Tiểu Sử Ông Và Bà Giáo Sĩ Cadman

Share

NGƯỜI TRUNG TÍN CHO ĐẾN CHẾT

William Charles Cadman ra đời ở Rotherhithe, một vùng ngoại ô phía nam Luân Ðôn, thủ đô Anh quốc vào ngày 4 tháng 4 năm 1883. Cũng vào năm nầy, ở nước ta, vua Kiến Phúc lên ngôi và triều đình nhà Nguyễn ký Hòa Ước năm Quí Mùi với toàn quyền Harmand chấp nhận sự đô hộ của Pháp. Ông lớn lên trong một gia đình ngoại đạo, sống đời bình dị của một thanh niên trước sự thay đổi sâu rộng của cuộc cách mạng kỷ nghệ vào đầu thế kỷ 20. Ông chọn nghề ấn loát làm kế sinh nhai. Năm 1904, ông trở lại cùng Chúa, sau đó dâng mình hầu việc Ngài. Ông rời gia đình xuất dương du học ở trường Kinh Thánh Toronto Bible College, Canada, sau đó qua Mỹ theo học ở Viện Ðào Luyện Giáo Sĩ Truyền Giáo Missionary Training Institude ở Nyack, New York. 

Tháng 9 năm 1910, sau khi tốt nghiệp, ông xuống tàu đi Trung Quốc để cộng tác với Giáo sĩ R. A. Jaffrey mang Tin Lành đến cho người Quảng Ðông. Cũng vào thời điểm nầy, Tiến sĩ A. B. Simpson, người sáng lập Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp, với chủ trương nổ lực đem Tin Lành đến các xứ chưa tìm thấy ánh sáng của sự cứu rỗi, đã đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam, Tây Tạng và Sudan. Ðến mùa xuân năm 1911, các Giáo sĩ R. A. Jaffrey, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane, Trung phần Việt Nam, mở màng cho việc rao giảng đạo Chúa ở các quốc gia nhỏ bé vùng Ðông Nam Á. Ðây là bước đầu tiên Tin Lành đã đến với hằng trăm ngàn dân Việt từ bắc chí nam trong gần một thế kỷ. Trong bối cảnh đó, vào năm 1914, Chúa đã cho Giáo sĩ Cadman một khải tượng mới, ông vâng lệnh Ngài lên đường đến Việt Nam phục vụ. Tại đây ông gặp một bạn đồng tâm chí, là Cô Grace Hazenberg. Hai người làm lể thành hôn vào ngày 27 tháng 7 năm 1915, tại Yunnanfu, Trung Hoa. 

Bà Giáo sĩ Cadman, nhủ danh Grace Hazenberg, sanh ngày 27 tháng 9 năm 1876 tại Fulton, một làng nhỏ thuộc tiểu bang Illinois, nằm trên bờ sông Mississippi, giáp ranh với Iowa, ở về phía bắc thành phố Davenport. Lúc nhỏ, bà theo gia đình đi truyền giáo ở Nam Phi cho người Afrikaners, ngày xưa gọi là người Boers [1]. Bà theo học ở Nam Phi và đậu bằng Cử nhân, sau đó bà về Toronto, Canada, để học tiếp và tốt nghiệp Cao học. Chúa đã dọn đường cho công việc truyền giáo của bà qua sự huấn luyện và học hỏi nầy. Vào năm 1913, Bà là một trong 6 người đầu tiên được Ban Chấp Hành Hội Truyền Giáo ở Nữu Ước cử đến Tourane (Ðà Nẵng) Việt Nam. Họ mua cơ sở, thiết lập địa điểm truyền giáo đầu tiên tại vùng Ðông Nam Á. Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, bà là người duy nhất ở lại để tiếp tục duy trì và phát triển cơ sở mới nầy. Ðây là giai đoạn đầy cam go và thử thách cho công cuộc truyền giáo, hầu hết các giáo sĩ đều phải rời Việt Nam vì chính quyền không cho phép họ rao giảng đạo Chúa. 

Sau khi thành hôn, Ông Bà Giáo sĩ Cadman trở lại Việt Nam và ở lại đây gần một năm, đến khi tình trạng chuyển biến mỗi ngày một khó khăn thêm, ông bà phải tạm lánh sang Trung Quốc vài tháng. 

Khi chính quyền thay đổi thái độ và cho phép truyền giáo lại vào cuối năm 1916, Ông Bà Giáo sĩ William và Grace Cadman trở lại Việt Nam và  được chuyển ra Hà Nội. Vào năm 1917, ông bà mua tư thất để dùng làm nơi trú ngụ, xây dựng nhà thờ và một năm sau thì lập Cơ Sở Ấn Loát Tin Lành. Hoạt động truyền giáo lúc đầu rất khó khăn, gặp nhiều trở ngại từ chính quyền Pháp lẩn Việt, từ địa phương đến trung ương. Nhưng hột giống do ông bà gieo đã sớm gặt được kết quả và chính nhờ công khó của ông bà mà Hội thánh Hà Nội đã trở thành một Hội thánh vững mạnh nhất trong cả vùng Ðông Nam Á vào lúc bấy giờ. Từ căn bản nầy, nhiều Hội thánh chi nhánh lần lượt được mở ra tại các thành phố chính yếu ở miền Bắc. 

Lúc đầu Ông Bà Cadman dùng xe đạp để di chuyển, sau đó mua một chiếc xe Citroen cũ, kế là chiếc xe Ford 8 máy để gia tăng địa bàn hoạt động như: thăm viếng, phân phát Kinh Thánh, tài liệu Cơ đốc, giảng dạy về sự cứu rỗi và tình yêu thương vô điều kiện của Ðức Chúa Trời. 

Ông bà chỉ có một người con gái là Agnes, sanh tại Yunnanfu vào năm 1916. Em Agnes bị vướng bệnh sốt tê liệt khi ông bà về Canada nghỉ phép dài hạng lần đầu tiên, em được khỏi bệnh nhưng hãy còn yếu. Năm 1922, Agnes Cadman về nước Chúa và được an táng tại nghĩa trang thành phố Hà Nội. 

Thành quả đáng kể nhất của ông bà là việc dịch toàn bộ quyển Kinh Thánh ra tiếng Việt Nam, trong đó bà đã đóng một vai trò trọng yếu. Ông Bà Giáo sĩ Cadman, cùng với Giáo sĩ J. D. Olsen, Giáo sĩ I. R. Stebbins và nhiều cộng sự viên – như cụ Phan Khôi lo về lối hành văn – đã tận tụy làm việc trong suốt 10 năm để hoàn thành quyển Kinh Thánh Việt Nam toàn bộ đầu tiên vào năm 1926. Cũng nên biết, chữ quốc ngữ do Linh mục Ðắc Lộ soạn vào cuối thế kỷ 17 đã được chính phủ chính thức thừa nhận vào những năm cuối thập niên 1910 để thay thế chữ nôm (còn gọi là chữ Hán Việt). Trong giai đoạn chuyển tiếp nầy, chữ quốc ngữ, tuy còn mới mẽ, nhưng đã được nhiều người ưa thích và rất thông dụng trong quần chúng, vì lời văn dễ hiểu; trong khi chữ nôm chỉ được những người trí thức dùng. Về mặt văn chương, quyển Kinh Thánh nầy đã được các học giả thời bấy giờ khen ngợi và vẫn còn được đa số tín hữu sử dụng cho đến ngày nay. 

Ngoài việc dịch Kinh Thánh, ông bà còn hoạt động mạnh trong việc soạn dịch Thánh ca, truyền đạo đơn, và thực hiện nguyệt san Thánh Kinh Báo. Ấn phẩm nầy đã giúp Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tăng trưởng và gây dựng đời sống thuộc linh cho con cái, tôi tớ Chúa trên toàn quốc. Bà còn giúp soạn những bản tin “The Call of French Indo-China”, để liên lạc với các tín hữu bên Mỹ, trình bày những diễn tiến của công việc truyền giáo tại Việt Nam. Cơ sở Ấn Loát Tin Lành Hà Nội do ông bà thiết lập, trong 30 năm hoạt động, đã cho phát hành hằng triệu trang Kinh Thánh, sách chứng đạo, Thánh ca, bài học trường Chúa nhật, tài liệu gia đình lễ bái bằng tiếng Việt, tiếng Cam-bô-chia, tiếng Lào, và tiếng Thượng. Cơ sở nầy thật đã góp phần đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa, mang sự cứu rổi đến cho vô số linh hồn tại bán đảo Ðông dương. 

Trong cuộc thế chiến thứ hai, đa số các giáo sĩ không chịu về nước. Vào tháng 4 năm 1942, họ bị người Nhật lưu giữ và giam cầm tại Mỹ Tho, lúc nầy Bà Cadman được 66 tuổi. Năm sau bà bị đứt mạch máu não (stroke nhẹ), từ đó sức khỏe bà bị yếu dần. Giáo sĩ Cadman đã tận dụng thời gian nầy để hoàn tất quyển Thánh Kinh Từ Ðiển mà ông đã bắt đầu viết vào năm 1940, đây là tài liệu Từ Ðiển duy nhất được viết bằng Việt ngữ từ trước đến nay. Mặc dầu ông về với Chúa trước khi ông có dịp sửa chữa xong, Từ Ðiển nầy hiện vẩn là quyển sách gối đầu giường của nhiều con cái, tôi tớ Chúa muốn tìm hiểu và tra cứu lời Ngài. 

Ông nói: “Tôi cảm nhận sự thúc giục trong việc truyền bá sự cứu rỗi cho những linh hồn hư mất… Vì vậy chúng tôi cố gắng mở lại cơ sở ấn loát Tin Lành… Chúa Jêsus sẽ trở lại, Ngài sẽ trở lại nay mai. Khi đó chúng ta sẽ mặt đối mặt với Ngài và sẽ nhận được phần thưởng vì đã trung tín hầu việc Ngài… Chúng ta ngợi khen Chúa, Ngài là quê hương vĩnh cữu của chúng ta. Khi ẩn trú nơi Ngài, chúng ta có được sự bình yên. Vào những ngày cuối cùng tại thế, ông tâm sự rằng: Tôi không xem điều gì là quan trọng kể cả mạng sống và thân thể nầy để tôi có thể tận hưởng niềm vui trong khi thi hành chức vụ mà tôi đã nhận từ Ðức Chúa Jêsus để làm chứng về ân điển của Ðức Chúa Trời.”

Năm 1945, nước Nhật đầu hàng, chấm dứt đệ nhị thế chiến, tất cả các giáo sĩ đều trở về nước, ngoại trừ Ông Bà Cadman, Ông Bà E. F. Irwin và Giáo sĩ D. I. Jeffrey. Nhưng đến tháng 11 năm 1945, chỉ còn gia đình Giáo sĩ Cadman ở lại Việt Nam. Ông nói: “Các anh em trong Chúa ở đây đang gặp hiểm nguy, chúng ta không thể bỏ họ đơn côi, chúng tôi quyết định ở lại với họ”. Ngày 26 tháng 4 năm 1946, bà về với Chúa, hưởng thọ 69 tuổi. Ông là giáo sĩ độc nhất tại Việt Nam trong suốt 10 tháng cho đến khi Hội Truyền Giáo tiếp tục gởi người trở lại. Trong điện tín đánh về Mỹ báo tin buồn, ông viết: “Grace Cadman Trung Tín Cho Ðến Chết”, thật vậy bà đã trung tín với Chúa, trung tín trong chức vụ của bà và trung tín với chồng để làm vinh hiển danh Ðức Chúa Trời. 

Ðến năm 1947, Giáo sĩ Cadman trở về Mỹ nghỉ phép dài hạn. Ông đã lợi dụng dịp nầy để vận động mua được một máy in mới từ Anh Quốc. Ngày 26 tháng 4 năm 1948, ông thành hôn với Bà Anna G. Kegerize. Lẽ ra ông có thể nghĩ ngơi sau hơn 30 năm phục vụ ở hải ngoại, nhưng chỉ 2 tháng sau ông bà trở lại Việt Nam, đây là nhiệm kỳ thứ sáu của ông. Vừa đến Việt Nam, ông bà lên Ðà Lạt để tu sữa, tân trang ấn quán và chuẩn bị di chuyển nhà in từ Hà Nội về đây. Cũng trong thời gian nầy, ông đã duyệt lại quyển Thánh Kinh Từ Ðiển, một công trình nghiên cứu và biên soạn của ông trong 8 năm qua. 

Trong khung cảnh khó khăn của đất nước đang cố gắng phục hồi sau thế chiến thứ hai, ông nói: “Tôi cảm nhận sự thúc giục trong việc truyền bá sự cứu rổi cho những linh hồn hư mất… Vì vậy chúng tôi cố gắng mở lại cơ sở ấn loát Tin Lành… Chúa Jêsus sẽ trở lại, Ngài sẽ trở lại nay mai. Khi đó chúng ta sẽ mặt đối mặt với Ngài và sẽ nhận được phần thưởng vì đã trung tín hầu việc Ngài… Chúng ta ngợi khen Chúa, Ngài là quê hương vĩnh cữu của chúng ta. Khi ẩn trú nơi Ngài, chúng ta có được sự bình yên.Ể Vào những ngày cuối cùng tại thế, ông tâm sự rằng: “Tôi không xem điều gì là quan trọng kể cả mạng sống và thân thể nầy để tôi có thể tận hưởng niềm vui trong khi thi hành chức vụ mà tôi đã nhận từ Ðức Chúa Jêsus để làm chứng về ân điển của Ðức Chúa Trời.” 

Ngày 30 tháng 11 năm 1948, trong khi chờ đợi để ra sân bay đi Hà Nội, ông bị một cơn đau tim rất nặng (heart attack), gây đau đớn trong nhiều giờ. Sau vài ngày nghỉ ngơi, ông tiếp tục làm việc lại, ông đến dự buổi hiệp nguyện với các giáo sĩ trong ngày Chúa nhật 5 tháng 12. Hai ngày sau đó, ông dậy sớm dùng điểm tâm, thình lình ông ôm tay vào lòng ngực, ngã đầu về phía sau và được Chúa tiếp đi lúc 7 giờ 30 sáng, ngày 7 tháng 12 năm 1948, hưởng thọ 65 tuổi. 

Tang lễ được cử hành ngày hôm sau, 8 tháng 12 năm 1948, tại giảng đường của trường Ðà Lạt. Giáo sĩ Jeffrey chủ lễ, mỡ đầu với một bài về cố Giáo sĩ Cadman bằng tiếng Mỹ, kế đó Ông Ourgaud có một bài rất cảm động bằng tiếng Pháp và Mục sư Duy Cách Lâm thay mặt cho Tổng Liên Hội lên đọc một điếu văn ghi ơn người quá cố đã tận tụy hy sinh cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam từ buổi ban đầu. Bệnh viện Ðà Lạt cung cấp một xe hồng thập tự, xe được trang hoàng bằng những vòng hoa rất đẹp và mang di hài người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. Buổi lễ cử hành đơn sơ, đầy luyến tiếc dưới bầu trời giá buốt của Ðà Lạt vào tháng 12. Khi về với Chúa, ông đã để lại người vợ mới cưới được 8 tháng, hai người anh và một em gái sinh sống ở Anh quốc. 

Chẳng những Ông Bà Giáo sỉ Cadman đã dâng trọn cuộc đời để truyền giảng Tin Lành tại Việt Nam, sau khi mất, ông còn dâng cả di sản của mình cho Hội thánh để xây cất cô nhi viện Tin Lành Hòn Chồng, Nha Trang, trên miếng đất rộng 18 mẫu. Với sự giúp đỡ của Hội Bảo Trợ Nhi Ðồng Quốc Tế, cơ sở nầy được khánh thành vào ngày 4 tháng 9 năm 1953. 

Ông Bà Giáo sĩ Cadman là một trong những nhà truyền giáo tiên phong tại Việt Nam, ông bà có một người con gái độc nhất qua đời lúc 6 tuổi được an táng ở Hà Nội. Bà về với Chúa và được yên nghỉ ở nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi Sai gòn, còn ông thì được Tổng Liên Hội an táng ở Ðà Lạt. Sau mấy mươi năm thất lạc, gần đây tín đồ Hội thánh Tin Lành Ðà Lạt và Mục sư Lê Thành Chung, quản nhiệm Hội thánh Báp Tít Colorado Springs, đã tìm được ngôi mộ của ông. Khi dọn đất và cây cỏ ở trên, người ta vẫn còn đọc thấy dòng chữ khắc trên mộ bia: “Người Trung Tín Cho Ðến Chết.” 

Hương Mai

Mùa hè năm 1999 

(Nguồn: hoithanhkienbai.blogspot.com.au)

—————-

[1] Người Boers là những người gốc Âu châu di dân đến Nam Phi hằng mấy trăm năm trước, họ nói tiếng Afrikaans và có phong tục tập quán riêng biệt.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan