Sự Ngợi Khen Chúa

Share

Ngợi khen không phải là gợi ý của Chúa dành cho đời sống chúng ta. Sự ngợi khen, cùng với mọi hình thức cầu nguyện khác, là một mạng lệnh. Mạng lệnh này không làm cho chúng ta nặng nề, mà làm ích cho chúng ta cả trong đời tạm và cõi đời đời. Niềm vui tuôn tràn khi chúng ta vâng lời Chúa, đứng lên và hành động theo Lời Ngài. Sự ngợi khen giải phóng chúng ta khỏi sự nặng nề của mọi hình thức buồn chán. Sự ngợi khen cột trói các thế lực ma quỷ tìm cách làm khổ đời sống chúng ta. Sự ngợi khen đưa chúng ta vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua sự cảm tạ ca hát và là phương tiện để chuẩn bị cho sự thở phượng thật.

Chi phái Giu-đa (nghĩa là ngợi khen) đã đi trước trong chiến trận. Ngợi khen là phương cách thắng trận trong IISử ký 20 chống lại những lợi thế bất khả thi mà vua Giôsaphát đối mặt. Phaolô và Sila cầu nguyện và hát ngợi khen theo cách thường làm từ trong nhà tù Philíp, khi làm vậy, quyền năng của Đức Chúa Trời được lưu xuất để thi thố phép lạ. Ngợi khen Chúa sau khi phép lạ xảy ra là một chuyện, như dân Ysơraên đã làm trong Xuất 15. Ngợi khen Ngài ở giữa những hoạn nạn và thử thách lại là một chuyện khác, như Phaolô và Sila đã làm trong Công vụ 16. Phải nói rằng ngợi khen Chúa trước khi chiến thắng được nhìn thấy là một hình thức ngợi khen trưởng thành hơn mà tất cả chúng ta phải kêu gọi. Chúng ta thất bại trong quá trình tiến đến chỗ đó, nhưng ân điển của Chúa sẽ không ngừng nâng chúng ta lên cao hơn trong lãnh vực ngợi khen.

Đức Chúa Trời ngự giữa sự khen ngợi của dân sự Ngài. Ngợi khen hình thành chiếc ngai qua đó Đức Chúa Trời ngự trị và cai quản các tình huống của chúng ta. Sự ngợi khen làm lưu xuất quyền năng Đức Chúa Trời để chữa lành và thi thố các phép lạ. Các linh tôn giáo và người Pharisi ghét sự ngợi khen ! Sự ngợi khen đúng với Kinh Thánh và làm vinh hiển Đức Chúa Trời và là một dấu hiệu của Cơ Đốc Giáo thời Tân Ước. Đừng quên Chúa Giêxu được gọi là Sư tử của chi phái Giuđa, và Giuđa có nghĩa là ngợi khen. Ngài cai trị với tư cách Vua (Sư Tử) trên chi phái ấy (những người Ngài chọn – (I Phierơ 2:9).

Đến đây chúng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của sự ngợi khen, vậy chính xác chúng ta phải ngợi khen Chúa như thế nào để đến gần Ngài và kinh nghiệm sự hiện diện và quyền năng của Ngài? Chúng ta phải ngợi khen Chúa, không theo nếp nghĩ hoặc nền tảng tôn giáo của riêng mình, mà theo lời Kinh Thánh và bởi sự dẫn dắt của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho thấy chúng ta phải ngợi khen Ngài bằng bài hát, và sự nhảy múa.

Bạn thân của tôi, người cầu thay mạnh mẽ tầm cỡ thế giới, bà Minnie Johnson Kemmery quá cố, thường nói rằng có quyền năng trong sự nhảy múa. Thậm chí vào những năm gần chín mươi tuổi, bà vẫn thường ngợi khen Chúa bằng sự nhảy múa và sự xức dầu lạ lùng luôn luôn được lưu xuất. Ngợi khen Chúa qua sự nhảy múa là một phần tích cực trong những lời cầu thay của bà cả ngày và đêm. Không lạ khi bà mở các hội thánh ở các khu vực khó khăn thuộc vùng Trung Đông. Bà được coi là nhà truyền giáo hàng đầu ở tại Jordan, Ysơraên và Bắc Phi trong thế hệ của bà. Ngợi khen khiến chức vụ cầu thay của bà không hề nặng nề mà thay vào đó là niềm vui sướng của lòng bà.

Chúng ta cũng hãy lớn tiếng ngợi khen Ngài. Thi thiên 47:1-2 chép rằng : “Hỡi các dân, hãy vỗ tay, hãy lấy tiếng thắng trận mà reo mừng Đức Chúa Trời. Vì Đức Giêhôva Chí cao thật đáng kính; Ngài là vua lớn trên cả đất.” Chúng ta phải lấy đức tin la lớn từ nơi sâu thẳm của lòng mình như những người đi vòng quanh thành Giêricô bởi vì chiến thắng của thập tự giá là của chúng ta. Với tay giơ cao và trọn tấm lòng, chúng ta hãy ngợi khen Ngài. Nguyện chúng ta không ngợi khen Chúa cách hởi hợt nữa vời mà bằng tất cả những gì có trong lòng mình. Có lời chép rằng : “Phàm vật chi thở, hãy ngợi khen Đức Giêhôva.” (Thithiên 150:6) Sự ngợi khen không yên lặng mà là cách bày tỏ lớn tiếng qua môi miệng tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêxu, lòng biết ơn đối với những gì Ngài làm cho chúng ta và bởi vì Ngài là Đấng nào đối với chúng ta.

Tôi khám phá ngợi khen là một công cụ mạnh mẽ trong việc thành lập hội thánh và chiến trận thuộc linh. Lần nọ, khi ở Rumani, Chúa cho tôi nói tiên tri nghịch cùng các chủ quyền và các thế lực. Đêm hôm đó tôi có chiêm bao, trong giấc mơ tôi đang xé các mặt nạ của sự lừa dối khỏi đời sống dân chúng. Tôi nghe tiếng phán vang vọng thật lớn rằng : “Các tà linh của quá khứ sẽ bị đánh bại bởi sự ngợi khen.” Khi tôi thức giấc, vùng không gian linh trong phòng rung động, và giống như Gia cốp ngày xưa, tôi biết chắc rằng Chúa đang ở tại nơi này. Và rồi tôi đã hiểu vì sao sứ điệp ngợi khen lại bị các hội thánh “Ngũ tuần” truyền thống phản đối dữ dội như vậy. Mặc dù có tinh thần cầu nguyện dưới thời cộng sản, họ vẫn chưa biết đến sự ngợi khen. Họ ở dưới tình trạng nô lệ giống như dân Ysơraên ở tại Aicập. Những giáo lý sai lạc và các quỉ tôn giáo phản đối sứ điệp ngợi khen dữ dội và cầm giữ họ trong tình trạng nô lệ thậm chí cho đến ngày hôm nay. Vì sao vậy? Sự ngợi khen thanh tẩy bầu không khí, cột trói các thế lực ma quỉ, và làm sạch Nhà Đức Chúa Trời. Các linh của sự kiểm soát, phù phép, nô lệ, và sợ hãi tiếp sức cho chủ nghĩa lừa dối đang bị tiêu diệt khi những lời ngợi khen của phong trào hội thánh mới dâng lên thiên đàng ở tại Đông Âu. Cầu nguyện chưa đủ. Đó chỉ mới là một cánh chim. Phải có sự cầu nguyện và sự ngợi khen để hình thành hai cánh của Cơ đốc nhân để bay vút lên các nơi trên trời.

Theo ngôn ngữ gốc, ngợi khen có nghĩa là : “điên cuồng ầm ĩ, nhảy lên không và xoay tròn.” Ngợi khen không phải là điềm tĩnh, sùng kính, cũng không bị hăm dọa bởi con người hoặc ma quỉ. Nguyện Thánh Linh Chúa khiến chúng ta luôn dâng lên Chúa những của lễ ngợi khen. Halêlugia là một từ dành cho mọi người ở khắp thế giới, từ này có nghĩa là ngợi khen Chúa. Những người chơi kèn và các ca sĩ cùng thực hiện một âm thanh lớn trong sự ngợi khen và cảm tạ dâng lên Chúa. Họ cất tiếng lên và chơi những nhạc cụ để ngợi khen Chúa : “Vì Ngài là thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời !” Sau đó, đám mây vinh hiển đến và đầy dẫy khắp nhà. Trong thời kỳ phục hưng, những sự bày tỏ quyền phép như vậy ngày càng mạnh mẽ hơn nữa khi hội thánh giảng tin lành cho các dân và ngày càng giống Hội thánh thời Tân Ước hơn. Khen ngợi các thần khác đem đến sự đoán phạt, nhưng ngợi khen Đức Chúa Trời hằng sống làm gia tăng sự phát triển trên đất và lưu xuất các ơn phước của Chúa trên đời sống cá nhân. Ôi nguyện Chúa ban cho chúng ta ân điển để ngợi khen Ngài sâu nhiệm hơn cho đến khi lối sống của chúng ta đầy dẫy sự ngợi khen. Halêlugia !

 

(Nguồn: vietchristian.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan