Ông Đã Giảng Nhiều Hơn Ngủ: George Whitefield (1714 – 1770)

Share

Sự thật về công tác giảng luận của George Whitefield với tư cách là một nhà truyền đạo lưu động của thế kỷ 18 gần như không thể tin được. Những điều đó có thật không? Qua rất nhiều đánh giá của những người đương thời chứng kiến – và nhờ có sự đồng ý của những người viết tiểu sử biết cảm thông và những người không biết thông cảm – dường như những điều đó là đúng.

   Từ bài giảng ngoài trời đầu tiên của ông vào ngày 17 tháng 2 năm 1739, khi mới 24 tuổi, rồi những người khai thác than ở Kingswood gần Bristol ở nước Anh, cho đến khi ông qua đời ba mươi năm sau đó vào ngày 30 tháng 9 năm 1770 tại Newburyport, Massachusetts (nơi ông được chôn cất), cuộc đời của ông gần như ngày nào cũng giảng. Một ước tính chính xác cho biết ông đã chia sẻ khoảng 1,000 lần mỗi năm trong vòng 30 năm. Trong đó có ít nhất 18,000 bài giảng và 12,000 bài nói chuyện và kêu gọi. Tốc độ hàng ngày mà ông giữ trong 30 năm cho thấy ông nói nhiều hơn ngủ trong nhiều tuần liền.

Một hiện tượng về giảng luận

   Hãy nhớ rằng, hầu hết các sứ điệp này đã được chia sẻ cho những buổi nhóm có đến hàng ngàn người. Điển hình là vào mùa xuân năm 1740, ông đã rao giảng trên Society Hill ở Philadelphia hai lần vào buổi sáng cho khoảng 6,000 người và buổi tối cho gần 8,000 người. Ngày hôm sau, ông có bài nói chuyện với “hơn 10,000 người” và báo cáo của một trong những sự kiện này nói cách diễn đạt của ông về bản văn rằng: “Ông đã mở miệng và dạy họ” đã được nghe rõ ràng tại khu vực Gloucester, cách chừng hai dặm bằng đường thủy gần sông Delaware (George Whitefield, 1: 480). Có lúc đám đông lên tới hơn 20,000 người.

   Thêm vào đó, ông còn phải di chuyển liên tục, một ngày có thể cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa hoặc tàu thủy. Ông đã đi hết chiều dài và chiều rộng của nước Anh rất nhiều lần. Ông thường xuyên đi lại và chia sẻ khắp xứ Wales. Ông đã đến thăm đảo Ireland hai lần, chút xỉu nữa đã bị giết bởi một đám đông, mà từ đó ông mang vết sẹo trên trán suốt quãng đời còn lại. Ông đã đến Scotland 14 lần và Mỹ 7 lần, dừng lại một lần ở Bermuda trong vòng 11 tuần – tất cả đều để rao giảng, không nghỉ ngơi.

   Whitefield là một hiện tượng không chỉ trong độ tuổi của ông, mà còn trong toàn bộ lịch sử Cơ Đốc hơn 2,000 năm qua nữa. Không có gì bằng sự kết hợp giữa tốc độ rao giảng và phạm vi địa lý, lượng thính giả, sự ấn tượng và sự cải đạo. J.C. Ryle đã đúng khi nói rằng: “Không có truyền đạo nào từng gây ấn tượng với thính giả tốt bằng ông đã làm suốt 34 năm. Tiếng tăm của ông không bao giờ suy giảm” (Tuyển tập các bài giảng của George Whitefield, trang 32).

Tài hùng biện và được xức dầu

   Năng lực và tiếng tăm này đến từ đâu? Có thể nói năng lực của Whitefield đến từ tài hùng biện bẩm sinh của ông; còn về thuộc linh thì đó là quyền phép của Đức Chúa Trời để cải đạo tội nhân và biến đổi cộng đồng.

   Một mặt, không có lý do gì để nghi ngờ Whitefield là công cụ của Đức Chúa Trời để cứu rỗi hàng ngàn người. Tôi không nghi ngờ Henry Venn cùng thời với ông đã đúng khi nói rằng: “[Whitefield] đã sớm mở miệng với tư cách là người truyền đạo khi Đức Chúa Trời chúc phước cho bài giảng của ông cách phi thường” (Tuyển tập các bài giảng của George Whitefield, trang 29). Vậy, có thể nói tác động phi thường của Whitefield là nhờ có sự xức dầu đặc biệt của Đức Chúa Trời ở trên cuộc đời ông.

   Nhưng về mức độ nào đó, Whitefield đã bắt phục những kẻ không tin vào giáo lý mà ông đã rao giảng. Nói cách khác, chúng ta phải đồng ý rằng ông là người có tài hùng biện bẩm sinh. Làm sao liên hệ điều này với sức ảnh hưởng của ông đây? Benjamin Franklin, là người rất yêu mến và ngưỡng mộ Whitefield – cũng hoàn toàn bác bỏ thần học của ông – nói rằng:

   Từng giọng điệu, từng điểm nhấn nhá, từng cách điều chế giọng nói, đều được xoay chuyển rất hoàn hảo và được sắp đặt đúng thời điểm, đến nỗi cho dù người ta không quan tâm đến chủ đề cũng phải thán phục trước bài giảng của ông: một cảm giác vui sướng giống như thưởng thức một bản nhạc xuất sắc vậy. (Nhà soạn kịch siêu phàm, trang 204)

   Một trong những người cùng thời với Whitefield là Alexander Garden ở Nam Carolina không mấy lạc quan về động cơ thuần khiết của Whitefield hoặc sức ảnh hưởng vô cùng siêu nhiên của ông. Người này tin rằng Whitefield “cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tương tự, cho dù ông đã làm Phần của mình ở đằng sau bục giảng hoặc ở trên sân khấu . . . Vấn đề không phải là Nội dung mà là Cách thức, không phải là Giáo lý mà ông đã truyền đạt, mà là cách Trình bày dễ nhận được sự tán thành của mọi người”, điều này đã giải thích cho việc những đám đông chưa từng có đổ xô đến nghe ông giảng (“Người gieo giống vĩ đại“, trang 384).

   Theo một nghĩa nào đó, tôi không nghi ngờ Whitefield đã “hành động” như ông đã rao giảng. Đó là, ông đã đóng vai các nhân vật ở trong những bài giảng của mình và dốc đổ hết sức lực – nỗ lực đầy thơ mộng của ông – để làm cho những vai diễn ấy thành hiện thực.

Khiến hiện thực dường như có thật

   Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao Whitefield lại “diễn xuất”? Tại sao ông có những hành động kịch tính như vậy? Có phải ông, như người viết tiểu sử Harry Stout tuyên bố, chỉ đơn thuần là “miệt mài với ngành tôn giáo” vì tiếng tăm và quyền lực (Nhà soạn kịch siêu phàm, trang xvii) chăng?

   Tôi nghĩ câu trả lời sâu sắc nhất đến từ một điều mà chính Whitefield đã nói về diễn xuất trong một bài giảng ở Luân Đôn. Trên thực tế, tôi nghĩ đó là chìa khóa để hiểu được quyền phép ở trong công tác giảng luận của ông – và tất cả công tác giảng luận nói chung. James Lockington đã xuất hiện lúc bài giảng này cất lên và ghi lại toàn bộ nguyên văn. Whitefield đang nói rằng:

   “Tôi sẽ kể cho chúng ta nghe một câu chuyện. Tổng giám mục Canterbury vào năm 1675 đã quen biết ông Butterton [một diễn viên]. Một ngày nọ, Tổng giám mục . . . nói với Butterton . . . rằng: “Ông Butterton, hãy cầu nguyện để tôi biết lý do vì sao các diễn viên của ông trên sân khấu có thể ảnh hưởng đến khán thính giả bằng cách nói về những điều tưởng tượng, cứ như những điều đó là có thật, trong khi chúng tôi nói về những điều có thật trong nhà thờ, mà hội chúng của chúng tôi chỉ coi những điều đó là chuyện hư cấu?” Butterton nói: “Thưa Ngài, lý do thật là rõ ràng. Chúng tôi là những diễn viên trên sân khấu nói về những điều tưởng tượng, cứ như những điều đó là có thật, còn ông đứng trên bục giảng nói về những điều có thật cứ như những điều đó là chuyện hư cấu”.

   Whitefield nói thêm rằng: “Vì thế, tôi sẽ thét lớn [la thật to], tôi sẽ không là người truyền đạo mở miệng nói cách nhỏ nhẹ nữa”. (Nhà soạn kịch siêu phàm, trang 239–40)

   Tức là có ba cách truyền đạt. Thứ nhất, chúng ta có thể nói về một thế giới tưởng tượng như thể không có thật – đó là những điều các diễn viên làm trong một vở kịch. Thứ hai, chúng ta có thể nói về một thế giới thực như thể không có thật – đó là những điều các Mục Sư nửa vời làm, khi rao giảng về những điều vinh hiển bằng ngụ ý cho rằng, những điều đó không hề đáng sợ hoặc tuyệt vời đến thế. Thứ ba, chúng ta có thể nói về một thế giới thuộc linh có thật như thể đó là một nơi tuyệt vời, đáng sợ, lộng lẫy – bởi vì thế giới ấy có thật.

Diễn xuất tốt hơn cả diễn viên

   Vậy, nếu hỏi Whitefield rằng: “Tại sao ông lại rao giảng như vậy?” có lẽ ông sẽ đáp rằng: “Tôi tin những gì mình đọc trong Kinh Thánh là có thật”. Vì thế, hãy để tôi mạo hiểm tuyên bố rằng: George Whitefield không phải là một diễn viên bị kìm nén, bị lèo lái bởi ham muốn được mọi người chú ý. Nhưng ông là người có ý thức cam kết trội hơn cả diễn viên, vì ông đã thấy được sự thật tối hậu là như thế nào.

   Tài hùng biện của ông không thay thế cho sự mặc khải và quyền phép của Đức Chúa Trời, nhưng để phục vụ cho những điều đó. Ông đã dốc hết sức để diễn xuất không phải vì cần có nhiều mánh lới và trò suy đoán mới thuyết phục được mọi người về cái không thực, mà vì ông đã thấy một hiện thực có thật còn hơn cả những điều các diễn viên trên sân khấu ở Luân Đôn từng biết.

   Tôi không phủ nhận rằng Đức Chúa Trời sử dụng những bình bằng đất để bày tỏ thực tại siêu nhiên của Ngài. Cũng không ai phủ nhận rằng George Whitefield là một bình đất tuyệt vời. Ông là người có mục tiêu, nhã nhặn, có tài hùng biện, thông minh, biết cảm thông, có mục đích, có ý chí sắt đá, liều lĩnh và một giọng nói như tiếng kèn trôm-pét to đến nỗi hàng ngàn người ở ngoài trời đều nghe thấy lời lẽ của ông. Tôi dám nói rằng tất cả những điều này là món quà tự nhiên của Whitefield ngay cả khi ông không được tái sinh.

   Nhưng một điều đã xảy ra với Whitefield vào mùa xuân năm 1735, khi ông được 20 tuổi, khiến tất cả món quà tự nhiên này phụ thuộc vào một hiện thực khác – sự vinh hiển của Đấng Christ trong sự cứu rỗi tội nhân.

Whitefield được tái sinh

    Trong lúc nghỉ hè, Charles Wesley, bạn của Whitefield, đã tặng ông một bản sao quyển sách Sự sống của Đức Chúa Trời trong linh hồn con người của Henry Scougal. Khi ông đọc mấy lời của Scougal về đạo thật là “sự kết hợp quan trọng với Con của Đức Chúa Trời, tức Đấng Christ được hình thành trong tấm lòng”, một thế giới mới đã mở ra trước mắt ông. Whitefield sau đó đã làm chứng rằng: “Ôi, sự sống thiêng liêng đã xâm nhập vào linh hồn tội nghiệp của tôi. Ôi! Linh hồn tôi đầy tràn niềm vui – Niềm Vui không xiết – và đầy dẫy vinh hiển” (Phục hưng Thanh Giáo, trang 26).

   Một hiện thực phi thường, sâu sắc và siêu nhiên ở trong Whitefield là điều mà Alexander Garden – và nhiều người khác đã hạ thấp con người này chỉ có tài bẩm sinh – không đáng kể. Trong sự tái sinh, Whitefield được ban cho khả năng siêu nhiên để nhìn thấy sự thật. Tâm trí của ông được mở ra để nhìn thấy hiện thực mới. Điều này có nghĩa là sự diễn xuất của Whitefield – giảng luận cách say mê, mạnh mẽ, hết linh hồn – là kết quả sau khi đôi mắt nhìn thấy “sự sống, sự sáng và quyền phép từ trên cao” (Tuyển tập các bài giảng của George Whitefield, trang 15). Ông thấy rõ chân lý vinh hiển của Phúc Âm là sự thật. Một sự thật tuyệt vời, đáng sợ, lộng lẫy. Đây là lý do ông kêu lên rằng: “Tôi sẽ không là người truyền đạo mở miệng nói cách nhỏ nhẹ nữa”.

   Không có khả năng tự nhiên nào của ông bị mai một. Tất cả đều bị bắt để “vâng phục Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 10:5). “Hãy để danh tôi bị quên lãng, hãy để tôi bị chà đạp dưới chân tất cả mọi người, chỉ có Chúa Jêsus được vinh hiển mà thôi” (George Whitefield, 2:257).

Chủ nô

   Tuy nhiên, sự tái sinh không làm cho Whitefield trở nên hoàn hảo. Trên thực tế, một trong những ảnh hưởng của việc đọc lịch sử, nhất là tiểu sử, là thường xuyên khám phá ra những mâu thuẫn và nghịch lý của tội lỗi và sự công bình xuất hiện ở trong đời sống của thánh đồ. Whitefield cũng không ngoại lệ, ông sẽ được kính trọng cách đúng đắn hơn nếu chúng ta thành thật về sự mù lòa của ông cũng như sự trung thành với giáo lý và sự hiền lành của ông. Cho đến nay, sự mù quáng rõ ràng nhất trong cuộc đời ông – và những người khác nữa – là sự ủng hộ của ông đối với việc người Mỹ bắt người da đen làm nô lệ.

   Ngay cả khi người ta lập luận rằng cách duy nhất theo Kinh Thánh để thoát khỏi việc thể chế hóa chế độ nô lệ (mà Tân Ước đã cho phép, nhưng ngầm tranh cãi, Lu-ca 4:18; Công vụ 17:26; 1 Cô-rinh-tô 7:21; 2 Cô-rinh-tô 3:17; 1 Ti-mô-thê 1:10; Phi-lê-môn 1:16; Ê-phê-sô 6:9; Ga-la-ti 3:28; 5:1; Cô-lô-se 3:11; Khải huyền 5:9) là điều chỉnh cho phù hợp với thể chế của thế kỷ 18, nhưng cải thiện bằng sự tử tế (như Whitefield đã làm), trên thực tế người ta vẫn phải suy nghĩ rằng Whitefield đã không, theo như chúng ta biết, chấp nhận thể chế này theo Kinh Thánh. Ông dường như cũng không thấy rằng những tác động phi nhân tính về mặt chủng tộc của chế độ nô lệ miền Nam, đã dấy lên thắc mắc về “thể chế đặc biệt” này. Đây là điều tôi nói về “sự mù lòa”.

   Trước khi việc sở hữu nô lệ ở Georgia được hợp pháp hóa, Whitefield đã ủng hộ việc hợp pháp hóa nhằm làm cho trại trẻ mồ côi mà ông xây dựng có giá cả phải chăng hơn. Năm 1752, Georgia trở thành thuộc địa của hoàng gia, chế độ nô lệ được hợp pháp hóa và Whitefield gia nhập vào hàng ngũ chủ nô. Tự chính điều này là điều rất bi thảm nhưng không phải là bất thường. Hầu hết các chủ nô đều xưng mình là Cơ Đốc Nhân. Nhưng trong trường hợp của Whitefield, mọi thứ phức tạp hơn. Ông không phù hợp với khuôn mẫu của một người chủ đồn điền miền Nam giàu có.

   Whitefield nói rằng ông sẵn sàng đối mặt với “roi vọt” của những người trồng trọt miền Nam nếu họ không tán thành việc ông rao giảng về sự tái sinh cho nô lệ (Nhà soạn kịch siêu phàm, trang 100). Từ Georgia đến Bắc Carolina cho đến Philadelphia, Whitefield đã gieo hạt giống bình đẳng thông qua công tác truyền đạo và giáo dục cách chân thành – cho dù ông đã cảm biết mâu thuẫn nào đó trong quan điểm của mình hay không.

   Công tác giảng luận của Whitefield cho nô lệ khiến nhiều chủ nô tức giận. Hầu như tất cả đều chống lại việc truyền đạo và giáo dục cho người nô lệ. Họ biết bằng trực giác rằng giáo dục sẽ có xu hướng dẫn tới sự bình đẳng, điều này sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống. Công tác truyền đạo có ngụ ý rằng, nô lệ sẽ trở thành con cái của Đức Chúa Trời, tức họ sẽ là anh chị em với những chủ nô, điều này cũng sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống. Người ta tự hỏi không biết tâm hồn của Whitefield có sự bất bình nào không, bởi vì ông thực sự nhận thức được rằng công tác truyền giáo triệt để như vậy sẽ dẫn đến điều gì.

   Ông đã công khai đưa ra lời chỉ trích của mình dành cho các chủ nô và xuất bản mấy lời thế này: “Đức Chúa Trời có một cuộc tranh luận với chúng ta” vì đã đối xử với nô lệ “như thể họ là súc vật”. Nếu những nô lệ này nổi dậy trong cuộc nổi loạn, thì “tất cả người tốt phải thừa nhận rằng sự phán xét như vậy là công bằng” (Nhà soạn kịch siêu phàm, 101-2). Điều này dễ gây bất hòa. Nhưng rõ ràng, Whitefield đã không nhận thức được hết ý nghĩa của những điều mình vừa nói ra.

   Điều có vẻ rõ ràng đó là đa số người nô lệ đều yêu thích Whitefield. Khi ông qua đời, chính những người da đen đã bày tỏ sự đau buồn lớn nhất ở Mỹ. So với bất kỳ nhân vật nào khác của thế kỷ 18, Whitefield đã hơn hẳn khi thiết lập niềm tin Cơ Đốc cho cộng đồng nô lệ. Cho dù ông đã thất bại điều gì đi nữa, họ đã vô cùng biết ơn vì sự phục vụ này.

   Phyllis Wheatley (1753-1784), một cựu nô lệ và là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên xuất bản một tập thơ ở Mỹ, đã ca ngợi Whitefield trong một bài thơ nổi tiếng vào thời bấy giờ. Bài thơ có mấy dòng như sau:

Hỡi các truyền đạo, hãy lấy làm vui thích nơi Ngài [Đấng Christ]:

Hãy tiếp Ngài, “hỡi người Mỹ yêu dấu”, Chúa phán,

Hãy để lời phàn nàn của ngươi trong lòng nhân từ Ngài:

Hỡi người Phi châu hãy nhận Ngài, Chúa đang chờ mong bạn;

Cứu Chúa công bình là danh của Ngài;

Nếu ngươi chịu đi trên con đường ân điển,

Ngươi sẽ là con, vua và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời.

   Cho dù Whitefield có sai lầm nghiêm trọng đến đâu, Đức Chúa Trời đã lấy những việc lành mà ông đã làm, Đấng Christ mà ông đã rao giảng, để làm cho “người châu Phi” biết Đấng Christ là “Cứu Chúa công bình” và trở thành con cái và vua của Đức Chúa Trời.

Phù hợp để rao giảng ân điển cứu rỗi

    Vậy, nhà truyền đạo vĩ đại nhất của thế kỷ 18, có lẽ trong lịch sử của Hội Thánh Cơ Đốc, là một nhân vật đầy nghịch lý. Ông là người đã cởi mở thú nhận tội lỗi vẫn còn ở trong đời sống mình. Đó là điều chúng ta vẫn còn nhìn thấy trong tâm hồn của từng người trên đất này – ngoại trừ một người. Đó là vì sao chúng ta sống để nói về Ngài – Cứu Chúa vô tội. Sự vâng phục toàn hảo của Đấng Christ, không phải của chúng ta, là cơ sở chắc chắn để chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Nếu sau đó, tội lỗi của chúng ta, cũng như sự công bình của chúng ta, có thể dẫn mọi người đến với Đấng Christ, không phải chúng ta, thì chúng ta sẽ vui mừng ngay cả khi đang ăn năn.

   Whitefield nói: “Tôi không biết lý do nào khác để giải thích, vì sao Chúa Jêsus đã đặt tôi vào chức vụ, ngoài lý do này: tôi là kẻ có tội nhiều nhất, vì thế mà tôi là người thích hợp nhất để rao giảng ân điển vô điều kiện cho một thế giới đang ăn nằm với kẻ ác” (Phục hưng Thanh Giáo, trang 157-58). Đúng. Nhưng chúng ta đã thấy rồi đấy, Đức Chúa Trời sẽ làm cho không chỉ sự đáng chết của ông sẽ góp phần vào trong ân điển của Đức Chúa Trời, mà còn cả tài hùng biện rất hăng hái của ông, khả năng diễn xuất tự nhiên và nỗ lực làm thơ của ông nữa. Điều này cũng không hoàn hảo gì cả, chắc chắn cũng bị ô nhiễm giống như những động cơ sai lầm kia vậy, Đức Chúa Trời đã làm nên sự cứu rỗi siêu nhiên của Ngài.

   Không có tài hùng biện nào có thể cứu rỗi một linh hồn. Nhưng giá trị của sự cứu rỗi và giá trị của linh hồn thúc đẩy các nhà truyền đạo công bố và viết lách bằng tất cả sức lực của họ theo nhiều cách gọi là: “Rất nhiều sự tốt đẹp – rất nhiều vinh hiển – mà chúng ta cần phải nhìn thấy hơn cả những điều tôi có thể nói ra”.

 

(Theo nguồn: https://tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan