Mục Sư Người Việt Nam Đầu Tiên Của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

Share

MỤC SƯ HOÀNG TRỌNG THỪA (1875 – 1953)

Mục sư Hoàng Trọng Thừa là mục sư đầu tiên và cũng là Hội Trưởng đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, cụ tìm hiểu Chúa qua việc đọc Kinh Thánh và sau đó tin nhận Chúa. 

Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong giai đoạn đầu. Bên cạnh trách nhiệm hầu việc Chúa trong chức vụ mục sư, cụ cũng làm một thành viên trong Ban Phiên Dịch Kinh Thánh và là giáo sư người Việt đầu tiên tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Mục sư Hoàng Trọng Thừa cũng là người đã đặt nền móng cho việc truyền giáo cho các sắc tộc trên cao nguyên Việt Nam.

Nguyên Quán

Mục Sư Hoàng Trọng Thừa nguyên quán tại huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Có vài tài liệu ghi nguyên quán của Mục Sư Hoàng Trọng Thừa là huyện Bình Xương thay vì Bình Dương; tuy nhiên theo Đại Nam Nhất Thống Chí, phủ Tân Bình tỉnh Gia Định được thành lập vào thời vua Gia Long với bốn huyện: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Thuận An; đến thời vua Tự Đức, phủ Tân Bình được tổ chức lại chỉ còn ba huyện là Bình Dương, Tân Long và Bình Long; do đó nguyên quán của Mục sư Hoàng Trọng Thừa là huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Dầu Mục Sư Hoàng Trọng Thừa nguyên quán trong Nam, nhưng cụ sinh vào năm 1877 tại làng Nam Trung, tỉnh Thừa Thiên.

Học Vấn

Mục Sư Hoàng Trọng Thừa được sinh ra trong một gia đình khá giả theo truyền thống Nho giáo. Ngay từ niên thiếu, cụ đã sớm theo đòi việc bút nghiên. Cụ học chữ Nho suốt mười lăm năm nên có một căn bản rất vững về Nho giáo. Như bao sĩ tử thời đó, cụ ứng thí nơi khoa trường và mong “danh đề bảng hổ.” Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời đã chọn cụ cho công việc Ngài và Chúa đã có chương trình cho đời sống của cụ; cho nên dầu học rất giỏi và sau hai lần thi tại Huế, tên cụ vẫn không nằm trong danh sách những người được trúng tuyển. Dầu không trúng tuyển, Giáo sĩ Robert Jaffray cho biết cụ Hoàng Trọng Thừa đã làm việc trong thư khố của triều đình tại Huế một thời gian. Mục sư Lê Văn Thái cho biết cụ Hoàng Trọng Thừa là một nho sĩ nổi tiếng tại Huế.

Đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp tại Đông Dương quyết định chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ. Do đó, từ năm 1910 chính quyền Đông Dương đã thông báo sẽ chấm dứt thi chữ Nho. Kỳ thi Hương cuối cùng được tổ chức tại miền Bắc vào năm 1915 và tại miền Trung vào năm 1918. Trước hoàn cảnh đó, cụ Hoàng Trọng Thừa đã từ bỏ ý định theo đuổi khoa bảng và chuyển sang nghề Đông Y.

Tin Chúa

Năm 1913 cụ Hoàng Trọng Thừa rời Huế vào Tourane (Đà Nẵng). Lúc đó, Đà Nẵng là một nhượng địa thuộc Pháp. Người Pháp có kế hoạch phát triển Đà Nẵng thành một thương cảng để thay thế cho Hội An (Faifoo) vốn không còn phồn thịnh nữa. Để thực hiện dự án đó, trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 20, khá nhiều thương gia Pháp và ngoại kiều Tây Phương đã đến Đà Nẵng sinh sống. Như một số người Việt vào thời đó, cụ Hoàng Trọng Thừa đến Đà Nẵng tìm cơ hội mới.

Trước khi cụ Hoàng Trọng Thừa vào Đà Nẵng, năm 1911 các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian & Missionary Alliance – CMA) đã từ Hoa Nam (Trung Hoa) đến Đà Nẵng thành lập trung tâm truyền giáo. Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã mua lại cơ sở của Thánh Kinh Hội tại số 66 đường Khải Định và 67 đường Nguyễn Hoàng để làm trụ sở. Trong năm đầu tiên, chỉ có một mình Giáo sĩ Paul Hosler hoạt động tại Đà Nẵng. Sau đó các giáo sĩ Frank Soderberg (1912), Elizabeth Carothers (1912), Grace Hazenberg (1913), Florence Russell (1913), Henry Birkel (1914), William C. Cadman (1915), Marie R.H. Morgenthaler (1915), E. Franklin Irwin (1915) lần lượt đến Đà Nẵng. Đến năm 1915, có 9 giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp hoạt động tại Việt Nam.

Các giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp tích cực trong công việc truyền giáo. Chẳng bao lâu sau, khắp thị trấn Đà Nẵng, rồi cả tỉnh Quảng Nam, nhiều người đã nghe nói về “Đạo Mới.” Những người chưa bao giờ nghe về sự cứu rỗi của Chúa thì gọi đó là “Đạo Lạ.” Những người hiểu biết gọi là “Đạo Gia Tô.” Một số tín hữu Công giáo gọi là “Đạo Rối.” Tuy nhiên, đa số dân Quảng Nam gọi tôn giáo mới là “Đạo Huê Kỳ,” vì họ thấy các giáo sĩ đến từ Hoa Kỳ.

Tháng 6 năm 1913, Giáo sĩ Paul Hosler yêu cầu Hội Truyền Giáo cho phép xây dựng nhà thờ đầu tiên tại Đà Nẵng. Đến ngày 30 tháng 3 năm 1914, nhà thờ mới làm xong. Ngôi nhà thờ bằng tranh rất đơn sơ này đã được dùng làm nơi rao giảng Lời Chúa hằng tuần cho dân địa phương.

Khi cụ Hoàng Trọng Thừa vào Đà Nẵng, cụ cũng nghe nói đến “Đạo Huê Kỳ.” Thái độ của công chúng về Đạo Chúa khác nhau: nhiều người khen mà cũng lắm người chê. Cụ Hoàng Trọng Thừa muốn đích thân tìm hiểu lẽ thật nên cụ đến nhà thờ nghe giảng. Khi nghe giảng Lời Chúa, cụ hiểu tôn giáo mới mà nhiều người đồn đãi đó chính là Cơ Đốc giáo mà cụ đã có dịp tìm hiểu từ trước.

Mục sư Hoàng Trọng Thừa đã kể cho Mục sư Phan Đình Liệu và Mục sư Phạm Xuân Tín về việc cụ tìm hiểu đạo Chúa và tin Chúa như sau. Vào khoảng năm 1902, cụ Hoàng Trọng Thừa được một chủ tiệm buôn người Trung Hoa tặng cho một cuốn Kinh Thánh bằng chữ Hán. Cụ đã đọc đi đọc lại Kinh Thánh nhiều lần trong suốt hơn 10 năm và cụ cũng đã đọc một số sách Cơ Đốc giáo trong chữ Hán nên cụ hiểu tín lý của Cơ Đốc giáo.

Trong thời gian cụ đến tham dự các chương trình truyền giảng tại nhà thờ Đà Nẵng, các giáo sĩ đã tiếp xúc và làm quen với cụ. Khi biết cụ là một người có học, Giáo sĩ E. F. Irwin đã nhờ cụ dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ.

Trong thời gian dạy học cho các giáo sĩ, Giáo sĩ E.F. Irwin đã tìm cách giới thiệu niềm tin Cơ Đốc cho cụ Hoàng Trọng Thừa. Cụ Hoàng Trọng Thừa cho biết Giáo sĩ E. F. Irwin nói ít nhưng cụ hiểu nhiều vì cụ đã đọc Kinh Thánh từ lâu rồi. Dầu đã được giải thích về Chúa hơn hai năm và nhiều lần được mời tiếp nhận Chúa, cụ Hoàng Trọng Thừa vẫn không chịu tin nhận Chúa.

Tuy nhiên, vào khoảng tháng chín năm 1915, trong một giờ học Kinh Thánh vào buổi tối, sau khi nghe cụ Phúc chia xẻ Lời Chúa, Thánh Linh cảm động lòng cụ Hoàng Trọng Thừa sâu xa. Đêm hôm đó, cụ bằng lòng tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của đời mình.

Sau khi tiếp nhận Chúa, cụ thấy lòng mình được thay đổi lạ thường; những buồn bã, lo âu, cay đắng biến mất; lòng cụ cảm thấy thanh thản, bình an. Những điều mà cụ quan sát bấy lâu nay trong đời sống những người tin Chúa đã trở thành một kinh nghiệm thực trên đời sống của cụ.

Lúc đó, Đệ Nhất Thế Chiến diễn ra tại Âu Châu. Chính quyền Pháp tại Đông Dương lấy cớ tình nghi một số giáo sĩ làm gián điệp cho Đức nên đã ra lệnh cấm các giáo sĩ Tin Lành hoạt động. Theo Giáo sĩ E. F. Irwin, chỉ vài tháng trước khi người Pháp ra lệnh trục xuất các giáo sĩ, cụ Hoàng Trọng Thừa đã tin nhận Chúa. Theo các tài liệu của Hội Truyền Giáo, các giáo sĩ nhận được lệnh cấm hoạt động tại Đông Dương vào tháng 11 năm 1915; do đó, có lẽ cụ Hoàng Trọng Thừa đã tin Chúa vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm 1915.

Tập Sự Hầu Việc Chúa

Đức Chúa Trời có chương trình thật kỳ diệu. Ngài đã chuẩn bị một người Việt để lo công việc truyền giáo khi các giáo sĩ bị cấm hoạt động tại Việt Nam. Theo With Christ in Indochina, sau khi cụ Hoàng Trọng Thừa tin nhận Chúa, Giáo sĩ E. Frank Irwin đã tập cho cụ giảng Lời Chúa bằng cách đọc bài giảng cho cụ ghi lại, rồi nhờ cụ đọc trong giờ nhóm. Với cách huấn luyện như vậy, cụ Hoàng Trọng Thừa, trong cương vị của một người thông ngôn, đã trở thành một nhà truyền đạo.

Giáo sĩ E. F. Irwin cho biết Đức Chúa Trời đã chọn cụ Hoàng Trọng Thừa từ nhỏ cho công việc Ngài. Những năm tháng học chữ Nho của cụ đã được Chúa sử dụng. Khi nghe các giáo sĩ trình bày bài giảng, cụ có thể viết nhanh như người tốc ký và ghi lại với lời văn thật trau chuốt. Sau đó cụ đọc bài giảng trong nhà thờ. Lời Chúa đã chạm vào tấm lòng nhiều người.

Một số nhà nho xứ Quảng đến nhà thờ với mục đích bắt bí, làm cho cụ mất mặt, nhưng Đức Thánh Linh đã soi dẫn cụ trả lời đúng lúc, khiêm hòa và thỏa đáng. Sau ba tháng giảng như vậy, đã có 18 người tin Chúa và Hội Thánh Đà Nẵng được chính thức thành lập.

Số người nhận báp-têm tại Hội Thánh Đà Nẵng vào năm 1916 là 18 người và năm 1917 là 17 người. Đến cuối năm 1917 số tín hữu chính thức tại Hội Thánh Đà Nẵng là 42. Theo truyền thống của Hội Thánh Việt Nam, số tín hữu chính thức chỉ tính những người đã cầu nguyện tin Chúa, đã học giáo lý và đã nhận thánh lễ báp-têm. Số tín hữu đã tin Chúa, nhưng còn nhỏ tuổi, hoặc là người lớn nhưng chưa nhận lễ báp-têm thì không tính trong danh sách tín hữu chính thức của Hội Thánh.

Chúa ban phước cho công tác truyền giảng của cụ Hoàng Trọng Thừa được kết quả. Năm 1918, Hội Thánh Đà Nẵng có thêm 21 tín hữu báp-têm và sang năm 1919 có thêm 46 tín hữu báp-têm.

Năm 1918 hai giáo sĩ Irving R. Stebbins  và John D. Olsen được cử đến mở trung tâm truyền giáo mới tại Sài Gòn. Một thời gian sau, Giáo sĩ Irving R. Stebbins phải quay trở lại Đà Nẵng. Năm 1920, Giáo Hebert R. Jackson, Giáo sĩ F. L. Dodds, cùng Truyền đạo Đoàn Văn Khánh được cử đến để giúp Giáo sĩ John D. Olsen tại miền Nam. Vì hai giáo sĩ mới chưa nói tiếng Việt trôi chảy và Truyền đạo Khánh, dầu rất sốt sắng, nhưng vẫn chưa quen với công việc mới; do đó, năm 1920 theo yêu cầu của Hội Truyền Giáo, cụ Hoàng Trọng Thừa đã vào Sài Gòn trong vài tháng để giúp Truyền đạo Đoàn Văn Khánh giảng dạy cho các tân tín hữu tại Hội Thánh Sài Gòn. Số người thờ phượng Chúa mỗi Chúa Nhật tại Hội Thánh Sài Gòn là 30 người và số người tham dự buổi học Kinh Thánh trong tuần là 15 người.

Bên cạnh trách nhiệm giảng dạy Lời Chúa, cụ Hoàng Trọng Thừa cũng là một thành viên trong Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh do Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại bảo trợ. Cụ đã dịch một phần Kinh Thánh từ chữ Hán sang tiếng Việt.

Huấn Luyện Thần Học

Sau khi tiếp nhận Chúa, nhiều lần cụ Hoàng Trọng Thừa được Chúa kêu cụ dâng mình hầu việc Ngài; tuy nhiên, cụ đã từ chối và viện dẫn nhiều lý do khác nhau để thoái thác.

Không bao lâu sau khi Hội Thánh Đà Nẵng được thành lập, Giáo sĩ Robert A. Jaffray từ Trung Hoa sang Việt Nam thăm viếng công việc truyền giáo. Khi gặp cụ Hoàng Trọng Thừa, Giáo sĩ Robert A. Jaffray đề nghị cụ ghi danh theo học tại Trường Kinh Thánh Ngô Châu (Wuchow Bible School) tại Quảng Tây để được huấn luyện thần học chính thức. Mặc dầu lúc đó cụ Hoàng Trọng Thừa đã có kiến thức Kinh Thánh khá vững qua việc tự học và tham khảo các tài liệu Tin Lành trong chữ Hán, cụ cũng được các giáo sĩ hướng dẫn học Kinh Thánh hằng tuần, và cụ đã giảng mỗi tuần cho hàng trăm người, cụ Hoàng Trọng Thừa vẫn khiêm tốn bằng lòng nhận lời ghi danh học thần học.

Một trong những lý do cụ Hoàng Trọng Thừa nhận lời đi học Kinh Thánh vì cụ quý mến Giáo sĩ Robert A. Jaffray. Khi tập sự hầu việc Chúa trong chức vụ truyền đạo, lúc đó gọi là giảng sư, cụ Hoàng Trọng Thừa thường tham khảo các sách giải nghĩa Kinh Thánh và thần học trong chữ Hán. Một trong những cuốn sách mà cụ đã đọc, và đã dịch sang tiếng Việt, là cuốn Sự Tái Lâm Của Cứu Chúa do Mục sư Robert A. Jaffray viết. Khi Mục sư Robert A. Jaffray khuyên cụ nên học Kinh Thánh một cách chính quy, và khi biết Mục sư Robert A. Jaffray là tác giả một số sách cụ đã nghiên cứu, thì cụ Hoàng Trọng Thừa đã nghe theo lời khuyên của Giáo sĩ Jaffray.

Do nhu cầu công việc Chúa tại Đà Nẵng và vì tình hình chính trị tại Việt Nam không cho phép xuất ngoại, cụ Hoàng Trọng Thừa không thể sang Trung Hoa học tại Trường Kinh Thánh Ngô Châu. Cụ đã học Kinh Thánh bằng phương pháp hàm thụ. Bài học được Trường Kinh Thánh gởi từ Ngô Châu sang Việt Nam để cụ nghiên cứu. Mỗi kỳ thi, các giáo sĩ tại Đà Nẵng được cử làm giám thị. Thi xong bài được niêm lại và gởi về Trung Hoa chấm. Cụ Hoàng Trọng Thừa học rất giỏi. Những bài thi của cụ đều được các vị giám khảo tại Trung Hoa “khuyên đỏ” – xác nhận bài làm ưu tú.

Phong Chức Mục Sư

Theo biên bản của Hội Đồng tại Đà Nẵng vào tháng 2 năm 1920, Hội Truyền Giáo đã thảo luận về đề nghị sẽ phong chức mục sư cho cụ Hoàng Trọng Thừa sau khi cụ tốt nghiệp chương trình thần học. Trong kỳ họp đó, Hội Truyền Giáo đã yêu cầu Trường Kinh Thánh Ngô Châu gởi tiếp bài học cho năm tới.

Chín tháng sau, theo biên bản của Ủy Ban Điều Hành của Hội Truyền Giáo tại Việt Nam vào tháng 11 năm 1920, Giáo sĩ Robert Jaffray cho biết cụ Hoàng Trọng Thừa đã hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp với Trường Kinh Thánh Ngô Châu và đề nghị Hội Truyền Giáo nên xúc tiến việc phong chức mục sư.

Trong kỳ họp này, Ủy Ban Điều Hành Hội Truyền Giáo tại Đông Dương cũng đề nghị Giáo sĩ Robert Jaffray yêu cầu Mục sư H. E. Anderson, đại diện của Thánh Kinh Hội, cho phép cụ Hoàng Trọng Thừa được ngưng cộng tác với Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại trong việc phiên dịch Kinh Thánh để có thể dành trọn thời gian cho công tác truyền giảng trong tương lai.

Trong khoảng thời gian đó, Hội Truyền Giáo đang đối diện với hai nhu cầu cấp bách. Thứ nhất, Hội Truyền Giáo muốn hoàn tất bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ càng sớm càng tốt để việc truyền giáo được dễ dàng. Thứ hai, vào lúc đó Hội Truyền Giáo đã hoạt động tại Việt Nam gần 10 năm, nhưng chưa đào tạo được một mục sư người Việt nào. Hội Truyền Giáo cần có nhiều mục sư người Việt cộng tác để mở thêm các trung tâm truyền giáo và chi hội mới. Công tác phiên dịch Kinh Thánh rất cần nhưng có vài người có thể làm. Công tác rao giảng Lời Chúa trong tiếng Việt lúc đó chỉ có hai người là cụ Hoàng Trọng Thừa và thầy Khanh.

Cụ Hoàng Trọng Thừa hoàn tất chương trình thần học vào năm 1920. Như đã nói ở trên, năm 1921 do nhu cầu của công tác truyền giáo tại miền Nam, cụ được Hội Truyền Giáo cử vào Sài Gòn để hổ trợ công việc Chúa tại đó. Chúa ban ơn cho công việc Chúa tại Sài Gòn được kết quả. Với khả năng giảng dạy và kiến thức Kinh Thánh của cụ, cụ đã giúp các tân tín hữu tại Sài Gòn lớp lên trong sự nhận biết Chúa.

“Thầy” Hoàng Trọng Thừa nghiễm nhiên trở thành vị Truyền Đạo đầu tiên của Giáo hội Tin Lành đã chịu đựng bao nhiêu thử thách, tấn công của ma quỉ. Nhưng với ý chí cương quyết, ông Truyền Đạo Thừa đã nắm chặt Lời Chúa và được đắc thắng. Bàn chân của nhà Truyền Đạo không hề mệt mỏi này đã bôn ba trên khắp ba miền Trung Nam Bắc của lãnh thổ Việt Nam để chăm lo cho đời thuộc linh của tín hữu được lớn lên, đồng thời ông cũng năng nổ tất bật truyền rao ân phúc cứu độ của Chúa cho đồng bào hư mất, nên đã đem lại nhiều thành quả rất đáng khích lệ.

Gần hai năm sau khi hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp, ngày 3 tháng 9 năm 1922, cụ Hoàng Trọng Thừa được chính thức phong chức mục sư tại nhà thờ Đà Nẵng. Cùng được phong chức mục sư với cụ Hoàng Trọng Thừa trong năm 1922 là hai Giáo sĩ Arthur L. Hammond và H. Curwen Smith.

pastedGraphic_1.png
Cụ Hoàng Trọng Thừa trở thành mục sư đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và cũng là mục sư Việt Nam đầu tiên của Giáo hội Tin Lành trên thế giới.

Hội Trưởng Đầu Tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

Trong kỳ Hội đồng được tổ chức tại Đà Nẵng từ 5 – 13 tháng 3 năm 1927 nhằm tập hợp các giáo đoàn địa phương để tổ chức thành một giáo hội quốc gia, Mục sư Hoàng Trọng Thừa được các đại biểu bầu chọn để trở thành Hội trưởng đầu tiên của Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Ông đảm nhiệm chức vụ này trong các nhiệm kỳ một năm.

Ông cũng được cử vào ban giáo sư Trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng, và chủ tọa các Hội Thánh trải qua nhiều năm. Mục sư Thừa có lần vinh dự được mời sang Trung Hoa tuyên rao sứ điệp Chúa cách linh động đầy ơn cho kỳ Hội đồng đông đúc tham dự viên của Hội Thánh Chúa tại Trung Hoa, có Mục sư Quốc Foc Wo (Quách Phục Hòa) thông dịch.

Ông Mục sư Thừa cũng rất thương yêu, chú ý đến đồng bào thuộc các sắc tộc ít người trên miền cao nguyên Việt Nam, ông thường đặc biệt cầu nguyện cho họ. Trong một dịp tiện quí báu kia, Chúa cho ông lên miền cao nguyên truyền giảng Tin Lành cho số người này. Lần đó, đồng bào thiểu số ở một vùng đang bị hạn hán kéo dài, cảnh vật tiêu điều mòn mỏi rất nguy khốn. Những người ngoại đạo liền thách thức cụ Mục sư khả kính hãy kêu cầu Đức Chúa Trời quyền năng ban xuống cho họ một cơn mưa. Như tiên tri Ê-li của Chúa ngày xưa, ngay đêm ấy “Mục sư Thừa quỳ xuống úp mặt giữa hai đầu gối” thiết tha kêu nài Chúa hãy bày tỏ vinh quang quyền năng Ngài cho những người tối tăm này sớm thấy được ánh sáng của Ngài. Quả nhiên, Đức Chúa Trời không để cho đầy tớ Ngài phải hổ thẹn giữa đám dân ngoại giáo đầy mê tín, nên ngay trong đêm ấy Chúa đã ban cho họ một trận mưa dồi dào. Những người thiểu số này liền nhận biết Đức Chúa Trời Chân Thần Độc Nhất nên đã đầu phục Ngài.

Trải qua một chặng đường phục vụ khá dài, hy sinh gian khổ, sức khỏe cụ ngày một kém sức theo thời gian; năm 1942 cụ về nghỉ hưu. Nhưng dầu trong lúc nghỉ hưu, song tinh thần cụ vẫn hăng hái tiếp tay với các bạn đồng lao không ngừng theo ơn sức Chúa cho, cụ dành thì giờ phiên dịch các sách báo Tin Lành từ Hoa văn sang Việt văn; hoặc là đi làm chứng, phát sách báo Tin Lành cho đồng bào ở nơi gần. Lòng nhiệt thành quên cả lao nhọc đó được thể hiện qua bài thơ của cụ làm với tựa đề: “Cỡi ngựa sắt (xe đạp) đi giảng Tin Lành”, như sau đây:
“Ngày xuân êm ả lúc trời chiều,
Chân đạp vành xe bạn nối theo,
Mở rộng non sông, bang thẳng đất,
Đạp ngang gò đống khúc khăn đèo,
Nhìn qua đá nhảy mây xanh ngắt,
Ngoảnh lại dòng Gianh nước trắng pheo,
Cảnh đẹp Người Yêu đà dọn sẵn
Giống lành vì Chúa quyết đem gieo”.

Mục sư Hoàng Trọng Thừa về với Chúa ngày 28 tháng 7 năm 1953. Ông được an táng ở Quảng Nam.

 

Tổng hợp:  Nguyễn Trọng

(Nguồn: huongdionline.com & the-he-moi.blogspot.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan