Bài viết dưới đây giải thích cho câu hỏi tại sao các Hội Thánh Cơ Đốc không thờ phượng vào ngày Sa-bát (ngày thứ bảy trong lịch của người Do thái) mà thờ phượng vào ngày Chúa Nhật của lịch chúng ta dùng hiện nay (ngày thứ nhất trong tuần lễ của người Do Thái). Bài viết được trang mạng của Trung Tâm Truyền Giáo Việt Nam chép lại từ buổi hỏi đáp với Mục sư Trần Tấn Hoài Nhơn trên đài truyền hình STBN.
Phương Uyên xin kính chào qúy khán thính giả của đài SBTN.
Hôm nay, Phương Uyên xin giới thiệu với quý vị buổi trò chuyện với Mục sư Trần Tấn Hoài Nhơn, hiện đang hầu việc Chúa tại Hội Thánh Tin Lành Báp Tít Phục Hưng, Falls Church Virginia .
Kính chào Mục sư.
CÂU HỎI #1
Phương Uyên có một thắc mắc mà từ lâu nay mà không dám hỏi ai. Hôm nay xin Mục sư giúp để giải tỏa.
Đó là tại sao các Cơ đốc nhân đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật để thờ phượng Chúa thay vì ngày thứ Bảy. Sở dỉ PU thắc mắc vì trong Kinh Thánh, trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời có điều răn dạy rằng phải lấy ngày thứ Bảy là ngày nghĩ để làm ngày thánh. Ngày thứ Bảy tức là ngày Sa bát được người Do Thái tôn trọng và họ có luật riêng cho ngày này.
Thưa mục sư, tại sao Do thái giáo tôn trọng ngày thứ Bảy và dùng ngày thứ Bảy để thờ phượng Chúa?
TRẢ LỜI #1
Sabát, tiếng Hêbơrơ là shabbath, nghĩa là : nghỉ ngơi. Ngày Sabát là ngày nghỉ ngơi. Vì “ngày nghỉ ngơi “ rơi vào ngày thứ Bảy cho nên chữ “Ngày Sa bát” được dùng đồng nghĩa với “ngày thứ Bảy”.
“Ngày Thứ Bảy” lần đầu tiên được nhắc đến trong Sáng thế ký 2:2-3: “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. 3 Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.”
“Ngày Sa-bát” đầu tiên được dùng trong sách Xuất Ê díp tô ký. Khi dân Do Thái rời xứ Ai-cập ít lâu, họ gặp tình trạng thiếu lương thực và Đức Chúa Trời ban chim cút và ma-na để ăn.
Xuất 16:22-26 viết
“Đến ngày thứ sáu, dân sự lượm lương thực gấp hai; mỗi người hai ô-me. Các hội trưởng đến thuật lại cho Môi-se rõ. Người đáp rằng: Ấy là lời Đức Giê-hô-va đã phán rằng: Mai là ngày nghỉ, tức ngày Sa-bát thánh cho Đức Giê-hô-va, hãy nướng món chi các ngươi muốn nướng, hãy nấu món chi các ngươi muốn nấu; hễ còn dư, hãy để dành đến sáng mai. Dân sự bèn để dành cho đến sáng mai, y như lời Môi-se đã truyền; vật đó chẳng sanh mùi hôi hám và cũng chẳng hóa sâu chút nào. Môi-se bèn nói rằng: Bữa nay hãy ăn đồ đó đi, vì là ngày Sa-bát của Đức Giê-hô-va; hôm nay các ngươi chẳng tìm thấy vật đó ở trong đồng đâu. Các ngươi lượm trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, sẽ chẳng có đâu.”
Sau đó Đức Chúa Trời ban điều răn trong Xuất 20:8 “Hãy nhớ ngày nghỉ ( sa bát) đặng làm nên ngày thánh.”
Vì vậy dân Do Thái vâng giữ điều răn thứ tư này.
CÂU HỎI #2
Cơ đốc giáo phát xuất từ Do Thái, Chúa Jesus sinh tại nước Do Thái . Kinh Thánh của Cơ đốc giáo phần Cựu Ước nằm trong kinh Torah của Do Thái giáo nhưng tại sao hầu hết các hệ phái Tin Lành cũng như Thiên Chúa giáo lại dùng ngày Chúa nhật làm ngày thánh để thờ phượng Chúa. Tại sao có sự thay đổi này. Điều này có phạm vào điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời không?
TRẢ LỜI #2
Trước hết, ngày Sa bát là một dấu hiệu đặc biệt giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên.
Xuất Ê-díp-tô-ký 31:16-17 ghi rõ: “Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho ta cùng dân Y-sơ-ra-ên, vì Ðức Giê-hô-va đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và lấy sức lại.”
Trong Phục truyền luật lệ ký đoạn 5, sau khi truyền mạng lệnh kỷ niệm ngày Sa bát , Môi-se trong câu 15 đưa ra lý do ngày Sa bát được trao cho dân Y-sơ-ra-ên: “Khá nhớ rằng ngươi đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thẳng ra đem ngươi ra khỏi đó; bởi cớ ấy cho nên Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ.”
Chúa Jesus giải thích lý do mà Đức Chúa Trời lập ngày Sa bát trong Mác 2:27 “Đoạn, Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” Nghĩa là Đức Chúa Trời muốn dân sự của Ngài phải giữ một ngày để nghỉ ngơi mà nhớ đến Đức Chúa Trời.
Tóm lại, Chúa ban ngày Sa bát cho dân Y-sơ-ra-ên là họ nhớ lại những ngày nô lệ tại xứ Ai Cập của họ và được Chúa giải cứu và dùng ngày đó để nghỉ ngơi.
Trong thời kỳ Tân Ước, trước hết, thật ngạc nhiên khi chúng ta biết 10 điều răn của Đức Chúa Trời trong Xuất 10:1-17, chỉ có 9 điều răn được nhắc lại trong Kinh Tân Ước. Điều răn về ngày Sa bát không được nhắc đến.
Khi Chúa Jesus trả lời câu hỏi của người trẻ tuổi giàu làm thế nào để có sự sống đời đòi, Chúa chỉ nhắc đến 5 điều răn trong Mathiơ 19:18 gồm chớ giết người, chớ tà dâm,trôm cắp, làm chứng dối và phải hiếu thảo với cha mẹ . Kế đến Chúa Jesus nhắc thêm điều răn khác là yêu kẻ lân cận mình. Chúng ta không thấy Chúa nhắc đến điều răn thứ tư.
Khi các môn đồ của Chúa bứt bông lúa mì trong Ngày Sa bát , các thấy Pha-ra-si cho rằng các môn đồ này phạm luật , Chúa đáp lại rằng chúa là Chúa ngày Sabát. (Mathiơ 12:8).
Chúa Jesus đến nhà hội của người Do Thái trong ngày sa bát vì ngày đó và tại đó có người Do Thái nhóm lại để Ngài giảng dạy chớ không phải để để thờ phượng trong ngày Sa bát.
Ngày Sa bát được đề cập từ sách Công vụ là những cơ hội để Phao lô hay các sứ đồ của Chúa rao truyền tin lành cho người Do Thái. Phao Lô đã không đi đến nhà hội để thờ phượng hay thông công nhưng để vạch ra sai lầm và giải cứu người bị hư mất.
Điểm lưu ý khác nữa là từ khi Phao Lô tuyên bố “Từ bây giờ tôi sẽ đi đến với dân ngoại” trong Công vụ 18:6, ngày Sa bát không bao giờ được đề cập một lần nào nữa.
Chúng ta cũng phải để ý đến hiện tượng quan trọng lien quan đến ngày thờ phượng của những Hội Thánh đầu tiên.
Kinh Thánh không bao giờ đề cập đến các tín hữu nhóm lại để thông công hoặc thờ phượng Chúa vào ngày Sa bát (thứ bảy). Tuy nhiên, có những đoạn rõ ràng đề cập đến ngày đầu tiên trong tuần. Trong Công vụ cho chúng ta biết họ nhóm họp trong ngày Chúa nhật, tức là ngày thứ nhất trong tuần. Lu-ca viết “Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nửa đêm.”
Phao-lô qua lá thư thứ nhất gởi cho Hội Thánh Co-0rinh tô cũng dặn dò như sau trong 1 Cô rinh tô 16:1-2, “Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội thánh xứ Ga-la-ti. 2 Cứ ngày đầu tuần lễ. mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.”
Ngày nay, ngày sa bát không còn quan trọng đối với chúng ta nữa.
Rô-ma 14:5-6 cho biết, “Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. 6 Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.”
Chúng ta thờ phượng Chúa mỗi ngày, không chỉ ngày thứ Bảy hay Chúa Nhật.
Cô-lô-se 2:16-17 cho biết thêm, “Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.”
Ngày Sa bát dành cho dân Y-sơ-ra-ên, không phải cho Hội Thánh. Ngày Sa bát vẫn là thứ bảy và chưa bao giờ được thay đổi. Nhưng ngày Sa bát là một phần của luật pháp Cựu Ước và những Cơ Đốc nhân đều tự do khỏi bị ràng buộc của luật pháp. Giữ ngày Sa bát là việc không cần cho các Cơ Đốc nhân. Ngày đầu tiên của tuần là Chúa nhật là ngày của Chúa, với Đức Chúa Trời đó là ngày chào mừng sự sáng tạo mới, với Chúa Jesus, đó là ngày Đấng Christ của chúng ta phục sinh.
Cám ơn Mục sư
Kính thưa quý khán thính giả – Vì thời gian phát hình có giới hạn nên chúng tôi tạm chấm dứt tại đây. Xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.
Kính chào và kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe, sống vui thỏa bình an và một năm mới thật phước hạnh.
(Nguồn: conduongvinhphuc.com)