Nhờ Đâu???

Share

Nhờ đâu Chúa Giê-su và các sứ đồ làm những công việc khiến mọi người kinh ngạc?

Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giê-su từ bỏ thiên đàng, Ngài “trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:7).  Suốt 30 năm đầu, Ngài sống bình thường. Nhưng có một sự kiện rất đặc biệt đã xảy ra.  Sau khi Ngài rời Na-xa-rét một thời gian không lâu và trở lại quê hương mình thì những người từng biết Ngài ngạc nhiên hỏi: “54  Nhờ đâu người này được thông sáng và làm nổi những việc quyền năng nầy? 55 Người này không phải là con của ông thợ mộc sao? … Nhờ đâu người được mọi điều này?” (Ma-thi-ơ 13:54-56)

Sự kiện gì đặc biệt đã xảy ra sau 50 ngày, kể từ khi Chúa Giê-su sống lại đã khiến cho 120 môn đệ là những người tầm thường, yếu đuối, sợ hãi, chạy trốn, đã làm rúng động thành Giê-ru-sa-lem? Điều đặc biệt gì khiến những nhà tôn giáo lỗi lạc đều kinh ngạc về Phê-rơ và Giăng là người tầm thường, kém học thức?  (Công vụ 4:13) Điều gì đã khiến những sứ đồ và môn đồ vào thế kỷ thứ nhất tạo nên sự tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng thế giới dến bây giờ?

Nhờ đâu mà Chúa Giê-su và các môn đệ Ngài ảnh hưởng thế giới chỉ trong một thời gian ngắn?  Chúng ta hãy cùng tìm hiểu và học hỏi một số những bí quyết quan trọng đã khiến cuộc đời của Chúa Giê-và các sứ đồ ảnh hưởng sâu đậm từ thời đại của họ cho đến ngày nay.

  1. Đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời của Chúa Giê-su và các sứ đồ

1.1  Gương của Chúa Giê-su

Kinh Thánh ghi nhận từ khi 12 tuổi Đức Giê-su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và loài người” (Lu-ca 2:52).  Trước khi Ngài thi hành chức vụ, lúc chịu phép Báp-tem, Chúa Cha đã khẳng định về Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (Ma-thi-ơ 3:17).  Đang khi thi hành chức vụ trên núi hoá hình, Phê-rơ đã chứng kiến Đức Chúa Cha xác định thêm lần nữa “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Ma-thi-ơ 17:5).  Nên Phê-rơ nói: “17 Vì Ngài nhận lãnh sự tôn trọng và vinh quang từ Đức Chúa Cha khi có tiếng từ Đấng Vinh Quang Oai Nghiêm phán với Ngài rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (2 Phê-rơ 1:17).  Ma-thi-ơ, sau khi chứng kiến Chúa Giê-su “chữa lành người bị liệt tay và tất cả những người bệnh”, nhớ lại lời tiên tri I-sa đã nói về Ngài: “Đây là tôi tớ Ta đã chọn, Người mà Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng; Ta sẽ ban Thần Linh Ta trên Người” (Ma-thi-ơ 12:13-18; I-sa 42:1-4).

Dựa theo các câu Kinh Thánh trên, bí quyết Chúa Giê-su nhận lãnh sự tôn trọng, vinh quang và quyền năng Thánh Linh là sống vâng lời và sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cho chúng ta một gương dù bị bắt bớ, bị ném đá, bị nguy hiểm tính mạng và ngay cả phải chết cách nhục nhã, Ngài vẫn có mục đích duy nhất là sống đẹp lòng Cha Ngài. 9Chính vì thế, Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; 10 Để khi nghe đến danh của Đức Giê-su, mọi đầu gối; Trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống” (Giăng 10:32-33; Phi-líp 2:9,10).

1.2  Gương của các sứ đồ

Tương tự như Chúa Giê-su, các sứ đồ dù bị bắt bỏ tù, bị ném đá, mạng sống bị đe dọa, bị ngăn cấm không cho giảng dạy, nhưng họ cương quyết: “Phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người!” (Công vụ 5:29).  Sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu tôi vẫn muốn làm đẹp lòng loài người thì tôi không phải là đầy tớ của Chúa Cứu Thế” (Ga-la-ti 1:10).

Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Đức Chúa Trời, nhưng vâng lời Chúa, chú tâm sống đẹp lòng Ngài là bí quyết để Thánh Linh ngự và tiếp tục vận hành trên chúng ta cho vương quốc Đức Chúa Trời.

  1. Đời sống kỷ luật và có mục đích của Chúa Giê-su và các sứ đồ

2.1  Chúa Giê-su

Thánh Phê-rơ dạy chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, thì sẽ được dứt khỏi tội lỗi.  Từ đó chúng ta sống không sống theo dục vọng con người, nhưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời (1Phê-rơ 4:1,2). Chúa Giê-su nói về mục đích của Ngài như sau:  “Vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý riêng Ta, nhưng theo ý Đấng đã sai Ta (Giăng 6:38).

2.2  Các sứ đồ

Phao-lô nói về mình như sau: “Tôi phải áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể tôi, e rằng sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại chăng” (1Cô-rinh-tô 9:27).  Ông dạy chúng ta là “mỗi người phải biết giữ gìn thân thể mình thánh khiết và tôn trọng (1Tê-sa 4:4). “Thật vậy, sự luyện tập thân thể chỉ ích lợi chút đỉnh còn luyện tập lòng tin kính lại ích lợi mọi bề, vì có lời hứa cho cả đời này lẫn đời sau” (1Ti-mô-thê 4:8).  Phao-lô nói là ông “chỉ chú tâm vào một điều: Quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước, nhắm mục đích đoạt được giải thưởng, là sự kêu gọi thiên thượng của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-su (Phi-líp 3:13,14).

 

3. Đức Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giê-su và các sứ đồ

3.1 Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giê-su – Ngài đầy dẫy Thánh Linh và quyền năng

Khởi điểm của chức vụ Chúa Giê-su được biết đến và nổi bật khi chịu báp-tem nước tại sông Giô-đanh.  Khi “21Ngài đang cầu nguyện thì bầu trời mở ra, 22 Thánh Linh trong hình thể giống như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài” (Lu-ca 3:21,22). Từ đó, “1 Đức Giê-su đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh trở về và được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang”.  Sau khi chịu thử thách, kiêng ăn cầu nguyện 40 ngày và đắc thắng sự cám dỗ của Satan, “14 Đức Giê-su đầy quyền năng của Đức Thánh Linh, trở về Ga-li-lê”, Ngài “dạy dỗ trong các hội đường, truyền giảng Phúc Âm Nước Thiên Đàng và chữa lành tất cả bệnh tật trong dân chúng  (Lu-ca 4:1,14; Ma-thi-ơ 4:23).

  • Đời sống của Chúa Giê-su là nơi chứa quyền năng và sự khôn ngoan của ‘Thánh Linh vô hạn’.

Giăng đã nói về Chúa Giê-su là “Đấng được Đức Chúa Trời sai đến thì truyền rao lời của Đức Chúa Trời và được Ngài ban Thánh Linh vô hạn (Giăng 3:34). Trong I-sa 11:2 nói tiên tri về Chúa Giê-su là Thần của CHÚA sẽ ngự trên Ngài, Là thần khôn ngoan và hiểu biết, Thần mưu lược và quyền năng, Thần tri thức và kính sợ CHÚA”.Hãy chú ý chử Thánh Linh vô hạn, điều này có nghiã là mỗi chúng ta có thể có Thánh Linh giới hạn tùy theo ơn Chúa ban, tùy theo sự vâng lời và tùy thời gian trung tín sẽ được gia tăng.

Sau khi Chúa Giê-su đầy dẫy Thánh Linh và đắc thắng cám dỗ thì Ngài có “đầy quyền năng của Đức Thánh Linh” (Lu-ca 4:14).  Quyền năng trong Chúa Giê-su đầy dẫy đến nổi Ngài chạm đến ai thì họ được lành.  Thậm chí người mù, điếc, què đều được lành cả.  Ngài chỉ sờ vào quan tài thì người chết sống lại. Người nào sờ đến vạt áo Chúa Giê-su cũng được lành. Theo luật Do Thái ai chạm đến người ô uế thì bị ô uế, nhưng khi Chúa Giê-su chạm đến người bị ô uế như người phung thì họ được lành và sự ô uế của họ bị xóa bỏ. Nước bọt của Chúa Giê-su hoà với bùn thoa lên mắt thì người mù được sáng (Giăng 9:6). Chỉ với mấy cái bánh và vài con con cá sau khi bẻ ra và tạ ơn, Ngài có thể nuôi 5000 người chưa kể đàn bà và trẻ em. Ma quỷ gặp Ngài thì phải sợ hãi và bỏ chạy (Ma-thi-ơ 9:29; 8:1-3; Mác 5:25-29; 6:54-56).

Khi Chúa Giê-su đầy quyền năng Thánh Linh, thì tiếng nói của Ngài là sự kết họp của Ngôi Lời và Thánh Linh.  Ngài truyền một lời thì người bệnh từ xa được lành (Ma-thi-ơ 8:8-13). Chúa Giê-su ra lệnh thì bão tố yên lặng (Ma-thi-ơ 8:23-27). Ngài kêu La-xa-rơ đã chết trong mồ 4 ngày, thì ông sống lại bước ra (Giăng 11:38-43).

Năm 12 tuổi, Chúa Giê-su trò chuyện trong đền thờ, “tất cả những người nghe đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài” (Lu-ca 2:47).  Nhưng sau khi Thánh Linh ngự trên Ngài thì, Chúa Giê-su đọc biết tư tưởng của người khác (Ma-thi-ơ 9:3-5).  Rất nhiều người Pha-ri-si, Sa-đu-sê và các thông giáo và các thầy tế lễ, không gài bẫy và bắt bẻ được Ngài (Mác 10:2; 12:13).  Nhiều người ngạc nhiên hỏi: “Nhờ đâu người này được thông sáng?… Nhờ đâu người được mọi điều này?”

 3.2 Thánh Linh ngự trên các sứ đồ – họ đầy dẫy Thánh Linh, quyền năng và sự khôn ngoan

Chúa Giê-su không muốn các môn đệ Ngài phục vụ Đức Chúa Trời bằng ý và sức của con người xác thịt của họ.  Trước khi về trời Ngài căn dặn các môn đệ phải chờ Thánh Linh giáng lâm. Khi Thánh Linh giáng trên họ trong ngày Lễ Ngũ Tuần thì “tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh”.  Họ nói một thứ tiếng mới mà những người nghe – dù thuộc những dân tộc khác nhau với những ngôn ngữ khác nhau – đều nghe và hiểu được hoàn toàn.  Tất cả những người nghe đều sửng sốt, bối rối hỏi nhau: “Việc này có nghĩa ǵ đây?” 

Tương tự như Chúa Giê-su, khi Thánh Linh giáng trên các sứ đồ và các môn đệ thì quyền năng Thánh Linh được thể hiện. Phê-rơ đứng lên giảng thì có 3000 người nam tin Chúa (Công vụ 2).  Tại Cổng Đẹp, Phê-rơ và Giăng nhân danh Chúa Giê-su nắm lấy một anh ăn mày bại từ lúc sơ sinh thì người bại được lành (Công vụ 3:1-10).  Phê-rơ đã kêu người chết sống lại (Công vụ 9:36-42).  Cuộc đời của các sứ đồ đầy phép lạ, khi bị tù thì thiên sứ bức xiềng xích mở cửa tù (Công vụ 12:1-7; 16:23-28), dù bị ném đá nhưng không chết (Công vụ 14:5,19).

Tương tự như Chúa Giê-su, khi Thánh Linh ngự trên những sứ đồ và môn đồ, họ có thần của sự khôn ngoan hiểu biết và ân phân biệt.   Khi Phê-rơ và Giăng chữa lành người bại, các nhà lãnh đạo tôn giáo bắt họ, tra vấn, đe dọa… nhưng không bắt bẻ họ được và cuối cùng nhận xét rằng hai ông là “người tầm thường, kém học thức, họ đều kinh ngạc nhưng phải nhìn nhận rằng hai ông đã từng ở với Đức Giê-su (Công vụ 4:13).   Khi A-na-nia và Sa-phia-ra đem một phần số tiền đã bán đất của mình đến đặt nơi chân các sứ đồ, Phê-rơ không bị ấn tượng do sự rộng rãi bên ngoài của họ.  Ông nhìn thấy động cơ dâng hiến và tấm lòng đầy dẫy Satan của A-na-nia. Phê-rơ còn biết vợ chồng A-na-nia còn giữ lại một số tiền, nhưng nói dối là đã dâng tất cả tiền bán đất cho Chúa (Công vụ 5:1-4).

Kinh Thánh cho biết tiêu chuẩn quan trọng nhất để chọn ra 7 chấp sự đầu tiên từ những môn đệ của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem là “được chứng nhận là tốt, đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan” (Công vụ 6:3). Sau đó Kinh Thánh ghi tiếp, có nhiều lãnh đạo tôn giáo họp lại tranh luận với chấp sự Sê-tiên “ Nhưng họ không chống lại nổi trí khôn cùng Đức Thánh Linh mà Sê-tiên nhờ cậy để nói (Công vụ 6:10).

Sách Khải huyền 12:9 chép: “Con rồng lớn, tức con rắn xưa, được gọi là quỷ vương và Sa-tan, là lũ lừa gạt tất cả dân cư thế gian.”  Chúa Giê-su cảnh báo nó sẽ đến trong dạng Chúa Cứu Thế giả hay tiên tri giả để lừa dối thậm chí cả những người được chọn (Ma-thi-ơ 24.24).  Chúa Giê-su cũng công bố Hội Thánh của Ngài đắc thắng Sa-tan và cửa Âm Phủ (Ma-thi-ơ 16:18,19).  Bằng cách nào mà Hội Thánh đắc thắng?  Hội Thánh của Chúa ngày nay cần Đức Thánh Linh hơn bao giờ hết. Hội Thánh cần phải có những con người đầy dẫy Thánh Linh để sự khôn ngoan cùng sự hiểu biết thiên thượng phá tan quỷ kế lừa dối của Sa-tan.  Hội Thánh phải là một cộng đồng của những con người có đầy đức tin, can đảm và quyền năng thiên thượng để đắc thắng cửa Âm Phủ.

4.  Đức Thánh Linh tiếp tục ngự trên Chúa Giê-su và trên các sứ đồ

4.1 Đức Thánh Linh vẫn tiếp tục ngự trên Chúa Giê-su

Việc Đức Thánh Linh giáng ngự trên một người và việc Ngài tiếp tục ngự trên người đó là hai việc hoàn toàn khác nhau.  Có nhiều người đã từng có một thời đầy dẫy Thánh Linh và quyền năng, nhưng sau đó họ để cho tội lỗi cai trị mình và làm Thánh Linh buồn lòng nên Ngài rời khỏi họ.  Sam-sôn để cho người Phi-lít-tin dùng Đa-li-đa cạo sạch bảy lọn tóc của ông thì mất sức mạnh Chúa ban.  Khi Thần Chúa rời vua Sau-lơ thì ác thần nhập vào ông. Sứ đồ Giu-đa ích-ca-ri-ốt là người có quyền  năng, từng sống bên cạnh Chúa Giê-su, nhưng vì theo Chúa với những động cơ sai và vẫn sống với con người cũ xác thịt tham lam nên Sa-tan nhập vào và ông đã bán Chúa. 

Đức Thánh Linh đã ngự và sau đó luôn ngự trên Chúa Giê-su.  Tại sông Giô-đanh, “Thánh Linh trong hình thể giống như chim bồ câu ngự xuống trên” Chúa Giê-su (Lu-ca 3:22).  Khoảng một thời gian sau tại Na-xa-rét, Chúa Giê-su tuyên bố:  “Thần Chúa ngự (đang ngự) trên Ta; Vì Ngài đã xức dầu cho Ta…”  (Lu-ca 4:18).  Đã xức dầu ở đâu? Tại sông Giô-đanh khi Thánh Linh ngự xuống trên Ngài. Hai câu Kinh Thánh trên kết họp cho chúng ta thấy Thánh Linh đã ngự và đã xức dầu cho Chúa Giê-su và tiếp tục “đang ngự trên” Ngài. Thánh Linh luôn ngự trên Chúa Giê-su xuyên suốt thời gian từ sông Giô-đanh cho đến ngày Ngài về trời.

4.2 Thánh Linh vẫn tiếp tục ngự trên các sứ đồ – đời sống họ chứa đầy quyền năng Thánh Linh

Từ công vụ đoạn 2 đến đoạn 5 là cả một thời gian dài.  Dầu vậy chúng ta thấy Thánh Linh vẫn tiếp tục ngự trên họ đến nhiều năm sau kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần.  Công vụ 5:12,14-16 ký thuật: “12Chúa dùng tay các sứ đồ thực hiện nhiều dấu lạ và phép mầu giữa dân chúng… 14 Và số người tin nhận Chúa ngày càng gia tăng đông đảo gồm cả nam lẫn nữ”.  Quyền năng Thánh Linh càng gia tăng “15 đến nỗi người ta đem những người bệnh ra ngoài đường phố, đặt trên giường chõng, để khi Phê-rơ đi qua, ít ra bóng ông” ngã trên ai thì người đó được lành.  Không chỉ có riêng tại Giê-ru-sa-lem mà ngay cả “16 Dân chúng các thành phố quanh Giê-ru-sa-lem cũng họp nhau khiêng những người bệnh và những người bị các tà linh hành hạ, và tất cả đều được chữa lành. Phao-lô tuy là người đến sau, không có mặt trong ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng Thánh Linh ngự trên ông và “11 Đức Chúa Trời dùng tay Phao-lô làm những việc quyền năng phi thường, 12 Đến nỗi người ta đem khăn tay hoặc khăn choàng ông đã dùng đặt lên người bệnh thì các chứng bệnh đều được chữa lành và các tà linh bị trục xuất (Công vụ 19:11,12).

Chúa Giê-su bảo các môn đệ của Ngài là “Người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa” (Giăng 14:12).  Quyền năng Thánh Linh trên cơ thể Chúa Giê-su làm người bệnh khi sờ đến vạt áo Chúa Giê-su đang mặc được lành.  Quyền năng đó trổi hơn nữa với các môn đệ của Ngài.  Quyền năng Thánh Linh qua bóng của Phê-rơ khiến cho những người bị các tà linh hành hạ, và tất cả đều được chữa lành; hay “khăn tay hoặc khăn choàng của Phao-lô đã dùng hay đã sử dụng qua đặt lên người bệnh thì các chứng bệnh đều được chữa lành và các tà linh bị trục xuất” (Công vụ 19:12)

5. Chúa Giê-su và các sứ đồ nhờ cậy Đức Thánh Linh và nhạy bén với Thánh Linh

5.1  Gương Chúa Giê-su

Một trong bí quyết rất quan trọng trong chức vụ của Chúa Giê-su là Ngài có một sự kết nối thật diệu kỳ và thật thân mật với Cha qua Đức Thánh Linh. Chúa Giê-su đã “cậy Đức Thánh Linh truyền dạy các sứ đồ Ngài tuyển chọn” (Công vụ 1:2). Ngài đã “nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời đuổi quỷ” (Ma-thi-ơ 12:28). Chúa Giê-su đã đi trong sự dẫn dắt của Thánh Linh dù là vào đồng vắng để chịu thử thách hay đến những nơi chốn giảng dạy (Ma-thi-ơ 4:1; Lu-ca 4:42-44). Chúa Giê-su đã “đi khắp nơi làm việc phúc đức và chữa lành tất cả những người bị quyền lực quỷ vương áp bức”, đều do Đức Chúa Trời xức dầu bằng Thánh Linh và quyền năng (Công vụ 10:38).

Kinh Thánh kể lại có những nơi Ngài cần phải đi như băng qua Sa-ma-ri, thì tại đó Ngài gặp người phụ nữ bên giếng Si-kha, qua sự bày tỏ của Thánh Linh và vâng lời Cha – thì người đàn bà Sa-ma-ri và cả làng bà được cứu (Giăng 4).

6. Các sứ đồ nhờ cậy Đức Thánh Linh

Không chỉ Chúa Giê-su nhờ cậy Đức Thánh Linh, các sứ đồ đã học từ Chúa Giê-su, nên biết cách nhờ cậy Thánh Linh và họ đã đi trong sự dẫn dắt của Ngài.  Chúng ta thấy Thánh Linh đã dẫn Phi-líp đến chia sẻ phúc âm cho vị hoạn quan, từ đó tin lành đến cho người Ê-thi-ô-pi (Công vụ 8:26-40).  Phao-lô và phái đoàn truyền giáo đã vâng phục Thánh Linh một cách tuyệt đối.  Khi Ngài không cho phép họ đi giảng Phúc Âm ở Tiểu Á và xứ Bi-thi-ni.  Họ vâng phục ngay.  Khi Ngài dùng khải tượng để chỉ dẫn ý định của Ngài kêu gọi họ đi đến xứ Ma-xê-đoan để rao giảng Tin Lành, họ vâng phục ngay (Công vụ 16:6-10). 

Phao-lô nói Phúc Âm chúng tôi giảng dạy “không phải chỉ bằng lời nói nhưng bằng quyền năng, nhờ Đức Thánh Linh và đầy lòng tin quyết” (1Tê-sa 1:5).  Sê-tiên nhờ Thánh Linh tranh luận với những kẻ chống đối đạo Chúa (Công vụ 6:3). Các môn đệ Chúa Giê-su đã đi truyền giảng khắp nơi, Chúa Thánh Linh “cùng làm việc với họ và xác chứng lời họ bằng nhiều dấu lạ kèm theo” (Mác 16:20).

Phao-lô dạy trong Rô-ma 8:14 là “Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời” (chử “con” nguyên bản là “con trai” tiếng Anh là “son”, gồm nam và nữ là con trưởng thành có thể phục vụ cha mình, khác với “child’ là em bé).  Đức Chúa Trời không muốn có tín đồ vâng theo luật pháp, như những máy rô-bô, nhưng là những đứa con trai trưởng thành làm theo ý Cha mình. Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời, Ngài đã làm gương cho các sứ đồ là nhờ cậy sự dẫn dắt của Thánh Linh.  Chúng ta hãy noi gương nhờ cậy Đức Thánh Linh của Chúa Giê-su và các sứ đồ.

7. Bí quyết Chúa Giê-su và các sứ đồ giữ Thánh Linh luôn ngự trên họ và làm việc qua họ

7.1 Tìm kiếm ý muốn Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện để biết mình phải làm gì?

Chúa Giê-su cầu nguyện thâu đêm để nhận được sự bày tỏ của Cha qua Thánh Linh để chọn ra 12 môn đệ nên (Lu-ca 6:12-16).   Tờ mờ sáng Chúa Giê-su đã lên núi hoặc vào nơi thanh vắng cầu nguyện (Mác 1:35). 

Phê-rơ cầu nguyện và sau đó Thánh Linh đã dẫn ông đến nhà Cọt-nây (Công vụ 10) để từ đó mở đầu trang sử mới là Phúc Âm không chỉ đến với người Y-sơ-ra-ên mà đến với cả người ngoại và nhân loại. Tại An-ti-ốt, khi tất cả đang thờ phượng để tìm kiếm Chúa thì Đức Thánh Linh bảo họ: “Các con hãy dành riêng Ba-na-na và Sau-lơ cho Ta để họ làm công tác Ta đã kêu gọi họ” (Công vụ 13:1-3).  Chúa Giê-su và các sứ đồ để lại cho chúng ta tấm gương là tìm kiếm Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài qua sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

7.2 Chúa Giê-su và các sứ đồ đặt ưu tiên cho mối tương giao với Chúa và lời Ngài, dù bận rộn hay mệt mỏi.

Lần khác, sau khi giảng dạy xong, rồi phát thức ăn cho 5000 người không kẻ phụ nữ và trẻ em.  Chúa Giê-su giải tán đám đông, thay vì tìm chổ nghỉ ngơi, nhưng Chúa Giê-su “lên núi một mình để cầu nguyện đến tối và chỉ còn một mình Ngài ở đó” (Ma-thi-ơ 14:23). 

Khi số môn đệ Chúa gia tăng gấp bội, các tín hữu Hy Lạp gốc Do Thái phàn nàn với 12 sứ đồ vì các quả phụ trong nhóm họ bị bỏ bê trong việc cung cấp vật thực hằng ngày. Thay vì bỏ việc phục vụ Lời của Đức Chúa Trời và cầu nguyện để đi hầu bàn, họ chọn bảy người để giao trách nhiệm này.  Còn riêng các sứ đồ thì chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa (Công vụ 6:1-4).

7.3 Khi gặp nan đề, như bị bắt bớ Chúa Giê-su và các môn đệ càng cầu nguyện để Chúa ban sự dũng cảm và sức mạnh để làm hơn nữa

Chúa Giê-su biết mình sẽ lên bị bắt đóng đinh và chịu chết, Ngài chiến đấu trong sự cầu nguyện, không phải xin Đức Chúa Trời cất nan đề khỏi Ngài nhưng để Đức Chúa Trời thêm sức chịu đựng, để làm trọn ý Cha (Ma-thi-ơ 26:36-44).

Sau khi chữa lành cho người bại tại Cổng Đẹp, Hội Thánh có số người nam ‘môn đệ’ lên đến 5000. Ngay lúc đó các sứ đồ bị vua Hê-rốt và Bôn-xơ Phi-lát toa rập với các dân ngoại quốc và người Y-sơ-ra-ên ngay trong thành phố bỏ tù, chất vấn, ngăn cấm và đe dọa không cho họ giảng về danh Chúa Giê-su (Công vụ 4:5-7,23-27).  Thay vì sợ hãi, bỏ cuộc và ẩn trốn các sứ đồ kêu gọi Hội Thánh cùng hiệp nhau lớn tiếng cầu nguyện như sau:

29 xin Chúa đoái xem và ban cho các đầy tớ Ngài lòng đầy dũng cảm để rao giảng lời Chúa. 30 Xin Chúa ra tay chữa bệnh và làm các dấu lạ, phép mầu nhân danh Đầy Tớ Thánh Ngài là Đức Giê-su”. 31 Họ đang cầu nguyện thì phòng họp rúng động. Tất cả đều được đầy dẫy Thánh Linh, rao giảng lời Đức Chúa Trời cách dũng cảm. 33 Các sứ đồ cậy quyền năng lớn lao cứ làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-su và tất cả đều được ân sủng dồi dào” (Công vụ 4:27-33).

Các sứ đồ đã dành thì giờ để cầu nguyện và rao giảng lời Chúa, khi gặp sự bận rộn khó khăn, họ tìm người thay thế mình giải quyết công việc, còn riêng họ vẫn chuyên tâm cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa. Khi bị bắt bớ, khó khăn những điều này không cản trở họ nhưng là những chất kích thích tố khiến họ càng cầu nguyện nhiều và mạnh mẽ hơn.  Càng bị bắt bớ thì họ càng cậy quyền năng Thánh Linh để rao giảng với nhiều quyền năng và phép lạ hơn.

7.4 Luôn đầy dẫy Thánh Linh

Một người có thể đầy dẫy ơn quyền của Chúa hôm qua không có nghĩa là họ tự nhiên đầy dẫy ơn quyền hôm nay.  Một người dường như không có ơn quyền hôm nay, ngày mai họ có thể là người làm cho cả thế giới ngạc nhiên.  Muốn có và tiếp tục sống trong sự đầy dẫy ơn quyền của Chúa chúng ta hãy nghe lời Sứ đồ Phao-lô dạy: “Đừng làm buồn lòng Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:30). Chớ dập tắt Thánh Linh” (1Tê-sa 5:19) “Đừng say rượu, vì rượu đưa đến trụy lạc, (nghiã là đừng sống theo dục vọng của xác thịt) nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18).  Phải đầy dẫy Thánh Linh là một mạng lệnh cho người Cơ-đốc và đặc biệt ai là đầy tớ Chúa phải có luôn luôn, không phải chỉ một lần, nhưng là cả đời.

Kết luận

Chúa Giê-su, các sứ đồ và những môn đồ thời Tân Ước làm cho mọi người thời đó đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác.  Họ kinh ngạc về quyền năng đã khiến các sứ đồ thực hiện những điều mà con người xác thịt không thể nào làm được; họ kinh ngạc khi thấy Chúa Giê-su và sau đó các môn đồ của Ngài có đầy sự khôn ngoan và hiểu biết huyền nhiệm.  Lý do nào khiến Chúa Giê-su và các môn đồ Ngài có những điều này? Câu trả lời rất rõ ràng là nhờ sự tuôn đổ và sự giúp đỡ không ngừng của Đức Thánh Linh.  Ngài đã ngự trên họ và tiếp tục ngự trên họ và họ luôn để cho Ngài làm việc xuyên qua đời sống yêu thương và vâng phục của họ.

Đức Thánh Linh là Đấng mà Đức Chúa Cha ban cho những ai tin nơi Chúa Giê-su.  Sự tuôn đổ Thánh Linh chỉ là sự khởi đầu, nhưng bí quyết để Thánh Linh luôn tiếp tục tuôn đổ đầy dẫy đời sống chúng ta là nhờ cậy Thánh Linh, sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và cầu nguyện để biết và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.  Chúng ta phải sẵn sàng sống và trả giá cho những gì mình tin dù nguy hiểm đến tính mạng. Nếu thấy mình bị sút giảm hay mất ơn, thì hãy kiểm tra và xin Chúa soi sáng để biết mình sa sút từ đâu, và trở lại tìm kiếm Chúa để được đầy dẫy Thánh Linh trở lại.

Kinh Thánh không nói là chỉ có những sứ đồ mới có quyền năng nhưng nói rằng: “Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này” (1Giăng 4:17b).  Tất cả những người tin nhận Chúa Giê-su, mở lòng tiếp nhận Đức Thánh Linh, sống “kính yêu tôn thờ Chúa và yêu người khác như chính mình” (Mác 12.30-31) đều sẽ nhận lãnh quyền năng Thánh Linh.  Đức Thánh Linh đã giáng trên Chúa Giê-su và các môn đồ ngày xưa ra sao thì ngày nay Ngài cũng muốn giáng trên chúng ta như vậy.  Ngài muốn chuyển tải tình yêu chứa đựng quyền năng và phép lạ của Ngài cho chúng ta.  Ngài cũng muốn dùng chúng ta làm những ống dẫn để chuyển tải tình yêu đó cho những người khác.  Chúng ta hãy tuyên xưng lòng tin chắc lời Chúa hứa trong Công vụ 2:17-21 sẽ trở thành hiện thực:

17 Trong những ngày sau cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên tất cả mọi người, Con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, Thanh niên sẽ thấy khải tượng; Người già sẽ thấy chiêm bao. 18 Trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên các tôi trai, tớ gái của Ta… Trước ngày vĩ đại và vinh quang của Chúa đến.

Và qua chúng ta là những người nhận sự tuôn đổ này, dân tộc Việt Nam bắt đầu cầu khẩn Danh Chúa và họ đều sẽ được cứu.

(Tất cả các câu Kinh Thánh đã dẫn chứng trên đến từ Bản Dịch Mới 2002)

 

Người Dọn Đường

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan