Những Đặc Điểm Của Phấn hưng

Share

Phấn hưng có những đặc điểm giúp chúng ta có thể phân biệt với các biến cố khác. Vì Lễ Ngũ Tuần là lần thứ nhất Đức Thánh Linh đổ ra cách đầy dẫy nên sự nghiên cứu kỹ càng và cẩn thận biến cố trọng đại này sẽ cho chúng ta biết những đặc điểm của những cuộc phấn hưng sau này. Chúng ta nghiên cứu Công vụ 2 như là một đoạn hướng dẫn chúng ta trong sự học hỏi.

1- Quyền Tối Thượng Của Đức Chúa Trời Trong Sự Phấn Hưng

Những chữ đầu tiên chúng ta đọc trong công vụ đoạn 2 là: Đến ngày Lễ Ngũ Tuần (2:1). Việc Đức Thánh Linh giáng trên các môn đồ không là một việc xảy ra bất ngờ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Đây là ngày Đức Chúa Trời dự định cho phép Báp-Têm đầu tiên trong Đức Thánh Linh. Chúa Jêsus đã dặn bảo họ chờ đợi cho đến khi mặc lấy quyền năng từ trên cao. Các môn đồ đã chờ đợi cho đến ngày Đức Chúa Trời đã định trước. Nhưng trong ngày đó sau khi Đức Thánh Linh đã giáng trên họ, Phi-e-rơ đứng dậy và cất tiếng nói cùng dân chúng rằng: Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi (2:39). Các môn đồ đầu tiên đã chờ đợi cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng từ ngày đó chúng ta không còn phải chờ để kinh nghiệm sự đầy dẫy và phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh nữa. Bây giờ điều ấy có thể xảy đến cho mỗi người theo Chúa chân chánh.

2- Sự Chuẩn Bị Thuộc Linh Cho Sự Phấn Hưng

Chúng ta thấy đặc điểm này trong những chữ sau môn đồ nhóm họp tại một chỗ (2:1). Phép Báp-Têm bằng Đức Thánh Linh được hứa cho mỗi môn đồ chân chánh của Chúa Jêsus. Không phải dành cho một số ít người đã được chọn hay cho các Mục Sư Truyền Đạo và các Trưởng lão. Phép Báp-Têm bằng Thánh Linh dành cho mỗi một người trong Hội Thánh. Thế mà mỗi người theo Chúa chân chính lại là một phần trong thân của Chúa Jêsus. Do đó khi nhiều người hay đa số trong một nhóm môn đồ được phép Báp-têm bằng Thánh Linh, nơi đó có sự phấn hưng được chỉ định dành cho cộng đồng của người theo Chúa. Họ đã nhóm họp tại một chỗ. Có một sự hiệp một trong mục đích cùng nhau tìm kiếm Đức Chúa Trời. Công vụ 1:14 chép: “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện”. Khi có sự chia rẽ, không hiệp một thì sự phấn hưng chẳng bao giờ xảy ra. Chúa Jêsus muốn cả thân thể của Ngài sống trong sức năng động và quyền năng cũng như trong sự vui mừng của Đức Thánh Linh. Vì vậy phấn hưng đến sẽ bao trùm hết thảy mọi người. Phấn hưng có thể bắt đầu nhưng lại bị dập tắt khi sự chia rẽ xảy ra. Nhiều khi phấn hưng bắt đầu nhưng sự không hiệp một khiến cho phấn hưng chết đi dần dần vì cớ phấn hưng được chỉ định dành cho cả thân thể của Đấng Christ. Hình ảnh miêu tả điều này rõ ràng là hình ảnh của ngọn lửa. Nếu mọi thanh củi được chụm lại với nhau ngọn lửa cháy bừng mạnh mẽ và không tắt hay tàn đi. Nhưng khi dời từng thanh củi đang cháy dang xa nhau ngọn lửa dần dần tàn và cuối cùng tắt hẳn. Phấn hưng dành cho toàn thể Hội Thánh, từ Hội Thánh nhỏ đến Hội Thánh lớn nhất. Đây là phương cách Đức Chúa Trời đã định trước để cho cả Hội Thánh được sống trong phấn hưng liên tục và trong sự hiệp nhất bởi Thánh Linh. Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho cả thế gian biết rằng Ngài có thể đem lại sự hòa thuận cho thế giới. Không có phương cách giảng Tin lành nào mạnh hơn việc Hội Thánh sống động trong phấn hưng liên tục. Thế là mọi người sẽ nhận thức và mong ước mình được trở nên một phần tử trong mối thông công và tình thương yêu diệu kỳ ấy.

3 – Phấn Hưng Xảy Đến Thình Lình.

Trong những chữ sau chúng ta thấy một đặc điểm khác của phấn hưng. Thình lình có tiếng từ trời đến (Công vụ 2:2). Nhiều lần phấn hưng đến thình lình. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần cũng thế: “Dân chúng chạy đến, ai nấy đều sững sờ…” (Công vụ 2:6). Trong Công vụ 2:12 chúng ta đọc thấy: “Ai nấy đều sợ hãi không biết làm sao…”. Phấn hưng như một cuộc tấn công thình lình khiến cho nhiều người sững sờ và ngạc nhiên. Mỗi một người sẽ nhận biết rằng Đức Chúa Trời đang vận hành trong quyền năng của Ngài. Trong Hội Thánh đầu tiên, đó là một việc thông thường xảy ra sau ngày Lễ Ngũ Tuần vì họ đang sống trong phấn hưng liên tục. Nhưng đối với chúng ta là những người đang mong ước phấn hưng, chúng ta cần cầu nguyện cho sự phấn hưng và sự đầy dẫy Thánh Linh. Sự phấn hưng sẽ xảy đến thình lình và đầy quyền năng. Trong suốt cuộc phấn hưng tại Wales năm 1859, nhiều người không phải là tín đồ thình lình tỏ ra kính sợ Đức Chúa Trời, nhiều người đang đi trên đường phố bỗng la lớn, kêu van cùng Đức Chúa Trời. Có một nông gia kia đang ở trên đường từ chợ trở về nhà. Đầu óc anh ta đang tính toán công việc trong ngày. Anh ta ngừng lại và móc ra một ít tiền cầm nơi tay. Thình lình anh cảm thấy sự hiện diện của Chúa bên cạnh anh. Ngay khi đó anh nhận biết mình là một tội nhân đáng bị chết mất đời đời. Anh hoảng hốt chạy đến nhà thờ cầu nguyện trong khi tiền bạc từ nơi tay anh rơi tung tóe trên mặt đất.

4 – Việc Làm Tự Phát, Tự Nhiên Của Đức Thánh Linh.

Người ta có thể tổ chức buổi giảng bồi linh nhưng phấn hưng đến từ trời. Trong Công vụ 2:2 chép:  “Thình lình có tiếng từ trời đến. Thánh Linh của Đức Chúa Trời như gió” không có gì kiểm soát được. Mọi người trong chúng ta có thể đi đến nơi có gió để hưởng lấy sự mát mẽ mà gió đem lại.

Có sự mâu thuẫn, trong Kinh Thánh, giữa các cơn mưa tại Ca-na-an và việc dẫn thủy nhập điền tại Ai-cập. Luôn luôn Kinh Thánh gọi Ca-na-an hình bóng thuộc linh, và Ai-cập hình bóng cho thế gian. Trong Phục truyền 11:10-12 chúng ta nhận rõ sự mâu thuẫn này. Tại Ai-cập có những vườn rau cỏ được trồng tỉa, chăm sóc. Mỗi việc nông trang đều bởi tay người chăm sóc. Ngoại trừ vùng lưu vực sông Nile, đất đai ở Ai-cập đều là sa-mạc hoang vu. Xứ Ai-cập là nơi phải nhờ chơn đạp những guồng nước để tưới. Dân chúng tại đây chế ra những guồng đạp nước để dẫn nước từ sông Nile vào các đồng ruộng nhờ vào những kinh đào nhỏ. Sự cung cấp nước tùy thuộc vào nhân lực và nước được dẫn vào ruộng không được trong lành nhưng đầy bùn đất. Tại Ca-na-an, đất của Đức Giê Hô Va hứa ban là đất nhờ mưa trời mà được thấm tươi. Như vậy Ca-na-an rất khác với Ai-cập vì nó nhận nước mưa từ trời đến.

Sau khi rời khỏi Ai-cập, dân Y-sơ-ra-ên đòi trở lại Ai-cập. Tiên tri Êsai đã phán: “Khốn thay cho những kẻ xuống Ê-díp-tô đặng cầu cứu… mà không ngó về Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và chẳng tìm cầu Đức Giê Hô Va (Êsai 31:1). Có một khuynh hướng tự nhiên lôi cuốn trở về Ai-cập và nương cậy vào phương cách thế gian để thực hiện công việc của Đức Chúa Trời. Ngày nay vẫn có nhiều người trong chúng ta không để tâm đến điều chúng ta đang nói đến ở đây. Họ vẫn tin cậy nhờ chơn mình mà tưới cho Hội Thánh.

Chúng ta giống như sự xếp đặt của khu vườn dẫn thủy để trồng rau cỏ tại Ai-cập vì mọi điều đó tùy thuộc nơi chúng ta. Nhiều lần chúng ta cố gắng hầuviệc Đức Chúa Trời bằng sức riêng của chính mình. Nhưng sẽ không có sự sửa đổi, thay thế sức riêng của loài người và tài năng trong sự hầu việc Chúa ngoại trừ cơn phấn hưng từ trời đến. Trừ khi chúng ta nhận được một cơn mưa lớn của Đức Thánh Linh trên chúng ta, chúng ta sẽ cứ nhờ chơn mình, một sự cố gắng tự nhiên để đem nước vào Hội Thánh. Ai là người muốn tiếp tục đạp nước khi một cơn mưa đang đổ xuống. Nếu có, người ấy quả không được tỉnh trí cho lắm. Tuy thế tôi vẫn thấy có người cứ tiếp tục dùng chơn của mình trong khi phấn hưng đang diễn ra và Thánh Linh đang đổ xuống.

Hội Thánh đang sống trong phấn hưng khi con người không thể đánh giá điều đang xảy ra theo sự giải thích hoàn toàn theo nhân tính giống như sự tổ chức, hay các cảm xúc mạnh. Phấn hưng liên tục khi con người năng động bởi sự khơi dậy, thổi đi của Đức Thánh Linh. Ngay khi con người cố gắng tổ chức một cơn phấn hưng, tức thì phấn hưng chấm dứt ngay.

Trong sự phấn hưng điều cẩn thận hơn hết là không để cho người nào cố gắng làm một việc gì bằng chơn của mình. Cũng như con người không thể can thiệp hoặc dự phần trong công việc và sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Có rất nhiều lần, phấn hưng đang bắt đầu, nhưng lại có vài người quyết định tổ chức phấn hưng và dùng chơn của mình bởi vì chúng thường có thói quen làm việc Đức Chúa Trời với sức riêng. Trong những trường hợp đó phấn hưng lần lần tắt đi thay vì bùng nổ.

5. Ý Thức Sự Hiện Diện Của Đức Chúa Trời.

Có một đặc tính khác của phấn hưng. Công vụ 2:2:  “Tiếng… như tiếng gió thổi ào ào”. Công vụ 2:3: ”Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một như lưỡi bằng lửa hiện ra đậu trên mỗi người trong bọn mình”.

Bất cứ khi nào Thánh Linh của Đức Chúa Trời đổ ra, các thánh đồ và tội nhân thảy đều ý thức được sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự hiện diện của Ngài trước hết cho những người trong phòng cao. Tiếp đến cho những người thuộc đám đông đang tụ tập bên ngoài. Những kẻ không tin đều cảm động trong lòng (Công vụ 2:37). Cuối cùng sự hiện diện của Chúa đã được đồn ra khắp trong thành làm mọi người đều kính sợ (Công vụ 2:43).

Các kết quả của phấn hưng có hai điều: con người nhận thức được quyền năng của Đức Chúa Trời và sự thánh khiết của Ngài. Sự kính sợ đã xảy đến cùng các môn đồ trong phòng cao khi họ nghe tiếng của gió thổi ào ào! Nhưng cũng có lưỡi lửa hiện ra. Lửa là hình bóng về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Lửa thiêu đốt và tẩy sạch. Chắc chắn là sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho tất cả. Sự hiện diện này trong cơn phấn hưng có thể tràn khắp cả một cao ốc, một cộng đồng hay toàn thể một khu vực rộng lớn. Năm 1858, có một cơn phấn hưng xảy ra bên bờ biển phía Đông nước Mỹ. Bất cứ con tàu nào tiến vào hải cảng đều phải đi qua khu vực đang được phấn hưng. Trên một chiếc tàu kia, viên thuyền trưởng bị cáo trách tội mãnh liệt đến nỗi một cơn phấn hưng xảy ra trên tàu trước khi tàu cập bến. Khi mọi người đến bờ thảy đều vui mừng trong Đức Chúa Trời. Trên một chiếc tàu khác, ba người đang ở dưới hầm tàu ăn năn xưng tội và cả ba đều được đầy dẫy Thánh Linh và họ bắt đầu hát ca tụng và ngợi khen Chúa. Những thủy thủ khác định xuống hầm tàu để chế nhạo họ. Nhưng ngay khi họ đến gần, Đức Thánh Linh đã bắt phục họ bởi quyền năng Đức Chúa Trời. Họ bèn quỳ gối xuống và kêu la, van xin sự thương xót của Đức Chúa Trời. Khi ấy tàu cập bến và con tàu ấy đã trải qua một cơn phấn hưng.

Phấn hưng đem lại sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và sự ăn năn xưng tội.

6. Được Xức Dầu Bằng Đức Thánh Linh.

Công vụ 2:4 chép: “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Ở đây chúng ta nhận thấy được một đặc tính sống động của phấn hưng. Khi phấn hưng đến, từng trải đầy dẫy Đức Thánh Linh được nhấn mạnh. Phấn hưng và kinh nghiệm được đầy dẫy Thánh Linh hay báp-têm bằng Thánh Linh xảy ra cùng một lúc. Đây không phải là lúc mà chúng ta đi sâu vào giáo lý về Thánh Linh nhưng chúng ta có thể đề cập đến ba sự kiện quan trọng trong sự xức dầu bằng Đức Thánh Linh:

1) Trước hết đó là một kinh nghiệm được khẳng định. Nó xác nhận lại lời hứa của Chúa Jêsus với các môn đồ. Đức Thánh Linh sẽ giáng trên họ. Chúa Jêsus phán: Trong ít ngày các ngươi sẽ chịu phép báp-têm bằng Thánh Linh (Công vụ 1:5). Khi Lễ Ngũ Tuần đến họ chịu phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Họ biết điều đã xảy ra. Không có sự nghi ngờ nào trong nhận thức của họ bởi vì đó là một kinh nghiệm đã được khẳng định. Sau Lễ Ngũ Tuần có các dấu hiệu chứng tỏ kinh nghiệm này có ba bước để trở nên một người theo Chúa.

a- Một người có lòng tin. Điều này chỉ xảy ra bởi công việc cáo trách tội của Thánh Linh. Người tin phải tin rằng mình đã được sanh do Đức Thánh Linh. Một người không thể gọi là tín đồ chân chánh nếu người đó không được tái sanh.

b- Một thời gian ngắn sau khi người đó chịu phép báp-têm bằng nước trước toàn thể Hội Thánh. Đây là phương cách bày tỏ rằng họ đã tin và đã được sanh lại bởi Thánh Linh. Trong phép Báp-têm, bởi sự dìm xuống nước chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta có một đời sống mới trong Chúa Jêsus. Khi chúng ta đang hụp trong nước, đó là sự biểu hiệu chứng tỏ con người cũ đã bị chôn. Khi chúng ta ra khỏi nước, điều này vẽ ra hình ảnh của đời sống mới trong Thánh Linh.

c- Ngay sau khi chịu phép báp têm bằng nước, trong Hội Thánh đầu tiên thường để cho các trưởng lão đặt tay để người mới tin được báp-têm bằng Đức Thánh Linh với quyền năng đi ra làm chứng về Tin Lành. Phao-lô đã làm điều này cho các tín đồ tại thành Ê-phê-sô (Công vụ 19:5).

Theo Công vụ 8, chúng ta biết Phi-líp đến Sa-ma-ri và giảng về Chúa Jêsus như thế nào. Ông giảng dạy trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Nhiều người đau được chữa lành, nhiều quỉ ám bị đuổi ra khỏi. Có rất nhiều người đã tin và chịu phép Báp-têm bằng nước. Điều này có nghĩa là họ đã tin và đã được tái sanh vì Phi-líp chẳng làm phép báp-têm cho người nào chưa được tái sanh. Nhưng tiếng đồn lên đến Giê-ru-sa-lem rằng họ đã tin và đã nhận được phép báp-têm, vì cớ một vài lý do không ai có thể giải thích nổi, họ cũng đã chưa nhận được sự xức dầu bởi Thánh Linh. Vì vậy, Phi-e-rơ và Giăng đã đến Sa-ma-ri và họ đặt tay trên mọi kẻ tin. Và mỗi một người đều được xức dầu bằng Thánh Linh. Si-môn là một phù thủy, hành nghề phù phép cũng thấy mọi người đầy dẫy Thánh Linh. Chắc đây là một kinh nghiệm khẳng định và khiến cho Si-môn động lòng ham muốn và có ý mua quyền năng ấy.

Thế nên trong Hội Thánh đầu tiên các môn đồ thường được xức dầu bằng Thánh Linh cùng một lúc với phép Báp-têm. Toàn thể Hội Thánh phải thực nghiệm điều này để Hội Thánh được thực sự mạnh hơn ngày hôm nay. Chỉ có sự xức dầu đặc biệt của Thánh Linh mới có thể khiến Hội Thánh sống trong phấn hưng liên tục. Nếu không có sự xức dầu phấn hưng sẽ dần dần tắt đi.

2) Thứ hai, sự xức dầu là một từng trải năng động. Sự xức dầu được ban cho các môn đồ có quyền năng trong sự làm chứng về Tin Lành. Chúa Jêsus đã hứa cùng các môn đồ rằng họ sẽ được mặc quyền phép từ trên cao (Lu-ca 24:49). Ngài cũng phán: “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép” (Công vụ 1:8). Vì vậy, các môn đồ đã nhận được quyền năng ấy của Thánh Linh và Chúa Jêsus cũng được xức dầu: “Thể nào Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép”. Chắc chắn đây là lý do Chúa Jêsus đã phán dặn các môn đồ sẽ làm những việc lớn hơn việc Ngài đã làm.

Đi ra hầu việc Chúa Jêsus mà chưa từng trải kinh nghiệm được phép Báp-têm bằng Thánh Linh chẳng khác nào người lính ra trận không đem theo một khí giới nào. Hay giống như người lính ra trận với những viên đạn có vỏ, có thuốc đạn mà không có ngòi nổ. Đó là các viên đạn chỉ chứa bột thuốc súng mà lại không có đạn. Khi bắn, chỉ có một tiếng động lớn mà không có cái gì ra khỏi nòng súng. Nếu chúng ta chưa được tái sanh, chúng ta chưa phải là một người theo Chúa. Nếu chúng ta là một người theo Chúa và được sanh lại bởi Thánh Linh, chúng ta cần được xức dầu bởi Thánh Linh hay được báp-têm bằng Thánh Linh. Đây chỉ là sự sửa soạn cho các công tác hầu việc Chúa của người theo Chúa. Học đường, sách vở giúp ích cho chúng ta rất nhiều nhưng nếu chúng ta thiếu mất sự xức dầu của Thánh Linh thì đời sống chúng ta cũng trở nên vô ích.

 

Trích Báo Phục Hưng

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan