” (Rô-ma 10:20-21 BDM).
Vậy đối tượng của chúng ta là những nhóm người chưa được tiếp cận Tin Lành.
3.1/ “Những nhóm người không được tiếp cận” là ai?
Về mặt Truyền Giáo học, đây là những sắc dân, dân tộc, bộ lạc, nhóm người vv… không được tiếp cận (UPG – Unreached People Groups). Họ chưa được nghe Tin Lành của Đấng Christ, hoặc có rất ít hội thánh tín đồ trong vòng họ và những hội thánh và tín đồ này không thể truyền giáo cho dân tộc của họ.
3.2/ Họ được tìm thấy ở đâu?
Có đến 1/3 dân số trên thế giới chưa hề nghe Tin Lành. Nhóm này nằm trong Cửa Sổ 10/40, từ vĩ tuyến 10 đến 40. Xin xem hình bên dưới.
Các dân hay bộ lạc trong nhóm này biết rất ít về Tin Lành và không có cơ hội tiếp nhận Tin Lành. Những vùng đất mà họ sống trong đó chiếm một phần ba tổng diện tích đất của trái đất. Gần hai phần ba dân số thế giới sống trong Cửa sổ 10/40.
3.3/ Tại sao chúng ta phải tiếp cận họ?
- Trong Cửa Sổ 10/40 hay vùng vĩ tuyến 10/40 có trên 6900 nhóm người không được tiếp cận Tin Lành.
- Số người chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-su là trên 2 tỉ.
- Vậy thì trách nhiệm trên 2 tỉ linh hồn này thuộc về ai ? Có phải là của mục sư? Ban Quản trị Hội Thánh? Ban Truyền giáo? Giáo sĩ? Nhân sự Hội Thánh?
- Không! Không! Không! Nó là của mỗi Cơ-đốc nhân là của mỗi chúng ta.
4. Những Bước Căn Bản Để Thi Hành Đại Mạng Lệnh
4.1/ Tạo môn đồ rồi sai phái họ ra đi
Đào tạo môn đồ tại ‘Giê-ru-sa-lem’ là nơi chúng ta đang sống và sai phái họ ra đi truyền giáo (Ma-thi-ơ 28:19,20; Công vụ 1:8).
- Từ nơi Giê-ru-sa-lem, nơi chúng ta đang sống, chúng ta đào tạo môn đồ, dạy huấn luyện họ những gì Chúa Giê-su truyền sau đó sai phái họ những nơi mà Chúa kêu gọi họ.
- Kế đến là Giu-đê là các làng xã, các thành phố, tỉnh thành, tiểu bang thuộc quốc gia chúng ta sinh sống.
- Sa-ma-ri là nhóm dân gần giống chúng ta như về màu da, nhưng địa lý xa hơn chỗ chúng ta, như những quốc gia lân cận.
- Sau đó là cho đến cùng trái đất
4.2/ Thành lập hội thánh địa phương vững mạnh
- Mục tiêu là truyền giáo tại những nơi chưa có Tin Lành.
- Có thể khởi đầu bằng tổ tế bào, các buổi nhóm cầu nguyện, thờ phượng.
- Tiếp tục truyền giáo, thành lập hội thánh tư gia hay hội thánh địa phương và từ đó mở mang thêm.
4.3/ Thành lập Tháp Canh Cầu Nguyện 24/7
Chúa Giê-su phán trong Ma-thi-ơ 9:37,38 rằng: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình (BDM)”. Khi cầu nguyện thì sẽ có con gặt và mùa gặt; ngưng cầu nguyện thì sẽ mất con gặt lẫn mùa gặt.
Sứ đồ Gia-cơ trong Công vụ 15:16-17 đã nhắc lại lời tiên tri của A-mốt 9:11-12 về việc thiết lập lều tạm của Đa-vít để đem những người sót lại và tất cả các dân tộc đến với Chúa, Gia-cơ đã nói:
16 Sau các việc này, Ta sẽ trở lại và tái thiết nhà trại của Đa-vít đã hư sập; Ta sẽ xây dựng lại và trùng tu những nơi đổ nát. 17 Ngõ hầu những người còn lại trong nhân loại có thể tìm kiếm Chúa, Cùng tất cả các dân tộc ngoại quốc mang Danh Ta. Chúa là Đấng thực hiện việc này phán vậy.
Phục Hồi Lều Tạm Vua Đa-vít là xây dựng tháp canh cầu nguyện, ngợi khen và thờ phượng 24/7. Hãy bắt đầu Tháp Canh Cầu Nguyện dù chỉ vài tiếng một ngày trước khi bắt đầu sứ mạng. Hãy bắt đầu với vài người như mục sư hay giáo sĩ và nhân sự. Khi có người tin Chúa, một điều chúng ta dạy cho họ và giúp họ thực hành là Tháp Canh Cầu Nguyện. Tháp Canh Cầu Nguyện đem lại những ích lợi lớn như sau :
- Bảo vệ đàn chiên, nhân sự.
- Sự bao phủ thuộc linh cho vùng đất chúng ta mới xây dựng.
- Mở cánh cửa Tin Lành và mở mắt người dân trong vùng để họ tin Chúa.
- Khai phóng quyền năng Đức Thánh Linh với dấu kỳ phép lạ
- Chặn đứng sự tấn công của ma quỷ và cầu nguyện chiến trận để mở mang vùng đất chung quanh đó.
- Cầu nguyện Chúa sai con gặt đến gặt cánh đồng của Ngài.
- Cầu nguyện để có Trường Đào Tạo Nhân sự và có nhân sự.
4.4/ Thành lập Trường Đào Tạo Nhân Sự
- Nơi Mục Vụ 5 Mặc trang bị tín hữu trưởng thành, để tín hữu không còn uống sửa, hay như trẻ con.
- Họ khám phá ân tứ và sự kêu gọi của mình.
- Nơi đào tạo và sai phái những con người ra đi.
Kết luận
Đại Mạng Lệnh của Hội Thánh nói chung và của riêng mỗi Cơ-đốc nhân chúng ta là “đi khắp thế giới, truyền giảng Phúc Âm cho mọi người” (Mác 16:15 BDM). Hội Thánh địa phương phải trở thành một Hội Thánh đang được sai đi. Chúng ta cần có động lực thúc đẩy đúng. Chúng ta cần biết nhiệm vụ mà Chúa giao để chúng ta hoàn tất tốt việc rao giảng Tin Lành trước khi Chúa Giê-su trở lại. Khi hiểu và làm theo điều Chúa dạy thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy hiệu quả Chúa ban ngoài sự suy tưởng của mình. Vì có nhiều người hư mất đang chờ chúng ta. Lời hứa của Ngài dành cho họ trong Rô-ma 10:12-17 là:
12 Vì Ngài là Chúa của tất cả, ban ơn dồi dào cho mọi người kêu cầu Ngài. 13 Tất cả người nào kêu cầu danh Chúa đều được cứu.
Thế nhưng,
14 làm sao họ có thể kêu cầu cùng Đấng họ chưa tin? Làm sao họ có thể tin Đấng họ chưa nghe? Làm sao họ có thể nghe khi không có người truyền giảng? 15 Làm sao họ có thể truyền giảng nếu họ không được sai đi? 17 Vậy, có đức tin là do nghe, và nghe là khi Lời Chúa Cứu Thế được truyền giảng.
Đồng thời chúng ta có những lời hứa vô cùng quí báu của Chúa là:
Bàn chân của những người truyền rao Tin Lành thật xinh đẹp biết bao! (Rô-ma 10:15 HĐTT).
Họ “sẽ chiếu sáng như các vì sao, đời đời mãi mãi” (Đa-ni-ên 12:3 BDM).
Do đó hãy đáp ứng sự kêu gọi của Chúa Giê-su:
Bình an cho các con! Như Cha đã sai phái Ta, giờ đây Ta cũng sai phái các con! (Giăng 20:21 BDM)
Người Dọn Đường