Tấm lòng của ông tuôn trào Lời Chúa: John Bunyan (1628 – 1688)

Share

Năm 1672, khoảng năm mươi dặm về phía tây bắc Luân Đôn ở Bedford, John Bunyan được thả ra khỏi 12 năm tù. Cũng như các thánh đồ chịu khổ trước và sau đó, Bunyan thấy nhà tù là một món quà có đau khổ và có kết quả. Đến 300 năm sau Aleksandr Solzhenitsyn mới hiểu được mấy lời của ông ta, cũng giống như Bunyan, là người đã tận dụng cảnh tù đày của mình để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật làm thay đổi thế giới. Sau khi bị giam trong trại cải tạo của Joseph Stalin ở Nga, Solzhenitsyn viết rằng:

   Tôi nhớ lại những năm tháng tù đày và nói trong sự ngỡ ngàng của mọi người rằng: “Nhà tù thật là phước hạnh!” Tôi . . . đã phục vụ đủ thời gian ở đó. Tôi đã nuôi dưỡng linh hồn mình ở đó và tôi nói không chút do dự rằng: “Nhà tù thật là phước hạnh, vì nó đã xuất hiện trong cuộc đời tôi!” (Quần đảo Gulag, quyển 2, trang 617)

   Làm thế nào một người có thể nói ở tù là phước hạnh? Cuộc đời và chức vụ của Bunyan có một câu trả lời.

Bắt đầu công việc của Đức Chúa Trời

   John Bunyan sinh ra ở Elstow, khoảng một dặm về phía nam của Bedford, Anh quốc, vào năm 1628. Bunyan đã học nghề gia công kim loại, hay “thợ hàn”, từ cha mình. Vì nghèo khổ nên ông chỉ biết đọc và biết viết, ngoài ra chẳng biết gì nữa. Ông không học đại học chính quy, điều này làm cho tác phẩm và ảnh hưởng của ông trở nên đáng kinh ngạc hơn.

   Bunyan không hề biết Chúa suốt năm tháng trưởng thành của mình. Ông nói với chúng ta rằng: “Tôi có rất ít người ngang hàng với mình, đặc biệt là khi xem xét quá khứ của tôi . . . vì đã nguyền rủa, chửi thề, nói dối và nói phạm thượng đến danh của Đức Chúa Trời. Cho đến khi kết hôn, tôi là người cầm đầu tất cả thanh niên làm bạn với mình, làm đủ trò xấu xa và bậy bạ” (Grace Aloting to the Chief of Sinners, trang 10-11).

   Ông “đã kết hôn” khi được 20 hoặc 21 tuổi, nhưng chúng ta không biết tên người vợ đầu tiên của ông. Những gì chúng ta biết là nàng rất nghèo, nhưng có một người cha tin kính đã qua đời và để lại cho nàng hai quyển sách để bước vào cuộc hôn nhân: Đường về thiên quốc của người đàn ông tầm thường và Thực hành đạo đức. Bunyan nói rằng: “Trong hai quyển sách này, có lúc tôi đọc với nàng, tôi cũng tìm thấy một vài điều làm mình hài lòng; nhưng hầu hết nội dung trong sách không làm tôi thấy thuyết phục” (Ân điển dư dật, trang 13). Nhưng công tác của Đức Chúa Trời đã bắt đầu. Chúa đã kéo chàng trai Bunyan trẻ tuổi đã có vợ đến cùng Ngài.

‘Sự công bình ngươi ở trên trời’

   Trong 5 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, Bunyan đã được cải đạo sâu sắc theo Đấng Christ và sinh hoạt tại một Hội Thánh không theo quốc giáo ở Bedford. Đó là một quá trình rất dài và đau đớn.

   Ông đã nghiền ngẫm Kinh Thánh, nhưng không tìm thấy sự bình an hay sự đảm bảo nào cả. Có những lúc nghi ngờ Kinh Thánh và linh hồn của mình rất nhiều. “Vô số những lời nói phạm thượng, chống đối Đức Chúa Trời và Đấng Christ, rồi Lời Chúa đầy dẫy tâm linh tôi, khiến tôi hoàn toàn bối rối và kinh ngạc . . . Làm thế nào chúng ta có thể nói người Thổ Nhĩ Kỳ có Kinh Thánh tốt để chứng minh Mahomet của họ là Cứu Chúa như chúng ta có Kinh Thánh để chứng minh Chúa Jêsus là Cứu Chúa của mình? (Ân điển dư dật, trang 40). “Tôi đã có lúc cứng lòng. Nếu ai cho tôi một ngàn bảng Anh để rớt một giọt nước mắt, tôi không thể rơi một giọt nước mắt nào cả” (Ân điển dư dật, trang 43).

Sau đó là giây phút quyết định.

   Một ngày nọ, khi tôi đi qua cánh đồng . . . Câu này xuất hiện trong tâm hồn tôi. Sự công bình ngươi ở trên trời. Thế là, tôi đã nhìn thấy bằng con mắt của linh hồn mình rằng Đức Chúa Jêsus Christ đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời; tôi nói rằng đó là sự công bình của tôi; hầu cho tôi ở đâu, hoặc tôi làm gì, Đức Chúa Trời không còn đòi hỏi sự công bình của tôi nữa, vì Chúa đã có sự công bình ở ngay trước mặt Ngài. Hơn nữa, tôi cũng thấy rằng không phải tấm lòng tốt đẹp khiến tôi có thêm sự công bình, cũng không phải tấm lòng xấu xa khiến tôi có ít sự công bình, vì sự công bình của tôi là Đức Chúa Jêsus Christ, “hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13: 8). Bấy giờ, xiềng xích đã rớt khỏi chân tôi rồi (Ân điển dư dật, trang 90-91).

   Vậy, vào năm 1655, khi linh hồn của ông được bình yên, ông được mời về dạy dỗ Hội Thánh, đột nhiên một nhà truyền đạo vĩ đại hiện ra. Ông sẽ không được cấp phép làm Mục Sư của Hội Thánh Bedford cho đến 17 năm sau đó. Nhưng danh tiếng người truyền đạo mạnh mẽ của ông đã truyền đi khắp nơi. Công việc của ông thêm nhiều lên. “Khi cả nước đều biết . . . tên thợ hàn trở thành nhà truyền đạo”, người viết tiểu sử là John Brown cho chúng ta biết rằng: “họ đã nghe hàng trăm người đồn từ khắp mọi nơi” (John Bunyan: Cuộc đời, Thời kỳ và Chức vụ, trang 105). Trong thời kỳ tự do tín ngưỡng ở Anh quốc, chỉ cần biết trước một ngày thì sẽ có đám đông 1,200 người đến nghe ông giảng lúc 7 giờ sáng vào một ngày trong tuần (John Bunyan, trang 370).

Nhà tù và lương tâm trong sạch

   Mười năm sau khi họ kết hôn, khi Bunyan ba mươi tuổi, vợ ông qua đời, để lại cho ông bốn đứa con dưới mười tuổi, một trong số đó bị mù. Một năm sau, vào năm 1659, ông kết hôn với Elizabeth, một người phụ nữ tài giỏi. Tuy nhiên, một năm sau khi kết hôn, Bunyan đã bị bắt vào tù vì không tuân thủ các tiêu chuẩn từ Hội Thánh Tối cao của Charles II, là vị vua mới lên ngôi của Anh quốc. Nàng Elizabeth đang mang thai đứa con đầu lòng của họ và bị sảy thai trong cuộc khủng hoảng. Sau đó, một mình nàng chăm sóc bốn đứa con của chồng mình như là mẹ kế của chúng trong 12 năm và sinh thêm hai đứa con là Sarah và Joseph.

   Trong 12 năm, Bunyan đã chọn ở tù và lương tâm trong sạch còn hơn là được tự do và lương tâm vấy bẩn bởi một thỏa thuận sẽ không rao giảng nữa. Ông có thể được tự do khi nào ông muốn. Nhưng ông và Elizabeth là hai sản phẩm từ một nhà sản xuất. Mặc dù có lúc ông bị dày vò không thể đưa ra quyết định đúng đắn cho gia đình của mình, nhưng khi được yêu cầu rút lui và không rao giảng nữa, ông nói rằng:

   Nếu tôi hy sinh lương tâm của mình và biến nó thành cái lò mổ để làm hài lòng người khác . . . thì tôi đã quyết định, có Đức Chúa Trời Toàn Năng vùa giúp và bảo vệ, tôi sẽ chịu đựng cho đến hơi thở cuối cùng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chịu đựng cho đến khi rêu mọc rậm trên lông mày, còn hơn từ bỏ đức tin và các nguyên tắc thiêng liêng của mình. (John Bunyan, trang 224)

   Năm 1672, ông được thả ra khỏi nhà tù nhờ có Bản Tuyên bố Tự do Tôn giáo. Ngay lập tức, ông được cấp phép làm Mục Sư của Hội Thánh ở Bedford, đây là nơi ông đã phục vụ suốt thời gian dài, ngay cả từ trong tù, bằng các bài viết và những lần thăm viếng định kỳ. Họ đã mua một nhà kho và cải tạo thành nhà thờ đầu tiên, đây là nơi Bunyan phục vụ trong vai trò Mục Sư suốt 16 năm tiếp theo cho đến khi qua đời. (Ông bị tù thêm một lần nữa vào mùa đông và mùa xuân năm 1675-76. John Brown nghĩ rằng đây là thời điểm Thiên lộ Lịch trình được viết).

   Vào tháng 8 năm 1688, Bunyan đã đi 50 dặm đến Luân Đôn để rao giảng và giúp một người đàn ông trong Hội Thánh làm hòa với người cha đã sống xa cách mình. Ông đã thành công trong cả hai nhiệm vụ. Nhưng sau chuyến đi đến một quận xa xôi, ông trở về Luân Đôn trên lưng ngựa dưới trời mưa tầm tã. Ông bị sốt cao độ, vào ngày 31 tháng 8 năm 1688, ở tuổi 60, ông đã tiếp bước theo người lữ khách hư cấu nổi tiếng của mình từ Thành Hủy Diệt vượt qua con sông để tiến vào Thiên Thành.

“Chúa Jêsus chưa bao giờ thật hơn như thế”

   Vậy thì, câu hỏi mà tôi thắc mắc về sự đau khổ của Bunyan là: Kết quả là gì? Sự chịu khổ trong cuộc đời của ông, qua cuộc đời của ông, có kết quả thế nào cho cuộc đời của nhiều người khác? Dẫu biết rằng tôi đang bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, nhưng tôi sẽ trả lời những chi tiết ấy bằng một nhận xét: Sự đau khổ đã thôi thúc ông đến với Lời Chúa và soi sáng Lời Chúa cho ông.

   Nhà tù đã chứng minh cho Bunyan thấy đó là một nơi thiêng liêng để thông công với Đức Chúa Trời, vì sự đau khổ của ông làm sáng tỏ Lời Chúa và giúp ông có được mối tương giao sâu sắc nhất với Đấng Christ mà ông chưa hề biết bao giờ. Ông viết rằng:

   Trong suốt cuộc đời, tôi chưa từng biết Lời Chúa tuyệt vời đến như bây giờ [trong tù]. Những câu Kinh Thánh mà tôi chẳng thấy gì cả trước đây đã xuất hiện và soi sáng cho tôi vào lúc đó. Đức Chúa Jêsus Christ cũng chưa bao giờ thực tế và rõ ràng hơn bây giờ. Lúc ấy, tôi đã thấy và cảm biết Ngài . . . Tôi chưa bao giờ biết Chúa ở bên cạnh mình mọi lúc, và mỗi khi quỷ Sa-tan muốn làm khổ tôi bằng những đề nghị hấp dẫn, như tôi đã thấy Ngài kể từ khi vào nơi ấy. (Ân điển dư dật, trang 121)

   Bunyan đặc biệt quý mến những lời hứa của Đức Chúa Trời, như là chìa khóa để mở cửa thiên quốc. “Bạn ơi, tôi muốn nói rằng có mấy lời hứa mà Chúa đã giúp tôi bám chặt vào Đức Chúa Jêsus Christ từng hồi từng lúc mà tôi đã tìm thấy trong Kinh Thánh, còn quý hơn vàng bạc ở New York và Luân Đôn chất thành đống lên các vì sao”. (Những tác phẩm của John Bunyan, quyển 3, trang 721).

   Một trong những khung cảnh tuyệt vời nhất trong Thiên lộ Lịch trình, là khi nhân vật Cơ Đốc Nhân nhớ lại, trong ngục tối của Lâu đài Nghi Ngờ, rằng anh ta có chìa khóa mở cửa. Điều quan trọng đó là, không chỉ chìa khóa là gì, mà còn ở đâu nữa:

   Anh ta nói mình thật là ngốc khi ở trong ngục hôi thối trong khi có thể tự do đi lại ở ngoài kia! Tôi có một chìa khóa ở trong lòng, được gọi là Lời Hứa, mà tôi tin rằng nó sẽ mở bất kỳ ổ khóa nào trong Lâu đài Nghi Ngờ này. Sau đó, Hy Vọng nói rằng: Này người anh em, đó là tin lành đấy; hãy lấy nó ra khỏi lòng của anh và thử xem nhé!Sau đó, Cơ Đốc Nhân lấy nó ra khỏi lòng mình, rồi bắt đầu thử mở cửa ngục tối, cái chốt cửa (khi anh xoay chìa khóa) đã vừa khớp, cánh cửa mở ra một cách dễ dàng, còn Cơ Đốc Nhân và Hy Vọng cùng nhau bước ra ngoài. (Thiên lộ Lịch trình, trang 132)

   Ba lần Bunyan nói rằng chìa khóa nằm trong lòng của Cơ Đốc Nhân. Tôi hiểu điều này có nghĩa là, Cơ Đốc Nhân đã giấu chìa khóa trong lòng, bằng cách học thuộc lòng nên mới có thể lấy ra ở trong ngục tù (mặc dù anh không có quyển Kinh Thánh). Đây là cách Lời Chúa đã nâng đỡ và thêm sức cho Bunyan.

Ông tuôn trào Lời Chúa

   Mọi thứ ông viết đều chứa đựng Kinh Thánh. Ông nghiền ngẫm quyển Kinh Thánh tiếng Anh của mình, đó là tất cả những gì ông làm nhiều nhất. Đó là lý do tại sao ông có thể nói về các tác phẩm của mình rằng: “Tôi không vì những điều này mà câu cá trong hồ nước của người khác; Kinh Thánh và Thánh Kinh phù dẫn là thư viện duy nhất trong các tác phẩm của tôi” (John Bunyan, trang 364). Nhà truyền đạo vĩ đại ở Luân Đôn là Charles Spurgeon đã đọc Thiên lộ Lịch trình, trang năm, đã nói như thế này:

   Nếu thử chích vào người ông ta; thì chúng ta sẽ thấy máu chảy ra từ người của ông là Kinh Thánh, Lời Chúa tuôn trào ra. Ông không thể nói ra lời nào mà không trích dẫn một câu Kinh Thánh, vì tâm hồn của ông đầy dẫy Lời Chúa. (Tự truyện, quyển 2, trang 159)

   Cuối cùng, đây là lý do tại sao Bunyan vẫn ở với chúng ta đến ngày hôm nay thay vì biến mất trong sương khói của lịch sử. Ông ở với chúng ta và phục vụ chúng ta, vì ông tôn kính Lời Chúa và đầy dẫy Lời ấy trong mình, đến nỗi máu chảy ra cũng là Kinh Thánh – bản chất của Kinh Thánh tuôn chảy từ thân thể của ông.

   Đây là điều ông muốn bày tỏ với chúng ta. Sự phục vụ và sự chịu khổ đâm rễ từ trong Đức Chúa Trời, là sự phục vụ và sự chịu khổ đầy dẫy Lời Chúa. Chúng ta cần phải sống giống như vậy. Chúng ta cần phải chịu khổ giống như vậy. Nếu chúng ta được kêu gọi trở thành lãnh đạo ở giữa dân sự của Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải giúp dân sự đến Thiên Thành một cách an toàn. Chúng ta sẽ thuyết phục họ bằng Lời Chúa. Chúng ta sẽ nói với họ những điều Bunyan đã nói với mọi người trong thời của mình – và tôi nói với bạn, độc giả thân mến:

   Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trên con đường từ cổng địa ngục, là nơi chúng ta đang ở, đến cổng thiên quốc, là nơi chúng ta đang trở về, những bông hoa từ vườn địa đàng của Ngài. Hãy ghi nhớ những lời hứa, lời mời, lời kêu gọi và lời khích lệ, giống như hoa huệ, đang ở giữa chúng ta! Hãy nghe cho kỹ để chúng ta không giày đạp hoa ấy dưới chân mình. (Hãy đến với Đức Chúa Jêsus Christ, trang 112)

 

(Nguồn https://tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan